04/06/2021 11:35 View: 18635

Quan Hoàng Mười và tất cả những điều cần biết về ông

Trong số Thập vị quan Hoàng, Thánh ông Hoàng Mười là một trong những vị tồn tại nhiều dị bản về thân thế. Thánh ông Hoàng Mười được gắn với các nhân vật có thật trong sử sách.

quan hoang muoi tran thu nghe an

Cõi Trần mở tiệc mừng vui

Đông về nhớ Đức Hoàng Mười giáng sinh

Rượu đào kính chúc Thánh minh

Phong hoa, tuyết nguyệt phẩm bình mấy chương

Ngẫm câu Thế sự vô thường

Tấc son mượn nước cành dương tưới nhuần

Vắng người vắng cả mùa Xuân

Nhớ người vì Nước, vì Dân, vì Đời

Thế gian nhớ miệng Hoàng cười

Nhớ khăn Hoàng chít, nhớ lời Hoàng ban

Khi phố Cát, lúc đồi Ngang

Nón kinh vó ngựa, dăm ngàn tiêu dao

Đường đường cung kiếm anh hào

Túi thơ, bầu rượu sớm chiều xênh xang

Hèo hoa trảy hội Tiên hương

Chấm đồng nhận lính khắp miền Đông Tây

Khi nương gió, lúc cưỡi mây

Khi rung khánh ngọc, khi lay chuông vàng.

Sự tích về Ông như thế nào? Ông có vị trí như thế nào trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt? Xin chia sẻ cùng quý vị.

​1.Truyền thuyết, giai thoại, thần tích.

​Ông Hoàng Mười là ai? Truyền thuyết, giai thoại, thần tích về Ông như thể nào?

Đến nay giới nghiên cứu vẫn còn nhiều điều chưa thống nhất. Tuy nhiên qua các đạo sắc phong còn lưu giữ, qua điền giã dân gian, qua chuyện kể và tâm thức dân gian thống nhất một số vấn đề sau.

​Về thân thế (hóa thân) của ông Hoàng Mười: 

Theo như ở vùng Nghệ Tĩnh thì ông được coi là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh, sau làm đến nguyên thần tam triều Lê gia, phong đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân.

Lại có một dị bản khác cho rằng ông giáng xuống trần là Uy Minh Vương Lí Nhật Quang, con trai Vua Lí Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An. Tuy nhiên sự tích ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời vua Lê Thái Tổ được nhiều nhiều người nhất trí cao. Nguyễn Xí xuất thân tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An ngày nay. Ông là bậc đại công thần, là võ tướng, chính trị gia lỗi lạc giúp Lê Lợi chiến đấu chống giặc Minh xâm lược.

Nguyễn Xí là vị quan phò tá qua 4 đời vua Lê gồm. Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông. Đây là giai đoạn cực thịnh của nhà Lê. Sự hưng thịnh đã đi vào ca dao rằng:

​​“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
​​ Lúa chất đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”,

​Hay:

“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
​​Con bế, con dắt, con bồng, con mang”...

​Sinh thời, Nguyễn Xí không chỉ là một bậc quan khai quốc công thần, tài hoa lỗi lạc mà ông còn giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo. Sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược, ông được Lê Lợi phân công cai quản đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, ông đã dạy dân trồng lúa nước, đắp đê ngăn lũ, thủy lợi nội đồng...

Tương truyền, trong một lần gió lớn, mưa to, nhà cửa, cây cối của người dân bị bẻ sập, Nguyễn Xí đốc thúc quân lính và đích thân lên rừng đốn gỗ về dựng lại nhà cửa cho dân, sai người mở kho lương thực cứu tế kịp thời. Nhờ đó mà nhiều người đã thoát khỏi đói rét, chết chóc vì bão lũ... Vì vậy được dân chúng khắp nơi tôn sùng, coi như hiền thánh. Sự hưng thịnh của các đời vua Lê có dấu ấn quan trọng của Nguyễn Xí và bộ máy quan đại thần hạ triều.

Xem ngay: Hoài Thanh hát văn dâng quan Hoàng Mười cực hay

​Về sự tích hiển thánh của quan Hoàng Mười

Hiện nay trong tâm thức dân gian vẫn thống nhất câu chuyện kể về sự tích Ông hiển thánh như sau:

Chuyện kể rằng, một lần Nguyễn Xí dạo thuyền trên sông Lam, đoạn qua núi Hồng Lĩnh thì bỗng có đợt sóng to, gió lớn nổi lên, thuyền của ông bị thủy triều, phong ba cuốn đi mất. Dân chúng biết tin liền đến bên đôi bờ Lam giang mà tỏ lòng thương tiếc, người người khóc thương vị quan hết lòng vì dân.

Đúng lúc đó, bầu trời đang cuồng phong bão táp bỗng tan biến, bầu trời nổi áng mây vàng, thi thể của ông nổi lên mặt nước, sắc mặt hồng hào như người nằm ngủ. Khi dạt vào bờ, đất xung quanh bỗng bao bọc lấy di quan. Cùng lúc, trên nền trời bỗng xuất hiện mây ngũ sắc, kết thành xích mã và thiên binh đưa ông về trời.

