04/06/2021 11:40 View: 14276

Niệm Phật như thế nào cho đúng?

Niệm Phật như thế nào cho đúng? Hay "cách niệm Phật trước khi đi ngủ?"..là những thắc mắc của phần lớn các phật tử tại gia và cả những người không phải đệ tử Phật nhưng có tâm hướng Phật. Bài viết này Tamlinh.org sẽ không đi vào hướng dẫn các nghi thức cụ thể mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách hoà thượng Tịnh Không niệm Phật để xem ngài đã niệm Phật như thế nào nhé. 

Niem phat nhu the nao cho dung, tinh khong

Cách niệm Phật của đại sư Liên trì 

Danh hiệu chỉ có bốn chữ “A Di Đà Phật”. Trước đây đại sư Liên Trì đã dùng phương pháp này. Trong “Trúc Song Tùy Bút”, chúng ta xem thấy có người thỉnh giáo đại sư rằng:

- “Sư dạy người khác niệm Phật như thế nào”?.

Đại sư Liên Trì nói:

- “Tôi dạy người khác niệm Phật là dạy họ niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Người đó bèn lại hỏi đại sư:

- “Cách niệm của chính bản thân sư là như thế nào?”.

Ngài nói:

- “Bản thân tôi chỉ niệm bốn chữ “A Di Đà Phật”.

Thế là người ta hỏi Ngài:

- “Đây là nguyên nhân gì?”.

Ngài bèn nói:

- “Tôi đời này đã hạ quyết tâm nhất định phải sanh Tịnh Độ, cho nên tôi chấp trì danh hiệu, mà danh hiệu thì chỉ có bốn chữ, đây là trong kinh A Di Đà nói”.

Ngài nói tiếp: “Tôi dạy người ta, người ta chưa hẳn phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, họ không có quyết tâm này, không có nguyện vọng này, nên tôi dạy họ niệm sáu chữ (tức là cộng thêm Nam Mô)”.

Nam Mô là tiếng Phạn, tiếng Ấn Độ cổ, ý nghĩa là quy y, là cung kính, lời khách sáo, quy y Phật A Di Đà, cung kính Phật A Di Đà. Từ đó cho thấy, người thật sự hạ quyết tâm cầu sanh Tịnh Độ thì không cần lời khách sáo nữa, có thể bỏ đi, càng đơn giản càng đắc lực. Niệm sáu chữ không đơn giản bằng niệm bốn chữ, đạo lý là ở chỗ này.

Hoà thượng Tịnh Không: 

Tôi có từng hỏi qua Sư Phụ:

- “Sư Phụ niệm Phật như thế nào?”

Tôi rất ít khi thấy ngài cầm chuỗi, và miệng niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật” Tôi rất ít thấy ngài có cái biểu hiện như vậy, ngài thường khi rất yên lặng, không nói chuyện. Sư Phụ mới nói cùng tôi:

- "Tôi niệm Phật như thế nào? Tôi thấy cái bàn này, cái bàn này là A Di Đà Phật; cái ghế này, cái ghế là A Di Đà Phật; có người đi tới, người đó cũng là A Di Đà Phật. Tất cả người, tất cả việc, tất cả vật đều toàn là A Di Đà Phật, không có gì mà không là A Di Đà Phật, thuận cảnh và nghịch cảnh toàn là A Di Đà Phật, do ngài biến hiện ra”.

Như trong Kinh A Di Đà có nói, tại Cực Lạc Thế Giới, bạn thấy lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, toàn là Phật Pháp Tăng Tam Bảo, toàn là A Di Đà Phật. Pháp âm đó ở Cực Lạc Thế Giới tuyên dương lưu truyền không ngừng, ngay cả con chim nhỏ cũng là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật biến hóa ra.

Tại sao phải biến hoá? Để cho pháp âm thường được tuyên dương lưu truyền. Cảnh giới của Cực Lạc Thế Giới, bạn xem, không gì mà không phải là A Di Đà Phật. Cực Lạc Thế Giới đó thân độ bất nhị, độ tức là Tịnh độ, thuộc thế giới vật chất, thế giới vật chất cũng là A Di Đà Phật, thân và quốc độ không hai.

