04/06/2021 11:42 View: 1534

Truyện ma: Lời nguyền trinh nữ (Tập 73)

Tên bắt cóc ấy dù đánh tới chết đi sống lại cũng nhất mực khẳng định không hề bắt cóc Diệu Tuệ. Bà Phú sau cùng nhờ thầy Lý gieo quẻ tìm nơi cháu gái bị giam giữ. Thầy gieo quẻ khá lâu rồi đáp:

- Hai người bọn họ hiện tại đang ở dưới đất.

loi nguyen trinh nu 73, truyen ma

Bà Phú hốt hoảng:

- Thầy vừa nói gì? Sao...sao cháu tôi lại ở dưới lòng đất? Không lẽ...

- Bà khoan đoán vội: hai cô gái ấy vẫn còn sống, hiện đang bị giam ở một nơi khá sâu dưới lòng đất.

Bà Phú thở phào nhẹ nhõm:

- May quá, tôi nghe thầy nói mà giật mình. Vậy xác định được nơi tụi nó đang bị giam hay không?

Thầy Lý lắc đầu:

- Xin lỗi bà, việc này tôi không làm được.

Văn bấy giờ gần như mất lí trí. Tuy nhiên nghe thầy Lý nhắc tới việc con gái còn sống tư tưởng cũng tốt lên mấy phần:

- Vậy rốt cuộc ai đã làm thế với con bé chứ? Tụi nó rốt cuộc là đắc tội với ai?

Ánh mắt Văn quét một đường khắp căn phòng, dò la từng sắc mặt của tất thảy mọi người có mặt trong phòng. Ánh mắt ấy dừng đột ngột trên người Duyên. Duyên cũng không khó để nhìn ra sự bất mãn của Văn với mình nên đưa ra nghi vấn:

- Liệu có phải do bên thằng Bảo Nam làm hay không? Mọi người thử nghĩ mà xem, bọn họ chắc chắn đang tìm cách trả thù chúng ta.

Văn đáp:

- Mẹ, chú ấy chết rồi thì trả thù cái gì? Hơn nữa hai đứa nhà con thì gây thù chuốc oán gì với chú ấy chứ? Người họ tìm chắc chắn không phải ba người chúng con.

- Bọn người đó độc ác và ra tay khó lường. Chúng đang trong tối nhìn tất cả hành động của chúng ta. Nếu không phải họ thì còn kẻ nào dám to gan lớn mật đến thế?

- Có kẻ đang giữa thanh thiên bạch nhật ra tay thì sao?

Bà Phú ngắt lời:

- Con muốn ám chỉ cái gì?

Văn đáp:

- Bà nội, bà phải đứng ra cho con. Kể từ ngày hai con bé vào Phú Gia làm việc thì gặp không ít chuyện xui xẻo rồi. Giờ chúng nó lại tiếp tục gặp nguy hiểm. Nếu sau lần này con muốn dứt khoát đưa hai đứa rời xa Phú Gia. Sau này chúng con muốn an phận sống cuộc sống riêng chỉ có ba người. Con mong bà nội đừng làm khó ba mẹ con con.

Bà Phú lừ mắt:

- Nhà này không có chỗ cho mấy kẻ chỉ biết an phận.

- Vậy con xin phép không là người của Phú Gia nữa, cái gì con cũng không cần. Bà mau tìm hai đứa về trả cho con.

Duyên tức giận quát lớn:

- Câm miệng, cái thói ở đâu mà mở miệng ra cãi nhem nhẻm thế? Bố mẹ chị không dạy chị phép tắc làm người sao?

Văn vốn muốn cãi thêm vài câu nhưng bà Phú ngăn lại:

- Bà nội đồng ý với con. Tuy nhiên hiện tại chúng ta phải tìm kiếm ra hai đứa nhỏ mới là điều quan trọng.

Phú Gia tiếp tục tăng cường tìm kiếm, một tuần trôi qua nhưng mọi thông tin vẫn không có gì tiến triển. Hai cô con gái của Văn vẫn bặt vô âm tín.

