04/06/2021 11:35 View: 13092

Đền ông Hoàng Mười linh thiêng

Bước vào tháng 10 âm lịch cũng là tháng tiệc quan hoàng Mười, trấn thủ Nghệ An. Vậy quan Hoàng Mười hiện nay được thờ ở những ngôi đền nào? Đền Củi ở Hà Tĩnh hay đền Mỏ Hạc Linh Từ tại Nghệ An? Hãy cùng Tamlinh.org ghé thăm hai ngôi đền nổi tiếng này

den quan hoang muoi nghe an

Tiệc Cha chúng con vui mừng
Đóng bè tạo phúc băng rừng băng sông
Đôi tay con chắp sớ hồng
Mong gặp Cha lắm mồng 10 tiệc Cha
Trên đường con hát con ca
Từng giây từng phút cho qua đoạn đường
Niềm vui khôn xiết tỏ tường
Đường xa không quản, đường trường con băng
Chúng con tu sửa nói năng
Lời hay ý đẹp mong rằng Cha vui
Lời văn tiếng tấu ngọt bùi
Mong gặp Cha lắm tiến lùi không yên
Đường đi mưa gió triền miên
Chúng con không quản mọi miền về Cha
Đền Cha non nước sơn hà
Bồng lai tiên cảnh là là mây xanh
Sông Lam mặt nước vắng tanh
Trăng soi cảnh đẹp Cha dành cho con
Chúng con xin nguyện lòng son
Tu tâm tích đức cho tròn hiếu trung
Nếu sau hoạn nạn bần cùng
Xin Cha độ lượng khắp vùng quê hương
Nếu sau lỗi bước lầm đường
Xin Cha độ lượng tình thương Cha dành

Thơ: An Bình

Từ cầu Bến Thuỷ theo quốc lộ 1A đi về hướng Nam 4km, rẽ phải, đi tiếp 200m nữa du khách sẽ thấy dưới chân núi Ngũ Mã, ẩn hiện trong vườn cây cổ thụ có một ngôi đền cổ kính uy nghi. Đó là đền Chợ Củi, còn gọi là đền Củi. Đền Củi thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đến với đền Củi có thể đi bằng đường bộ, đường sông đều thuận lợi. Trong đền Củi có thờ thánh mẫu Liễu Hạnh, Hưng Đạo đại Vương nhân dân tôn kính gọi là Đức Thánh Trần, thánh Hoàng Mười.

Ngoài ra còn có Miếu cô Chín, miếu Cô, miếu Cậu. 

den cui ong hoang muoi, nghi xuan, ha tinh

Đền Củi Hà Tĩnh

Đừng bỏ lỡ: Hoài Thanh hát văn dâng quan Hoàng Mười cực hay

Đền CỦI Ở HÀ TĨNH

Đền Củi có tên chữ là Khu Độc linh từ được tạo lập ở cuối đời nhà Lê, là nơi thờ ông Hoàng Mười được truyền tụng linh thiêng. Đền ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cách thành phố Vinh chừng 10 cây số, hoặc từ Hà Tĩnh trở ra 40 cây theo quốc lộ 1.

Đền Củi nằm trên núi Khu Độc bên dòng sông Lam hữu tình là một trong những danh thắng có phong cảnh nổi tiếng ở Nghi Xuân.

Từ quốc lộ 1, men theo chân núi Ngũ Mã khoảng 300 mét, rồi xuôi theo bờ sông vài chục mét là đến đền Củi. Đây chính là nơi dãy Hồng Lĩnh vườn mình sà và dòng sông Lam. Đền tọa lạc trên núi Khu Độc thuộc Ngũ Mã hướng về phương Bắc, tựa lưng vào núi nhìn xuống Lam giang. Các tòa điện cao dần theo thế núi uy nghiêm, đường bệ dưới bóng nhiều cây cối cổ thụ.

Lộ trình từ Hà Nội đi lễ ông Hoàng Mười tại đền Củi, Hà Tĩnh

Trước đền sông nước mênh mang tạo nên không gian kiến trúc huyền ảo, linh thiêng. Qua vài lần tôn tạo nhưng đền vẫn giữ được nét xưa thần bí, hài hòa với cảnh quan sông núi. Tam quan của đền đặt liền biến sông, cao 2 tầng, đường nét tinh sảo và mền mại uyển chuyển của đôi rồng chầu nguyệt. Mặt trước tam quan có câu đối:

"Lam giang hiển hách tự thiên thu

 Ngũ mã anh linh chung tú khí".

