04/06/2021 11:47 View: 10790

Nghi lễ CẤP SẮC cho bản điện và thanh đồng đệ tử

Các thanh đồng trong đạo Mẫu sau khi làm lễ tạ 3 năm, đồng thầy sẽ tiến hành cấp sắc cho đệ tử, nếu thanh đồng đã có điện thờ riêng thì cũng phải xin cấp sắc cho bản điện. Vậy nghi lễ cấp sắc này diễn ra như thế nào? Sắc là gì? Thủ tục cấp sắc bao gồm những gì? Những lưu ý kiêng kỵ khi cấp sắc cho bản điện và đệ tử?... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu. 

nghi le cap sac cho thanh dong va ban dien

Thời gian cấp sắc cho đệ tử và bản điện?

Khoá lễ trình đồng mở phủ là một trong những nghi lễ nhập môn đặc trưng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Sau 3 năm sẽ được là THANH ĐỒNG, nhưng đôi khi đệ tử được báo, hoặc số mệnh phải lập điện tại nhà để phụng thờ Chư Thánh..., nếu tu tập tốt sẽ được là CÔ ĐỒNG hoặc CẬU ĐỒNG để khâm chực bản điện.

Như vậy, các hương tử của Mẫu sẽ được chia thành 2 cấp

  • Cấp thứ nhất: Các hương tử không phải lập điện thờ, cấp này chiếm đại đa số, khoảng trên 90%
  • Cấp thứ 2: Các hương tử lập điện thờ tại nhà, khâm chực thờ các chư tiên thánh

Nhưng cho dù ở cấp nào đi chăng nữa thì thanh đồng sau khi làm lễ tạ 3 năm, đồng thầy sẽ tiến hành CẤP SẮC CHO ĐỆ TỬ. Nếu là thanh đồng có khâm chực bản điện (gọi tắt là có điện thờ) thì cũng phải xin CẤP SẮC CHO BẢN ĐIỆN.

Thế nhưng hiểu thế nào là SẮC thì không mấy ai thông tỏ, bài viết này Tamlinh.org xin chia sẻ một chút thông tin cơ bản nhất để mọi người hiểu thêm về thủ tục cấp sắc cho thanh đồng và bản điện. 

Như vậy SẮC là gì???

SẮC ....có rất nhiều loại

1) - SẮC LỆNH:

Là mệnh lệnh bề trên phê chuẩn dựa trên thiện duyên, nghiệp quả tu tập để giao phó sứ mệnh cho đệ tử thực thi nhiệm vụ, ta hiểu nôm na thì nó như là cái CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ của thời đại bây giờ

Hoặc giả như cái BẰNG CHỨNG NHẬN TỐT NGHIỆP

2) - SẮC PHONG:

Là mệnh lệnh bề trên phong thưởng, phong tặng, để cho đệ tử biết được công trạng của mình, hoặc biết được con đường tu tập của mình

Ta hiểu nôm na là như cái BẰNG KHEN hoặc GIẤY KHEN trong thời đại mới bây giờ

3) - SẮC DỤ :

Là mệnh lệnh bề trên truyền bảo (thông báo) tới chư thiên, chư thánh cho biết điều gì đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra. Sắc này không có bằng văn bản, mà chỉ là lời nói, hoặc cử chỉ, hành động

Ta hiểu nôm na là khi ở trong một vấn hầu, các bóng các giá về SANG TAI LAI LỜI cho đệ tử

4) - SẮC BẢO:

Là mệnh lệnh do Đại hội đồng tiên thánh phê truyền dựa trên thiện duyên nghiệp quả của người tu tập để giao phó sứ mệnh một cách bí mật không công khai, che giấu tài năng ngay cả tiên, thánh, thần, phật cũng ít vị biết được.

