04/06/2021 11:39 View: 2639

Cách bao sái, tỉa chân nhang vào dịp cuối năm để tăng tài lộc

Vào những ngày cuối năm, có rất nhiều người thắc mắc: Nên tỉa chân nhang vào ngày nào, tháng nào? Có phải thay tro mới hay không? Có phải sàng lọc lại tro hay không? Khi bao sái cần chú ý những gì? Cách cắm hương khi bao sái xong như thế nào cho đúng? Hóa hương cũ thế nào...? Vậy nên hôm nay Tamlinh.org viết bài chia sẻ tới mọi người đang có những thắc mắc băn khoăn về vấn đề này.

bao sai, rut tia chan huong cuoi nam, huong dan

Mọi người hay thắp hương vào ở giữa tạo thành 1 nhúm và xung quanh bỏ trống thì bát hương sẽ không tụ khí nhiều. Nên thắp đều quanh bát hương

Những lưu ý về Bát Hương:

Bát hương có thể coi là phương tiện gắn kết giữa cõi âm và dương gian, mặc dù còn rất mơ hồ về tính thực tế về khoa học chưa thể chứng minh được. Nhưng từ bao đời nay, cha ông của chúng ta đã biết tập tục phụng thờ Vật Tổ và nâng cao sự hiếu nghĩa uống nước nhớ nguồn bằng việc phụng lập bài vị, bát hương thờ cúng.

Tuỳ theo vùng miền và tục lệ, mục đích mà người ta sẽ phụng lập số lượng bát hương khác nhau. Nhưng thường người á đông sẽ thờ số lẻ 1-3-5-7.

Đối với tư gia, hoặc nhiều bạn trẻ mới lập gia đình - xin ra ở riêng. Và mong muốn phụng lập bát hương thờ tự. Tamlinh.org xin tư vấn:

Nếu là nhà đi thuê tạm thời: chỉ nên lập bát hương phụng thờ Thổ Công, tiền hậu địa chủ hoặc bát hương thờ Thần Tài Thổ Địa.

Nếu là nhà đi thuê lâu dài, chung cư, nhà riêng nên phụng lập 3 bát hương:

  • Bát Giữa: Thờ Thổ Công, các quan quản cai long mạch, tiền hậu địa chủ, cầu an đất ở, khai trấn ngũ phương.
  • Bát bên phải hướng nhìn đối diện: Thờ Công Đồng Gia Tiên nội tộc nhà chồng. Cầu được bày tỏ lòng hiếu kính, nơi các cụ ngự giá theo phù hộ chúng ta.
  • Bát bên trái hướng nhìn đối diện: Thờ chân linh 1 vị bà Cô hoặc ông Mãnh (tức họ là ông/bà/cô/bác/anh/chị/con của gia đình chồng chưa có gia đình mà mất). Chỉ thờ 1 vị vì trước giờ tục lệ vẫn nói nam nữ thọ thọ bất thân.

Đối với những hài nhi khuyết sảy, ta không nên phụng lập bát hương thờ tự. Mà có thể rước lên chùa nhờ các thầy cầu siêu hoặc vái vọng, thỉnh mời mỗi dịp lễ cúng là được rồi.

Đối với từ đường, nhà thờ họ, nhà trưởng có thể thờ từ 3-7 bát hương. Thêm bát Thuỷ Tổ, Tộc Tổ Cô, Tộc Mãnh Tướng,...

Chú ý khi Tỉa Chân Hương:

Đối với điện sở đền chùa sẽ cắt tỉa chân hương vào dịp cuối tháng. Để tránh rơi vãi, cháy nổ hoả hoạn vì đông người dâng hương.

Đối với tư gia:

  • Thờ Phật nên thờ chay tịnh và thắp bằng hương vòng sẽ không phải cắt tỉa chân hương.
  • Thờ Tổ Tiên cúng chay hoặc mặn đều được. Việc cắt tỉa chân hương thường được làm vào dịp cuối năm. Từ ngày 20 - 30 tháng 12 âm lịch.
  • Thờ Thần Tài cúng mặn, có thể hoá giấy tiền vàng mã, cắt tỉa chân hương từ 20 - 30 tháng 12 âm lịch, hạn chế châm thuốc thắp hương thần tài.

