Tháng 12 âm lịch hay còn gọi là tháng Chạp, "tháng củ mật", tháng cuối cùng của năm. Vậy sắm lễ, văn khấn, bài cúng ngày rằm mùng 1 tháng 12 âm lịch như thế nào? Danh sách các lễ hội trong tháng 12 Âm lịch? Danh sách ngày tiệc Tứ phủ công đồng (Đạo Mẫu của Việt Nam) tháng 12 hàng năm? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu
Tháng 12 tại sao lại gọi là tháng chạp?
Bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, tên gọi theo số thứ tự đã biến mất. Thay vào đó, khoảng 20 ngày đầu người ta sẽ gọi là tháng chạp và khoảng 10 ngày cuối thì thường thêm chữ tết phía sau: 23 tết, 27 tết...
Tháng Chạp là tên gọi bắt nguồn từ chữ Lạp trong tiếng Hán. Ở Trung Quốc, tháng 12 Âm lịch là thời điểm người dân làm các lễ cúng bái thần linh cầu xin mưa thuận gió hòa, phong tục này còn gọi là “Lạp Nguyệt”. Người Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thời bấy giờ, nên cũng có các hoạt động cúng tế tương tự, gọi là “Tháng Chạp”.
Bỏ hết những truy nguyên của tháng chạp để nhìn vào thực tế cuộc sống của tháng chạp, rốt cuộc tháng chạp là gì mà mọi thứ trong cuộc sống thường nhật bắt đầu xáo trộn?
Tháng chạp là tháng rộn rã, là tháng vội vã, hối hả, là tháng vất vả mướt mồ hôi vì chạy. Tháng chạp cũng là tháng hết chầu nhậu này tới chầu liên hoan khác.
Tháng chạp nghĩa là tháng công nhân chờ đợi lương thưởng tháng 13 để mua sắm cho con cái có cái ăn cái mặc với người. Là tháng mua sắm sau bao nhiêu tháng dụm dành tiết kiệm. Là tháng hết vé xe lửa chính thức, chỉ còn vé chợ đen.
Tháng chạp là tháng đoàn tụ gia đình tứ xứ phương xa với những người con, người chồng, người vợ, người cha, người mẹ trở về.
Và, tháng chạp là tháng của "những thằng già nhớ mẹ" (những thằng trẻ đi đâu?) nên nhạc sĩ La Tuấn Dzũng phổ thơ Lý Thừa Nghiệp đã làm nghẹn ngào người nghe khi ví von tháng chạp như người mẹ:
"Tháng chạp Mẹ già như lúa chín...
Tháng chạp Mẹ già như hoa nở...
Tháng chạp Mẹ già như hương nắng...
Tháng chạp bỗng tràn theo nước mắt".
Nghe xong bài hát, người nghe bỗng dưng thắc mắc một cách "triết học nhập môn" tình mẫu tử: "Tại sao tháng chạp như người mẹ? Phải chăng vì người mẹ có đức hi sinh như tháng 12 đã mất tên để tháng chạp được nở mày nở mặt với thiên hạ".
Mẹ - tháng chạp - luôn giang rộng vòng tay. Tháng chạp là tháng bắt cầu cho những đứa trẻ con qua tuổi mới. Tháng chạp của tiếng cười, của niềm vui. Sài Gòn tháng chạp vỗ tay mừng đám cưới. Sài Gòn tháng chạp khoe sắc báo tết mừng xuân. Những ngày tết đến gần bắt đầu bằng tháng chạp với người công nhân quét đường áo vải đêm co ro...
Ngoảnh lại đời người đã đi qua bao nhiêu tháng chạp nhưng khi với tay đụng nó thì vẫn lạ vô cùng.
Tháng củ mật là gì?
Ngoài ra, tháng Chạp cũng được gọi là “tháng củ mật”.
Từ “củ mật” ở đây là từ Hán, nghĩa là “cẩn trọng tai ương”. Người xưa tích lũy kinh nghiệm thấy rằng trong suốt một năm 12 tháng, con người làm việc vất vả, đến cuối năm mệt mỏi nên thường lơ là việc làm ăn, bảo vệ tài sản, lơ là cảnh giác kẻ xấu, hơn nữa thời điểm cuối năm người ta cũng thường tụ tập liên hoan, uống nhiều rượu bia dễ gây tai nạn. Tháng cuối năm cũng là thời điểm thời tiết hanh khô, dễ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn, vì vậy nên người xưa gọi tháng Chạp là “tháng củ mật” để nhắc nhở con cháu cẩn trọng đề phòng tai ương.
