04/06/2021 11:36 View: 36951

Tụng kinh Phật tại nhà: Kéo TÀ MA tìm đến?

Vì sao càng tụng kinh Phật, trì chú càng kéo vong ma, thậm chí tà tinh tìm đến? Điều này có đúng không? Tụng kinh tại nhà hay tụng kinh trên chùa cũng bị? Những người có căn tu, căn đồng, tụng kinh có sao không? ...Tụng kinh có nguy hiểm không? Làm thế nào để lợi lạc và an toàn nhất khi tụng kinh?

tung kinh tai nha keo ma ta den

Ngày nay tự do tôn giáo tín ngưỡng, một người có thể lựa chọn cho mình theo một hay một số tôn giáo nếu những tôn giáo đó không mâu thuẫn hay quá đối lập hoặc bổ trợ cho nhau (thuận tu).

Càng tụng kinh càng khó tập trung, càng mệt mỏi

Bách gia nói chung, đồng nhân nói riêng nhờ sự tự do tín ngưỡng này, đồng thời cũng là thuận theo pháp tu của Đạo Mẫu được phép kết hợp với quy y Phật và tụng kinh, tìm hiểu, tham chiếu kinh Phật, học sự tĩnh tâm, sự từ bi, tâm biết sám hối … của kinh Phật mà quán xét và hỗ trợ trong việc tu tập sự định tâm cơ sở nhất. Đồng thời cũng là nương nhờ một phần vào việc tụng đọc kinh Phật cơ sở như Kinh phổ môn, kinh A di đà, Kinh Địa Tạng, Kinh Thủy Sám, Bát nhã tâm kinh …để trước là sám hối tội nghiệp của bản thân, gia tiên gia chung, cầu tâm tính được bình an, sau nữa là mong cầu siêu thoát cho gia tiên, oan gia thậm chí cao hơn là các vong linh hữu duyên…

Lí thuyết là như vậy, ai cũng biết cũng được rao giảng rằng tụng kinh Phật rất tốt. Nhưng điều gì cũng có hai mặt, tụng kinh Phật tốt và đem lại hiệu quả khi nào? Tụng thế nào? Tụng lúc nào… không phải ai cũng nắm rõ.

Vậy nên rất nhiều người, cả người thường và cả đồng nhân trong đạo ban đầu tụng kinh thấy khó tập trung, tụng dần dần càng tụng khuôn mặt càng xám càng mệt mỏi không rõ nguyên nhân, một số thậm chí còn bị ảo giác, nếu là đồng nhân biết cảm nhận âm dương thì dễ nhận thấy sự tăng đột biến của âm vong vây quanh mình lúc tụng kinh và kể cả sau khi tụng, nhiều lúc còn bị vong ma tác động quấy nhiễu làm đảo loạn cuộc sống và tâm thần bất an.

Tại sao tụng kinh lại bị như vậy?

Dù là kinh cầu siêu, phổ môn, địa tạng hay thủy sám…, bản chất đa phần là kinh độ âm nhưng mức độ, đối tượng và yêu cầu tín niệm lực gia trì khác nhau mà thôi.

Tụng kinh tại gia

Khi gõ tiếng chuông thỉnh bắt đầu tụng kinh, tiếng chuông này như sự thông báo chấn động đến không gian xung quanh không chỉ dương nghe thấy mà cả phần âm cũng nghe thấy, mục đích của tiếng chuông thỉnh là cầu sự gia ân chứng giám của chư Phật chư hộ và chứng giám cho người chuẩn bị tụng kinh, nhưng khi nghe tiếng chuông này, việc chư Phật chư hộ pháp có nghe được và xuống gia hộ chứng tâm cho người tụng hay không còn phụ thuộc vào tâm thức ý nguyện của người tụng có thật tâm, thành tâm, tín tâm hay không, có lòng từ lòng thiện lòng cầu sám hối thật không … rất nhiều.