Sang ngày thứ 10 bà Phú nhận được thông báo từ phía công an rằng một người nông dân vô tình phát hiện ra hai cô gái bị nhốt trong một chiếc giếng cạn. Bà Phú lập tức tới xác minh thông tin. Diệu và Tuệ được đưa đi cấp cứu khẩn cấp trong tình trạng suy kiệt và hôn mê sâu.
Phải khó khăn lắm cả hai mới tỉnh lại nhưng hoàn toàn mất hết kí ức. Điều đó khiến Văn lo lắng nhưng còn tốt hơn là mất mạng.

Tuệ và Diệu sau khi bình phục sức khoẻ bị biến hoàn toàn thành người khác với cái đầu rỗng tuếch. Thậm chí hai cô còn không nhớ ra tên của chính mình, không nhớ ra được cả người thân xung quanh. Văn đưa hai con của mình rời khỏi Phú Gia sống cuộc sống an phận không liên quan tới gia đình chồng nữa.

Phần về bà Phú sau khi các cháu rời đi, tất cả mọi đồ cổ, trang sức bà mua trước đó và coi như những báu vật của riêng mình đều làm quà tặng cho các cháu. Văn có ý không nhận nhưng bà đáp: đây là mỗi lần hai đứa nhỏ làm được một việc tốt, thông minh thoát được nguy hiểm tại Phú Gia mà bà đã mua một món. Trong ấy bà ghi rất rõ tình huống hôm đó ra sao, hai đứa đã thông minh tới thế nào. Bà tặng cho con không phải là thứ đồ quy ra tiền. Bà muốn nhờ nó gợi lại kí ức bị đánh mất của hai đứa nhỏ. Dù cho sau này hai đứa không về Phú Gia nữa cũng không sao. Con hãy chăm sóc tốt cho tụi trẻ. Bà tin con đủ bản lĩnh làm việc ấy. Có gì khó khăn sau này hãy tìm bà hoặc thằng Huy.
Bà Phú dặn dò Văn tìm bà thì dễ hiểu, tại sao lại nhắc Văn tìm thằng Huy? Văn băn khoăn nhưng lại không muốn hỏi, nhận hết đống quà lớn nhỏ của bà Phú rồi lặng lẽ quay đi.

Phần về Duyên sau khi Tuệ và Diệu rời khỏi công ty và an phận thì cũng thở phào nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Những món đồ cản đường của Duyên từ từ bị loại bỏ. Duyên hiện tại chuyên tâm tìm kiếm Trinh giải lời nguyền và đào tạo thằng Huy trở thành người kế nghiệp là hoàn thành tâm nguyện.

Bà Phú dạo này ít ra ngoài mà thường xuyên ở lại căn phòng nhỏ trên tầng. Duyên cũng mấy lần muốn vào căn phòng ấy nhưng bà Phú đều không cho phép. Hơn ai hết Duyên hiểu rằng muốn bước vào căn phòng ấy chỉ còn cách phải đột phá lên nắm quyền Phú Gia.

Bà Phú mấy ngày gần đây sức khoẻ yếu dần, mắt của bà bị mờ và đầu hay xuất hiện ảo giác. Bác sỹ riêng được mời đến nhưng không tìm ra bệnh. Mọi người chỉ đoán rằng có lẽ bà đã già, người già sức yếu đi từng ngày là điều dễ hiểu.

Bà Phú không an tâm nên mời thầy Lý đến nhà một phen. Thầy Lý nhìn sắc mặt của bà Phú thoáng chút giật mình hỏi:

- Bà dạo này ăn không ngon, ngủ không yên, thường xuyên bị ác mộng đúng không?

Bà Phú mệt mỏi đáp:

- Tôi thấy khó chịu lắm. Bác sỹ không tìm ra bệnh, vậy mới nhờ thầy. Liệu có phải trong nhà này âm thịnh dương suy rồi không?

