04/06/2021 11:40 View: 2271

Khi con người đau khổ, luật Nhân quả ở đâu?

Trong đau khổ mà ta biết chấp nhận thì sẽ hết khổ. Đây là đạo lý cực kỳ quan trọng. Nhưng không dễ gì để một người chấp nhận được số phận.

duc phat

Chỉ những ai tin vào luật Nhân quả, hiểu rằng những nỗi khổ đến với mình chính là quả báo từ những nghiệp nhân xấu mà mình đã gieo trong quá khứ thì mới can đảm chấp nhận những đau khổ mà mình đang phải đối diện. Bởi ta hiểu rằng:

"Từ muôn kiếp con chìm trong tù ngục
Bởi lợi danh của thế tục tầm thường
Lòng tham sân thiêu đốt kiếp đoạn trường
Gây ác nghiệp nỗi oán thương chồng chất."

Hiểu vậy nên ta bình an trả nghiệp.

Nỗi khổ bỗng được hóa giải nhẹ nhàng bằng niềm tin nhân quả. Ví dụ, ta có một số tiền dành dụm để chi tiêu cho gia đình, phần thì đóng học cho con, phần thì mua thực phẩm, phần đóng tiền nhà, tiền điện tiền nước, tiền dự phòng,... bỗng nhiên bị trộm lấy mất. Mất tiền rồi tự nhiên cuộc sống của ta rối loạn lên liền, nhữnh dự định bị gián đoạn, cuộc sống gia đình bị đảo lộn, thiếu chỗ nọ hụt chỗ kia.

Tâm lý thường tình là ta phiền não, khổ đau, trách móc, giận hờn, tiếc rẻ.

Nhưng nếu tin vào luật Nhân quả, áp dụng được đạo lý trong lúc này thì ta sẽ biết rằng, trong vô lượng kiếp chắc chắn thế nào mình đã có những lầm lỗi, từng gây đau khổ hoặc lấy mất của ai một số tài sản, và đây là lúc mình phải trả quả báo. Hiểu như vậy bỗng nhiên cái phiền não, tiếc rẻ, khổ đau vơi đi gần hết.

Vấn đề còn lại là chấp nhận. Ta chấp nhận gia đình mình ăn uống thiếu thốn một chút, những kế hoạch sẽ bị gián đoạn một chút, chấp nhận trả quả báo, vậy mà lại nhẹ lòng.

Mà việc chấp nhận được khổ đau cũng chính là một SỨC MẠNH.

Người yếu đuối không chấp nhận nghịch cảnh thì càng lúc càng đau khổ, còn người mạnh mẽ chấp nhận thì ngay đó họ bước qua nỗi khổ. Đó là ĐẠO LÝ, là BÍ QUYẾT SỐNG Ở ĐỜI.

Hoặc sự tan vỡ trong TÌNH YÊU cũng là một nỗi khổ. Có người nặng về tiền bạc vật chất, thà mất tình thì được chứ không chịu mất tiền
Ngược lại, cũng có người xem nặng tình cảm hơn, thà mất tiền chứ không mất tình , vì mất đi tình yêu là điều gì đó cực kì khổ sở đối với họ. Mỗi bên đều có cảm xúc, có niềm hạnh phúc hay khổ đau riêng.

Có người nói: "Bây giờ đối với con, tiền không quan trọng nhưng tình rất quan trọng. Chồng con có bồ, con rất đau khổ". Bởi vì mất đi người mình thương yêu cũng là một loại đau khổ, một loại phiền não. Nhưng nếu chấp nhận được thì bỗng nhiên họ cũng sẽ hết đau khổ.

Ai cũng từng đi qua những ngày, lòng nặng trĩu, nhưng chỉ yên lặng thôi, không thể nói gì.
Có kẻ, từ đó, sinh tâm oán hận.
Có kẻ lại nhờ đó mà học được cách lắng nghe những yên lặng của người.

Ai cũng từng phải đối mặt với những nghi ngờ.
Có kẻ, từ đó, mất niềm tin vào cuộc sống.
Có kẻ lại nhờ đó mà học được cách để hiểu người.

Ai cũng từng chứng kiến những phụ bạc.
Có kẻ, từ đó, không còn tin vào lòng chung thủy.
Có kẻ lại nhờ đó mà học được cách thủy chung.

Ai cũng từng thất bại.
Có kẻ bỏ cuộc.
Có kẻ nhờ đó mà trở nên mạnh mẽ hơn.

Cũng đất đó nước đó, có cây chắt chiu rồi làm ra những chiếc gai nhọn bao quanh mình, có cây lại làm ra những đóa hoa thơm để gió mang hương đi.

Cũng cuộc đời đó, cũng biến cố đó, nhưng lòng người khác nhau, làm nên những con người khác nhau.

Khi ta chấp nhận được số phận thì bỗng nhiên phiền não hết, tâm ta có sức mạnh hơn.

Đây là đạo lý rất căn bản của đạo Phật mà ta phải cố gắng cả đời để tu tập cho bằng được. Từ đó ta rút ra đạo lý thế này:

"Phải nhẫn nhục, phải an phận, phải chấp nhận để tâm ta được bình an."

Đạo lý đúng nhưng nếu ta chấp theo một chiều thì lại thành cực đoan. Cái gọi là an phận, chấp nhận này có thể làm cho ta mất lý tưởng, mất ý chí và lười biếng. Mà một người đệ tử Phật mất lý tưởng, mất ý chí thì không bao giờ có thể tìm được sự giác ngộ.

Nên vì vậy, bên cạnh đạo lý chấp nhận số phận, nhẫn nhục trong nghịch cảnh, bình an trước sóng gió, chúng ta vẫn cần một ý chí phấn đấu để vươn lên thay đổi số phận mình từ phàm phu trở thành bậc Thánh, từ chấp ngã thành Vô ngã, từ si mê thành giác ngộ, từ vị kỉ thành vị tha, từ thấp hèn thành cao thượng như Đức Phật đã mong mỏi.

Trích sách "Chấp nhận số phận và thay đổi số phận" - TT. Thích Chân Quang.