Còn vong ma xung quanh, vong lang thang, vong hữu duyên hay vong oan gia thì chưa cần biết những việc đó, nghe tiếng chuông là đã đến thậm chí kéo nhau đến xem có chuyện gì và có lợi ích gì không rồi.

Đương nhiên dù người tụng kinh tại gia chứ chưa nói đến tụng kinh tại đền, điện hay chùa… đều có tối thiểu là thổ địa và tiền chủ hậu chủ cai quản mảnh đất đó quản lý không cho phép vong ma ra vào bừa bãi. Nhưng đó là nếu vong ma lang thang yếu ớt và nhỏ lẻ qua lại, còn khi đã gõ chuông thỉnh hoặc bắt đầu tụng kinh thì tiếng chuông tiếng kinh như một sự “ kích thích” kéo vong ma đến cùng một lúc, đông đảo và đặc biệt trong đó không tránh được có cả vong có pháp lực đã tồn tại nhiều năm, thậm chí tà ác…. Thổ địa hoặc chúa đất, vong tiền hậu chủ lúc này đa phần là sức yếu không ngăn lại được.

Còn nếu tụng tại đền, điện, chùa …

Nếu tụng kinh tại đến, chùa thì còn phải xét xem ngôi đền, điện, chùa đó có linh khí không ? có hộ pháp gia trì thực không mới có thể gia hộ cho người tụng giảm bớt vong ma kéo đến được. Đặc biệt bên nhà Phật đề cao sự từ bi độ cho vong ma, nên ngay cả khi các sư ni tụng kinh, nếu vong ma kéo đến đa phần chư hộ pháp đều cho phép được vào để cho vong được cầu hưởng lợi lạc và độ vãng sinh…nên chính sư ni khi tụng kinh xung quanh vong ma luôn có, thậm chí còn nhiều hơn cả người thường.

Lúc này nếu người tụng kinh có sự thành tâm thành kính và tín tâm thực sự để kêu cầu được chư Phật hộ Pháp và nếu là đồng nhân còn có thêm chư Thánh ân chiêm chứng tâm hoặc người hộ đạo gia hộ, thì những vong ma này ắt thấy đây là nơi sẽ có lợi lạc vì có năng lượng Phật Thánh giáng xuống và người tụng kinh này cũng sẽ tạo lợi lạc cho vong, ma. Vong ma càng về kéo đến càng đông cầu xin sự gia hộ cứu vớt không phải của người tụng kinh mà của Chư Phật, Thánh, người bảo trợ kia.

Nếu là vong linh có tu đạo có pháp lực và đạo hạnh, thấy người tụng kinh có tâm đạo cũng sẽ vì thế mà ở bên hoặc thường đến gia trì cộng hưởng tín lực tín tâm cho người tụng, vừa là giúp cho người tụng kinh đem lợi lạc đến cho chúng vong và có tiến tu, cũng vừa là tự giúp chính những vong linh có đạo này tiến tu đạo hạnh của chính họ (công đức hộ đạo người thực tu). Những vong linh thấy sự lợi lạc và sự thành tín của người tụng mà thành tâm lắng nghe, đọc theo, tụng theo và thậm chí bảo vệ cho người tụng kinh đều có lợi lạc.

Tụng kinh, trì chú: Hãy hiểu và biết điểm dừng

Tuy nhiên, dù là người có tín tâm và tín lực gia trì khi tụng kinh độ âm, ban đầu vô cùng lợi lạc nhưng vì số lượng vong linh lang thang, vong hữu duyên và cả vong oan gia theo nhau mà kéo đến càng đông, đến một lúc nào đó tự thân tín niệm gia trì của người tụng trở nên quá yếu và không đủ lực gia trì độ âm cho vong kéo đến xin độ nữa, thì tự khắc những âm khí xung quanh quá lớn ám vào người tụng. Điều này khiến riêng khí huyết cũng suy giảm mà thần hồn cũng kém đi, thành ra ngày càng mệt mỏi, cơ thể suy yếu, sắc diện kém, dễ nổi sân, cáu gắt vô cớ…