Thầy Lý nhìn bà Phú đáp:

- Nhà này do đích thân thầy tôi trấn yểm, ngay cả tôi cũng không có khả năng phá thì sao có chuyện ma quỷ ám được? Có phải bà gặp chuyện gì khó khăn nghĩ mãi không thông hay không?

Bà Phú dẫn thầy Lý đi về căn phòng nhỏ:

- Thầy vào đây với tôi, tôi cho thầy xem một thứ.

Thầy Lý nhanh nhẹn bước theo bà Phú vào căn phòng ấy. Bên trong toàn một màu tối. Một thứ mùi khó chịu bắt đầu xông lên khiến thầy Lý phải che mũi.

Bà Phú đáp:

- Một lát sẽ quen thôi, tôi tin tưởng thầy nhất bởi thầy chính là học trò duy nhất của thầy Mùi .

- Không phải bà muốn giao tôi món đồ cũ của thầy chứ?

- Không! Thứ ấy hiện nay không ở đây. Hơn nữa thầy Mùi dặn rất kĩ rằng phải giải xong lời nguyền thì mới đưa cho thầy. Thầy mà lấy sớm chỉ mang hoạ sát thân mà thôi.

- Vậy bà muốn tôi xem cái gì?

Bà Phú thắp một ngọn nến lớn rồi chậm rãi mở chiếc hộp. Bên trong ấy đựng một con búp bê lớn. Con búp bê ấy đang bị một chiếc đinh xuyên qua tim. Bà Phú tay run run cầm con búp bê lên đưa cho thầy Lý:

- Thầy xem, có phải con búp bê này đang chảy máu hay không?

Thầy Lý ngạc nhiên nắm lấy con búp bê của bà Phú đưa cho ngắm nghía một hồi, toàn thân thầy bỗng run lên. Một luồng hơi lạnh bất giác phả tới khiến thầy Lý rùng mình nổi gai ốc:

- Đây là cái gì? Sao tôi chưa thấy nó bao giờ?

- Bùa hộ mạng của tôi. Trước lúc thầy Mùi chết đã cho tôi cái này. Thầy ấy dùng thứ linh hồn luyện lại trì trú vào con búp bê này giữ yên mạng cho tôi. Tuy nhiên thầy Mùi có nói nếu một ngày con búp bê này chảy máu thì mạng số sẽ bị thay đổi.

Thầy Lý ngắm nghía thật kĩ con búp bê rồi thở dài:

- Là cái thứ màu hồng nhạt chảy ra từ vết đinh đâm vào con búp bê sao? Bà muốn nói đó là chảy máu?

- Sức khoẻ của tôi yếu hơn trước, dường như tôi hay thấy ảo giác.

Thầy Lý đặt con búp bê vào trong chiếc hộp rồi hỏi:

- Vậy tại sao con búp bê này lại bị đâm chiếc đinh qua ngực vậy? Trước nay tôi chưa thấy người ta làm bùa hộ thân giống như thế bao giờ cả.

- Phải! Nhìn nó không ai nghĩ là bùa hộ thân đâu. Tuy nhiên nếu không làm như vậy e cái mạng tôi không giữ được đến bây giờ. Có nhiều chuyện thầy không biết bởi không ai nói cho thầy biết.

- Vậy bà muốn điều gì?

- Tôi có một cuốn sách của thầy Mùi để lại viết cặn kẽ về loại bùa này. Tôi muốn giao lại cho thầy nghiên cứu. Tôi hi vọng thầy có thể tìm ra cách khắc chế con búp bê này.

Thầy Lý nhíu mày:

- Còn sách của thầy tôi để lại sao?

- Phải! Đây là một bí mật. Tôi định sau khi cậu giải xong lời nguyền sẽ tặng cậu luôn nhưng hiện tại con bé kia phiêu dạt đi đâu tôi còn chưa rõ nên cấp bách là khống chế con búp bê này trước.

- Thầy tôi đã làm gì với con búp bê này? Bà có biết hay không?

Bà Phú lắc đầu:

- Tôi không biết, nhưng cuốn sách có ghi chép. Thầy hãy nghiên cứu. Tôi có mở ra xem vài lần nhưng cuốn sách này tôi đọc cũng không hiểu nên tôi giữ lại cũng vô ích. Tôi giao lại cho thầy.