Nếu như chúng ta được nhập vào cái cảnh giới này, không cần đến Cực Lạc Thế Giới, mà ngay trước mặt, bạn thấy tất cả cảnh giới, đều toàn là A Di Đà Phật biến hiện ra. Chim ở Cực Lạc Thế Giới biết nói pháp, chim ở thế giới Ta bà này không biết nói pháp chăng? Chim đó không là A Di Đà Phật biến hiện sao? Có người đi tới bất kể người đó đối với bạn tạo thiện hay tạo ác, đều là A Di Đà Phật biến hiện. Tại sao ngài phải biến hiện? Để cho pháp âm tuyên dương lưu truyền, là A Di Đà Phật biến hóa mà ra.

Ngài

  • Biến một người tốt đến, nhắc nhở bạn phải học cho tốt
  • Biến một người xấu đến, giúp đỡ bạn tiêu trừ nghiệp chướng, họ đến mắng bạn, họ đến hại bạn, họ đến chướng ngại bạn và hủy báng bạn

A Di Đà Phật đến giúp tôi tiêu trừ nghiệp chướng, để tôi đề thăng công phu của nhẫn nhục, để tôi thật sự nhìn thấu buông xuống, đây không phải là A Di Đà Phật vì pháp âm tuyên dương lưu truyền mà biến hoá ra sao? Cực Lạc Thế Giới lục trần giảng pháp chúng ta ở thế giới này há cũng không là lục trần giảng pháp sao? Cho nên “Tịnh độ tức nơi này, nơi này tức Tịnh độ “.

Tôi đã hiểu rõ, thì ra Sư phụ Thượng nhân của chúng ta là niệm Phật như thế.

Đó tức là như trong Kinh Hoa Nghiêm, gọi là Hoa Nghiêm tam muội, Hoa Nghiêm niệm Phật tam muội, “Tình và vô tình, đồng viên chủng trí”, ngài hoàn toàn ở trong A Di Đà Phật, chưa từng rời bỏ A Di Đà Phật, vậy bạn nói ngài không vãng sanh thì ai được vãng sanh? Huống hồ chi niệm Phật thì thành Phật.

Nếu chúng ta niệm Phật giống như vậy, tâm mình là tâm Phật, thấy được cảnh giới bên ngoài toàn là A Di Đà Phật, tâm cảnh không hai, cảnh tùy tâm chuyển, cảnh do tâm tạo. Tâm của bạn là tâm Phật, bạn tạo ra cảnh giới Phật, vậy bạn chắc chắn vãng sanh Tịnh độ, hiện giờ bạn đã không là người trong thế giới Ta bà mà bạn là người ở Cực Lạc Thế Giới rồi.

SÁU CHỮ: “NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT” - NHIẾP HẾT TẤT CẢ CÁC PHÁP MÔN!

Chuyên niệm một câu “Nam-mô A-di-đà Phật” thì tự nhiên mười phương chư Phật đều hộ niệm. “Hộ niệm” nghĩa là nhớ nghĩ, che chở khiến cho chúng ta được an ổn, không bị các chướng nạn.

Nên biết, niệm Đức Phật A-di-đà tức là niệm tất cả chư Phật ở mười phương, vãng sanh về Tịnh Độ Cực Lạc tức là vãng sanh về mười phương Tịnh Độ; có thể đem tự lợi này để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, không cần phải thay đổi để xưng niệm danh hiệu các Đức Phật khác trong mười phương.

Chuyên niệm một câu “Nam-mô A-di-đà Phật” thì tự nhiên được hai vị đại Bồ-tát là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cùng với hai mươi lăm vị đại Bồ-tát khác, không mời thỉnh mà các Ngài tự đến, trong suốt mười hai thời thường hoan hỷ nâng đỡ, che chở, khiến cho người niệm Phật xa lìa các ưu khổ, luôn luôn được an ổn.

