04/06/2021 11:40 View: 52271

Tại sao người thân mới chết ta không nên động vào?

Người đã chết đi, linh hồn hướng lên thân xác hướng xuống. Âm Dương giao hoà sinh ra, sau khi chết, âm dương xa rời đôi ngả nhưng còn bao điều để lại mà người sống phải lo toan. Vậy tại sao người thân mới chết ta không nên động vào? 

khong dong vao nguoi moi chet, dam ma, kham liem

Sự chuyển động của linh hồn

Người chết đi linh hồn “chuyển động” theo chu kỳ 3,7,49,100 ngày, 1 năm, 2 năm 3 tháng, 3 năm.. dường như đó là sự quay lại, sự quyến luyến ... hay còn gọi là chu kỳ chuyển động của một dạng vật chất đặc biệt.

Để chu kỳ đó được luân chuyển không bị ngăn, không bị cản trở, không bị tản mát.. mà người ta hay dùng từ “trùng tang , thiên di, nhập mộ” để luận bàn... thì việc tiến hành các thủ tục cần thiết cho phần xác” là quan trọng. Bởi đó là mối liên hệ trực tiếp nên bất cứ việc gì làm ảnh hưởng đến "phần xác" này đều có thể sẽ khiến linh hồn người mới mất thêm đau đớn hoặc không thể siêu thoát được. 

Ðiều khổ nhất trên đời không gì bằng sanh tử. Sanh như rùa còn sống bị bóc mai, tử như cua bị nhúng nước sôi. Tám khổ cùng nấu, đau đớn chẳng nói nổi

Đừng nghĩ rằng chết sẽ là hết là được chuyển nghiệp ngay. Nhiều người vừa mới chết đã bị rút hết thiết bị y tế ra, cho đi tắm nước lạnh hoặc tiêm hoặc chất bảo quản, có gia đình còn ngay lập tức gửi đến nhà xác rồi hỏa táng sau 2-3 ngày mà không hề biết người mới chết vẫn còn có cảm giác. Vì sự thiếu hiểu biết mà chính chúng ta đang làm hại người thân của mình.

Linh hồn: Thức thứ 8 thông linh của con người

Phật nói con người có tám thức, tức là tri thức:

  • Năm thức đầu là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân).
  • Thức thứ sáu là Ý.
  • Thức thứ bảy là Mạt Na, còn gọi là Truyền Tống Thức.
  • Thức thứ tám là A Lại Da, còn gọi là Hàm Tàng Thức.

Khi con người sanh ra, chỉ có thức thứ tám này đến trước nhất, các thức kia đến sau. Ðến lúc chết, thức thứ tám này cũng ra đi sau cùng; các thức khác lần lượt đi trước. Thức thứ tám chính là linh thức của con người, thế tục thường gọi là “linh hồn”. Thức thứ tám này thông linh nên khi con người mới nhập thai mẹ, sẽ đến trước đó là lý do đứa bé trong bụng mẹ đã biết hoạt động. Ðến khi chết, sau khi dứt hơi, nó chẳng đi ngay, phải đợi đến khi toàn thân lạnh giá, không còn một điểm nào còn ấm nữa, thức ấy mới chịu đi. Khi thức đã đi, thân lúc đó mới không còn tri giác nào.

Bên cạnh đó, có nhiều người nhờ niệm Phật vãng sanh thì không có thân trung ấm. Việc này ở trong kinh, đức Phật có nói rõ, có ba hạng người không có thân trung ấm. Tắt thở là đi ngay:

  • – Thứ nhất là người niệm Phật, người vãng sanh vừa tắt thở thì liền sang thế giới Cực Lạc ngay.
  • – Thứ hai là được sanh thiên, phước trời rất lớn, họ không có trung ấm, tắt thở rồi họ sanh thiên ngay.
  • – Thứ ba là đọa địa ngục, đọa địa ngục không có trung ấm, khi vừa tắt thở thì lập tức đọa địa ngục ngay.