Sau khi ông mất, người dân Nghệ An lập đền thờ ông. Bách tính suy tôn ông là Thánh ông Hoàng Mười. (hay còn gọi là Ông Mười Củi) bời vì ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn), không những ông xông pha chinh chiến nơi trận mạc, mà ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương, hết lòng hết sức thương dân, chính trực, nghiêm minh … Ông khi hiển ứng, được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong Dinh đô Mỏ Hạc Linh Từ.

​2. Vị trí của ông trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

​Tín người thờ Mẫu của người Việt ra đời từ thế kỷ XV, XVI là tín ngường văn hóa dân gian bản địa suy tôn những người anh hùng dân tộc có công với dân với nước. Trong hệ thống thần điện thì ông hoàng Mười có vị trí rất quan trọng, Ông là một vị quan hoàng nằm trong hệ thống điện thần thờ mẫu tứ phủ, nơi nào có điện thờ Mẫu là nơi đó có tượng hoặc bàn thờ ông Hoàng Mười, mọi canh hầu đều thỉnh Ông về chứng đàn, chứng sớ ….

Ông là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Cùng với Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười cũng là một trong hai vị Ông Hoàng luôn về ngự đồng, cũng bởi vì ông còn được coi là người được Mẫu giao cho đi chấm lính nhận đồng.

​Khi ngự về đồng Ông Mười thường mặc áo vàng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét vàng, cài chiếc kim lệch màu vàng kim. Ông ngự về tấu hương rồi khai quang, có khi ông múa cờ xông pha chinh chiến, có khi lại lấy quạt làm quyển thư, lấy bút gài đầu để đi bách bộ vịnh phú ngâm thơ, có khi ông lại cầm dải lụa vàng như đang cùng người dân lao động kéo lưới trên sông Lam (quan niệm cho rằng đó cũng là ông kéo tài kéo lộc về cho bản đền) và ông cũng cầm hèo lên ngựa đi chấm đồng.

Khi ông ngự vui, thường có dâng đọi chè xanh, miếng trầu vàng cau đậu, thuốc lá (là những đặc sản của quê hương ông) dâng cờ, dâng quạt, dâng bút nghiên … rồi cung văn tấu những điệu Hò Xứ Nghệ. Ông về ngự đồng ban tài, ban lộc, thưởng thơ, thưởng, trà, rượu..

Xem thêm: Căn đồng: 3 năm thử lính, chín năm thử đồng

Ngày tiệc quan Hoàng Mười & đền thờ

​Ngày ông giáng sinh 10/10 âm lịch được coi là ngày tiệc chính của ông, người ta dâng ông: cờ quạt bút sách … để cầu tài cầu lộc cũng là cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.

​Đền thờ Ông Hoàng Mười có hai đền là Đền Chợ Củi bên Hà Tỉnh và Đền Mỏ Hạc bên Nghệ An (đền chính) Cả hai đền đều ở bên bờ sông Lam, núi Hồng Lĩnh (cũng chính là nơi quê nhà của Ông Mười). Các triều đại phong kiến Việt Nam đã sắc tặng Ông Mười tất cả là 21 sắc phong (tất cả đều còn lưu giữ trong đền chính thờ ông).

Đi lễ ông Hoàng Mười cầu gì? 

Theo dân gian Ông Hoàng Mười là vị thánh chuyên ban lộc cho phát về công danh sự nghiệp. Chính vì thế, ai cũng muốn đến xin lộc ông vào mỗi dịp đầu năm. Đó cũng là lý do khiến những ngôi đền thờ ông Hoàng Mười luôn tấp nập du khách vào mỗi dịp đầu xuân để cầu xin lộc.

Bao công đắp điếm vun trồng
Tưới lan lan tốt, vun hồng hồng xanh
Khăn điều áo ngự vàng anh
Đố ai hoạ được bức tranh ông tày
Vòng vàng nhẫn ngọc luồn tay
Cổ đeo kim khánh chân hài thêu hoa
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Ghế Hoàng bao tuổi vẫn hào hoa hơn người
Thế gian nhớ miệng hoàng cười
Nhớ câu Hoàng dạy, nhớ lời truyền ban
Đời người chỉ ngắn tấc gang
Gắng tu nhân tích đức ắt vẻ vang gia đình
Như cây muốn tốt lá xanh cành
Nhất tâm tu đức, Hoàng dành phần cho
Người ơi chớ ngại đừng lo
Cõi tu như bể rộng nhưng khéo dò vẫn tới nơi

Ông Hoàng Mười thường độ cho các con nhang đệ tử về khoẻ mạnh, học hành, công việc, công danh, bình an. Đặc biệt là cầu công danh sự nghiệp thăng tiến, thuận lợi, phát tài phát lộc, mọi việc suôn sẻ.


Nam mô Hương vân cái bồ tát ma ha tát.
​Nam mô Hương vân cái bồ tát ma ha tát.
​Nam mô Hương vân cái bồ tát ma ha
tát.

Nguyện cầu Quốc thái dân an, quốc gia hưng thịnh, nhà nhà yên vui….

Thanh đồng "Hoàng Tiến Hưng"

Tamlinh.org