Cho nên biết, chỉ cần niệm Đức Phật A-di-đà là chúng ta đã niệm danh hiệu các vị đại Bồ-tát như Quán Thế Âm và Đại Thế Chí rồi, không cần phải xưng niệm riêng các vị Bồ-tát khác.

Chuyên niệm một câu “Nam-mô A-di-đà Phật”, tức là đã đầy đủ công đức vô thượng đại lợi, đương nhiên là thù thắng hơn bất kỳ thần chú nào; huống chi một câu “Nam-mô A-di-đà Phật” là vua trong các Đức Phật, là tôn quý trong các Đức Phật. Vì thế ngoài niệm Phật ra không cần phải trì niệm thêm thần chú nào khác.

Phần lưu thông trong Đại kinh, Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:

“Nếu có người nghe.
Danh hiệu Phật này,
Lòng rất vui mừng,
Cho đến một niệm,
Nên biết người ấy,
Được lợi ích lớn,
Sẽ được đầy đủ,
Công đức Vô thượng”.

Nên biết, Niệm Phật đã là công đức “Vô thượng đại lợi” thì tất cả các thần chú và các hạnh môn đều là công đức “hữu thượng tiểu lợi”. Cho nên, người trí nên bỏ các tạp hạnh “hữu thượng tiểu lợi” mà chuyển niệm sáu chữ hồng danh “Vô thượng đại lợi”.

Lại nữa, trong kinh Phật thuyết A-di-đà Phật căn bản bí mật thần chú nói: “Danh hiệu Đức Phật A-di-đà đầy đủ công đức vô thượng, bí mật sâu xa, thù thắng vi diệu, vô lượng vô biên, bất khả tư nghị. Vì sao? Vì trong ba chữ “A-di-đà” Phật, có tất cả chư Phật, tất cả chư Bồ-tát, Thanh Văn, A-la-hán trong mười phương ba thời và bao gồm tất cả các kinh điển, thần chú đà-la-ni, vô lượng pháp tu. Cho nên danh hiệu Đức Phật A-di-đà chính là pháp Đại thừa chí cực vô thượng chân thật; là diệu hạnh vô thượng thù thắng thanh tịnh liễu nghĩa, là thần chú vô thượng tối thắng vi diệu”.

Còn kệ nói rằng:

Chữ A: Chư Phật trong mười phương ba thời.
Chữ Di: Tất cả các Bồ-tát,
Chữ Đà: Tám vạn các thánh giáo.
Trong ba chữ đã đầy đủ tất cả.

“Này Xá-Lợi-Phất! Nếu có chúng sanh nghe nói đến Đức Phật A-di-đà, vui mừng hớn hở chí tâm xưng niệm, tin sâu không giải đãi, sẽ được công đức bất khả tư nghị. Hiện đời được niềm vui không gì sánh bằng; hoặc chuyển nghèo cùng thành giàu sang, hoặc thoát được các khổ bệnh hoạn do nghiệp báo đời trước bức bách; hoặc chuyển đoản mệnh thành trường thọ, hoặc hóa giải được oan gia, được con cháu đông vui, thân tâm an lạc, đầy đủ như ý, các công đức này không thể kể hết được”.

Nên biết, một câu Nam-mô A-di-đà Phật là vua trong các Đức Phật, vua trong các pháp, vua trong các thần chú, vua trong mọi công đức. Chuyên niệm một câu Nam-mô A-di-đà Phật tức là trì hết, niệm hết tất cả chư Phạt, ,chư Bồ-tát, các kinh chú, các hạnh môn. Sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật” nhiếp trọn tám vạn bốn nghìn pháp môn”, cũng có nghĩa là “bao gồm tám giáo, nhiếp trọn năm tông”, hiện đời thân tâm an lạc, khi lâm chung được vãng sanh Tịnh Độ.

Bậc cổ đức dạy:

Một câu Di-đà không niệm khác,
Chỉ trong phút chốc đến Tây Phương,
Chẳng cần Tam kỳ tu phước huệ,
Chỉ nương sáu chữ thoát luân hồi,
Chẳng lạ một tiếng siêu thập địa,
Nên biết sáu chữ gồm tam thừa,
Nếu người chỉ niệm A-di-đà,
Gọi là thiền vô thượng thậm diệu
Ba tạng mười hai bộ, xin nhường cho người khác ngộ;
Tám vạn bốn nghìn hạnh, xin dành cho người khác tu.
Nam Mô A Di Đà Phât.