Nếu không hiểu và không biết điểm dừng, biết cách thức kiềm chế kiểm soát vong ma kéo đến hoặc tạm thời dừng tụng kinh độ âm đúng lúc để gia trì thêm khí huyết bản thân và kêu cầu thổ địa, gia tiên, thậm chí có lễ kêu cầu Thành Hoàng bản cảnh gia hộ đuổi bớt vong ma …nếu được chấp thuận và hỗ trợ thì dần dần sẽ trở lại bình thường. Sau khi có chuẩn bị vững mạnh hơn về khí huyết, tâm tính trở lại bình thân thuần thiện và được sự gia hộ thì bắt đầu tụng tiếp cũng chưa muộn.

Nếu cứ u mê phiến diện cho rằng cứ tụng liên tục không suy xét là có lợi lạc, thì đến khi khí huyết suy kiệt khó lòng gượng dậy và lúc này tụng kinh cũng không thể có tín lực gia trì nữa, thành ra tụng suông tụng bừa… lợi bất cập hại như trường hợp những người tụng kinh không đủ tâm đủ tín dưới đây.

Tụng kinh: Cần đủ lòng thành & từ bi

Nếu người tụng kinh kia chưa đủ tâm, đủ tín thành, đủ lòng từ bi thương xót chúng vong… thì khi tụng kinh kia, đặc biệt là các kinh độ âm cần tín lực gia trì lớn như kinh a di đà, kinh địa tạng, cao hơn là kinh thủy sám, ….  tâm người tụng còn động loạn nhiễu nhương bao tục sự, tâm mong cầu, tâm tham sân si, tâm từ bi và đạo hạnh (với đồng nhân có đạo) không đủ để gia trì tín lực, niệm lực cho kinh thì nếu “ may mắn” vong linh kia sẽ xem xét còn gì lợi lạc cho họ không, nếu những người tụng kinh không có đủ tín lực nhưng có cúng đồ ăn, đồ khao chúng sinh thì họ vẫn đến, có thể thành thói quen ăn rồi ở luôn đó, chờ được cho ăn. Và nếu không cho đủ cho vong linh đói khát ăn đều, họ sẽ đâm ra phá phách đòi hỏi, còn nếu xét không có lợi ích gì và cũng không ép được người gọi mời bất đắc dĩ kia nuôi họ ăn, họ sẽ dần dần bỏ đi.

Trong trường hợp gặp phải vong linh tà ác lại có pháp lực thì rất có thể ở lại hại người tụng kinh hoặc phá phách. Đặc biệt: đồng khí tương cầu, nhiều người tụng kinh lời nói thì mong muốn cầu tâm an, cầu vãng sinh cho gia tiên, vong linh oan gia… nhưng tâm không những không có đủ tín lực gia trì, mà còn chất chứa quá nhiều tham sân si của tục sự đời thướng bám quấn lấy tâm trí thì khi tụng kinh lời tụng phát ra, mang theo cả tâm sân si của người tụng phát tán... Lúc này, những vong ma tâm tính tương tự hoặc tà ác (có thể có pháp lực hoặc không) kéo đến, và đương nhiên những vong ma tà ác này không dễ dàng bỏ đi khi thấy “con mồi” của chúng ngay trước mắt.

Tại sao lại gọi người tụng kinh, trì chú là “con mồi”?

Vì rằng nếu là vong cùng tâm tham, sân, si hoặc vong tà ác, vong sẽ tác động thêm vào tâm lý của người tụng kinh, tăng thêm sự tham, sân, si, sự hỗn loạn tâm trí của người tụng kinh, mục đích có thể chỉ:

  • Để thỏa mãn sự phá phách của mình
  • Hoặc mong người tụng vì bị phá phách đâm ra sợ hãi mà cầu cúng hoặc cúng đồ ăn thức uống
  • Hoặc báo mộng giả mộng để người tụng kinh thêm sợ hãi hoặc mong cầu mà cúng kiếng phụng thờ
  • Thậm chí giả báo, ban cho ít năng lực dị năng cơ sở (kể cả người tụng kinh kia có căn hay không có căn) để người ta lập bát hương, lập bàn thờ, lập điện… thờ cúng chúng, để chúng ăn và thụ hưởng không chỉ hương hoa thực quả mà còn cả tín ngưỡng lực cúng bái của người trước tụng kinh kéo chúng đến và của bách gia khác sau này bị lừa đến cúng bái…
  • Hoặc một số tà ác sống bằng lệ khí, oán khí, uất khí… còn liên tục tác động khiến người bị tác động sinh tâm nhiễu loạn, mệt mỏi hòng hút đi sinh khí và những lệ khí, oán khí, uất khí… kia để chúng tồn tại.
  • .........................

Lúc này những người tụng ban đầu có thể với ý tốt, tâm tốt nhưng lại trở thành tay sai thành công cụ của tà ma và bị vong tà ma sai khiến lợi dụng. Nếu có thể tự thân nhận ra hoặc được người cứu giúp khai sáng mà thoát ra, dừng tụng, dừng cúng kiếng lễ lạt thờ phụng vong tà… thì là còn có phúc.

Không thì lâu dần lôi ma về nhà phụng thờ, gia tiên bỏ đi, tệ hơn là được chút dị năng hoặc ảo vọng lập điện lập bàn thờ kéo bách gia đến cúng bái thì còn là tự tạo nghiệp, không chỉ khí huyết bản thân bị hút mà phúc quả bản thân, gia đình, gia tiên đều bị cạn sạch, nghiệp cho hiện đời và cả đời sau đều phải gánh chịu.

Người có căn, tụng kinh càng lôi kéo vong ma nhiều hơn

Đó là nói về việc tụng kinh với bách gia nói chung. Riêng với đồng nhân trong đạo nhập tu nương tựa cửa Đình Thần, việc tụng kinh Phật càng lôi kéo vong ma nhiều hơn, vong tà ác cấp cao hơn và biểu hiện bị vong bám tá càng rõ rệt… tại sao vậy ?

Trước tiên phải hiểu về bản chất của đồng nhân Đạo Mẫu:

“Một người có căn đặc biệt là căn sâu quả nặng đạo ta thường do nhiều yếu tố, nhưng phần quan trọng nhất là những người sinh ra trong muôn một linh hồn chân linh và cơ thể phù hợp với việc thu nhận kết nối với năng lượng bản nguyên của vũ trụ, cũng như khi sinh cơ thể những người có căn sâu do linh khí, khí mạch đại địa hun đúc vào đó là căn cơ của con đồng.

Trong số khí mạch đại địa đó có khí âm tử và khí âm sát. Khí linh đại địa bao gồm cả hai loại: khí âm tử và khí âm sát nếu thêm năng lượng bản nguyên vũ trụ nữa thì là thuốc bổ cho các âm vong.

Thuốc bổ thì hơn món ăn hàng ngày nhiều, nó có nhiều công dụng cho vong tà mà đặc biệt khi kết hợp với tín ngưỡng lực sẽ có công dụng lớn nhất đó là làm đạo hạnh của vong tà càng ngày càng mạnh lên chí ít chúng cũng hưởng năng lượng mà tồn tại để lé tránh luân hồi.

Anh có thuốc bổ mà tôi cần, nhưng anh không bán cũng không cho vậy tôi phải tìm cách lấy, phải đòi bằng được.

…Vì vậy mà mười người có căn thì gần như cả mười có vong tà bám theo để ăn cướp phần thuốc bổ đó (nếu là vong tà), hoặc đòi lấy coi như trả nợ (nếu là oan gia).” – Trích: Đạo Mẫu tứ phủ đình thần kinh thư dẫn tu cơ sở - Phẩm 5: Pháp môn thử lính.