Thường thường các cô các cậu đồng trên facebook vẫn khoe là nhà Ngài thế nọ nhà Ngài thế chai.... Thì đây là sắc bảo

Ta hiểu nôm na là mệnh lệnh bí mật, cũng như công an họ đi điều tra bí mật ý, bên ngoài là dân thường, nhưng khi cần thì họ rút ngay thẻ công an, lúc đó mới biết họ là công an

5) - SẮC LỆ:

Là mệnh lệnh bề trên quy định chiếu theo cách thức, rập theo khuân khổ lề lối thiên quy để làm việc. Ta hiểu nôm na là như tờ quyết định của tòa án, khi xử xong bản án, hoặc như những quyết định, nghị quyết khi họp xong một cuộc họp nào đấy...

Như vậy, nói về SẮC thì có thể hiểu nôm na như tổng hợp của tất cả các loại giấy tờ của công dân ở thời đại mới bây giờ

Trong đạo Mẫu sẽ cấp sắc gì?

Trên thực tế trong đạo Mẫu, các con hương của Tứ phủ chỉ có 3 hình thức cấp sắc:

  • SẮC LỆNH
  • SẮC DỤ
  • SẮC LỆ

Trong đó, sắc lệnh liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của thanh đồng. Là người có mệnh đồng căn quả, khi trình đồng mở phủ, khi làm việc về tâm linh như soi căn, nối quả, gọi hồn, diệt trừ yêu ma, luyện bùa luyện phép thì đều phải được cấp sắc lệnh của bề trên cấp xuống, hoặc khi đã yên bản thân, mát bản mệnh rồi, sau khóa lễ tạ 3 năm thì đệ tử sẽ đề xuất với đồng thầy xin CẤP SẮC

Và trong đạo Mẫu thì sắc này gọi là SẮC THANH ĐỒNG

Khi là thanh đồng, chỉ xin cấp duy nhất một loại sắc này thôi ạ. 

Cấp sắc gì cho bản điện?

Nếu các hương tử ở hạng thứ 2 tức là có điện thờ tại gia, thì bản điện còn phải xin cấp thêm một số SẮC để gia tăng quyền hạn của bản điện, những sắc này gồm có:

  • SẮC TRẦN TRIỀU: Với tiêu chí mong được ban quyền ban phép, để sát quỷ trừ tà
  • SẮC TỨ PHỦ: Với tiêu chí mong được yên thân, xin hội đồng Phật thánh gia ân, ban thưởng cho làm việc hanh thông
  • SẮC HẠ BAN ( ngũ hổ): Với tiêu chí mong cho bản điện được linh thiêng, tránh tà ma xâm nhập

Tùy theo từng DUYÊN mà các thầy còn cấp cả SẮC CHÚA BÓI nhưng trong thực tế thì không có SẮC CHÚA BÓI

THỦ TỤC CẤP SẮC

Trước khi tạ 3 năm đồng của đệ tử hoặc bản điện, đồng thầy và đệ tử phải có sự bàn nhau và thống nhất với nhau việc xin sắc nhà Ngài. Đây là khóa lễ để tiết kiệm tiền bạc cho đệ tử, nên bàn nhau trước để đúng dịp tạ 3 năm có thể chứng SẮC nhà Ngài thì đỡ phải tốn kém. Nếu tạ 3 năm một khóa lễ, rồi xin cấp SẮC một khóa lễ khác nữa thì TỐN KÉM QUÁ. Vậy cho nên các đệ tử cố gắng lồng ghép vào khóa lễ tạ của mình cho tiết kiệm...

Việc xin SẮC sẽ phải chia làm 2 giai đoạn

GIAI ĐOẠN 1: Viết và đi trình sắc tại các cung các cửa

Sau khi thống nhất giữa thầy và đệ tử, thì đồng thầy hoặc đệ tử phải nhờ thầy Pháp sư soạn và viết SẮC. Sắc chỉ nhà Ngài phải viết bằng chữ Nho, tuyệt đối không dùng quốc ngữ vì hai lý do sau

  • Thứ nhất: Khi thời các Thánh đương cai thì Việt Nam mình chưa có chữ quốc ngữ, nên nếu sắc bằng chữ quốc ngữ là không đúng với đương triều ngự phong, cho nên sắc không được LINH THIÊNG
  • Thứ 2: Nếu sắc bằng chữ quốc ngữ thì không khác gì mình bây giờ trình văn bản, hoặc đơn xin việc bằng tiếng nước ngoài, khi các bóng các giá về chứng sắc sẽ không đọc được văn bản, như vậy sẽ không được LINH THIÊNG

Việc soạn và viết sắc này có thể làm từ nhiều ngày trước, thậm chí hàng năm trước, để tiện lợi cho việc đi kêu cầu, trình xin chứng giám.