Tảo mộ cuối năm trong tháng 12 âm lịch
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, người Việt cũng có phong tục đi tảo mộ tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Nhiều dòng họ mang cả con cháu đi lễ mộ cùng để chỉ dẫn về phần mộ, công lao của người trong mộ đối với dòng họ để con cháu biết ơn, cung kính tổ tiên.
Người Việt Nam thường làm giỗ 4 đời, còn tất cả những người trước đó đưa vào hệ thống tiên tổ và cúng lễ trong họ tộc.
Những người ở gần thì đi thăm mồ mả, người ở xa thì cúng bái tiên tổ, tằng tổ… Đây là hành động mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, cũng là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Xem thêm: Những KIÊNG KỴ khi cho trẻ nhỏ đi thăm/viếng mộ tổ tiên
SẮM LỄ CÚNG MÙNG 1, NGÀY RẰM THÁNG 12 ÂM LỊCH
Lễ cúng vào ngày mùng Một (lễ Sóc) và lễ cúng vào chiều tối ngày Rằm (lễ Vọng) thường là lễ chay: Hương, hoa, trầu cau, quả, tiền vàng. Ngoài lễ chay, các gia đình cũng có thể cúng thêm lễ mặn vào ngày này gồm: Rượu, thịt gà luộc, các món mặn.
Sắm lễ ngày mùng Một và ngày Rằm tháng Mười Hai âm lịch chủ yếu là thành tâm kính lễ, cầu xin lễ vật có thể rất giản dị:
- - 1 hũ rượu
- - 1 lọ hoa tươi
- - 1 đĩa quả tươi
- - 1 cốc nước
- - Trầu, cau
Lễ cúng Rằm tháng 12 Âm lịch không cần quá cầu kỳ nhưng gia chủ phải thành tâm, thành ý thì mới được. Bởi cúng Rằm tháng 12 âm lịch là nghi lễ tâm linh tưởng nhớ, thức tỉnh và gửi gắm nhiều hi vong. Trong lễ cúng này, các gia chủ chủ yếu cầu khấn về Sức Khỏe, may mắn, bình an cho cả gia đình.
Trong ngày Rằm tháng 12 Âm lịch, ngoài việc bày biện sửa lễ vật cúng rằm, tùy theo phong tục của từng địa phương, một số gia đình còn làm thêm sớ cầu an tại chùa cho các thành viên trong gia đình. Theo các nhà sư, trong ngày Rằm tháng 12 Âm lịch cần giữ cho tâm hồn thanh tịnh, sạch sẽ.
Có một điều cần chú ý trong ngày cúng Rằm tháng 12 Âm lịch là không nên vay mượn người khác. Việc vay tiền vào ngày này có thể trở thành một khoản nợ lớn, ảnh hưởng đến tài lộc trong năm.
VĂN KHẤN MÙNG 1 THÁNG 12 ÂM LỊCH
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương
Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân
Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch
Con kính lạy các ngài Ngũ phương Ngũ thổ, Phúc đức chính Thần
Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần
Con kính lạy các ngài Tôn thần cai quản trong xứ này
Hôm nay là ngày........ tháng..... năm .......
Tín chủ con là ......................................................
Ngụ tại........................ cùng toàn gia quyến thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án.
Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa, Long Mạch, Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong xứ này.
Cúi xin các Ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia bình an, công việc hanh thông, lộc tài thăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Giãi tấm lòng thành cúi xin được phù hộ độ trì và chứng giám.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Cẩn cáo!
Xem thêm: Lễ cúng ông công ông Táo 2021: Sắm lễ, văn khấn, giờ cúng TỐT nhất
VĂN KHẤN NGÀY RẰM THÁNG 12 ÂM LỊCH
Dưới đây là bài cúng theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin được nhiều người sử dụng trong dịp lễ Rằm tháng 12.
- Con kính lạy Hoàng thiên hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại
Tín chủ (chúng) con là:………………………………….Tuổi:………………
Ngụ tại:………………………………………………………………………………….
Hôm nay là ngày Rằm tháng 9, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ………………, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!
******************************
THỰC HÀNH TAM TỊNH TRONG RẰM - MÙNG 1 THÁNG 12 ÂM LỊCH
Tamlinh.org dặn toàn thể anh chị em giữ cho được Tam Độc Thanh Tịnh, Tam Độc diệt được thì Thập Ác không sanh: Tam Độc là Thân - Khẩu - Ý.
- Thân Tịnh: Thân không tạo ác nghiệp: Không sát sanh, tà dâm, du đạo. Thân hành các điều thiện lành, đi chùa, cầu phước, phóng sanh, cứu khó trợ bần, hiếu thiện cha ông.
