04/06/2021 11:50 View: 1275

Truyện ma: Một cõi Âm Dương (Tập 22)

Chuyện ấy xảy ra thắm thoắt đã gần 10 năm.

Sau này, thỉnh thoảng qua thăm thầy, tiện đường tôi cũng có ghé nhà cậu Ba Hồng chơi. Nhà cậu cũng không rộng rãi gì, một trệt một gác gỗ. Điện thờ ở trên gác, phần nhà trệt để bán tạp hoá và phòng ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh.

mot coi am duong 22

Những chuyện giao lưu qua lại có lẽ không cần thiết phải dài dòng làm gì. Có điều, tôi không thường ghé nhà cậu mặc dù cậu rất quý tôi. Bởi mỗi lần ghé, ít nhiều gì tôi cũng phải ngồi đồng tiếp xúc với một loạt các đồng đạo của cậu ta. Nhìn thấy các vị ấy cứ lúc âm lúc dương, không bao giờ chịu tự chủ bản thân mà tu tiến, lúc nào họ cũng chờ đợi có ai nhập xác để nói chuyện huyền cơ khiến tôi cảm thấy buồn lòng. Chư vị về tá điển làm việc giúp đời chẳng qua là muốn lập đủ các công đức để thăng lên bậc cao. Công đức ấy, phần xác được hưởng một phần. Nếu ai biết nương theo điều đó mà tu tập thì mau thăng tiến, ngược lại sẽ trở thành con đồng không hơn không kém.

Tôi buồn và không muốn tiếp xúc vì hầu hết những người tôi gặp đều sống dựa vào cõi vô hình. Thậm chí không ai giáng điển họ cũng tìm cách gật gù ỡm ờ cho có vẻ linh thiêng huyền bí, nói chuyện thì cứ như người cõi trên, áo quần thì luôn khác người. Nếu không loè loẹt phấn son thì cũng ra vẻ tiên nhân giáng thế. Hỏi thăm gia đình họ mới biết đa số là con cái lang thang học hành không đến nơi đến chốn, vợ chồng hục hặc. Tôi chạnh nghĩ, lúc nào họ cũng ở trên mây như thế, chả trách chồng, vợ, con cái nản lòng mà xa cách. Tôi có đưa vấn đề ra nói thẳng, nhiều vị còn tỏ vẻ giận dỗi hoặc đổ thừa cho căn số. Thiết tưởng, căn số là hoàn cảnh trớ trêu mà con người tìm mọi cách thoát ra nhưng không thoát. Còn họ cứ bỏ nhà bỏ cửa đi hết chùa này miễu nọ, hết đình to am nhỏ, hết núi lớn đến sông dài thì gia đình làm sao cung phụng cho nỗi…

Càng nghĩ, tôi càng thấy họ xa dần những điều Phật dạy, mê mãi trong ánh hào quang mà chư vị tá về giúp độ. Ngày nào đó không xa, khi công thành quả mãn, chư vị rút điển đi còn trơ lại xác thân, lúc bấy giờ nghiệp đổ ra không ai gánh chịu giùm mình…

Bẵng một thời gian rất lâu tôi không ghé, nghe đâu gia đình cậu Ba bán nhà đi về kinh tế mới ở tận Bù Băng – Sông Bé (bây giờ là Bình Phước). Thằng Bình là đệ tử thân thiết, cũng không có người thân nên cậu Ba Hồng đưa nó theo sống chung.

Vậy mà thoắt cái đã hơn 3 năm …

- Dạ.. thầy em có lời hỏi thăm huynh và anh Hai…

Câu nói của Bảy Bình kéo tôi trở về với thực tại.

- Vậy dạo này cậu Ba ổng sống ra sao?

- Vất vả lắm huynh ơi - Giọng Bảy Bình lắng xuống cố nén một tiếng thở dài.

- Đành chịu thôi. Về vùng kinh tế mới mà, có phải như ở thành phố đâu mà đòi hỏi tiện nghi sung sướng.

