04/06/2021 11:42 View: 2916

Tháng Phật Đản năm 2020 nên làm gì?

Tháng Phật Đản năm 2020 chính là tháng 4 âm lịch, ngày lễ Phật Đản sẽ rơi vào thứ Năm ngày 15.4 âm lịch năm Canh Tý (tức 7 tháng 5 dương lịch). Vậy đại lễ Phật đản năm nay có gì khác với mọi năm? Tháng Phật đản chúng ta nên làm gì? Cần kiêng kỵ gì và nên đi lễ chùa vào ngày nào tốt nhất?

phat dan, le phat dan 2020

2020: Sẽ có một đại lễ Phật đản rất khác 

Chắc hẳn, tháng Tư năm nay sẽ là một tháng Tư rất khác. Dẫu có khắc khoải chờ đợi những cơn mưa đầu mùa, dẫu có trông về một mùa Phật đản thế nào, thì trong tâm khảm của tất thảy chúng ta lúc này, mong muốn lớn nhất chính là đại dịch sớm qua để có thể hướng về một cuộc sống giản dị: bình an, tự do và hạnh phúc.

Trong suốt hơn 3 tháng qua, thế giới trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: lo lắng, bất an, sợ hãi, đau đớn, hy vọng và cả phẫn nộ. Một loại virus nhỏ bé, không biết có đủ tiêu chí để xem là một chúng sinh hay không, đã làm đảo lộn trật tự thế giới loài người. Và theo đó, một trật tự khác âm thầm được sắp đặt, khiến con người suy nghĩ sâu hơn về những việc làm của mình cũng như mối tương quan giữa con người và thế giới - một bài học phải trả giá bằng rất nhiều mạng sống!

Cách đây hơn 2.500 năm, Đức Phật - bậc đại trí tuệ và từ bi, đã ban tặng cho nhân loại những lời dạy minh triết, thiết thực về giá trị của tình thương và sự sống, về duyên sinh - nhân quả, về sự bình đẳng tất yếu giữa muôn loài. Thế nhưng, trong cuộc tồn sinh vội vã và tất bật, chúng ta đã bỏ qua lời dạy ấy; cho đến khi loài virus nhỏ bé kia xuất hiện, loài người - vốn tự cho mình là thượng đẳng, đã trở nên hoảng hốt và bất lực, dần nhận ra được ngoài tình thương và sự sống, tất cả những gì chúng ta đang cố gắng tranh giành đều vô nghĩa. Chúng ta đã thực sự đối xử với cuộc sống của mình như thế nào? Có phải chúng ta đã bỏ qua quá nhiều thứ đơn-giản-quý-giá để phục vụ cho lòng tham bất tận?

Năm nay, tháng Tư - mùa Phật đản, sau một khoảng lặng đủ dài của giãn cách xã hội, của sự “ở yên quý báu”, chúng ta ắt hẳn sẽ đón chào ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh trong một tâm thế khác: lặng lẽ mà sâu sắc.

  • Sẽ không có những lễ đài tập trung đông người với cờ hoa rực rỡ - chúng sẽ ta tự trang nghiêm thân bằng cách lễ Phật tại nhà.
  • Sẽ không có những đoàn xe hoa lộng lẫy trên phố - chúng ta sẽ rước Phật vào lòng bằng những giờ ngồi yên thiền định hay tụng kinh, niệm Phật.
  • Sẽ không có những đêm văn nghệ tươi vui - chúng ta sẽ xưng tán, cúng dường Thế Tôn bằng cách thực hành lời Phật dạy…

Trong những ngày này, thông qua mạng xã hội, nhiều người con Phật cũng đã đề xuất những ý tưởng tổ chức Đại lễ Phật đản thích hợp trong kỳ đại dịch. Theo đó, Giáo hội nên thiết trí một hoặc một vài lễ đài chính, cung thỉnh chư tôn đức đại diện cử hành Đại lễ; chương trình sẽ được phát trực tuyến để Phật tử có thể tham dự từ xa. Các tự viện thiết kế đài tắm Phật trong suốt Tuần lễ Phật đản, và chùa sẽ mở cửa từ sáng đến tối nhằm kéo giãn thời gian cho Phật tử tùy duyên đến chùa tắm Phật, lễ Phật, đảm bảo việc không tập trung đông người. Ngoài ra, Giáo hội cũng có thể ấn định một khung giờ cố định để Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc, dù ở yên một chỗ, vẫn có thể cùng chung ngồi thiền hoặc niệm Phật, tạo nên nguồn năng lượng bình an vững chãi.

