Trong tháng 3 âm lịch có đến hai cái Tết mà người Việt rất quan tâm, đó là tết Hàn Thực và tết Thanh Minh. Tuỳ theo từng năm mà 2 ngày Tết này gần nhau hoặc cách xa nhau, thậm chí có năm còn trùng nhau. Đây cũng là lý do mà nhiều người hỏi: Tết Hàn thực có phải là Tết Thanh minh hay không?
Bánh trôi bánh chay trong tết Hàn thực (ảnh: Nguyễn Phương Hải)
Mặc dù có những năm Tết Thanh minh trùng với tết Hàn thực (vào ngày 3/3) , nhưng Tết Hàn thực và Tết Thanh minh là 2 ngày lễ trọng hoàn toàn có ý nghĩa khác nhau.
Tết hàn thực là gì?
Theo nhà nghiên cứu văn hóa - TS. Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, theo nghĩa chữ Hán, “Hàn” có nghĩa là “lạnh”, “thực” là ăn, Tết Hàn thực có nghĩa là tết ăn đồ lạnh. Ngày tết này ở Việt Nam thực ra bắt nguồn từ một phong tục của người Trung Quốc được lưu truyền cho đến ngày nay.
Nguồn gốc của phong tục này liên quan đến câu chuyện vào đời Xuân Thu giữa vua nước Tần là Tấn Văn Công và hiền sĩ Giới Tử Thôi. Cũng từ đó, ngày mùng 3.3 âm lịch hằng năm được coi là ngày Tết Hàn thực. “Tên gọi của Tết Hàn thực nghe có vẻ bắt chước từ Trung Quốc nhưng không phải, mà khi vào Việt Nam, nó đã hợp nhất với tết bánh trôi, bánh chay, tết tháng 3 của người Việt. Bản thân ngày tết này cũng mang ý nghĩa và thể hiện rõ nét về đặc trưng văn hóa, lối sống, những khát vọng mơ ước rất riêng của người Việt. Chính điều này đã tạo nên sức sống lâu bền của ngày tết bánh trôi, bánh chay. Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc - thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó, ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường.
Xem ngay: Văn khấn Tết Hàn thực 3 tháng 3 âm lịch
Đồ cúng trong tết Hàn thực
Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
- Thứ nhất, nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.
- Ngoài ra, nó còn bắt nguồn từ tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Chính vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.
Bánh trôi truyền thống được làm từ bột nếp trắng, tròn đầy, tinh khiết, bên trong bọc đường. Bánh trôi nguyên bản là màu trắng, hình tròn đầy thể hiện cho khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn tròn đầy, tinh khiết trong cuộc sống. Vào ngày lễ này, các gia đình không cần chuẩn bị “mâm cao, cỗ đầy”, bày vẽ các thủ tục tốn kém mà chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, chay lên ban thờ ông bà, tổ tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.
Đọc ngay: Công thức nấu bánh trôi bánh chay cúng tết Hàn thực
Tết thanh minh là gì?
Tết Thanh minh thực tế có nguồn gốc từ Trung Quốc, qua quá trình du nhập đã thay đổi cho phù hợp với văn hóa Việt Nam. Tiết Thanh minh thực chất là một trong 24 tiết hàng năm. Tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch tới 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch.
Xem ngay: Những KIÊNG KỴ khi cho trẻ nhỏ đi thăm/viếng mộ tổ tiên
Thanh minh là âm Hán, dịch nghĩa thì Thanh là trong, Minh là sáng, Tiết Thanh minh là khoảng thời gian khí trời trong sáng, thanh khiết, bầu trời quang đãng, mới mẻ, những người theo đạo Thiên Chúa thì làm lễ “Ra Mùa” Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15-16 ngày, ngày đầu của tiết Thanh minh thì người ta chọn làm Tết Thanh minh.
Như vậy, kể từ khi lập xuân, đến Tiết Thanh minh khoảng 60-61 ngày. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mô tả rất rõ:
“Ngày Xuân con én đưa thoi
Thiều Quang chín chục, đã ngoài 60...
...
Thanh minh trong tiết tháng 3
Lễ là Tảo Mộ, hội là Đạp Thanh...”
...
Thiều Quang chín chục - tức là mùa xuân có 90 ngày thì đến ngày 60 trở đi là tiết Thanh minh
Năm nay 2020, ngày đầu của Tiết Thanh minh rơi vào 11 tháng 3 âm lịch (4 tháng 4 dương lịch). Bắt đầu từ ngày nay, mọi người có thể tổ chức lễ tảo mộ du xuân, kết hợp giữa việc cúng lễ tỏ lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên.
Những việc cần làm trong tết Thanh minh
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của người xưa là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất.
Sau đó, người tảo mộ thắp mấy nén hương, hoặc đặt thêm bó hoa cúng cho linh hồn người đã khuất. Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên (cũng như là “bàn giao” cho con cháu biết vị trí mồ mả của gia tiên” , sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ).
Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.
Nghi thức tâm linh trong tiết Thanh minh gồm các phần chủ yếu sau:
- Tảo mộ
- Sắm sửa lễ nghi để cúng tế: đồ cúng gồm những thứ cơ bản gồm:
- + Hương đăng
- + Chén nước trong
- + Thanh bông hoa quả: hoa tươi, quả đẹp ( có từ 5 đến 7 loại quả)
- + Trầu cau
- + Rượu, giò chay thanh tịnh
- + Bánh trái: Bánh trôi, bánh chay , bánh trưng , bánh dầy,...
- + Tịnh tài (cúng tiền thật, không cúng tiền giả) Tịnh vật (cúng đồ thật, không cúng đồ giải)
- Các đồ cúng tượng trưng cho Thân Tứ Đại, đó là : Đất là các tịnh tài tịnh vật, hoa quả (tượng trưng cho lý Nhân Duyên Quả); Nước; Gió; lửa - đèn, nến, tượng trưng cho Năng lượng.
Xem thêm: Văn khấn tảo mộ Tết Thanh Minh đúng và dễ nhớ nhất
Tổng hợp