Phía trong tam quan là hồ bán nguyệt ở sân thấp nhất của đền, vòng qua hồ qua 7 bậc thềm đến sân trên, bước thêm 5 bậc thềm nữa là tới đền.

Đền được xây dựng theo kiểu chữ tam gồm ba tòa, mỗi tòa ba gian. Các tòa thống nhất liên kết với nhau và bố trí thành các cung thờ. Thờ Tam tòa Thánh Mẫu, tiếp đến là Ngũ Vị Tôn Ông, sau đó là cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười rồi cung Trần Triều.

Ở cung thờ ông Hoàng Mười có hai bức đại tự "Mẫu Đức Chiếu ảnh" và "Huyền Từ Bố Chững" cùng câu đối: "Quá giả hóa tồn giả thần vị liệt Nam bang tứ bất/ Quốc hữu từ gia hữu danh cao thiên bản lục kỳ" (dịch: Cái đã qua là hóa, cái còn lại là thần, nước Nam có bốn vị bất tử/ Nước có đền, nhà có miếu, trời cao vốn có lục kỳ).

Mặt tiền hạ điện của ngôi đền có hai tầng mái, trông bề thế nhưng vẫn có nét thanh thoát. phần giữa hai tầng mái có đề: Linh Từ Thánh Mẫu. Trước đền và mặt bên của hàng cột hiên có khắc các câu đối ca ngợi vẻ đẹp của ngôi đền - nơi lưu đức ông Hoàng Mười muôn thuở.

den mo hac hoang muoi, ong hoang muoi nghe an

Đền Mỏ Hạc - Nghệ An

Xem thêm: Căn đồng: 3 năm thử lính, chín năm thử đồng

ĐỀN MỎ HẠC LINH TỪ Ở NGHỆ AN:

Đền ông Hoàng Mười hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ ở xã Hưng Thịnh huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Năm 2002, đền ông Hoàng Mười được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử, Văn hoá, có hai kỳ lễ hội lớn là Rằm tháng 3 Âm lịch (lễ hội khai điểm) và ngày Lễ hội giỗ ông Hoàng Mười (10/10 Âm lịch).

Đền ông Hoàng Mười nằm cách trung tâm thành phố Vinh khoàng 2 km theo đường chim bay. Được xây dựng năm 1634 (thời hậu Lê), đến thờ các vị phúc thần như Song đồng Ngọc Nữ, thờ ông Nguyễn Duy Lạc (một võ tướng thời Lê, quê ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh), thờ hệ thống đạo Mẫu tứ phủ Liễu Hạnh. Vị thần chính của ngôi đền này là ông Hoàng Mười.

Khi nhắc đến ông Hoàng Mười, không chỉ những người theo đạo Tứ phủ (Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam Thánh mẫu và Đệ tứ khâm sai) mà người dân từ Bắc chí Nam ai cũng ngưỡng mộ và nhiều nơi lập đền thờ vọng Ngài. Tuy nhiên, đền thờ chính của Ngài thì có lẽ vẫn chưa nhiều người biết đến. Trong một bài hát chầu văn có câu "Đền thờ Mỏ Hạc ngã ba Tam Kỳ". Một bài ca dao cũng có đoạn:

"Đường về xứ Nghệ nghĩa tình, sông Lam núi Quyết địa linh bao đời, Tam Kỳ Mỏ Hạc là nơi, Đền thờ lăng mộ đời đời khói nhang...".

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Văn Đạt cho biết, từ những câu thơ này, ông đã đi tìm Mỏ Hạc, hình dung Hạc là một sinh vật đẹp, người xưa thường lấy Hạc và Rùa làm biểu tượng âm dương. Tìm đến làng Xuân Am, trước đây gọi là Âm Công (cuối thời nhà Nguyễn thì đổi tên thành xã Yên Pháp, nay là xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) thì thấy quả là nơi có hình tượng đầu một con Hạc đẹp tuyệt vời do những con sông Mộc, sông Vĩnh tạo thành, đầu con Hạc đội Lam giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn.

Đấy là nơi có đền thờ ông Hoàng Mười linh thiêng, "Mỏ Hạc Linh Từ" là tên chữ của đền, có nghĩa là ngôi đền linh thiêng toạ trên vùng đất có hình "con hạc" mà đền lại nằm ở vị trí phía "mỏ".

