Dân gian tương truyền, tháng 5 âm lịch được coi là tháng Cửu độc, do trong tháng có 9 ngày mà thân thể dễ bị tổn hao nguyên khí. Vì vậy, việc chuẩn bị cúng mùng 1 và ngày rằm trong tháng 5 chúng ta nên làm cẩn thận. Văn khấn, sắm lễ, kiêng kỵ cụ thể như thế nào?
Trong các ngày cấm kị của tháng 5, mặt trăng, trái đất, mặt trời đều có sự dịch chuyển khác thường, điều này có ảnh hưởng nhất định đến tâm sinh lý con người.
Ý nghĩa văn khấn mùng 1 và ngày rằm hàng tháng
Theo quan niệm lâu đời của người Việt Nam, ngày mùng 1 gọi là ngày sóc. Nguyên nghĩa từ sóc là khởi đầu, bắt đầu. Ngày mùng 1 là ngày bắt đầu của một tháng nên gọi là ngày sóc. Ngày Rằm gọi là ngày vọng. Vọng có nghĩa là nhìn xa trông rộng, ngày mặt trăng, mặt trời đối xứng nhau ở hai cực xa nhất trong tháng.
Người xưa cho rằng, ngày này, mặt trăng mặt trời nhìn rõ nhau, thấu suốt nhau, soi chiếu vào mọi tâm hồn. Con người trở nên sáng suốt trong sạch, đẩy lùi được mọi đen tối vẩn đục trong lòng.
Người Việt ta coi ngày Sóc, Vọng là ngày tưởng nhớ tổ tiên, cúng ông bà, ông vải. Ngày Sóc, Vọng còn có ý nghĩa "Cát tường" xem ngày tốt xấu thấy là ngày tốt nhất trong tháng. Cúng vào mùng 1 và ngày Rằm, hoặc cúng vào chiều ngày 30 và chiều ngày 14 hàng tháng đều được.
Lễ vật và văn khấn mùng 1 và ngày rằm hàng tháng
Lễ vật cúng ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng đơn giản:
- Hương hoa
- Trầu rượu
- Nước
- Hoa quả.
Cách cúng ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng
Trước khi cúng gia tiên thường cúng ông Công trước.
Xin giới thiệu bài tham khảo văn khấn mùng 1 và ngày rằm cúng Thổ Công và các vị Thần
Nam mô A Di Đà Phật !
Nam mô A Di Đà Phật !
Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)
- Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Đông Thần Quân
- Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch
- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần
- Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần
- Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là:…… Ngụ tại: ………
Hôm nay là ngày … tháng … năm … tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa. Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này. Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời thương xót thương tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần kèm 3 lạy).
Văn khấn mùng 1 và ngày rằm cúng gia tiên
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần kèm 3 lạy)
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn Thần.
- Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển Tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ)
Tín chủ (chúng) con là:…… Ngụ tại:……
Hôm nay là ngày ….. gặp tiết ..... (ngày rằm, mồng một), tín chủ con nhờ ơn đức trời đất, chư vị Tôn thần, cù lao Tiên Tổ, thành tâm sắm lễ, hương, hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời: Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, làm ăn phát tài, gia đình hòa thuận.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần kèm 3 lạy).
9 ngày cửu độc trong tháng 5 âm lịch
Luận về tiết khí, tháng 5 âm lịch là thời điểm mà dương khí cực vượng, tăng tiến tới đỉnh điểm và bắt đầu sinh phát, người ta gọi đây là thời điểm Thiên địa giao thái cũng chính là chỉ điều này. Trong vũ trụ, hai nguồn khí âm dương pha trộn vào nhau không thể phân biệt, loài người lại được coi là mang linh khí của vạn vật, do hai nguồn khí âm dương hợp lại mà thành.
Lẽ đương nhiên, khi hai nguồn khí này có sự thay đổi thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể con người và gây ra đủ loại phản ứng cả tiêu cực lẫn tích cực.
Theo tử vi, tháng 5 theo lịch âm có 9 ngày sau được coi là Cửu độc: 5, 6, 7 và 15, 16, 17 cùng 25, 26, 27. Đây là những ngày mà dân gian đồn đại là thời điểm mà “Thiên địa giao thái cửu độc nhật”, các loại độc trong trời đất cùng tụ lại. Ngoài ra, còn có ngày 14 âm lịch cùng được liệt vào cấm kị. Trong những ngày này, phải khiêm nhường đoan trang, cấm kị sát sinh, hành lạc, nếu không sẽ tổn hao nguyên khí nghiêm trọng.
Những kiêng kỵ dân gian trong tháng 5 âm lịch
Tháng 5 âm lịch là “tháng độc”. Nam giới phải tiết chế lục dục, ăn uống thanh đạm, không nên ăn đồ chua mà năng ăn đồ có vị đắng để ích gan bổ thận. Nên tĩnh dưỡng, giữ tâm thế an yên, hài hòa.
Tháng 5 âm lịch, không được cạo trọc đầu, cắt trụi tóc trẻ sơ sinh, bởi trẻ nhỏ trên đỉnh đầu Tín Môn (tức thóp) vẫn chưa hoàn toàn được phong bế.
Thời cổ đại, vì cho rằng tháng 5 âm lịch mang nhiều điềm không lành nên gọi là “tháng ác” hay “tháng độc”. Tháng này trời sinh đủ loại kịch độc, trong đó có 5 loài động vật độc nhất là Rắn độc, Bò cạp, Rết độc, Thằn lằn độc, Cóc độc. Tương truyền, trong ngày Tết Đoan Ngọ, người ta cắt giấy đỏ thành hình 5 con vật này rồi dán lên cửa sổ, làm “Bùa ngũ độc”, xua đuổi chúng tránh xa nơi người ở.