Ngoài ba hạng người này ra tất cả đều có trung ấm và thân này rất dễ đau đớn bị nghiệp cận tử dẫn đi vì sức mạnh của nghiệp lực quá lớn, không ai có thể phản kháng được nếu tâm không an, lòng không tĩnh.

Động vào người mới chết sẽ khiến thân mình họ đớn đau

Nếu chỗ nào còn ấm là thức ấy còn chưa rời đi. Ðộng chạm đến vẫn biết đau khổ nên không chạm người mới chết dù là mặc áo, xếp chân, dời động... Nếu hơi động đến sẽ đau khổ khó chịu đựng nổi; bất quá miệng không nói được. Người trước khi mất nếu tự có thể tắm gội, thay áo thì rất hay. Nếu người ấy chẳng thể tự làm, quyết chẳng nên tắm gội, thay áo sẵn, khiến người ấy bị đau đớn không chịu đựng nổi, cảm giác lúc này giống như đã bị té xuống giếng còn bị ném đá thêm. Hãy nhớ kỹ, nhớ chắc!

Thân mình đau đớn họ sẽ trở nên oán hận và nghiệp dẫn họ đi tới những cảnh giới không tốt. Xét theo kinh dạy, ba thứ hơi nóng, thọ mạng và thức thường chẳng rời nhau. Như người sống có hơi ấm thì thức còn hiện hữu. Thức còn hiện hữu thì tuổi thọ chưa hết. Xưa nay có kẻ chết đi sau đó đã sống lại.

Xưa kia chư vị Đại Đức Tổ Sư có dạy chúng ta khi giúp các vị liên hữu trợ niệm vãng sanh điều đặc biệt phải chú ý không được chạm vào người của họ, không chỉ là không được chạm vào cơ thể mà ngay cả giường chiếu của họ cũng không được đụng vào, vì lúc này họ có đau khổ, khi họ đau khổ họ sẽ sanh tâm sân hận, sanh tâm sân hận sẽ gây bất lợi cho họ.

Xem ngay: Những KIÊNG KỴ khi cho trẻ nhỏ đi đám ma, thăm/viếng mộ tổ tiên

Sau bao lâu có thể chạm vào người chết?

Theo quan niệm của người xưa, sau 8 đến 16 giờ kể từ thời điểm chết, linh hồn một người sẽ dần dần rời khỏi cơ thể. Thậm chí, khi đã tắc thở nhưng linh hồn vẫn chưa rời đi, nghĩa là dù thể thể xác đã lạnh nhưng thần thức vẫn còn trong thân ngủ ấm trong vòng 8 tiếng.

Đối với người lâm chung, một khi tiến trình chết bên trong chưa hoàn tất, thần thức chưa thoát khỏi xác thân vật lý thì người đó vẫn chưa hoàn toàn chết. Lúc này, “thức” của người chết có thể vẫn còn trong thân thể mà chúng ta không thể nhận ra do không có trải nghiệm thực hành. Người đang trong tiến trình chết phải luôn được theo dõi trong vòng ít nhất một ngày rưỡi cho đến tốt nhất là ba ngày. Nghĩa là, trong khoảng thời gian này, bạn cần để cho người đó yên tĩnh, không bị quấy rầy động niệm. Các xúc chạm, xâm hại vào thân thể người chết (trừ huyệt Bách hội) sẽ tạo thành nghịch duyên có thể dẫn tới sự đọa lạc và hủy hoại toàn bộ những nỗ lực cùng công phu tu tập của người chết trong kiếp sống vừa qua.

Vì thương xót người thân ra đi, mà ôm khóc nỉ non, di chuyển họ tới nhiều nơi, thậm chí là tắm hay thay quần áo khi cơ thể chưa lạnh là hoàn toàn không nên. Cũng không nên tiêm thuốc chống phân hủy, hay đưa hỏa táng sau 2 -3 ngày bởi linh hồn của họ vẫn còn cảm giác với cơ thể.

Điều gì tốt nhất cho người đang hấp hối, người mới chết? 

Mọi việc trong đời người đều có thể vờ vĩnh được, chỉ mỗi mình lúc lâm chung là chẳng thể dối trá được.

