04/06/2021 11:47 View: 25231

Tam phủ là gì? Tam phủ thục mệnh là gì?

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam ta thường nghe mọi người nhắc về Tam phủ. Vậy Tam phủ là gì? Các khoá lễ trong Tam phủ? Lễ Tam phủ thục mệnh là gì? Nghi thức lễ Tam phủ thục mệnh? Ý nghĩa lễ Tam phủ thục mệnh? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu. 

mau de nhat thuong thien

TAM PHỦ LÀ GÌ

  • Tam phủ hay còn gọi là Tam phủ công đồng là hình thức sơ khởi ban đầu của Tứ phủ Công đồng.
  • Tam phủ là danh từ để chỉ ba vị thần thánh trong hệ thống tín ngưỡng Việt Nam gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, cai quản những lĩnh vực quan trọng nhất của một xã hội nông nghiệp.
  • Tam phủ công đồng cũng có nghĩa là Thiên phủ, Địa phủ, Thoải phủ khác với Tứ phủ là không có Nhạc phủ.

Theo quan niệm xưa: Tam phủ Công đồng hay gọi tắt là Tam phủ là nơi lưu trữ căn bản những tội phúc của con người, kiểm soát, coi sóc, giáng tai làm phúc cho sinh nhân trên toàn nhân thế, không riêng già trẻ, trai gái, có căn hay không có căn.

QUY MÔ TAM PHỦ?

Trong hội đồng nhà Thánh thì Tam phủ không có Nhạc phủ, không những thế, nhắc đến Tam phủ là không nhắc đến các hàng, Chúa, Chầu, Hoàng, Cô, Cậu mà ta thấy đầu tiên phải là Thiên phủ Chí Tôn, Địa phủ Chí Tôn và Thoải phủ Chí Tôn cùng các tùy tòng của các Ngài. Tuy nhiên, trên thực tế thì Tam phủ hay Tam phủ công đồng không phải chỉ có các thánh Mẫu và cũng không phải chỉ thờ các thánh Mẫu mà còn có vua cha và chư vị quan thần được tôn thờ với trật tự chặt chẽ. Trật tự này thường được thể hiện rất rõ trong các giá hầu đồng khi người ta thỉnh Thánh Mẫu, Chúa Bà, Quan Lớn, Chầu Bà, Quan Hoàng, Tiên Cô, Thánh Cậu theo những thứ tự nhất định. Điều này lý giải tại sao trong các bài văn khấn ta vẫn thấy giữ nguyên tắc “Con lạy Tam Phủ Công Đồng, Tứ phủ Vạn linh” ở đầu.

Hệ thống thần linh trong Tam phủ

Công đồng” trong Tam phủ công đồng là để chỉ tập thể các quan trong Tam phủ. Ban công đồng trong các đền thờ thường được bố trí như một triều đình với đầy đủ vua quan thực sự theo sơ đồ như sau:

Hàng thứ nhất: Phía trên cùng là Quán Âm Bồ Tát (còn gọi là Phật Bà Quán Ấm), hai bên có kim đồng, ngọc nữ hầu cận.

Hàng thứ hai: Tam vị đức vua (còn gọi là ba vị vua cha hay tam phủ ba vua) gồm có:

  • Thiên phủ thần vương (áo đỏ)
  • Nhạc phủ thần vương (áo xanh)
  • Thoải phủ long vương (áo trắng)

Ngoài ra có hai vị quan hầu cận.

Hàng thứ ba: Tam tòa Thánh Mẫu:

  • Mẫu đệ nhất Thượng Thiên (áo đỏ)
  • Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn (áo xanh)
  • Mẫu đệ tam Thoải Cung (áo trắng)

Tam toà thánh mẫu trong Tam phủ

  • Thượng Thiên thánh Mẫu: Thượng thiên thánh mẫu, vị thần sáng tạo ra bầu trời, trước hết là đại diện cho nguồn sinh lực vô biên, cốt lõi của sự sống và mọi nguồn hạnh phúc. Qua ngài, người ta mong mọi việc của bầu trời được diễn ra theo quy luật hiền hòa… Bà còn được biết đến là Mẫu Liễu Hạnh của Tứ Bất Tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. 
  • Thượng Ngàn thánh Mẫu: Thượng ngàn thánh mẫu là mẹ thế gian gắn với người Việt từ thời nguyên thủy. Trước đây, bà không chỉ có mặt ở rừng núi mà còn có mặt ở khắp mọi miền theo cơ cấu của làng xóm cổ truyền (rừng Sinh Dược - Bái Đính - Ninh Bình; rừng Báng – Đình Bảng – Bắc Ninh; rừng Sặt – Hải Dương; rừng Liên Bạt - Ứng Hòa – Hà Nội,…) Rừng là nơi chứa đựng những của cải tiềm ẩn, nuôi sống con người khi giáp hạt mất mùa; nơi để kiếm chất đốt và nam nữ tình tự; đặc biệt là nơi chôn người chết. Vì thế trong tư duy của người Việt, bà mẹ rừng tối linh tối thiện đã nâng đỡ các kiếp đời người đã qua, để những người có tâm lành tái sinh được thành Cô và Cậu (trong hệ thống điện thờ mẫu thì phần lớn các Cô, Cậu được đặt ở ban thờ này)
  • Mẫu Thoải: Mẫu Thoải (Thủy) hay Bà Chúa Lạch là vị thần sáng tạo ra mọi miền của nước, biển, sông, suối, đầm, hồ. Ngài được người nông dân Việt hết sức kính trọng, hệ thống thờ ngài và các thần linh liên quan có mặt hầu như ở khắp mọi nơi, như một sự đảm bảo cho nguồn nước nông nghiệp luôn được đầy đủ, và sau này ngài còn mang chức năng gần giống với Quan Âm Nam Hải trong tư cách vị thần gắn với thương mại và chài lưới.

