04/06/2021 11:51 View: 3762

Đồng nhân được "An ngôi chính vị" là gì?

Chúng ta thường nghe đồng nhân nhập đạo tu đạo Mẫu ai cũng mong được “an ngôi chính vị”. Vậy an ngôi chính vị là gì? An ngôi chính vị nên hiểu thế nào cho đúng? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu

an ngoi chinh vi

Lịch sử ( Đại Thừa) Đức Phật, nhiều văn bản sau này còn ghi chép rằng: Thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha) khi chào đời, bước đi bảy bước, có bảy hoa sen đỡ chân, và bước cuối cùng, Ngài đưa một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, dõng dạc tuyên ngôn: Thiên thượng thiên hạ - Duy ngã độc tôn.
Nếu xét chi tiết thì bản thân con người chúng ta, từ những cái nhìn trực quan dễ nhận biết như: từ vân tay của nó cá nhân, từ tròng mắt, từ tính cách, hoàn cảnh điều kiện sống và phát triển đến cái nhìn trừu tượng hơn như tổng quan linh hồn rồi quan trọng nhất là thần hồn/thần thức của mỗi con người đều là duy ngã độc tôn, là duy nhất không ai giống ai.

Xét cho cùng có bảy tỷ người trên thế gian này cũng không có bất cứ ai giống ta như ta.

Và ta là độc nhất, duy ngã độc tôn.

Còn việc ngoài Đức Phật ra, còn vị Phật nào khác của Đạo Phật hay vị Bồ Tát, vị Thánh của Đạo Thánh Thần hay bất cứ đạo nào khác đã vượt ra ngoài sinh tử hay chưa, vượt ra ngoài sinh tử trước hay sau Đức Phật thì đó là trong quan niệm tín ngưỡng niềm tin tâm linh của từng Đạo, ta không so sánh hay phản bác ở đây.

Lại nói đến Đạo Mẫu, khái niệm duy ngã độc tôn ít được nhắc đến nhưng “An ngôi chính vị” thì được nhắc rất nhiều. Bản chất thực ra là một cách nhìn theo hướng toàn diện hơn mà thôi.

Tại sao vậy ?

Cũng như duy ngã độc tôn chỉ sự duy nhất, và đương nhiên sự duy nhất đó tồn tại là có lí do. Vạn vật tồn tại đều có lí do và đều hữu dụng. Còn việc có tìm ra được lí do tồn tại bản chất và sự hữu dụng đúng với bản chất gốc vốn có đó hay không, quá trình đó chính là quá trình tìm về “an ngôi chính vị” vậy.

Khái niệm gốc, bản chất gốc trong đạo ta thường được nhắc đến tương ứng với từ “căn/căn mệnh” ý chỉ gốc của con người từ nhiều đời nhiều kiếp trước dồn đến nay. Xét với người tu thì đó là căn duyên nghiệp quả tu đạo.

Người một hay nhiều kiếp trước có duyên nghiệp với cửa Phật, với Đạo Phật, có phát nguyện hoặc bởi duyên nghiệp gắn buộc liền với Đạo Phật, kiếp này đầu thai làm người thì sự liên kết với Đạo Phật trong thần thức thúc đẩy người ta tìm đến để biết, để tìm hiểu và tùy theo mức độ gắn bó liên kết này người ta dần dần tín, rồi để nương nhờ, để phụng sự, để bảo vệ và có khi còn chung tay phát triển Đạo Phật, chung quy là tu tập theo Đạo Phật. Tương tự với các đạo khác. 

Và với Đạo Mẫu ta cũng vậy, những người có căn cửa Thánh là những người trong tiền kiếp có duyên nghiệp với cửa Thánh, dù là duyên hay là nghiệp thì bởi duyên nghiệp đã gieo mà thần hồn họ luôn khắc ghi sự liên kết với cửa Thánh, để khi đến kiếp này, dù ban đầu họ có thể biết đến các đạo khác, được dẫn dắt đến những nơi tâm linh tín ngưỡng khác, nhưng chỉ khi về với cửa Thánh, được đến đền phủ Thánh họ mới cảm nhận được sự an yên nơi thần hồn của mình, giống như về đúng nơi cần đến dù sớm hay muộn.