Nếu người nhà thành tâm hướng Phật thì lúc này nên khuyên bệnh nhân buông hết thân tâm, một dạ niệm Phật để cầu vãng sanh. Lại nên trợ niệm khiến cho bệnh nhân nương theo tiếng niệm Phật của mình để nhớ kỹ trong tâm. Nếu có tiền tài hãy thỉnh Tăng chúng chia ban niệm Phật, khiến cho tiếng niệm Phật ngày đêm không ngớt, hòng tai người bệnh luôn nghe Phật hiệu, có thể quyết định nhờ vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Còn như không có tiền của thì cả nhà phát tâm trợ niệm để kết duyên cuối cùng. Vì người mất mà niệm Phật thì chẳng những người mất được lợi, mà thật ra công đức niệm Phật của chính mình càng lớn.

Bệnh nhân nằm hay ngồi nên để tùy ý, chớ nên di động, cả nhà cứ chuyên tâm niệm Phật. Ðợi đến lúc toàn thân đã lạnh hết, tức là thần thức đã đi hết rồi, đợi thêm hai tiếng nữa mới được tắm rửa, thay áo. Nếu như thân đã lạnh hóa cứng thì nên dùng nước nóng xoa nắn, dùng vải thấm nước nóng áp vào khủy tay, đầu gối, cổ chân, đợi giây lát, những chỗ đó sẽ mềm mại trở lại. Lúc ấy mới xếp chân cho người chết nhập quan.

nguoi hap hoi sap chet, benh nang

Chia sẻ của bạn Hoàng Trung: "Bố mình bị K gan, lúc bệnh viện trả về bố mình bảo thôi về chứ ở viện cũng chỉ nằm vật vờ tiêm giảm đau rồi chờ ra đi. Bố mình lúc sống không tin Phật pháp nhưng lúc về thì bố mình xuống chùa tu. Hàng ngày cùng các đạo tràng niệm Phật rất nhiều. Bố mình bị di căn vào hết nội tạng mà không hề đau đớn vật vã gì. Thi thoảng có đau bố mình niệm Phật là hết. Mình chuẩn bị đủ các loại thuốc để hỗ trợ giảm đau mà bố mình không hề dùng một tí nào. Trước lúc mất bố mình còn viết ra giấy hôm nay sẽ ra đi. Lúc mất bố mình còn hé môi cười trước tượng Phật, ra đi để lại thần tướng rất đẹp. Đạo tràng ở dưới chùa họ niệm cho bố mình liên tục 20 tiếng. Đến lúc nhập quan chân tay mềm không cứng mà thần tướng vẫn cười trước tượng Phật."

Sau một ngày rưỡi đến ba ngày, có thể tắm rửa cho người chết bằng nước thơm. Sau khi tắm xong, có thể dùng mật ong bôi vào luân xa tim nếu gia đình hướng Phật. Mật ong là chất liệu đem lại năng lượng tích cực và an bình, nên được dùng để bôi cho người chết có thể đem lại lợi lạc cho họ. 

Với những gia đình không theo đạo Phật mà theo đạo Thiên chúa, đạo Tin lành, đạo Cao Đài...sẽ có những nghi thức và kiêng kỵ riêng của từng dòng đạo.

Kiêng không để nước mắt rơi vào cơ thể người mất

Ngoài ra, khi nhập liệm, những người thân cần phải tạm thời kìm nén tránh để nước mắt rơi vào cơ thể người mất. Chính vì thế mà ở một số gia đình, người thân không để vợ/ chồng/ con cái của người đã khuất nhập liệm vì người thân cận dễ rơi nước mắt làm bắn vào cơ thể người đã khuất.

Nên che lại những đồ dùng có thể soi gương được

Theo người xưa quan niệm thì khi trong nhà có người mới mất, người nhà phải dán tất cả những đồ dùng như tivi, cửa kiếng… có gương phản chiếu.