Trích từ: “Bốn mươi tám đại nguyện của A Di Đà Phật” (Tập 2). | BẢN NGUYỆN NIỆM PHẬT- trang 236-245

ĐÔI MẮT ÂM DƯƠNG.

Bà tôi kể hồi nhỏ, những lúc nông nhàn thì bà se nhang (làm nghề phụ). Bà không hề tẩm hóa chất nào vào nhang, để tỏ lòng tôn kính, vì đây là vật phẩm dành để cúng dường.

Có lẽ nhờ làm nhang bằng tấm lòng thành thuần khiết, vào năm hơn 30 tuổi bà bị bệnh nặng thì được Bồ tát cứu (trên đường phố bà gặp một bà già tu Phật giúp chữa cho lành bệnh).

Bà già này đã sắc thuốc trị cho bà tôi, sau khi uống thuốc xong, bà tôi lành bệnh, nhưng kể từ đó linh nhãn cũng khai mở, bất kể là ban ngày hay ban đêm, bà đều có thể nhìn thấy một cõi không gian khác mà mắt phàm chúng ta không thể thấy.

Trước đây tôi hoàn toàn không tin vào mấy cái thuyết thiên nhãn hay mắt âm dương chi do bà thì luôn nhìn thấy những loài mà tôi không nhìn thấy, nên tôi luôn bảo bà là: Bà mắc bệnh thần kinh! Và cho bà là cổ hủ, phong kiến, mê tín…

Sau này, kể từ khi tôi có duyên may được nghe Phật pháp rồi phát tâm nhập đạo, thì mới hiểu và biết tri ân những gì mà đôi mắt âm dương của bà nhìn thấy, bởi việc này đã giúp tăng thêm tín tâm cho tôi rất nhiều.

Tôi xin kể ra nguyên nhân khiến mình tu theo Phật.

Vào khoảng mấy năm trước, tôi đang đi trên đường thì gặp người bán lươn, nhìn cảnh họ róc xương lột da lươn, tôi thấy bất nhẫn quá… nên quyết định mua hết số lươn còn sống trong chậu đem đến ao nước trong công viên lân cận để phóng sinh.

Từ nhỏ tôi vốn sợ rắn, nên những loài có hình dạng giống chúng tôi đều sợ. Vì vậy mà số lươn nằm trong bao tôi không dám bắt, đành phải rủ em gái cùng tôi đem tới công viên, nhờ nó bắt thả xuống ao giùm. Do tôi sợ quá nên chỉ đứng xa xa phía sau mà nhìn thôi. Kết quả: Khi lươn thả xuống nước xong, nhiều con còn bơi lại gần đến chỗ tôi, trông chúng mạnh khỏe, và hơn phân nửa đều ló đầu lên mặt nước, bu lại chỗ tôi, không ngừng gật đầu, cúc cung cảm tạ. Tôi nhận rõ ý chúng là như thế, ngộ cái là, chúng không hề xúm lại quanh em gái tôi dù em ở rất gần chúng, mà lại bơi đến vây quanh chỗ tôi và không ngừng cúi chào, lâu thật lâu chúng mới chịu bỏ đi.

Chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ này, ngay giây phút đó tôi hết sức bất ngờ và cảm động, cảm động đến lệ tuôn đầy mặt và tôi hiểu thế nào là: Chúng sinh bình đẳng, vật và người vốn có linh tính giống nhau!

Trước đây tôi vốn là kẻ mê ăn mặn, luôn phản đối ăn chay. Hễ đến bữa ăn mà không có thịt cá thì tôi nhất quyết không chịu cầm đũa. Nhưng sau khi phóng sinh lươn xong, quay về nhà rồi, tâm tôi đã thay đổi, tôi không còn hứng thú với việc ăn mặn nữa, tôi bắt đầu nghiên cứu kinh Phật để hiểu thêm nhiều hơn về những điều kỳ diệu trong cuộc sống và âm thầm cảm ơn những con lươn kia đã dìu tôi bước vào Phật môn.