Thầy Lý nhận lấy cuốn sách một cách nâng niu rồi từ từ mở ra xem. Các hình ảnh và chữ viết khó hiểu trên trang sách làm thầy Lý hoa mắt. Thầy cố gắng xem nhưng cũng chẳng hiểu nổi sách viết gì:

- Đây là chữ gì? Sao tôi xem không hiểu gì cả?

- Tôi không biết, nhưng tôi nghĩ có lẽ đây là kí tự thầy Mùi tự tạo riêng cho mình giống như mật mã. Tôi hi vọng thầy có thể giải nó.Thầy Lý cầm cuốn sách trở về nhà bắt đầu nghiên cứu. Thầy chưa bao giờ nghĩ tới việc cuốn sách lại về tay mình dễ dàng như thế.

Thời còn sống thầy Mùi đã từng buột miệng nói hở ra chuyện viết cuốn sách về một loại bùa hộ mạng. Tuy nhiên hình thù nó ra sao, thầy hôm nay mới tận mắt chứng kiến. Quả nhiên thầy Mùi đã giấu thầy Lý nhiều chuyện. Một số bí kíp riêng hoặc một số món đồ quan trọng thầy Mùi lại không hề giao lại cho người học trò duy nhất mà sẵn sàng mang nó giao cho bà Phú. Lắm lúc thầy từng tự hỏi: tại sao thầy Mùi lại làm như thế? Do thầy không tin tưởng vào trình độ của học trò hay còn một nguyên nhân sâu xa nào khác nữa?

Thầy Lý nghiên cứu mấy ngày mới từ từ nhận ra các kí tự lạ trong cuốn sách ấy đọc cũng thành chữ. Thầy mô phỏng dịch theo hình vẽ minh hoạ bên cạnh và viết lại sang một cuốn sổ tay. Dường như mọi chuyện đã dễ dàng hơn khi thầy Lý dịch tới trang ghi chú sau cùng về con búp bê hộ mạng ấy. Nhìn vào một loạt hình vẽ và chữ viết dịch ra thầy Lý mới giật mình: hoá ra là thế! Chuyện có vẻ thú vị rồi đây. Vậy là sau bao nhiêu năm tìm kiếm cuối cùng mình cũng đã thành công được một nửa.

Vài ngày sau thầy Lý cầm cuốn sách tự dịch tới gặp bà Phú. Sắc mặt bà Phú khá xấu. Làn da của bà nhăn nhúm và tái xám. Hai mắt thâm đen tựa như bao đêm dài không ngủ. Thầy chìa cuốn sổ đã dịch ra đưa cho bà Phú:

- Tôi dịch nó rồi, cũng không phải quá khó. Bà đọc đi rồi sẽ hiểu.

Bà Phú ngạc nhiên:

- Thầy không giúp tôi hay sao?

Thầy Lý đáp:

- Cái này kị bàn tay của người khác, tốt nhất là người tạo ra con búp bê ấy giải nhưng do thầy tôi đã mất nên mọi việc thành bại trông chờ vào bà cả. Tôi đã ghi chi tiết trong trang cuối. Bà đọc cho kĩ, chỗ nào không hiểu tôi sẽ giải thích.

Bà Phú nhận lấy cuốn sổ ghi chép lật mở từng trang đọc sơ qua, tới trang cuối cùng thì dừng lại. Bà ngạc nhiên:

- Nhổ chiếc đinh ra ư? Làm vậy có ổn không? Ngộ nhỡ linh hồn kia thoát ra ngoài thì phải làm thế nào?

Thầy Lý lắc đầu:

- Bà đừng nhổ chiếc đinh rời khỏi con búp bê ấy. Bà rút ra phân nửa rồi dùng sức nhấn vào thật mạnh. Chiếc đinh sẽ cắm sâu hơn vào con búp bê. Có như vậy cái thứ nước hồng kia sẽ không rỉ ra ngoài. Chuyện này bà tự làm một mình, chọn giờ sửu tiến hành bởi trước đây thầy tôi viết con búp bê bị ếm vào đúng giờ sửu.