- Khẩu Tịnh: Khẩu không nói các điều dữ, không lưỡng thiệt, vọng ngữ, chuyện không nói có, rủa sả người, rủa sả vạn vật, rủa sả bản thân, không thề thốt bất cẩn. Khẩu nên nói các điều thiện lành, phước đức, chúc người chúc mình an ninh phước thọ.
- Ý Tịnh: Ý giữ thanh tịnh, niệm đọc thánh kinh, suy nghĩ điều tốt cho người, cho mình. Ý không khởi sanh ác niệm, trù dập người, vật trong trong đời.
Thực hành được 3 điều ấy gọi là Thực Hành Tam Tịnh.
CÁC NGÀY LỄ QUAN TRỌNG TRONG THÁNG 12 ÂM LỊCH
Danh sách các ngày tiệc Tứ Phủ trong tháng 12 âm lịch
- + Các ngày trong tháng (trước ngày 23 tháng chạp): Đại Lễ Tất Niên
- + Ngày 10/12: TiệcTrần Triều Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: (Hay còn gọi là: Tiệc Đản Nhật Trần Triều Thân Vương Khâm Sai Tiết Chế Thiên Hạ Chư Quân Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Võ Hưng Đạo Đại Vương Hiển Thánh Sắc Phong Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Thần
- + Ngày 10/12: Tiệc Đức An phụ An Sinh Vương Huý Trần Quốc Liễu
- + Ngày 20/12: Khánh tiệc Vương Cô Đệ Nhị
- + Ngày 25/12: Tiệc Chúa Đệ Tam Lâm Thao (Chúa Ót, Chúa Chữa)
Danh sách các lễ hội tháng 12 âm lịch trên cả nước
1. Hội làng Cốc – tỉnh Quảng Ninh – 4, 5/12AL
Hội làng Cốc là một lễ hội lớn trong năm của người dân nơi đây, nhằm suy tôn Càn Nương Đức Thánh, thường được tổ chức vào ngày 4, ngày 5 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm tại Đình Phong Cốc nằm ở trung tâm xã Phong Cốc, đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, cách bến phà Chanh khoảng 5 cây số. Theo thứ tự thì ngày 4 làng sẽ là ngày làng cúng yết Thần Hoàng và Thần Nông, đồng thời triển khai các công tác chuẩn bị cho lễ tế và hoạt động lễ hội của những ngày tiếp theo.
Ngày 5 được gọi là ngày Đại Đám, làng tổ chức rước Thần từ Miếu Cốc về Đình Cốc để tế yên vị và mở hội cho mọi người dân trong làng xã và khách thập phương. Lễ rước diễn ra long trọng và trang nghiêm, với đoàn rước thần gồm có: người khênh chiêng, trống đi trước, tiếp sau là đoàn rước cờ thần (cờ ngũ phương) và hai hàng chấp kích, bát bửu. Hai hàng người đội lễ vật là hoa quả, bánh, rượu, lợn quay của làng, lợn sống đã làm thịt của người vào đám đi sau, liền tiếp đôi ngựa bạch bằng gỗ có bánh xe, kiệu long đình rước hộp sắc. Kiệu bát cống chính là kiệu dùng để rước Càn Nương Đức Thánh đi trước, sau cùng là các quan viên đoàn tế và nhân dân rước Thần. Đến ngày 6 là ngày đại tế Thần Hoàng và Thần Nông, lễ vật có 9 lợn (mỗi xóm góp một lợn). Ngày 7 sẽ có lễ rước Thần từ Đình Cốc về Miếu Cốc, lễ hội lúc này mới chính thức kết thúc.
2. Hội thôn Cổ Lễ – tỉnh Hưng Yên – 10/12AL
Hội thôn Cổ Lễ diễn ra vào ngày 10 tháng Chạp hàng năm tại thôn Cổ Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Đây là hội lễ suy tôn Thành hoàng làng là ba vị công thần (Tuấn, Chiêu, Minh) thời Hùng Duệ Vương đã có công đánh Thục và bảo vệ đất vùng.
3. Hội Nghinh Cá Ông – tỉnh Khánh Hòa – 15/12AL
Hội Nghinh Cá Ông (hay còn gọi là lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá “Ông”, lễ cúng “Ông”, lễ nghinh ông Thuỷ tướng…) chính là một nghi lễ trang nghiêm và có ý nghĩa tâm linh vô cùng to lớn với các ngư dân vùng ven biển. Ngày 15 tháng Chạp hàng năm chính là ngày cử hành lễ cầu ngư của các ngư dân địa phương tỉnh Khánh Hòa, với nhiều nghi lễ và sự chuẩn bị tỉ mỉ, công phu. Nghi thức lễ tế diễn ra trang trọng với các phần lễ rước theo nghi thức truyền thống như: Lễ Rước sắc, lễ Nghinh Ông, lễ Tế chánh, lễ Tôn vương, lễ Tống na… Sau lễ tế chính là nghi thức ra khơi nghinh Ông với hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân được trang trí cờ, hoa.