Mới đầu, tôi xem kinh Địa Tạng, rồi từ đó mỗi tháng vào mười ngày trai (mồng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30) thì tôi đều tụng kinh Địa Tạng.

Bà tôi vốn không biết chữ và chẳng hiểu gì về mười ngày trai này, nhưng mỗi lúc đúng vào mười ngày trai, sau khi tôi tan sở về nhà, là bà luôn hỏi tôi: Hôm nay có phải con sẽ tụng kinh Địa Tạng không?

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Vì sao bà biết?

Bà đáp:

– Làm sao mà không biết được! Bà thấy các chúng sinh cõi quỷ ngay từ hồi chiều đã tụ tập đầy trong nhà rồi, đông đến hết đếm nổi luôn! Chúng đến để nghe con tụng kinh mà!

Có những hôm thấy tối quá rồi mà tôi còn làm việc, bà đến gần bảo:

– Đừng làm nữa, lo mà tụng kinh Địa Tạng đi! Không nên để các chúng sinh kia quỳ đợi lâu, rất có tội và không tốt!

Hơn nữa, bà còn tả rõ cảnh tượng: Chúng quỷ chỉ tụ tập đúng vào mười ngày trai là những ngày tôi chọn để tụng kinh. Bà thấy trong số đó có cả động vật và người, vong người thì mặc y phục thuộc về triều đại của họ.

Tôi trước đây mê ăn mặn, không ưa ăn chay, nên khiến bà phải khổ theo bởi vì tôi mà bà phải giết vật tạo ác nghiệp nhiều.

Trong thời gian tôi tụng kinh Địa Tạng, những chúng sinh bị giết ăn kia đều đến nghe kinh, có đủ heo, tôm, gà, cua, cá v.v…

Đặc biệt có một lần bầy cua tới, còn vung vẫy mấy cái càng to, như hướng bà muốn nói là cả nhà tôi từng ăn cua, chúng nghe tụng kinh với vẻ rất hoan hỉ.

Bây giờ tôi không còn tụng kinh Địa Tạng nữa, mà thời khóa chính của tôi là kinh Kim Cang, Tâm kinh, Chú Lăng Nghiêm v.v… đương nhiên bao giờ cũng có chúng sinh cõi khác tụ tập đến nghe.

Học Phật vốn là buôn bỏ chấp trước, nhưng vẫn có nhiều người càng tu càng chấp. Chấp nơi oan thân trái chủ, sợ oan thân trái chủ làm chướng mình nên muốn bỏ cuộc không tu trì.

Ngài Ấn Quang từng giảng: Quý vị chẳng biết là quỷ cùng người luôn ở chung lẫn lộn hay sao? Bởi không chỗ nào mà không có quỷ! Dù ta không mời quỷ đến, nhưng nhà nào cũng có quỷ. Tính ra, chúng quỷ hiện diện đông hơn người gấp trăm ngàn lần. Nếu người sợ quỷ, thì cần tích đức hành thiện, ắt quỷ sẽ sinh lòng kính trọng mà hộ trì.

Nếu người làm việc ám muội, thì quỷ sẽ tranh nhau dè bỉu, nên khó thể sống an.

Nếu đã biết rõ như vậy, thì dù ở một mình trong nhà tối, mọi người cũng chẳng nên khởi chút niệm quấy hay chút ý tà, huống nữa là làm ra những việc lỗi…

Loài quỷ nếu là quỷ thiện, thì thấy người đến ắt nhường đường, khi người đi khỏi chúng mới chiếm khắp đất đó.

Nếu Lệ quỷ (quỷ ác) xuất hiện, ắt có điềm chẳng lành lớn.

Phải biết trước mặt mọi người luôn có rất nhiều (thiện quỷ hay ác quỷ). Muốn không sợ quỷ thì nên: giữ tâm tốt, nói lời tốt, làm việc tốt, được vậy thì các loài quỷ đang hiện diện đó, sẽ biến thành kẻ hộ vệ cho người.

