04/06/2021 11:48 View: 17522

Tiệc ông Hoàng Mười vào ngày nào?

Nếu như trong tháng 9 có rất nhiều ngày lễ lớn, như tiệc Quốc Mẫu Âu Cơ, tiệc Mẫu Cửu Trùng Thiên, tiệc cô Chín Sòng, cô Chín Giếng, tiệc Công đồng Bắc Lệ... thì sang tháng 10 - chính tiệc lớn nhất trong tín ngưỡng thờ Tứ Phủ lại là tiệc ông Hoàng Mười. Vậy Ông Hoàng Mười là ai? Lễ ông Hoàng Mười vào ngày nào? Đền ông Hoàng Mười ở đâu? Đền ông Hoàng Mười cầu gì? Sắm lễ, văn khấn xin lộc ông Hoàng Mười?... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu

den quan hoang muoi

Ông Hoàng Mười là ai?

Theo truyền thuyết, ông Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản.

Theo như ở vùng Nghệ Tĩnh thì ông được coi là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh. Vì thế, ông Hoàng Mười còn được nhân dân xứ Nghệ tôn vinh là "Đức thánh minh", là một vị quan nằm trong hệ thống điện thần thờ mẫu tứ phủ ở Việt Nam. Nơi nào có điện thờ mẫu là nơi đó có tượng hoặc bàn thờ ông Hoàng Mười.

  • -Tên húy Ngài: Nguyễn Xí
  • -Sắc phong: Thượng Đẳng Thần
  • -Đền thờ chính: Hà Tĩnh, Nghệ An

Thần tích  - Sự tích về thân thế ông Hoàng Mười

Như đã nói, thân thế ông Hoàng Mười có rất nhiều dị bản khác nhau được lưu truyền trong nhân giân, tuy nhiên nổi bật nhất có lẽ là 2 sự tích sau:

Ông Hoàng Mười trong lịch sử

Theo như ở vùng Nghệ Tĩnh thì ông được coi là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh, sau làm đến nguyên thần tam triều Lê gia, phong đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân. Lại có một dị bản khác cho rằng ông giáng xuống trần là Uy Minh Vương Lí Nhật Quang, con trai Vua Lí Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An. Cụ thể như sau: 

Trong tâm thức dân gian của người xứ Nghệ, ông Hoàng Mười còn là hiện thân của vị tướng tài Lê Khôi (nghĩa quân Lam Sơn), gọi Lê Lợi bằng chú. Ông theo Lê Lợi và có nhiều công lớn trong 10 năm chống giặc Minh xâm lược, sau làm đến nguyên thần tam triều Lê gia, phong đến chức Khâm sai tiết chế Thủy lục chư dinh hộ vệ Thượng tướng quân.

Lại có giai thoại rằng, khi tướng quân Lê Khôi đánh thắng giặc trở về thì gặp một trận cuồng phong ập vào làm nhiều nhà dân vị đổ nát. Thương dân, ông lại cùng binh sĩ lên ngàn chặt tre, gỗ đưa về giúp dân làm nhà. 

Một lần không may khi bè về đến chân Hồng Lĩnh ở núi Ngũ Mã thì cuồng phong lại ập đến làm vỡ bè, ông gặp nạn. Quân sỹ và dân làng chưa kịp mai táng cho ông thì mối đã đùn đất lên thi hài ông thành mộ. Cảm phục và biết ơn ông, người dân đã lập đền thờ. Ông rất linh thiêng và thường hiển thánh cứu giúp muôn dân.

Theo sử sách, tướng quân Lê Khôi mất năm Bính Dần (1446), an táng trên ngọn Long Ngâm của núi Nam Giới, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh và được xây đền thờ. Sau đó ông lại được tấn phong là Uy mục đại vương rồi Chiêu Trưng đại vương năm 1487.

Cũng ở xứ Nghệ, ông Hoàng Mười được dân gian đồng nhất với nhân vật lịch sử nổi tiếng khác gắn bó với vùng quê này là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ tám của Lý Thái Tổ từng làm Tri Châu Nghệ An.

quan hoang muoi

Ông Hoàng Mười trong truyền thuyết

Nhưng sự tích được lưu truyền nhiều nhất có lẽ là câu chuyện: Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà). Tại đây ông luôn một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân, truyện kể rằng có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế.

Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam. Trong khi mội người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời. Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An.

Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười (hay còn gọi là Ông Mười Củi) không chỉ vì ông là con trai thứ mười của Vua Cha (như một số sách đã nói) mà còn vì ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn), không những ông xông pha chinh chiến nơi trận mạc, mà ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương, không chỉ nơi trần thế mà các bạn tiên trên Thiên Giới ai cũng mến phục, các nàng tiên nữ thì thầm thương trộm nhớ. Sau các triều đại đã sắc tặng Ông Mười tất cả là 21 sắc phong (tất cả đều còn lưu giữ trong đền thờ ông).