Sau khi đã có phôi SẮC (mới gọi là phôi thôi, vì chưa được nhà ngài chứng giám) thì đồng thầy phải đưa đệ tử đi các cung các cửa để xin gia ân, chứng giám. Cụ thể là:

  • SẮC THANH ĐỒNG: Chỉ cần về Phủ Dày hoặc lên Bắc Lệ là được
  • SẮC TỨ PHỦ, SẮC HẠ BAN ( ngũ hổ): Bắt buộc phải về Bắc Lệ
  • SẮC TRẦN TRIỀU: Phải về nhà Trần xin chứng giám

Nếu có điều kiện thì lập đàn tràng, bắc ghế xin hầu chứng sắc tại những nơi mình xin đấy. còn không có điều kiện thì để sắc cùng với kim ngân, lễ vật, lên công đồng, sau khi đồng thầy xin đài xong, chờ hết một tuần hương thì xin hạ lễ. Như ngày xưa các cụ, còn phải để qua đêm, nhưng bây giờ thì chỉ hết tuần hương là được

Như trên đã nói, việc xin sắc nhà Ngài có thể hoạch định từ nhiều ngày, nhiều tháng trước, để tiện lợi cho việc đi trình, xin các cung các cửa sau này, vì thầy cô điều kiện thì thầy đi trình giúp luôn đệ tử.... có như vậy mới đỡ tốn kém....

Sau khi đã mang phôi của sắc đi trình các cung các cửa, đồng thầy sẽ mang về để trang trọng vào một cái khay và để thờ trên bản điện nhà thầy...

Nếu đệ tử muốn mang về nhà để cất, gọi là CHẮC ĂN thì khi mang về phải gói vào giấy ni lông thật cẩn thận, để trang trọng lên bàn thờ, tránh việc để chung với quần áo mặc của mình.

GIAI ĐOẠN 2: Lập canh đàn chứng sắc

Thường thì các thanh đồng ĐẦU ĐỘI VIỆC THÁNH, VAI GÁNH VIỆC TRẦN nên điều kiện thường là cũng khó khăn, do đó đồng thầy ghép vào canh đàn tạ 3 năm cho đệ tử là tốt nhất, vừa tiết kiệm vừa được việc

Đợi đến canh đàn khóa lễ tạ 3 năm, hoặc có một việc gì đấy của đệ tử, miễn là có hầu hạ, thì lúc này mới mang sắc ra để các bóng các giá chứng....

Việc chứng sắc phải rất từ từ và thận trọng, phải mở từng sắc ra một, các giá phê sắc phải điềm tĩnh, chuẩn chỉ

Khi các bóng các giá về, phải đóng lệnh âm, tức là đóng dấu âm nhà ngài vào sắc. Việc đóng dấu này không phải là dấu thật, nhiều thầy đồng lấy con dấu tự khắc, đóng vào sắc chỉ nhà ngài, như vậy là sai, không đúng.

Trong sắc chỉ nhà ngài đã có dấu in sẵn rồi, việc đóng thêm dấu chỉ làm bẩn sắc, nhom nhem mà thôi ... Các thầy chỉ cần lấy ngón tay cái, hơ qua que hương, và chấm vào chỗ có con dấu ấy là được

Sau khi chứng xong, sau canh đàn khóa lễ thì đồng thầy NHẤT ĐỊNH phải trả sắc cho đệ tử, nếu thầy giữ sắc của đệ tử là thầy sai, mà đệ tử không biết xin lại sắc của mình là đệ tử dại...

Khánh Hoàng