Chỉ sợ rằng: Loài quỷ được ta khiến cho kính trọng không có nhiều, nếu có được nhiều thì càng tốt, sợ mà làm chi?

Giờ tôi xin nói đến việc truyền âm kinh luận. Nhờ may mắn mà tôi biết được công đức này. Nếu có thể, bạn nên sắp đặt trong ngôi kiến trúc của mình một nơi phát âm (quảng bá kinh), được vậy thì môi trường hoàn cảnh lân cận sẽ chuyển hóa triệt để, có đủ năng lực hướng dẫn nhân tâm. Giống như cõi tịnh Phổ Đà Sơn của Bồ tát Quán Thế Âm…

Ích lợi cực lớn thu được là: Ngay trong khu vực phát âm kinh chú, không chỉ có người, mà bao gồm cả côn trùng, tất cả chúng sinh nơi đó, đều được miễn trừ đọa tam ác đạo, có thể siêu sinh cõi trời, người, hoặc cõi Tịnh của chư Phật.

Do buổi tối thời gian bận rộn nhiều, nên tôi đổi lại: Mỗi ngày tụng kinh vào buổi sáng sớm. Trong nhà tôi sắm hai máy cho mở phát kinh thường xuyên: Một máy DVD chuyên phát kinh, chú… tôi đặt tại Phật đường, một máy phát “Văn Thù Tâm Chú” tôi đặt trên bàn nơi thư phòng. Tôi hy vọng có thể giúp chúng sinh đến nghe kinh được thọ ích trong tất cả mọi thời.

Lúc tôi mở DVD phát đĩa kinh, đã chiêu cảm rất nhiều chúng sinh hữu duyên đến nghe, trong số đó có một con rồng. Lần đầu bà tôi nhìn thấy vóc dáng khổng lồ của nó thì đã kinh hoàng hét lên: Ôi chao! Con rắn này sao mà to khiếp!

Bà còn tả là nó nằm phía ngoài sân thượng của gian thờ Phật. Nó còn lượn tới lượn lui ngoài sân canh trộm. Tôi khuyên bà đừng sợ mà hãy nhìn kỹ xem: Con “rắn” khổng lồ bà tả đó, nó có móng hay không? Bà nhìn kỹ rồi đáp có. Tôi giải thích: Đó không phải là rắn, mà là Rồng (là Long thần hộ pháp!).

Năm nay con rồng ấy lại hiện thân, lần này nó nằm trên không, chỗ phát ra Văn Thù Tâm Chú.

Trong kinh điển Phật giáo, thường nhắc đến Thiên Long bát bộ, Long Thiên hộ pháp v.v… song mọi người đều không hiểu ý này.

Phật Thích Ca trước khi nhập niết bàn, đã dặn dò Long Vương, chư Thiên… nhắc nhở họ hộ trì Phật pháp. Do đã trải qua hơn hai ngàn năm, nên nhiều người còn cho đây là chuyện thần thoại phi thực, không thể nào tin.

Tôi thực cảm ơn chư Thiện tri thức đã chỉ điểm cho trên con đường tu tập hành đạo, cũng cảm ân đôi mắt âm dương của bà, cảm ân Long Thiên hộ pháp thị hiện… khiến tôi đối với Phật pháp có đủ lòng tin.

Câu chuyện tôi kể ra hoàn toàn có thực, bạn không tin thì cứ xem như nghe chuyện thần thoại vậy. Còn tôi thì vững tin rằng: Thế giới này thực sự có tồn tại những loài mà mắt thịt của con người không nhìn thấu.

Ngẩng đầu ba thước có thần linh, nên chúng ta giờ phút nào cũng phải quan sát và kiểm điểm từng khởi tâm động niệm của mình.

Nguyện hồi hướng công đức này đến tất cả chúng sinh tận hư không khắp pháp giới, nguyện tất cả đồng tu hành, đạt đạo.

Cư sĩ Diệu Thanh (Trích Báo ứng hiện đời - biên dịch : Ni Sư Hạnh Đoan)