Bà Phú mệt mỏi ngước đôi mắt nhìn thầy Lý:

- Cám ơn thầy, cũng nhờ có thầy cả.

Thầy Lý đáp:

- Mọi thứ cần chuẩn bị tôi đã ghi cụ thể cho bà. Đêm nay bà tiến hành luôn. Khi chiếc đinh cắm sâu hết cỡ là con búp bê đã được chính bà khắc chế.

Duyên bấy giờ ở ngoài về nhà. Thấy nhà có khách Duyên vội vã hỏi thăm:

- Thầy Lý tới chẳng hay có chuyện gì? Có phải tìm thấy thông tin của con bé Trinh rồi hay không?

Thầy Lý lắc đầu:

- Chưa có, tôi tới vì việc khác. Tôi xong việc rồi nên đi luôn bây giờ.

Thầy Lý dặn dò bà Phú đọc cho kĩ và làm theo đúng hướng dẫn thầy đã đưa rồi vội đi ngay. Bà Phú lập tức chuẩn bị sắp xếp bàn lễ chờ tới đêm sẽ tiến hành khắc chế con búp bê thầy Mùi làm bùa hộ mệnh cho bà khi xưa.

Bà Phú chờ đúng tới 12h đêm lặng lẽ lên căn phòng nhỏ một mình tự tay bày lễ. Bà chờ tới đúng giờ sửu mới mang con búp bê kia đặt lên một chiếc giường công chúa nhỏ. Ba lá cờ đỏ được đốt lên, bà cầm chiếc đinh từ từ rút khỏi ngực con búp bê rồi đột ngột cắm phập xuống. Con búp bê lúc ấy mềm tựa như làm từ bột gạo nếp nên chiếc đinh lập tức bị cắm ngập xuyên qua tận bên kia. Bà Phú đột ngột lên cơn đau đầu. Bà ngã lăn ra đất bất tỉnh nhân sự.

Lúc bà tỉnh dậy đã là trưa ngày hôm sau. Duyên ngồi bên cạnh chăm sóc. Bà muốn đưa tay lên nhưng toàn thân mệt mỏi không thể cử động được. Miệng bà muốn nói nhưng chiếc hàm lại tê cứng không tài nào há nổi miệng ra. Bà phát ra vào âm thanh khản đặc trong cổ họng: khát...khát...

Duyên lặng im nhìn mẹ chồng rồi thở dài: bác sỹ chưa cho phép mẹ ăn uống gì cả. Mẹ cố chờ nhé.

- Khát...!

- Nếu mẹ không nghe lời thì có khả năng ngay cả nói mẹ cũng không thể nói được chứ đừng nói gì tới liệt toàn thân.

Hai mắt bà Phú chẳng hiểu sao nhìn cứ lờ mờ chứ không được rõ như trước nữa. Bà không hiểu mình làm sai ở đâu mà đang khoẻ mạnh bỗng dưng bị biến thành kẻ tàn phế thế này. Toàn thân bà không tài nào nhúc nhích. Cái tay muốn nhấc lên cũng chẳng thể nào nhấc lên nổi. Cuộc đời bà cuối cùng cũng có ngày biến thành kẻ phế nhân như thế.

Sau khi bà Phú ra viện, mọi chuyện trong nhà do một tay Duyên quán xuyến. Việc chăm sóc bà Phú Duyên thuê hai người giúp việc lo cơm nước và thay dọn cho bà. Từ ngày bà bệnh Duyên chưa một lần đụng tay làm bất cứ thứ gì. Bà Phú muốn Duyên tìm thầy Lý tới Duyên lờ đi không gọi. Bà muốn vùng dậy tự mình gọi nhưng bà lại chẳng thể cựa mình. Duyên đã biến thành một con người khác, lời lẽ và hành động tàn độc đến đáng sợ.