Có ai lên đất Nghệ An
Đến ngôi đền cạnh sông Lam mà vào
“Linh từ mỏ hạc“ thanh tao
Linh thiêng tối tú nơi nào sánh hơn
Long chầu hổ phụng đua vờn
Non xanh nước biếc liễu hờn đẹp sao
Muôn dân nô nức ra vào
Thỉnh Quan Hoàng Thập anh hào chốn đây
Phong quan cai quản phủ Giầy
Uy danh lừng lẫy dựng xây nước nhà
Hoàng ban phúc lộc đề đa
Lộc buôn lộc bán lộc làm lộc ăn
Hoàng thương lính ghế khó khăn
Đường xa không quản, siêng năng về Hoàng
Hoàng ban tiếng ngọc, lời vàng
Hoàng ban lính ghế những tràng thơ hay
Hoàng cho buôn đắt bán may
Lộc tài rộng mở ngày ngày bình an
Lời thơ tiếng ngọc hoàng ban
Hoàng độ lính ghế vinh khang thọ trường
Hoàng ban danh diện tỏ tường
Hoàng độ lính ghế đi đường bình an
Hoàng độ bệnh tật tiêu tan
Hoàng độ các ghế an nhàn sớm hôm

di le ong hoang muoi, quan hoang muoi nghe an

Đường đi từ Hà Nội đến đền ông Hoàng Mười Nghệ An

Chuyện huyền bí quanh đền Ông Hoàng Mười thiêng nổi tiếng VN

Cho đến nay, có rất nhiều giai thoại về thân thế vị thần chủ của đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An, trong đó có cả những câu chuyện đầy màu sắc kỳ bí...

Nằm ở địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, đền Ông Hoàng Mười là một ngôi đền cổ nổi tiếng về sự linh thiêng của xứ Nghệ. Theo các nguồn tư liệu, đền được xây dựng năm 1634, từ thời hậu Lê. Sau này trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi đền đã trở thành phế tích. Đến năm 1995, đền mới được tôn tạo lại như ngày nay.

Hiện tại, đền tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng 1 ha. Khu đền chính gồm có ba tòa điện, từ trước đến sau là Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Các công trình này mang kiến trúc đền chùa thời nhà Nguyễn.

Các điện thờ của đền Ông Hoàng Mười được bài trí tôn nghiêm, luôn nghi ngút khói hương và đầy ắp đồ lễ. Các họa tiết kiến trúc bằng gỗ của đền được chạm trổ công phu với các mô-típ long, lân, quy, phụng điển hình của đền chùa Việt.

Là đền thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính ở đây là ông Hoàng Mười, người có công hộ quốc bảo dân, chở che cuộc sống cộng đồng, được nhân dân khắp mọi miền ngưỡng mộ và tôn kính. Ngoài ra, đền còn thờ các vị phúc thần: Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung, Song Đồng Ngọc Nữ và hệ thống đạo Mẫu tứ phủ, mà người đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Trong khuôn viên đền còn có lăng mộ Ông Hoàng Mười nằm bên con sông Cồn Mộc, kết hợp với khu đền tạo thành một tổng thể kiến trúc khá hài hòa.

Cho đến nay, có rất nhiều giai thoại về thân thế Ông Hoàng Mười, vị thần chủ của đền, trong đó có cả những câu chuyện đầy màu sắc kỳ bí.

Theo lời kể ở vùng Hà Tĩnh thì Ông Hoàng Mười chính là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh.

Một truyền thuyết dân gian lưu truyền ở xứ Nghệ thì cho rằng Ông Hoàng Mười là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước...

Theo một dị bản của truyền thuyết này, ông giáng xuống trần và trở thành Uy Minh Vương Ly Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An.

Một dị bản khác kể rằng ông giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới quyền Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Có lẽ, chính những giai thoại huyền bí này càng bao phủ lên đền thờ Ông Hoàng Mười một bức màn tâm linh thiêng liêng, kỳ ảo...

Đền Ông Hoàng Mười có hai kỳ lễ hội lớn là lễ hội khai điểm vào rằm tháng 3 Âm lịch và lễ hội giỗ ông Hoàng Mười từ ngày 8/10 đến 11/10 âm lịch. Trong đó, giỗ ông Hoàng Mười được coi là mùa tạ lễ quan trọng nhất.

Vì sự linh thiêng của ngôi đền, không chỉ trong những ngày lễ hội, mà quanh năm, du khách thập phương từ mọi miền lại tụ hội về xứ Nghệ, đến với đền Ông Hoàng Mười tế lễ để nguyện cầu những điều an lành, hạnh phúc.

Ngoài ra, ngôi đền cũng là một địa điểm lý tưởng để khám phá những nét văn hóa đặc sặc gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.

Trên bản đồ du lịch, đền Ông Hoàng Mười đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong hành trình khám phá xứ Nghệ.

Tamlinh.org