Như thế, những bông hoa tâm nở rộ, chúng ta sẽ cùng nhau lan tỏa thông điệp Phật đản PL.2564 - thông điệp về sự sống và tình thương - đến với toàn thể nhân loại.

Những việc nên làm trong tháng 4: tháng phật đản

Theo một số quan niệm tâm linh, trong tháng kỉ niệm thời điểm Đức Phật sinh ra này, khí lành và khí tốt trong đất trời sẽ rất vượng nên đây cũng là thời điểm thích hợp để khởi sự rất nhiều công việc trong cuộc sống. VD như

  • Khai trương cửa hàng, công ty, khởi sự công việc mới, mua sắm nhà cửa xe cộ. Lấy sự sinh sôi mà thêm phần thành công phát đạt
  • Đi lễ cầu an, sức khoẻ, trí tuệ. Trình bày bệnh tật của bản thân lên bậc bề trên để xin sự an yên mạnh khoẻ
  • Thử chữa trị vô sinh, cầu tự, sử dụng các biện pháp nhân tạo hoặc cầu cúng giải quyết vấn đề hiếm muộn. Lấy sự sinh sôi mà thêm lộc con cái
  • Sám hối, nguyện cầu, trình bầy các câu chuyện, hoàn cảnh của bản thân để cuộc sống được an yên thuận hoà.

Lấy sự linh thiêng, thời điểm âm dương giao thoa mà ăn mày cửa Phật  truy cầu sự phù hộ độ trì cho mọi khổ não được giải thoát phần nào

Một số quan niệm sai lầm trong tháng 4: Tháng Phật đản

Làm phúc trong tháng Phật Đản sẽ được hồi báo gấp trăm gấp nghìn lần.

Đây là quan niệm sai rất sai

Làm phúc thì sẽ luôn được hồi báo. Nhưng chuyện gấp nhiều lần trong tháng Phật Đản thì không có đâu.

Nếu có suy nghĩ đấy và đợi đến Phật Đản mới làm phúc thì khác gì đợi siêu thị nhân đôi điểm tích luỹ mới đi mua sắm. Phúc, lộc, nhân quả hồi báo - không phải theo kiểu chợ búa như vậy. Hãy làm phúc, giúp người, giúp vật bất cứ khi nào có cơ hội hoặc mình có thể.

Đã là Phật Đản thì cầu gì cũng được

Cần phải hiểu chuyện tâm linh tức là từ tâm mà linh ứng. Và cái gốc của sự linh ứng đến từ cách sống của bạn, theo quy luật nhân quả đơn giản nhất, thiện có thiện báo, ác giả ác báo

Vậy nên

  • Nếu là người cho vay nặng lãi, đi kêu cầu con nợ giả nợ - không có đâu
  • Nếu là người buôn gian bán lận, đi kêu cầu thêm khách, thêm hàng - không có đâu
  • Nếu là người tâm sân, tâm si, tâm tham tân hận - đi kêu cầu Phật Thánh túm tóc người mình ghét dìm nó xuống để tìm kiếm sự hả hê - lại càng không có

Hãy là người tử tế và năng làm việc thiện, khi đó không cần cầu cúng lễ bái nhiều - mọi sự tự khắc hanh thông. 

Tháng Phật Đản là thời điểm chúng ta nên buông bỏ một chút tham sân si, truy tìm Phật tính trong con người mình. Có thêm trí tuệ, có thêm giác ngộ để có được bình yên giữa cuộc đời.