Chú ý khi Bao Sái bát hương

Thứ nhất về nghi lễ:

Chúng ta nên tùy tâm biện lễ sao cho phù hợp, thường sẽ có hoa quả, tiền vàng và nến hương. Chúng ta có thể thắp hương từ trước ngày tỉa chân nhang 1 ngày. Với nội dung cáo trình Thổ cồng thổ thần linh quan bản xứ, ông bà tiền hậu thổ chủ đất, gia tiên bản phái họ.... chấp thụ lễ nghi gồm..... Chuẩn tâu sám tạ, phù hộ cho con xin lễ bao sái, cắt tỉa chân nhang bát hương thờ...... Được vạn sự hanh thông, nhất tội nhất xá, vạn tội vạn thương.

Thứ hai là chuẩn bị nước: 

Có thể chuẩn bị gói ngũ vị ( quế hồi, vang, trầm,...) hoặc gói bột ngũ vị ( quế, hồi, chu sa,...) hoà ra nước hoặc đun sôi cho phôi hết ra nước. Còn dễ nhất là dùng rượu trắng trộn cùng gừng tươi giã nhỏ. Chuẩn bị thêm khay đựng (mâm sạch), túi đựng, chậu nhựa, khăn sạch.

Thứ ba là vệ sinh:

Ta rửa sạch tay, đánh răng, vệ sinh sạch sẽ, ăn vận trang nghiêm. Làm lần lượt từ bát hương cao nhất ( thứ bậc) cho tới bát hương nhỏ nhất, ngoài cùng. Thường bát hương chính giữa sẽ là bát hương ngôi vị cao nhất.

Có 2 cách để tỉa chân hương:

  • Cách 1: Ta có thể dùng 1 tay giữ cố định bát hương, tay còn lại rút tỉa chân hương, rút từ từ để tránh làm xáo cốt hiệu trong bát hương.
  • Cách 2: Ta có thể hạ bát hương ra mâm sạch, khay sạch. Rồi lần lượt rút tỉa, bao sái chân hương.

Yêu cầu khi rút tỉa chân nhang

  • + Nên để Nam giới là trụ cột làm hoặc con trai trưởng..., nếu Nữ làm trừ trường hợp trong gia đình không có Nam giới hoặc ở xa, phụ nữ tránh kỳ đến tháng.
  • + Không nên bao sái và tỉa chân nhang ban đêm.
  • + Không được đổ bát hương ra mâm chậu...
  • + Không được sàng lọc lại tro cốt,
  • + Không được tự ý cho thêm linh vật vào trong bát hương.
  • + Không được vừa làm vừa nói chuyện.
  • + Không được đặt bát hương xuống nền nhà.

Chúng ta rút tỉa chân hương nên để lại 3,5,7 nén hương giữa là hương cốt cũ. Dùng 1 đồng tiền lẻ gấp lại hoặc 1 tờ giấy tiền gấp lại xoa gạt xung quanh phần tro trong bát hương với mục đích xóa đi nhưng vết ngón tay của ta còn in lại trên phần tro cốt. Dùng khăn sạch thấm nước ngũ vị (rượu gừng) bao sái xung quanh bát nhang, rồi từ từ đặt lại vị trí cũ. Nên lưu ý hướng mặt nguyệt trên bát hương quay ra ngoài chính diện.

Cuối cùng chúng ta sửa lễ thắp hương, để yên tâm hơn có thể mời thầy tạ cuối năm, các thầy sẽ an vị bát hương lại cho chúng ta hoặc chúng ta có thể mua tập kinh về tụng phần chú Đại Bi để an vị bát nhang.

Cách thắp hương:

Rất nhiều nơi thấy mọi người hay thắp hương vào ở giữa tạo thành 1 nhúm và xung quanh bỏ trống thì bát hương sẽ không tụ khí nhiều. Chúng ta mỗi lần thắp hương nên thắp xung quanh bát hương trước, chỗ nào khuyết cắm vào chỗ đó để nhìn làm sao bát hương được xum xuê, đề huề cũng như tượng trưng cho cuộc sống no đủ...

Sau khi bao sái xong, chân hương rút ra ta có thể mang đi thả trôi sông, vấn đề này tùy theo tập tục mọi miền đất nước nên mọi người có thể tham khảo.

Trên đây là bài viết chia sẻ kinh nghiệm Bao Sái - Tỉa Chân Hương của tác giả Lão Tử, mọi người Hoan Hỉ chia sẻ cho nhiều người được biết đến cũng như 1 phần làm thêm việc tốt.

Lão Tử