04/06/2021 11:35 View: 10951

Vì sao kiếp này chúng ta gặp nhau?

Trong duyên nghiệp có thiện, có ác. Chúng ta hiểu được thông suốt thì nhất định phải biết đoạn ác, tu thiện. Ta thiếu nợ người nhất định phải trả. Người khác lừa gạt ta, xâm phạm ta, cướp đoạt của ta, ta đều phải nghĩ là đang trả nợ, trong lòng ta sẽ dễ chịu và cảm thấy tự tại.

duyen gap nhau

Phật dạy chúng ta, từ quan hệ cha con, quan hệ anh em, cho đến quan hệ với tất cả mọi người đều không ngoài bốn loại duyên, đó là:

  • 1. Báo ân
  • 2. Báo oán
  • 3. Đòi nợ
  • 4. Trả nợ

Nếu như không phải bốn loại duyên phận này, dù tương ngộ cũng không hề quen biết, chúng ta gọi là người lạ, mặt lạ, không quen. Ngay trong đời này chỉ cần phát sinh quan hệ với mình, thì nhất định trong đời quá khứ có liên quan đến bốn loại duyên nghiệp trên.

Trong duyên nghiệp có thiện, có ác. Chúng ta hiểu được thông suốt thì nhất định phải biết đoạn ác, tu thiện. Ta thiếu nợ người nhất định phải trả. Người khác lừa gạt ta, xâm phạm ta, cướp đoạt của ta, ta đều phải nghĩ là đang trả nợ, trong lòng ta sẽ dễ chịu và cảm thấy tự tại. Họ gạt ta, trộm cắp, cướp đoạt của ta, vì sao họ không đi lừa gạt, cướp đoạt của người khác? Vì trong đời quá khứ, người khác không có cái duyên này với họ.

Nói cách khác, chúng ta trong đời quá khứ đã từng lấy, đã từng ăn cắp, đã từng cướp đoạt của họ, hôm nay gặp được nhân duyên tương ngộ, vẫn là dùng phương pháp này họ lấy đem đi, được dịp chúng ta đã trả nợ. Cho nên, chúng ta phải hoan hỉ cùng với tất cả chúng sanh kết thiện duyên, không kết ác duyên; cho dù gặp phải ác duyên, quyết cũng không để trong lòng.

NGHIỆP BUỘC TA PHẢI ĐI TRỞ LẠI ĐỂ TRẢ GIÁ CHO NHỮNG GÌ MÌNH GÂY TẠO

Chúng ta đã đi qua bao nhiều kiếp luân hồi với chằng chịt những lỗi lầm. Và chính những lầm lỗi đó đã tạo nên dòng nghiệp đan xen trong cuộc đời ta, buộc ta phải đi trở lại để trả giá cho tất cả những gì mình gây tạo. Vì chúng ta gieo nên ta phải trả. Đó là quy luật công bằng, một sự đền trả thích đáng mà ta không thể tránh được. Nghĩa là ta phải đi lại cuộc đời mà ta đã đi qua một cách sai lầm, ta phải đi lại cuộc đời và buộc phải đi lại cho đúng.

Ví dụ, nếu trước đây ta đối xử ác với ba người thì nhân quả buộc ta ở một kiếp nào đó phải gặp lại ba người ấy. Vì nghiệp duyên xấu nên ba người có thể sẽ giận ta, oán ghét ta nhưng ta vẫn phải chọn thái độ để hành xử cho đúng. Nếu họ ghét ta, ta ghét lại. Nếu họ oán ta, ta oán lại thì coi như ta không những không chuộc lại lỗi lầm mà lại tiếp tục phạm thêm lỗi lầm khác và tạo thêm một nghiệp nhân khác. Và cứ thế, ta cứ phải đi lại, đi mãi trong luân hồi để gieo trả, trả vay vì sự buộc ràng nhân duyên giữa ta và những người đó vẫn chưa đoạn dứt.