Như vậy, đồng nhân trong đạo dù không tụng kinh vẫn có sẵn vong linh, vong oan gia và tà ma đeo bám rồi. Nay nếu tụng kinh độ âm nữa thì vong và tà ma càng kéo đến nhiều. Khi đã kéo đến lại nhận thấy đây là cơ hội để chiếm được “thuốc bổ”, sao có thể dễ dàng bỏ đi được.

Đồng nhân nếu tụng kinh không đúng

Thông thường ban đầu dễ thấy nhất là đồng nhân đặc biệt là đồng sát âm sẽ bị nhiễm âm khí mà sinh ra mệt mỏi, xanh sao do bị hao hụt khí huyết và âm vong xung quanh quá nhiều.

  • Hoặc oan gia kéo đến hoặc cầu cướp đi sinh khí đòi nợ, hoặc gây chướng ngại mệt mỏi cho đồng nhân khiến đồng nhân thoái chí trong tu tập, tụng niệm kinh
  • Hoặc tà ma vây bám tác động thúc đẩy các tâm niệm ác, tâm tham sân si, tâm ảo vọng mong cầu… hòng trước là phá hoại đạo tâm của đồng nhân (đạo khai ma khởi, đạo cao một thước ma cao một trượng là ý này), sau nữa là vì đồng nhân căn cơ sát âm thường hay được ban dị năng từ sớm, cảm nhận âm dương dù là mức độ cơ sở, nếu mới nhập đạo, đạo tâm chưa vững lại thần hồn chân linh còn yếu dễ bị tác động thông qua hình thức giả Thần Thánh ứng báo, giả Gia tiên ứng báo hay người hộ đạo ứng báo…, để đồng nhân sinh tâm ngã mạn bản thân, ảo mộng dị năng…
  • Hoặc ma tà có thể ban cho đồng nhân thêm dị năng cơ sở để tăng thêm sự ngã mạn sái tâm này… tác động để đồng nhân hành đạo trái pháp Thánh, trái nguyên tắc… thu hút bách gia đến cậy sở, bái kính, có thể lập điện hoặc chỉ cần bát hương… là vong tà đã có cơ sở để ngồi hưởng cúng bái và ăn cắp tín ngưỡng lực bách gia rồi.

Người thường cho dị năng thu hút bách gia đã là miếng mồi báu bở, nhưng đồng nhân có hầu Thánh và đã từng có bóng Thánh giáng, đặc biệt là đồng nổi lại càng được ma tà nhắm đến và không dễ gì buông bỏ. Chúng lợi dụng đồng nhân và làm mờ mắt đồng nhân bởi những ảo vọng, những tài lộc, danh vị, thậm chí những mong cầu tục sự cuộc sống dung tục khác… để biến đồng nhân thành tay sai đắc lực cho chúng.

Đây vừa là khó khăn thử thách, nhưng cũng là cơ hội tu tập của con đồng.

Vì đạo nào chả có chướng ngại, vượt qua chướng ngại như thế nào mới là vấn đề.

Trường hợp này, đồng nhân hiểu đạo khi tụng kinh Phật trước nên ưu tiên các kinh Bát nhã nhằm thanh tẩy và an yên tâm, sau tụng kinh độ âm cho gia tiên hoặc oan gia ở mức cơ sở như kinh phổ môn, sau nữa mới tụng đến kinh di đà cầu siêu cho vong linh nói chung, cao hơn nữa mới đến kinh địa tạng, thủy sám… dù ở mức cơ bản hay nâng cao, tốt nhất nên tụng tại bản điện chốn tổ có chư hộ pháp và hành sai cửa Thánh cùng tổ dòng đồng gia hộ, bảo trợ.

Nếu tụng tại gia thì áp dụng với đồng nhân đã có cơ bản định tâm hoặc có người hộ đạo theo sát được Chư Thánh gia ân cắt cử hoặc cho phép đi theo bảo trợ, sẽ hạn chế và ngăn chặn được phần nào những vong linh lang thang, oan gia và ma tà quá ồ ạt đến đòi nợ hay quấy nhiễu, lợi dụng phá phách đồng nhân.

