04/06/2021 11:44 View: 2770

Trách nhiệm của Đồng thầy khi Mở phủ và dẫn đạo?

Hỏi: Cho mình hỏi, để trình đồng mở phủ cho người khác thì người đồng thầy phải là người như thế nào? Phải căn cao hơn mới mở phủ cho đệ tử được phải không? Quan niệm và Trách nhiệm của người thầy dẫn đạo mở phủ xưa và nay như thế nào ?

dao mau, trinh dong mo phu, thay mo phu

Thầy mở phủ là phải “Soi căn nối quả”.

Để có thể soi căn nối quả đúng thì trước tiên người ra mở phủ phải có căn đã. Người được mở phủ không có căn không thể ra hầu được nhà Thánh. Do vậy, tiêu chí để ra đồng đầu tiên là phải có căn với nhà Thánh. Nếu không có căn anh vẫn có thể tu được nhưng con đường và quá trình rất lâu và gian nan đồng thời hay bị nhãng tâm nản chí do anh không biết không hiểu về âm dương, không có cái gốc.

Những người có căn duyên với nhà Thánh xưa kia nếu căn nông không được nhận đồng, có thể họ bị cơ bị sát nhưng chỉ tôn nhang là thôi. Ngày nay căn nông căn sâu cũng ra trình đồng mở phủ, không có căn cũng ra trình đồng, làm thay đổi cách nhìn về đạo. Vì những người không có căn duyên với cửa đạo mà ra trình đồng, không có hoặc ý chí tu tập kém còn làm loạn đạo hơn.

Cần hiểu rằng tu đồng theo cửa Đạo Mẫu không phải chỉ hầu đồng bề nổi mới là tu mà còn nhiều việc khác, trước đây các cụ mở phủ cho đệ tử thường để con đồng tự hầu, để biết được căn duyên, đồng mù hay đồng sáng, biết được căn cơ về cửa nào, đồng dí, đồng pháp, đồng kêu cầu hay đồng quả…để biết mà hướng con nhang tu đạo đúng với căn nguyên của đồng nhân, hướng về an ngôi chính vị.

VD: Nghiệp của đồng nhân làm đồng dí, đồng soi, đồng bói, đồng pháp… khi hành đạo lấy đó làm bản ngã và phát dương đạo đó là an ngôi chính vị.

Bản chất một người có đồng là phải trên lo việc Thánh dưới gánh việc trần.

Chỉ có một số người có địa vị và có danh mới được nhà Thánh miễn đi phần hành đạo nhưng trách nhiệm chính là lấy danh cho Thánh lấy diện cho đồng quảng bá oai danh và chân thiện mỹ của nhà Thánh cho bách gia (như các vị vua chúa phong kiến ra mở phủ thời xưa hay các quan chức và những người có địa vị có ảnh hưởng với xã hội với địa bàn được miễn làm việc âm và chỉ là đồng hầu).

Đó là những điều cơ bản người trước khi ra đồng phải tìm hiểu, phải biết.

Còn trách nhiệm của người thầy mở phủ ư ?

Người thầy ít nhất phải có khả năng soi căn nối quả, phải soi được căn của con nhang, hiểu đối với từng con nhang cần tu gì? Chưa yên chỗ nào ? …Cần vẽ cốt ở đâu (đồng cốt) ? Cần cân chỉnh và kêu cầu thấu nổi ở đâu... còn cân chỉnh để đồng con tu tập, trước là tu tâm sau tu bản ngã, sau nữa mới đến học đạo pháp và cao nhất là thần hồn chân linh.

Người thầy phải chỉ bảo cho con đồng hiểu, ra đồng tu đồng không phải chỉ suốt ngày lo hầu, là ném tiền bừa bãi… đó không phải là hầu đồng lại càng không phải tu đồng, đó đơn thuần là múa, là diễn.

Còn đối với một số người ra đồng là để cầu mong gì đó để sung sướng hạnh phúc, để hơn người thì đó không phải đồng nhân chân chính.

Xưa kia các cụ mở phủ cho đồng cũng xét hai dạng, đồng tu và hành đạo và đồng hầu (lấy danh cho Thánh lấy diện cho đồng). Do vậy cũng có 2 dạng con nhang:

TH1: Đồng hầu (đồng dương lấy danh cho Thánh lấy diện cho đồng): đó là " xưa kia và phải có căn'.

Là những vị Con các nhà giầu có và có ảnh hưởng một vùng, .... Thương gia, con quan người có chức sắc, những người đó vẫn phải có căn với nhà Thánh các cụ mới nhận mở phủ, ngay cả 1 số vị vua như Vua Đồng Khánh, Vua Khải Định… cũng đều hầu đồng, hay nhiều vị quan có chức sắc cũng ra đồng hầu đồng. Những vị này các cụ mở phủ là để lấy danh cho Thánh lấy diện cho đồng. Gọi là Đồng Hầu.

TH2: Những con nhang nghèo mà căn sâu quả nặng

Trường hợp này các cụ cho theo thầy học đạo mấy năm, rồi cho tiền mở phủ (nhà nghèo), còn bắt quá sát thì thầy hầu cho ké đàn hết cơ và dẫn chỉ tu tập đến khi thời điểm tới mới cho ra làm việc. Nếu nghèo khó mà căn nông không quá sát trước các cụ thì thường cúng khất và tôn nhang cho yên bản mệnh chứ không mở phủ.

Kết luận

Như vậy đồng thầy có trách nhiệm không chỉ là mở phủ cho con nhang, mà sau khi mở còn phải dẫn đạo, dạy đạo, chỉ dẫn cho con nhang mình điều gì nên làm, không nên làm, định hướng để con nhang biết đường tu tập sao cho đúng và phù hợp. Còn quá trình tu tập như thế nào, tiến bộ ra sao… còn phụ thuộc vào căn cơ, vào sự nỗ lực của từng con đồng.

Đồng con nên nhớ: “Trên theo Thánh, dưới theo thầy”, đồng thầy có trách nhiệm mở phủ dẫn đạo thì đồng con cũng có trách nhiệm tiên quyết nghe theo lời chỉ dạy bảo ban của đồng thầy, chăm chỉ nỗ lực tu tập theo đúng định hướng đã được dẫn dắt.

Tu mà Tâm không an lạc - đấy là tu sai

Tu mà thân còn chấp khổ - là tu sai

Tu mà lòng còn sân hận - là tu sai

Theo tôn giáo nào cũng thế - sau thời gian theo các tôn giáo tín ngưỡng mà:

Lòng tham tăng trưởng - trí tuệ lu mờ - đấy là hành sai

Gia đình không hoan hỷ, lục đục trên dưới, tỉnh cảm bất hoà - là hành sai

Tâm không hỷ lạc, còn đố kỵ, ganh ghét, ngã mạn - là hành sai

Vậy tu là gì: là thân - khẩu - ý phải hợp nhất

Tu đúng thì cuộc sống đầy hỷ lạc!!!!

Các thầy độ ai? 

Ở đời vẫn có câu “phù thịnh chứ không ai phù suy” nhưng thật tâm mà nói những người đáng cứu là những người đang suy... họ suy để họ biết sai mà sửa, biết chốn mà tìm, họ suy để họ trả nghiệp thế gian và cũng là trải nghiệm cảm giác đau khổ tột cùng để sau này khi được mặt hoa da phấn, yên ngôi chính vị thì biết thương lấy người khổ, biết đau nỗi đau của kẻ đang mê... đấy là người đáng cứu.

Vậy các thầy độ ai?

Tamlinh.org 

Sao chép, trích dẫn, diễn đọc vui lòng ghi rõ nguồn và dẫn link từ web