15/01/2022 16:06 View: 901

Hướng dẫn Bao sái ban thờ cuối năm đơn giản

Cuối năm có thể gọi là mùa Tri Ân và Báo Ân, những ngày mà con cháu tưởng nhớ đến Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ quá cố, đã dày công gây dựng dòng họ, tiếp nối dòng tộc, tích tạo Âm Đức để chính mình được thọ Thân này, được sanh trưởng tốt đẹp như hiện tại.
Nên việc Tảo Mộ, lau dọn, bày biện nơi Thờ Cúng vừa là tự thân Tu Phước, sau là làm gương cho con cháu nhìn vào để giữ gìn nền nếp.
 
Ảnh: Kim Oanh Phan
 
Điều này đặc biệt quan trọng trong thời đại mà các giá trị truyền thống gần như bị bỏ lửng, con người chạy theo vật chất, nên việc nuôi dưỡng lòng Tri Ân Báo Ân cũng không nằm ngoài việc Tế Tự, không cần cầu kỳ, nhưng chú trọng ở Chân Thành và Cung Kính.

Dọn ban thờ cuối năm vào thời điểm nào?

Thường tới ngày 23 trở về đến Giao thừa sẽ là thời điểm để đa số mọi người lau dọn.
 
Theo tập tục của từng vùng miền mà ngày rút tỉa chân nhang, lau dọn ban thờ có thể khác nhau. Các cụ xưa thì tục bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang sẽ làm trước lễ ông Công, ông Táo.
 
Tuy nhiên, hiện nay công việc quá bận rộn nên đa phần mọi người vẫn chọn ngay sau lễ ông Công ông Táo (Tức ngày 23 tháng 12 âm lịch), hoặc từ ngày 24 đến ngày 29 âm lịch. 

Trình tự lau dọn, bao sái ban thờ cuối năm

1. Báo cáo, xin phép lau dọn ban thờ

Trước khi làm mọi người hãy thắp 1 tuần nhang, thưa gởi về việc lau dọn ngày hôm nay. (điều này không bắt buộc nhưng nên làm)

2. Xử lý chân nhang, chân hương cũ

Các chân nhang, chân hương nhổ ra (nên để lại 3 chân), đem để ra nơi đất sạch hoặc thùng chuyên dùng để đốt giấy tiền, không nên đốt chỗ đất bẩn hoặc đồ đựng không sạch.
 
Sau đó đem tro rải vào gốc cây tưới nước cho ngấm xuống đất, không để tro bay lung tung.

3. Thanh tẩy bàn thờ & đồ thờ cúng

Bàn thờ thường bằng kệ gỗ thì có điều kiện nấu 1 nồi nước hoa quế, hoa hồi, sả chanh, gừng hoặc hạt rau mùi, đó là các loại có khả năng khử uế. Nấu sôi liu riu cho ra hết tinh chất thơm bên trong, sau đó chọn 1 cái chậu, hoặc xô thật sạch, nên mua mới hẳn 1 cái chuyên biệt để đựng nước lau bàn thờ.
 
Khăn để lau cũng thật sạch, không từng dùng để lau các nơi khác và tiến hành chùi dọn.

4. Có di dời bát hương lúc lau dọn được không? 

Tuỳ từng địa phươmg sẽ có những kiêng kỵ khác nhau trong quá trình lau dọn ban thờ, có địa phương thì kiêng không được xê dịch bát hương, có nơi thì không.
 
Tuy nhiên, theo các sư thầy thì trong quá trình làm cứ di dời bát hương, bát nhang thoải mái, sao cho được dễ dàng và sạch sẽ. Nhiều người kiêng kị không đáng có, nên xung quanh thì sạch, chỗ bát hương thì lại lùm xùm, không được trọn vẹn.
 
Các bạn cứ nghĩ bạn sống cũng thích chỗ ăn, ở của bản thân được gọn gàng sạch sẽ, thì người mất "dẫu" họ chẳng ở trên bàn thờ, thì nơi đó cũng cần gọn gàng sạch sẽ. Không cứ là Tết, trong năm nếu thấy dơ, đều có thể chùi dọn, hẳn là Tổ Tiên sẽ rất hoan hỷ, rất vui mừng vì đã sanh ra con cháu có trí tuệ và thành tâm như vậy.
 
Xong xuôi thì đồ nào nơi đó, sắp xếp lại hoặc di dời sao cho hợp lý theo gia phong nhà mình, các Cụ lớn nhỏ thứ tự ra sao nên chú ý để sắp xếp cho đúng

5. Cốt ở Chí Thành Cung Kính 

Nếu không nấu nước thơm được thì có thể dùng nước sạch để lau, không sao cả, cốt lõi vẫn là ở Chí Thành Cung Kính.
 
Bàn Thờ Phật cũng tương tự như vậy, lưu ý không dùng Rượu để lau chùi.
 
Tổ Huệ Năng từng nói rất hay: "Tất cả Phúc Điền đều không rời Tâm Địa".
 
Tâm Thành Kính là Tâm tạo ra Phúc, từ hạt giống nhỏ này mà sanh trưởng nên tứ Trọng Ân, nên Gia tộc, cũng từ Tâm này, vừa là Hạt lại cũng vừa là Ruộng Phước khi con cháu nhìn vào chúng sanh Tâm Cung Kính, muốn làm theo.
 
Hãy cùng Tamlinh.org hướng về cội nguồn tiên tổ trong dịp Tết này. 
 
Tamlinh.org