Chúng ta ai cũng vậy, không thể hết tham, hết sân, hết si nhưng ít nhất cũng có được chút an nhiên cho tâm hồn mình. Vậy đã là đủ rồi !

LẤY CỦA NGƯỜI ĐI CÚNG, THÌ PHƯỚC ĐỨC GÌ ?

Ngày xưa có một cô bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Không ai nuôi nấng, cô phải đi ăn xin ngoài chợ. Khi màn đêm buông xuống, cô lấy chiếu quấn vào người nằm ngủ đơn côi giữa những túp lều ngoài chợ.

Mùa Phật Đản năm ấy, nghe những người đi chợ nói với nhau, cúng dường Tam Bảo để tạo phước, cô bằng tìm cách để mua lễ vật để đến chùa.

Một hôm, để dành được hai xu, cô muốn cúng lễ vật nào mà chư Tăng trong chùa đều hưởng được hết. Nghĩ vậy, cô mua hai xu muối, đem vô chùa năn nỉ các vị tăng nấu cơm:

- Con có hai xu để mua muối, xin được cúng hết chư Tăng trong chùa, mong người giúp cho.

Vị cao Tăng liền bỏ nắm muối của cô vào nồi canh to. Trưa hôm đó, chư Tăng trong chùa đều được hưởng đầy đủ.

Thời gian trôi đi, cô cũng không còn nhớ chuyện cúng muối nữa.

Càng lớn khôn, cô càng xinh đẹp lạ thường.

Khi đó, trong triều đình, nhà vua đang kén chọn người làm vợ thái tử. Tuy nhiên, thấy mỹ nhân nào, thái tử cũng từ chối. Vua bằng ra lệnh cho các quan tìm người nào vừa ý thái tử sẽ được trọng thưởng.

Trước lúc bấy giờ, một ông quan ngang qua ngôi làng của cô bé. Thấy trên trời có vầng mây đỏ, ông nghĩ rằng, nơi đây chắc có dị nhân phước lớn.

Đến giờ Ngọ (12 giờ trưa), trên đường trở về, ông gặp cô bé khoảng 16 tuổi đang trùm chiếu ngủ. Đến gần, cô bé thức giấc, thấy binh lính, sợ hãi chạy trốn.

Thấy người con gái xinh đẹp, lại sống đầu đường xó chợ, ông thương xót, đem về nuôi dưỡng.

Cô được ăn mặc tử tế, dạy dỗ đàng hoàng.

Đến năm 18 tuổi, ông dẫn cô đến yết kiến. Nhà vua gọi thái tử lại, vừa thấy cô bé, chàng có cảm tình ngay.

Triều đình tổ chức lễ cưới cho thái tử.

Năm sau, nhà vua băng hà, thái tử lên ngôi, cô bé trở thành hoàng hậu.

Nhớ chuyện mùa Phật Đản năm ấy, hoàng hậu sắm lễ vật cao sang quý giá, truyền quan quân chở đến ngôi chùa xưa kia.

Nhà chùa đón tiếp nhưng không đánh chiêng trống trong lúc hoàng hậu dâng lễ vật.

Lấy làm lạ, hoàng hậu gặp thầy trụ trì hỏi:

- Thưa thầy, ngày xưa con là đứa ăn mày, chỉ cúng dường có hai xu muối mà nghe nhà chùa đánh chuông trống vang vọng khắp nơi. Ngày nay, con là hoàng hậu cúng cả xe trân bảo mà không nghe chuông trống gì hết ?.

Thầy ngước mắt nhìn vào cõi mênh mông, mỉm cười đáp:

- Ngày xưa, hai đồng xu rất quý vì đó là mạng sống của con. Muốn cúng chùa con phải nhịn đói nên hai xu ấy lớn vô cùng. Ngày nay con là hoàng hậu, của cải đầy xe nhưng đó là của nhân dân chứ đâu phải của con. Lấy của người làm phước cho mình thì đâu còn gì là phước đức.