Bởi các cụ cho rằng: Ngay khi mất đi, người đã mất sẽ vẫn còn đi lại trong ngôi nhà của mình, đối với người sống, tức là chúng ta còn mang xác thân vật lý nên khi ta nhìn vào trong gương thì sẽ thấy hình ảnh của mình, còn đối với người đã mất thì họ không mang xác thân vật lý nên nếu họ nhìn vào gương họ sẽ không thấy hình ảnh của họ, như vậy họ dễ thất kinh hồn vía mà khó siêu thoát. Vì vậy, người sống thường hay tránh cho họ không thấy điều đó nên phải dán giấy ở những đồ dùng có gương phản chiếu là vậy.

Đoán xem người mới chết sẽ tái sinh về đâu?

Hơi ấm còn ở đâu, người chết sẽ đi về cõi tương ứng, vì vậy không khó để biết người này sẽ đi về đâu sau khi chết. Người sanh vào thiện đạo hơi nóng từ dưới bốc lên trên; người sanh vào ác đạo, hơi nóng từ trên tỏa xuống dưới. Nếu như cả thân lạnh hết, khí nóng tụ lại trên đầu bèn là sanh trong thánh đạo. Hơi nóng ở mắt sanh trong thiên đạo, ở ngực sanh trong nhân đạo, ở bụng sanh ngạ quỷ đạo, ở gối sanh trong súc sanh đạo, ở bàn chân sanh trong địa ngục đạo. Vì thế trong kinh Phật mới có bài kệ:

Ðảnh thánh, nhãn sanh thiên,

Nhân tâm, ngạ quỷ phúc,

Súc sanh tất cái ly,

Ðịa ngục cước bản xuất.

(Ðảnh: thánh; mắt: sanh thiên,

Ngực: người, bụng: ngạ quỷ;

Từ gối ra: súc sanh,

Ðịa ngục: bàn chân nóng)

Những thuyết “đảnh thánh, nhãn sanh thiên” thật sự có chứng cứ, nhưng Tamlinh.org sợ kẻ vô tri cứ chăm chút thăm dò hơi nóng lạnh. 
Ý người viết muốn nói là: Nếu có tín nguyện, lâm chung chánh niệm phân minh, ắt được vãng sanh, chẳng cần cứ phải thăm dò hơi nóng lạnh để làm chứng cứ! Cho nên nói: Cũng chẳng phải chỉ có một cách. Chỉ e thăm dò nhiều lượt đến nỗi gây lầm lỡ cho người đã mất.

**************************************

Ðại sự sanh tử chẳng ai tránh được, chỉ có một điều phải thật thận trọng. Về việc tang tế nên dùng toàn đồ chay. Việc chôn cất đừng quá phô trương, bày vẽ. Dù hỏa thiêu hay thiên táng hay thủy táng hay chôn chặt 1 lần hay chôn để sau này cải táng..thì đều cần phù hợp với “phần linh hồn” đã thoát ra kia.

Quan trọng là chọn thời điểm phù hợp để việc làm đó không ảnh hưởng tới người sống.

Xem thêm: Kinh nghiệm: Nên THIÊU hay CHÔN người đã mất?

Căn cứ vào ngày giờ tháng năm mất và năm sinh của người chết để chọn hướng mộ, đồng thời kết hợp với năm sinh của người sống để chọn ngày giờ làm thủ tục như khâm liệm, nhập quan, di quan, hạ huyệt, cải táng...Mục đích để âm dương tương hợp, để phần hồn và phần xác đồng nhất..

Có tài lực thì hãy làm nhiều công đức. Nếu tiền của dùng cho việc tang ma chẳng dư, chỉ lo tang ma không thôi cũng được. Chớ có vung tay quá trán đến nỗi thiếu hụt, sau này phải chịu cảnh quẫn bách.

Người sống hãy biết thương cho nỗi khổ của người chết, đừng tính xong việc cho nhanh mà không xem kỹ nơi ấm lạnh. Vì điều khổ nhất trên đời không gì bằng sanh tử. Sanh như rùa còn sống bị bóc mai, tử như cua bị nhúng nước sôi. Tám khổ cùng nấu, đau đớn chẳng nói nổi!

Tổng hợp từ sách Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục

Sao chép, trích dẫn, diễn đọc phải dẫn link từ web