Hò bá trạo vừa là một nghi thức tế nhưng cũng vừa là một hình loại hình diễn xướng đặc trưng trong hội lễ, diễn tả tinh thần đoàn kết vượt qua sóng dữ của ngư dân, mang về mùa cá bội thu. Đây vừa là một hoạt động thờ cúng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương, vừa là một dịp hội để bà con vui chơi. Đồng thời, Hội Nghinh Ông ở Khánh Hòa cũng chính là một điểm nhấn du lịch, một sự kiện được mong đợi trong năm của tỉnh, thu hút rất nhiều lượt du khách đến tham dự.
4. Lễ giỗ Tứ Kiệt – tỉnh Tiền Giang – 25/12AL
Ngày 25 tháng 12 âm lịch hàng năm, tại Lăng Tứ Kiệt (đường 30/4, thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) sẽ diễn ra lễ giỗ 4 vị anh hùng (hay còn gọi là Lễ giỗ Tứ Kiệt): Nguyễn Thanh Long, Trần Công Thận, Trương Văn Rộng, Ngô Tấn Ðước hy sinh khi đang chống Pháp. Vào những năm chẵn, lễ giỗ được tổ chức long trọng hơn và có sự tham gia của các sở ban ngành, với đầy đủ các nghi thức cúng lễ long trọng và trang nghiêm. Bốn ông hy sinh vào năm 1871 (nhằm ngày 25 tháng Chạp năm Canh ngọ), sau một thời gian dài lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, tạo ra sự khiếp sợ cho quân địch chỉ bằng những vũ khí thô sơ như gậy gộc.
Lễ giỗ Tứ Kiệt được người dân cử hành trọng thể, dần trở thành một ngày lễ lớn đối với địa phương. Ngày nay, lễ giỗ không chỉ thân thuộc với người dân tỉnh Tiền Giang, mà du khách thập phương, đặc biệt là các tỉnh phụ cận, Tp.HCM về tham dự cũng rất đông. Trong lễ giỗ, mọi người sẽ được chứng kiến các nghi thức cúng tế trọng thể như lễ cúng Thành Hoàng, được ôn lại những chuyện sử xưa…
5. Hội Đình Mai – Hà Nội – 20/12AL
Hội Đình Mai được tổ chức vào những ngày cận Tết, thế nhưng không vì vậy mà vắng người tham dự hoặc dần bị lãng quên; không những vậy, nó còn được xem là một lễ hội lớn của người dân địa phương nơi đây. Hội Đình Mai vẫn luôn được tổ chức hàng năm vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch, tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ngày hội là dịp suy tôn Hà Khôi đại vương, người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc cát cứ vùng Thanh Oai (vào thế kỷ X). Bên cạnh các nghi thức lễ tế thần được cử trọng nghiêm trang, Hội Đình Mai còn có phần “hội” với các trò chơi dân gian như cờ tướng, chọi gà.
6. Đêm đón Giao thừa – 30/12AL
Có lẽ sẽ là thiếu sót rất lớn khi không nhắc đến tục đón Tết tháng Chạp với đêm 30 là đêm đón giao thừa (hay còn gọi là đêm trừ tịch). Trước đó, không khí Tết có lẽ kéo về từ trưa 23, sau khi mọi nhà hoàn tất lễ đưa ông Táo về trời. Đến ngày 25, mỗi nhà đều làm mâm cơm cúng gia tiên, mời ông bà tổ tiên về nhà. Mọi người thường gọi ngày 25 là ngày cúng ông bà, vì theo quan niệm dân gian, ngày 25 tháng chạp chính là lúc những người quá cố trở về cõi trên.
Đêm 30 sẽ là lúc các gia đình bày mâm cúng ngoài sân (hoặc trước cửa) cúng Giao Thừa trước thời khắc chuyển giao sang năm mới. Mâm cúng thường là trái cây (mâm ngũ quả), xôi gà, rượu, trà… cùng giấy tiền vàng mã, 9 ngọn nến hoặc đèn dầu.
Xem thêm: Cúng giao thừa 2021 như thế nào ĐÚNG nhất?
Tổng hợp