Bà Phú có lẽ đã dự liệu trước sự việc có ngày Duyên trở mặt nên vẫn nắm trong tay chìa khoá căn phòng đặc biệt. Duyên dù cố gắng tra hỏi tìm kiếm nhưng không hề thấy. Mỗi lần hỏi không được Duyên lại điên tiết cầm cái gối úp lên mặt bà Phú cho tới gần chết ngạt mới bỏ tay ra. Bà Phú bị giày vò sống mà không bằng chết.

Sau vài ngày bà Phú lại phát bệnh lạ. Khắp người bà lở loét khiến người làm không ai dám tới gần giúp bà tắm rửa, thay đồ. Họ bị ép cho bà ăn cũng bịt mấy lần khăn mới dám lại gần. Duyên thấy vậy càng hả hê. Thậm chí cô ta còn cho thêm một loại thuốc đặc biệt vào đồ uống khiến bà Phú không những không lành bệnh mà càng ngày càng thối rữa da thịt. Vết lở loét càng ngày càng lan rộng hơn, đau đớn vô cùng.

Duyên mỗi ngày ba lần vào hỏi thăm mẹ chồng. Mỗi lần Duyên bước ra ngoài bà Phú lại là một lần chết đi sống lại. Bà cố gắng sống để chờ ngày gặp thầy Lý hỏi lại chuyện con búp bê kia. Đáng tiếc cang mong thì thầy Lý càng bặt vô âm tín.

Một tuần sau, thầy Lý ghé thăm nhà bà Phú. Bà nghe tiếng người làm thông báo mà mở cờ trong bụng. Đáng tiếc thầy Lý tới gặp Duyên chứ không hề ỏ ê hỏi thăm tới bà. Bà dùng hết sức gào lên hi vọng thầy Lý nghe tiếng. Quả nhiên một lúc sau thầy Lý xuất hiện ở cửa phòng cùng Duyên. Cả hai vào phòng nhìn chằm chằm về phía bà Phú. Bà sững sờ rồi lắp bắp:

- Thầy...mau...cứu tôi!

Duyên thở dài:

- Mẹ còn muốn cứu thế nào? Hiện tại mẹ phải cách ly mọi người nên không ai tới căn phòng này được nữa.

- Mày...thứ khốn nạn.

- Con khốn nạn hay gì cũng được. Tuy nhiên hiện tại con đang nắm trong tay quyền sinh sát ở cái nhà này. Mẹ thuận con thì sống, chống con thì vẫn sống nhưng đau đớn hơn cả cái chết.

Duyên nói rồi cầm một bình thuốc xịt thẳng về phía bà Phú. Bà đau đớn quằn quại vì thuốc tan vào da thịt lở loét:

- Mày...mày...quân ác ôn.

Duyên đưa bàn tay lên nhìn một lượt rồi cười khẩy:

- Số người chết trong tay con còn ít hơn mẹ. Con tự thấy mình con non kém quá!

- Mày...chúng mày... phản bội tao.

- Giờ mẹ mới biết thì quá muộn rồi không? Ngay từ cái ngày mẹ đưa cuốn sách cho thầy Lý đây là mẹ đã không thể sống tốt được nữa rồi.

Hai hàng nước mắt của bà Phú tuôn rơi. Bà tin tưởng người ta ai dè bị phản bội. Tuy nhiên bà lại bật cười:

- Tụi mày muốn chìa khoá căn phòng bí mật sao? E là làm tụi mày thất vọng rồi.

Duyên chậc chậc lưỡi liên hồi rồi đáp:

- Khỏi cần bà chỉ, chúng tôi tự tìm. Bà có trách hãy trách bản thân mình toan tính quá nhiều.

-------------------------

Đọc tiếp: LỜI NGUYỀN TRINH NỮ TẬP 74

Đọc trọn bộ: Lời nguyền trinh nữ - Hà Dương 

Xem thêm: OAN HỒN DƯỚI GIẾNG - HÀ DƯƠNG

Bản quyền thuộc về tác giả Hà Dương

 

Ma