Nếu một kiếp nào đó ta tham lam nên ta lấy tiền của người để làm của riêng cho mình thì bây giờ ta sẽ phải đi trở lại, và phải đi hạnh buông xả để diệt trừ bệnh tham lam của kiếp xưa. Hoặc vì ta có tính nóng nảy nên đã nói những lời thô lỗ, xúc phạm nặng nề với một ai thì nhân quả buộc ta phải trở lại gặp người đó để mở miệng nói lời yêu thương, nhã nhặn, hiền lành để trả lại nghiệp xưa.

Một kiếp nào đó ta là người giàu sang, quyền thế, thích ăn ngon, thích mặc đẹp thì giờ đây ta phải trở lại kiếp sống khắc khổ, đơn giản để học lại cách sống giản dị, cần kiệm. Ta không được phép ỷ mình có tiền, có thế mà hưởng thụ nhiều hơn người khác một cách quá đáng. Đó là một cái tội. Chính vì vậy ta phải đi lại cuộc đời, phải sống khắc khổ, đơn giản hơn để trả lại bài học đó.

Có hai cách để trả nghiệp khi ta phải đi trở lại cuộc đời.

  • Trường hợp thứ nhất: Ta trả nghiệp xưa với thân phận người có trí tuệ, có phước đức.
  • Trường hợp thứ hai: Ta bị ép buộc, áp bức khi ta phải giải lại bài toán ta đã làm sai cho đúng đắn hơn.

Trong hai trường hợp trên, ta nên chọn cách nào? Dĩ nhiên, ta sẽ chọn ta sẽ chọn đi trở lại với thân phận một người có trí tuệ, có đạo lý và phước đức chứ không phải một thân phận hèn kém, đói rách, bị áp bức, bị bắt buộc.

Bằng cách nào? Chỉ bằng cách ta có đạo lý, ta biết lễ Phật sám hối, biết cung kính người trên, biết nhường người dưới. Đó là cách ta giữ được trí tuệ của mình, giữ được phước đức của mình. Ta nương vào phước đức đó, trí tuệ đó để có thể đi trở lại một cách tự nguyện với phong cách đoàng hoàng, đường bệ chứ không phải bị áp bức, ép buộc.

Ví dụ một lúc nào đó ta phản bội thì bây giờ ta phải trở lại để học bài học của sự trung thành. Mà trở lại để học bài học trung thành là sao? Có thể nhân quả sẽ dẫn ta gặp lại người chủ, người thầy mình đã phản bội và ta phải phát nguyện sống trung thành để trả nghiệp xưa. Nếu ta không tạo phước, không phát nguyện sửa đổi thì nhân quả buộc ta phải sống trung thành trong thân phận một con chó, để ta phải học bài học trung thành với thân phận của một súc sinh. Hoặc như một người giàu sống hưởng thụ nếu biết lỗi, sám hối, làm những công đức bù lại sẽ còn được phước giàu nhưng sẽ sống đơn giản, cần kiệm để trả nghiệp. Còn nếu một người sống phung phí, không biết cần kiệm, không biết sám hối thì phải sống một cuộc đời khắc khổ với thân phận một người nghèo hèn, một kẻ thấp kém. Hai hoàn cảnh trả nghiệp hoàn toàn khác xa nhau.

Phật Pháp cho ta cơ hội trở lại làm người để đi lại những con đường ta đã đi qua một cách sai lầm với phong thái đường hoàng, đĩnh đạc. Nếu không có Phật Pháp, ta cũng sẽ phải trở lại nhưng với thân phận hết sức thấp hèn trong hoàn cảnh hết sức đau khổ.

Chúng ta rất may mắn khi có được ngọn đuốc Chánh Pháp của Đức Phật dẫn đường. Nhờ Phật Pháp, chúng ta biết lễ kính Phật, chúng ta biết học hỏi giáo lý, chúng ta biết gieo những công đức lành, chúng ta biết kính người trên, biết nhường kẻ dưới. Chính những công đức đó sẽ nuôi dưỡng ta, phát triển tâm hồn ta, thăng hoa trí tuệ ta, tạo cơ hội để ta đối diện với vô số những sai lầm ở vô số kiếp xưa trong thân phận một con người có phẩm chất của Thánh.

Tamlinh.org