VAI TRÒ, Ý NGHĨA CỦA TAM PHỦ?

Tam phủ vâng phụng Thánh Mẫu gia phong có quyền kiểm soát hết thẩy sinh mệnh của toàn thể sinh linh trong Vũ trụ nói riêng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Những tội ác hay phúc thiện trong quá khứ, những tai ương hay điều lành hiện tại, những hiện tượng sẽ xuất hiện trong tương lai thì sẽ được tất cả các Thánh đức trong Tam phủ biên kê rõ ràng và sai các Hành binh đi thi hành nơi nhân thế, đặc biệt nhất là việc thu lại hồn phách của người đó

Các nghi lễ có trong TAM PHỦ?

Những người bị vong theo, có duyên âm, thì bắt buộc khi làm lễ, ông thầy sẽ triệu tam phủ thục mệnh về, dùng quyền phép để CHUỘC VÍA cho đệ tử

Hoặc giả những người ốm lâu ngày mà không chết được, hoặc cũng không khỏe lại được thì người ta làm khóa lễ TAM PHỦ THỤC MỆNH, trong khoa lễ này có mục DI CUNG HOÁN SỐ với mục đích giải bệnh âm cho tín chủ, cầu tăng diên thọ, khi hành lễ có thể có thêm mục CẮT TRỨNG GIẢI BỆNH

Về nguyên lý của việc di cung hóan số và cắt trứng giải bệnh thì rất dài, nên không chia sẻ trong bài này

Hoặc những đàn PHẢ ĐỘ GIA TIÊN, GIẢI OAN CẮT KẾT, hoặc CẮT ĐOẠN TRÙNG TANG, với mục đích cầu siêu cho các vong linh gia tiên tiền tổ đã khuất, thì người ta cũng triệu hội đồng TAM PHỦ về để chứng đàn duyên và phân định việc âm phủ,

CÁC BẠN BỊ VONG THEO CŨNG NÊN LƯU Ý VẤN ĐỀ NÀY

Người hành lễ Tam phủ để sám hối tội lỗi của mình đã gây ra từ trước, có khi nó được dùng cho những người nặng căn nhưng không có khả năng xin hầu Thánh giá. Như vậy tam phủ không cần hầu.

NGHĨA LÝ CÁC KHOÁ LỄ TRONG TAM PHỦ?

A) Lễ tam phủ thục mệnh

Tiễn Căn cầu an giúp họ thống hối ăn năn những điều tội lỗi trước kia và tự định những việc mình sẽ phải làm trong hiện tại và tương lai, sau đó đối trước Tam phủ Thánh hiền cung xin chư Ngài cho phép phụng hành, tuyên thỉnh việc đạo, làm lành, lánh dữ, tu tập bản thân, nương theo Thánh lực ,để tự cứu độ bản thân, gia đình và mọi người xung quanh. Đó chính là nghĩa lí căn bản của việc trình Tam phủ.

B) Lễ tam phủ đối khám

Là khóa lễ cầu an, siêu cho các vong linh, sẽ giúp các vong linh:

  • Có tội thì được tha
  • Có oan thì được giải

Như vậy sẽ được siêu sinh, hoặc giả sẽ được đầu thai chuyển kiếp
..........

NÓI RIÊNG VỀ TAM PHỦ THỤC MỆNH

Người chủ trì lễ trình Tam phủ có thể là Đồng thầy hay Pháp sự. Lễ Tam phủ KHÔNG BẮT BUỘC phải hầu chứng, nếu có người hầu chứng phải là Đồng thầy. 

Người làm lễ không được hầu vì qua lễ này người đó chưa phải là Thanh đồng nên cũng không phải theo thầy, không phải theo lễ vấn hầu đồng.(nếu như trong đàn lễ tam phủ có lễ Tứ phủ của người khác)

Lễ vật để dâng cúng trong lễ trình Tam phủ là trai nghi thanh tịnh, vẫn có tam sinh, có mã.... 

Nếu gia chủ CÓ ĐIỀU KIỆN, đồng thầy sẽ Bắc ghế hầu chứng đàn duyên

Khai lễ mở Tam phủ thoạt đầu nhìn nghi tiết giống với khai trình đồng mở phủ, nhưng về bản chất hoàn toàn khác.