Minh Tịnh cũng góp vào một câu:

- Ngẫm ra chỉ ở tại đất Sài Gòn này là hạnh phúc nhất. Có nghèo đến đâu cũng không đến nỗi đói kém.

- Về trên ấy, mọi người sống bằng gì?

- Dạ, thì cũng làm rẫy là chủ yếu.

- Ở trên đó yên tĩnh, gần rừng núi, chắc là cậu Ba ổng luyện dữ lắm hả Bình?

Thằng Bình khẽ cúi đầu:

- Mất hết rồi huynh ơi. Thầy Tổ hết độ rồi…

- Vậy là sao ? – Tôi ngơ ngác.

- Dạ… sư phụ không những chữa bệnh hết được mà còn bị ma rừng phá phách nữa!

- Trời đất! Có chuyện đó sao?

Bảy Bình bắt đầu kể, nó kể nhiều lắm nhưng tôi chỉ lược thuật lại hai câu chuyện :

… Sau khi về Sông Bé gần một năm thì các nguồn hỗ trợ dành cho người đi kinh tế mới cạn sạch. Chính quyền thì ở xa, điều kiện đi lại thì khó khăn, rẫy bắp trồng suốt thời gian qua không cho được bao nhiêu trái, lại không bán được cho ai. Thế là đói.

Thầy trò thằng Bình phải đi bẫy thú, bắn chim để cải thiện.

Hôm đó, hai thầy trò đang đi thăm bẫy thì nghe tiếng ếch kêu vang rân. Cậu Ba soi đèn và phát hiện trên mấy gò đất ếch hội đầy. Con nào con nấy bự bằng bàn tay trở lên. Mắt ếch phản chiếu ánh đèn lấp lánh. Mừng rỡ như bắt được vàng, hai thầy trò bỏ cả việc thăm bẫy lao vào bắt ếch. Cái dòng ếch nghĩ cũng lạ, bị đèn chiếu vào mắt là ngồi trơ ra như bị thôi miên, người ta chỉ có việc bước tới nắm lấy ngang thân bỏ vào lồng.

Chẳng mấy chốc, cái lồng đan bằng tre lồ ô đã đầy. Hai thầy trò khệ nệ mang về nhà, vừa đi vừa tiếc rẻ mấy con ếch chưa bắt.

Đổ hết giỏ ếch vào cái lu gạo đã trống rỗng, thằng Bình chắn lên nắp đậy một cục đá to cho chắc ăn. Nó cẩn thận để hở ra một chút vừa đủ cho lũ ếch không chết ngộp. Xong, hai thầy trò đi ngủ. Cậu Ba vào ngủ trong buồng, thằng Bình ngủ ở nhà sau….

Chỉ mới lim dim chưa kịp thả hồn thì.. thằng Bình chợt nghe không khí yên lặng một cách lạ kỳ. Cái im lặng thật đáng sợ. Nó tạo cho người ta một cảm giác bất an. Thằng Bình trăn trở một hồi chợt nhận ra nãy giờ không hề nghe tiếng ếch kêu. Quái! Không con này kêu thì cũng còn con khác chứ, lẽ nào im dữ vậy!

Nó mò mẫm trong bóng tối lần ra sau hè. Đứng bên lu ếch, Bình đánh que diêm cháy sáng. Một tay cầm diêm, một tay kéo nắp lu xích ra một chút. Vừa nhìn vào lu, Bình đã hốt hoảng hét lên…

-------------------

Đọc trọn bộ: (Tập 1)       (Tập 2)            (Tập 3)              (Tập 4)              (Tập 5)                       

(Tập 6)                    (Tập 7)                      (Tập 8)                      (Tập 9)                            (Tập 10)

(Tập 11)                (Tập 12)                   (Tập 13)                 (Tập 14)                 (Tập 15)

(Tập 16)             (Tập 17)                (Tập 18)                   (Tập 19)                     (Tập 20)

(Tập 21)                  (Tập 22)                   (Tập 23)                   (Tập 24)                     (Tập 25)              (Tập 26) 

Bản quyền thuộc về tác giả Hoàng Thông

Ma