Đền thờ ông Hoàng Mười ở đâu? 

Trong lòng nhân dân, ông Hoàng Mười là một "đức thánh minh" trong hàng các ông quan Hoàng của tín ngưỡng Đạo Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ và được thờ ở nhiều địa phương trong nước. 

Nnhững nơi thờ Tứ Phủ theo Đạo mẫu đều thờ ông Hoàng Mười, nhưng chỉ là phối thờ. Dựa theo thần tích và truyền thuyết thì đền thờ chính đức ông Hoàng Mười nằm tại 2 nơi: 

  • Xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên - Nghệ An) đền còn có tên là đền Xuân Am (theo địa danh làng Xuân Am) hay Mỏ Hạc Linh Từ (theo địa hình thế đất, núi, sông của thuyết phong thủy). (Theo truyền thuyết)
  • Đền chợ Củi (tự Khu Độc Linh từ) tọa lạc bên dòng sông Lam đoạn qua xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Hiện chưa xác định được ngôi đền thiêng có từ thế kỷ nào. Chỉ biết rằng khi tướng quân Lê Khôi (đời nhà Lê, thế kỷ 15) đến trấn thủ ở Nghệ An đã thấy có ngôi đền này tuy nhỏ, lợp tranh nhưng có tiếng linh thiêng. Đền Chợ Củi, theo truyền thuyết năm xưa chính là nơi di quan ông Hoàng Mười trôi về và hóa. (Theo lịch sử)

Lễ ông Hoàng Mười vào ngày nào? 

Ngày ông giáng sinh 10/10 âm lịch được coi là ngày tiệc chính của ông, vào ngày này, du khách thập phương nô nức đến chiêm bái cửa đền ông thật là tấp nập. 

Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, vừa đảm bảo yếu tố tâm linh, vừa gìn giữ nét truyền thống xưa. Ngoài các nghi lễ truyền thống như lễ khai quang, yết cáo, lễ rước, đại tế và lễ tạ... còn tăng cường các hoạt động giao lưu văn nghệ quần chúng giữa các CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; thi đấu các môn thể thao và trò chơi dân gian như bóng chuyền nam, đua thuyền, kéo co, chọi gà, trò chơi vận động, cắm trại, thả đèn hoa đăng trên sông Cồn Mộc...

Ông Hoàng Mười ngự đồng như thế nào? 

Cùng với Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười cũng là một trong hai vị Ông Hoàng luôn về ngự đồng, cũng bởi vì ông còn được coi là người được Vua Mẫu giao cho đi chấm lính nhận đồng (khác với Ông Bảy, những người nào mà sát căn Ông Mười thì thường hay hào hoa phong nhã, giỏi thi phú văn chương).

Khi ngự về đồng Ông Mười thường mặc áo vàng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét vàng, cài chiếc kim lệch màu vàng kim. Ông ngự về tấu hương rồi khai quang, có khi ông múa cờ xông pha chinh chiến, có khi lại lấy quạt làm quyển thư, lấy bút gài đầu để đi bách bộ vịnh phú ngâm thơ, có khi ông lại cầm dải lụa vàng như đang cùng người dân lao động kéo lưới trên sông Lam (quan niệm cho rằng đó cũng là ông kéo tài kéo lộc về cho bản đền) và ông cũng cầm hèo lên ngựa đi chấm đồng như Ông Bảy, người ta cũng thường dâng tờ tiền 10.000đ màu đỏ vàng để làm lá cờ, cài lên đầu ông.

Khi ông ngự vui, thường có dâng đọi chè xanh, miếng trầu vàng cau đậu, thuốc lá (là những đặc sản của quê hương ông) rồi cung văn tấu những điệu Hò Xứ Nghệ rất mượt mà êm tai.

Đi lễ ông Hoàng Mười cầu gì? 

Khi đi lễ, người ta dâng ông: cờ quạt bút sách … để cầu tài cầu lộc cũng là cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông. Khi thỉnh Ông Mười, văn hay hát rằng: “Ông Mười trấn thủ Nghệ An/ Về huyện Thiên Bản làm quan Phủ Dày”.

Du khách đến đền Ông Hoàng Mười cũng để cầu sức khoẻ, công danh và bình an cho bản thân và gia đình. Dân gian truyền tai nhau rằng, Đức thánh Hoàng Mười sẽ ban lộc phát cho sự nghiệp ngày một thăng tiến. Chính vì vậy, vào mỗi dịp đầu xuân, ngôi đền luôn tấp nập du khách từ bốn phương tụ về để cầu lộc.

Đi lễ ông Hoàng Mười cần những gì? 

Về phần sắm lễ khi đến Đền Ông Hoàng Mười, bạn có thể tham khảo những món sau để có sự chuẩn bị chu đáo nhất.