Khai trình mở Tam phủ là việc giải thoát cho người cung lễ khỏi những tội lỗi của của bản thân, giải thoát họ khỏi những triền nhọc, chứng nhân cho việc chuyển hóa đạo đức, còn khai chĩnh Tứ phủ là hình thức mở cửa Bốn phủ, đón nhận Bản mệnh của Thanh đồng, đánh dấu sự hiệp thông trực tiếp của Bản thân Thanh đồng với Tiên Thánh trong Công đồng Tứ phủ.

Sự khác nhau còn thể hiện ở hình thức, khai trình Tam phủ không có nối cầu, không khai trứng, không cấp thực ban ngân, không tưới tẩm cây cối… và đặc biệt hai thứ sau đây không thể không có:

  • - 3 chĩnh Tam phủ
  • - 3 gáo khai chĩnh lần lượt các phủ Thiên phủ màu đỏ, Địa phủ màu vàng, và Thoải phủ màu trắng.

Khoa nghi trong lễ trình Tam phủ cốt tủy tập chung vào 2 khoa nghi chính là Khoa Phát tấu và Khoa Tam phủ Thục mệnh. Thánh trong Tam phủ là Thánh cao trọng chỉ gồm Vua và các Bộ chúng nên phải nhờ tới năm vị Sứ giả để cung thỉnh Thánh đức. Sự hiệp thông của Năm vị Sứ giả cùng với lòng tín nguyện của bản thân mới có thể cảm động Tam phủ một cách tốt nhất. Ngoài ra, còn có thể có những khoa nghi khác như cung thỉnh Đấng Tối cao, Thánh mẫu, Chư thánh khác … tùy nghi và thời gian.

Việc chính của nghi lễ Tam phủ là nghi thỉnh khai chĩnh Tam phủ.

Việc khai chĩnh Tam phủ có thể được thực hiện ở hai thể thức khác nhau:

  • - Pháp sự khai chĩnh
  • - Và Quan thầy hầu đồng khai chĩnh.

Nếu chủ lễ là Pháp sự thì Pháp sự sẽ là người khai chĩnh. Khi Pháp chủ tuyên điệp Thiên phủ khai giải Thiên ngục xong, nhạc lễ tấu lên, Pháp sự hành sai, dùng 3 nén hương sai, cặp vào một chiếc gương nhỏ trên tay, đọc niệm hương khai quang:

“Dong nhan thập kì diệu

Quang minh chiếu từ chung

Ngã tích tàng cúng dạng

Kim phụng hoàng dân cận

Thánh chúa Tiên trung vương.”

Khai quang xong, Pháp sự hóa phù khai giải Thiên phủ màu đỏ, vừa hóa vừa cầm phù đang cháy trên tay hơ lên gáo màu đỏ, rồi cầm gáo màu đỏ mở chĩnh Thiên phủ, lấy một chút nước trong đó đổ lên đầu của người hành lễ. Các phủ khác tương tự như vậy.

Nếu người chủ trì lễ Sơ trình Tam phủ mà có hầu đồng, thì phần khai chĩnh lại ở trong phần hầu đồng. Khi hầu đồng Thánh giá sẽ đệ trình lên Tam phủ công đồng chính lẽ đó không có đốt phù khai giải. Thánh giá khai Tam phủ là Quan đệ nhất Thượng thiên, Quan đệ Tam Thủy phủ và Quan đệ tứ Khâm sai lần lượt khai chĩnh Thiên phủ, Thoải phủ và Địa phủ.

Sau khi Thánh giá làm các nghi lễ tiết thông thường như trong hầu đồng, an tọa và nghe Pháp sự tuyên sớ, báo cáo Thiên phủ khai giải Thiên ngục, trình lên Quan lớn phê “Chuẩn nạp”. Phê xong quan lớn vỗ gối đứng lên, hầu dâng tiến lên 3 nén hương sai và chiếc gương nhỏ, giá Quan khai quang, dùng gáo khai chĩnh, giá Quan lớn không đốt phù khai giải. Khai chĩnh xong giá Quan lấy chút nước đổ lên đầu của người hành lễ. Lần lượt Thiên phủ, Thoải phủ và đến Địa phủ.

Trình tam phủ: Ý nghĩa tâm linh lớn lao

Không có danh xưng mới nào dành cho người trình Tam phủ, nhưng ý nghĩa về mặt TÂM LINH như nói trên quả vô cùng lớn lao, họ được các Thánh đức trong Tam phủ công đồng chứng chiếu gia ân bảo hộ xóa bỏ những khung hình phạt đã được ghi chép tại Tam phủ ngục hình. Nhờ sự gia ân của Tam phủ và chí thiết của bản thân, những tội lỗi cũ của họ sẽ được ân xá phần nào, về trong cuộc sống cần chăm cầu nguyện, tiếp xúc với THÁNH MẪU và chư vị Tiên Thánh, làm việc phúc thiện thì những tội lỗi của họ sẽ được giảm xá.

--------------

*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của người viết trong quá trình nghiên cứu tâm linh, không đại diện cho tông môn nào. Nếu có gì thiếu sót, Tamlinh.org mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.

Bản quyền thuộc về tác giả: Dương Khánh Hùng