04/06/2021 11:41 View: 2618

Cúng rằm tháng 3: Văn khấn, đồ lễ, cơm cúng và kiêng kỵ

Ngay sau tết Thanh minh là rằm tháng 3, vậy văn khấn rằm tháng ba, đồ lễ rằm tháng ba, ý nghĩa rằm tháng ba, những lưu ý khi cúng rằm tháng ba, kiêng kị rằm tháng ba....Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây. 

cung ram thang 3, com cung ram thang ba

Nấu chè cúng rằm tháng ba: Thanh tao, đẹp và ngon mắt (ảnh Thu Hồng)

Ý nghĩa rằm tháng 3

Mặc dù không quá quan trọng như rằm tháng giêng hay tết Thanh minh nhưng rằm tháng 3 vẫn rất được chú trong trong phong tục thờ cúng từ xưa đến nay của người Việt. Vào ngày này người Việt Nam thường cúng Rằm tháng Ba ở nhà, đi lễ Chùa, lễ Phật để cầu mong cho sự bình yên, khoẻ mạnh quanh năm.

Rằm tháng 3 nếu có mưa to là điềm lành hay dữ?

Người ta quan niệm rằng: Nếu rằm tháng 3 có mưa to sẽ rất tốt.  

Vì ngày xưa đi du lịch hành hương khó khăn nên ai cũng cơm nắm cơm gói đi lễ các nơi, các chùa chiền non cao do vậy mà có rác và bị con người xả nhiều thứ tanh hôi. Cây cối khói bụi suốt từ mua đông, mái nhà, chỗ cao, cây lớn, kênh rạch...sẽ cần được rửa sạch tự nhiên."Mưa rửa đình rửa đền" là vậy. 

Sau 10/3-15/3 mà xuất hiện mưa rào to, không sấm chớp là thuận vì ai cũng tin rằng sau mưa mọi thứ sẽ thay đổi. 

Sắm lễ cúng Rằm tháng Ba:

Ngày rằm tháng 3, các gia đình thường chuẩn bị mâm cơm cúng gồm có đĩa ngũ quả, hương hoa, đèn nến và thêm đĩa bánh chưng bánh dày. Theo tục lệ, tháng Ba thuộc Tiết Thanh minh, cũng là tháng có ngày Giỗ Tổ, vì vậy ngày rằm tháng 3 khi chuẩn bị lễ vật nên có thêm đĩa bánh này để tưởng nhớ Tổ Tiên, ông bà. 

Ngoài ra, mọi lễ vật khác không cần cầu kỳ, chuẩn bị theo điều kiện của từng gia chủ. 

Bài văn khấn cúng Rằm tháng 3

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn Thần.

– Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển Tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ)

Tín chủ con là (đọc rõ họ tên) ………………

Ngụ tại: số nhà ……… phường (xã)…… quận (huyện)……. tỉnh (thành phố)………….

Hôm nay là ngày 15 tháng 3 âm lịch, tức ngày 7 tháng 4 dương lịch năm Canh Tý, gặp tiết rằm tháng Ba tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa, trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

Chúng con kính mời: Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ ………, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, làm ăn phát tài, gia đình hòa thuận.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Thời gian, ngày giờ tốt để cúng rằm tháng ba

Rằm tháng ba thường được mọi người cúng vào ngày 14 hoặc 15 tháng ba âm lịch.

Rằm tháng Ba năm Canh Tý 2020 rơi vào ngày 07/4 dương lịch, tức ngày 15/3 âm lịch.

Theo phong tục từ xưa của cha ông ta, giờ “chuẩn” để cúng Rằm tháng Ba là giờ Ngọ (tức là từ 11h đến 13h trong ngày), bởi đây là thời khắc mà dân gian cho rằng Thần Phật giáng thế ngày rằm.

Tuy nhiên, việc cúng bái cốt ở thành tâm, nếu gia chủ không sắp xếp để làm được cỗ cúng vào giờ đó trong ngày thì có thể cúng trước từ sáng ngày 06/4 dương lịch (tức 14 tháng Ba âm lịch) cho tới trước 13h ngày 07/4 dương lịch (tức ngày Chính Rằm).

Một số kiêng kỵ ngày rằm

Đối với ngày Rằm, theo quan niệm phương Đông thì có một số điều kiêng kỵ rằm để tránh vận hạn đen đủi, điều không may mắn như sau:

  • - Kiêng câu cá ngày trăng tròn
  • - Kiêng nói bậy, chửi tục
  • - Kiêng quan hệ nam nữ
  • - Tránh đánh vỡ, làm hỏng đồ đạc trong nhà: Không may mắn
  • - Kiêng đi đến những nơi âm khí nặng như mồ mả, nơi hoang vu hoặc bệnh viện: Âm khí nặng, ốm đau, bệnh tật
  • - Tránh mang nhiều tiền bạc, đồ vật có giá trị bên người: Dễ mất mát, bị cướp bóc.
  • - Kiêng cho người khác mượn tiền
  • - Không sát sinh: Tài vận suy giảm, gặp tai nạn, bệnh tật
  • - Kiêng để trẻ con khóc hờn dai: Không may mắn

Trên đây chỉ là những quan niệm dân gian, được truyền miệng từ xa xưa, nên chỉ mang tính chất tham khảo. Cuộc sống là do chúng ta quyết định, không phải chỉ vài điều kiêng kỵ mà ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Chạm vào mùi hoa bưởi
Biết tháng Ba rất gần
Biết mình như cánh cửa
Gió lay là mùa xuân

Tháng Ba ngày như khói
Cỏ ngoài đê Thanh minh
Người qua cầu vồi vội
Tưởng bóng ai bóng mình

Có về trong hương bưởi
Nhớ đợi người trăm năm
Tình dẫu dài chiếc bóng
Về vẫn thơm chỗ nằm

Tamlinh.org (Thơ: Ngọc Anh)