  • 1 mâm xôi, gà, 1 chai rượu (5 chén), 1 chai nước, tiền dương, nén nhang.
  • 1 mâm sớ điệp, cau, trầu, tiền quan, tiền dương.
  • 1 mâm vàng quan màu vàng 5 dây.
  • 1 mâm 1 dây vàng trắng, 1 chai rượu, 5 chén rượu, tiền vàng, nén nhang, tiền dương, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 5 quả trứng vịt (đã rửasạch), 1 bó hoa để ban thờ Quan Ngũ Hổ).
  • 1 mâm hoa, quả, cau, trầu, tiền dương, chai nước…

Tuy nhiên, các bạn đến lễ đền điện không nên nhất nhất phải sắm thật nhiều lễ, hoặc nghĩ rằng tốt lễ dễ kêu, mâm cao cỗ đầy được thánh chứng lễ phù trì nhiều hơn.... hoặc thấy người khác làm sao mình cũng cố gắng theo làm vậy. Cần thiết nhất là cái tâm trong sáng, thành kính của người dâng lễ. 

Lễ mọn tâm thành, mâm cao cỗ đầy, đao to búa lớn mà không có tâm thì cũng không nói lên điều gì. Các bạn khi đi lễ cứ thành tâm hoa tươi quả tốt, tiền vàng, tiền trần, cặp nến vàng, trầu cau, bao thuốc. Nếu cẩn thận hơn thì mua thêm vài lon bia, xôi gà, cầu vàng mười hoặc ngựa vàng dâng ông. Đừng quên làm thêm lá sớ. 

Văn khấn khi đi lễ đền ông Hoàng Mười 

Bài khấn 1: Khấn nôm tuỳ tâm khấn 

Con tấu lạy tam vị đức vua cha.
Tấu lạy hội đồng thánh mẫu.
Con tấu lạy chư vị đình thần bốn phủ.
Tấu lạy đức thánh Trần triều, tấu lạy hội đồng nhà Trần

Con tấu lạy tứ phủ chầu bà ba tòa quan lớn hoàng triều hoàng quận, tấu lậy hội đổng quan hoàng.
Con tấu lạy quan Hoàng Mười thủ phủ đồng đền nơi đây

Con tấu lạy hội đồng tiên cô thánh cậu cùng hạ ban năm dinh 5 tướng, 10 dinh quan các ngự tại đền quan hoàng Mười linh từ.

Xuân thiên cát nhật đương thời, hôm nay là ngày... đệ tử con là..... cùng toàn thề bản hội... ngụ tại dịa chỉ..... 
Con về bái yết cửa quan Hoàng linh từ con có cơi trầu bát nươc thanh bông trà quả phù lang thanh tiết phù tiết thanh lang, tiền vàng sớ điệp tấu lên quan Hoàng.

Xin ngài chứng lễ, chứng mã, chứng tâm... độ cho con xin năm mới....... gì gì đấy tùy các bạn. 
Có thiếu sót gì xin các ngài tha thứ và hoan hỷ

Bài khấn 2

Nam mô a di đà Phật ( 3 lần )

Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất, con lạy chư phật mười phương, mười phương chư phật.
Con lạy toàn thể chư phật, chư tiên, chư thánh.
Con lạy: ...........( tên thánh chủ bản đền. Ví dụ, đến đền ông Hoàng Mười ta khấn: Con lạy Thánh Hoàng Mười tối linh)

Đệ tử con tên là:............. tuổi:..........
Ngụ tại:.................................

Hôm nay là ngày...., Chúng con đến đây có chút hương hoa, phẩm quả, lễ mặn (chú ý dâng gì thì kêu đó nghe - không có lễ mặn mà kêu lễ mặn là phải tội đó) xin dâng lên các chư tiên, chư thánh để cảm tạ ơn đức của các ngài đã phù hộ độ trì cho chúng con suốt thời gian qua. Vừa qua, được sự lưu tâm độ trì của các ngài mà công việc (Nếu đã xin việc gì cụ thể mà thành công thì xin trình bày) của con đã hanh thông vẹn tròn. Chúng con xin được cảm tạ và lễ tạ tất cả các Ngài.

Hôm nay, chúng con tới đây với tất cả lòng thành kính xin các ngài phù hộ độ trì cho con các việc sau: ( Nêu cụ thể các việc cần xin, các khó khăn có thể gặp phải và có thể cả hướng định giải quyết ra sao).

Một lần nữa, thay mặt gia chung chúng con, con xin các ngài dang tay cứu giúp. Chúng con xin đa tạ ...( tên vị thánh bản đền) và toàn thể các chư tiên, chư thánh.

Nam mô a di dà phật (3 lần).

*************************

Đi lễ không quá cầu kỳ về đồ lễ vì cõi âm thường: Chứng tâm không chứng lễ. Nếu có lễ thì nên đơn sơ. Chúng ta nên dành bớt phẫn lễ để cung tiến, hay giọt dầu. Việc đó tốt hơn vì góp công của xây dựng nhà đền sẽ được nhà ngài chứng tâm nhiều hơn. 

Tổng hợp