Nói là ngăn chặn và hạn chế phần nào tức là vẫn có, vì đồng nhân đã nhập đạo là phải tu, nếu tâm không sân, không si, không tham, không vọng tưởng mong cầu… thì dù vong ma có đến, oan gia có phá cũng không làm gì được.

Để vong tà và oan gia kéo đến gây áp lực hay đòi nợ vừa là thuận theo nhân quả có nợ phải trả, cũng là thử thách và là bài học để con đồng rèn luyện bản thân, tu tâm thanh tịnh vượt chướng ngại của ma tà kia, đến khi tâm đủ tịnh, lòng đủ từ bi, thần hồn sẽ ngày càng vững mạnh, đến khi đủ tự lực và tự tín niệm lực, khởi tâm tụng kinh độ âm lúc này sẽ vô cùng lợi lạc cho chính đồng nhân trong quá trình tiến tu, lại lợi lạc cho vong linh được dẫn độ, cũng là tu tập tạo âm phúc cho đồng nhân.

Như vậy, việc tụng kinh độ âm luôn luôn có vong ma kéo đến, dù là người thường hay đồng nhân cửa đạo Thánh. Khi đã hiểu căn nguyên, mục đích và cách xử lý, người tụng kinh có thể vững tin nỗ lực hơn trong tụng niệm, người có đạo càng nhất tâm hơn trong đồng tu Đạo Phật và Đạo Thánh, để từ đó mà tiến tu vững chắc và đem lại lợi lạc cho tất thảy chúng âm vong hữu duyên nương nhờ theo đúng căn cơ và năng lực niệm lực tín lực của bản thân.

Việc nghe kinh đơn thuần có khiến vong ma kéo đến?

Từ bạn đọc Camellia Japonica Li: "Mình theo đạo Cao Đài. Có mở kinh trong nhà lúc ngủ kể từ khi bầu em bé đến giờ bé đã gần 4 tuổi, nghe quen rồi nên giờ vẫn mở.

Bên đạo Cao đài giải thích vầy: Khi mình mang bầu, thai nhi chỉ có phần hình hài, chưa có linh hồn. Và lúc này, sẽ có một linh hồn chờ đầu kiếp đi theo hai mẹ con để chờ ngày sinh mà đầu thai làm con của mình. Tuy mình ăn ở đức độ nhưng duyên kiếp không biết trước được, lỡ có một linh hồn xấu xa muốn làm con của mình, thì khi mình mở kinh cho nó nghe, kinh sẽ cảm hoá linh hồn xấu đó dần trở thành linh hồn tốt và Phật sẽ luôn che chở cho người có tu tâm đức độ.

Còn khi bình thường, mình mở kinh, nếu là vong xấu có ý hãm hại mình thì sẽ không phá được và dần bị kinh cảm hoá hướng Phật sớm siêu thoát, còn những vong muốn tu tập nghe kinh sẽ sớm được siêu thoát hơn. Nên cho dù vong có tụ lại nghe đều sẽ được Phật dẫn lối nên các bạn có muốn bật kinh để nghe hàng ngày sẽ không sao đâu nhé, quan trọng là bạn phải có đức tin vững vàng và sống có tâm đức."

Lục Thái: "Theo cá nhân mình thì việc mở kinh nghe chẳng có gì là sai. Ma quỷ gần như là không thể tác động vật lý đến mình, mà chỉ thông qua “tâm” thôi. Tâm mình tịnh, tâm mình thiện thì ma quỷ cũng khó làm gì được mình. Bù lại tâm mình không vững, nhiều ý nghĩ xấu, sẽ dẫn dắt tâm ma cho ma quỉ lợi dụng. Việc các bạn nghe kinh rất tốt cho “tâm” và “thần thức” nên chẳng có gì phải lo lắng cả" 
 

Bài viết từ Thầy Trần Thêm 

Đăng lại, trích dẫn vui lòng ghi nguồn tác giả & web Tamlinh.org đầy đủ