Như đã nói, con người trải qua nhiều kiếp, có thể đã có duyên tu theo nhiều đạo pháp, nhiều duyên nghiệp dẫn lối và khắc trong thần hồn khi họ chuyển kiếp. Đến hiện kiếp bởi sự phát ra ký ức thần thức khiến họ cảm nhận sự thân thiết, học hỏi vô cùng nhanh chóng hay thậm chí có sự giác ngộ của không chỉ một mà nhiều đạo pháp hay tín ngưỡng tâm linh. Tuy nhiên trong những đạo pháp tín ngưỡng đó, luôn có một tín ngưỡng tâm linh (Đạo tu) then chốt khắc sâu nhất trong thần hồn (căn mệnh) của họ và được phát ra mạnh mẽ (trội) nhất trong hiện kiếp. 
Sự phát ra từ thần thức này khiến cho họ dù ban đầu có thể chọn lựa một pháp tu nào khác, một hướng tu khác, một quan điểm tu tập khác… nhưng vì chưa đúng với căn mệnh bản chất trội nhất trong thần thức của mình mà thần chưa yên, dẫn đến mệnh đạo chưa yên vì thế việc tu tập rất khó tiến triển, hoặc nếu có cũng không trọn vẹn hoặc dễ nản chí (với người chọn đạo tu nối tiếp các kiếp trước không phải đạo tu trội phát từ thần hồn dẫn dắt nhưng có tính tương thích hỗ trợ), hoặc lệch hẳn khỏi đạo, ngã đạo, không tập trung tu tập được lên (với người chọn đạo tu đối nghịch hoặc không tương thích, vết khắc đạo tu đang chọn quá mờ nhạt trong thần thức từ tiền kiếp).

Đó là lí do vì sao có những trường hợp người hay gia đình đã nhiều đời cùng tín theo Đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Tin Lành… thậm chí còn gia nhập tu theo chính thống trọn đời như Sư, Ni, Cha Xứ…. tâm tính vẫn không yên, tu tập không tiến, cũng trải qua sự cơ hành (nhất là cơ tâm) khiến tâm thần bất ổn, nhìn thấy vong ma hay loạn thần khó kiểm soát…. Đến khi biết đến cửa Thánh, được về gần cửa Thánh Thần ta lại thấy tâm tính bình an, thần hồn nhẹ nhàng, tiếp thu và tu học đạo Thánh nhanh chóng như đã được tu theo từ rất lâu rồi. Một số trường hợp cá biệt còn song song vừa tu theo đạo đã chọn ban đầu và vẫn tu theo cửa Đạo Thánh đều có tiến triển, thần hồn an yên. Đó là vì những vết khắc đạo tu từ tiền kiếp trội nhất trong thần hồn phát ra của họ là với Đạo Mẫu, với đạo Thánh ta.

Trước đó họ có thể vì cuộc sống, vì quan niệm của gia đình, đặc thù khu vực môi trường sống mà theo một tôn giáo, tín ngưỡng nào đó. Nhưng sự thiếu hụt trong thần hồn thôi thúc họ tìm kiếm sự bình yên thực sự, đến khi tìm được và theo vào đạo Thánh, tức là tìm về đúng căn mệnh bản chất của mình tự khắc dần dần thần hồn được an yên hơn, họ mới có thể yên tâm cuộc sống và tu tập.

Ở đây không xét đến việc duyên hiện kiếp của những người này với đạo tu ban đầu của họ là sai hay đúng, là lệch hay đúng hướng, là nên theo tiếp hay không…Chỉ đơn giản là chưa đúng với đạo tu liên kết chặt chẽ nhất với thần hồn của họ, hợp với căn mệnh của họ và dù có muốn tự dối mình chấp nhận thì đến lúc họ cũng tự nhận ra sự bất an yên sâu trong thần hồn của mình để tìm về với sự an yên từ chính căn mệnh. 

Nếu đúng họ có căn duyên với Đạo Thánh kiếp này thì chỉ khi tìm về với cửa Thánh họ mới cảm nhận được sự an yên thực sự, và khi nhập đạo họ mới nhận thấy sự trỗi dậy của những vết khắc đạo khi đúng căn mệnh mạnh mẽ đến đâu.

Dù không công khai quá nhiều, nhưng việc những người theo các đạo khác (gia nhập tu tập chính thức chứ không phải dừng ở mức tín đạo) hoặc vì những lí do khách quan và vị trí xã hội bắt buộc họ phải giữ vị trí trung lập trong tôn giáo, nhưng thực tế họ vẫn ra với cửa Thánh, vẫn hầu đồng, vẫn kính Thánh trọng Đồng … không phải chuyện hiếm.

Như vậy, an ngôi chính vị hiểu đơn giản là về đúng với căn cơ duyên nghiệp tu đạo của mình để tiếp tục tu tập ở mức cao hơn. Tức là an ngôi chính vị xét cho người tu, chứ không phải xét cho bách gia dù là bách gia tín đạo nói chung.

an ngoi chinh vi, dong nhan, hau dong

“An ngôi chính vị” đối với đồng nhân:

Có những người kể từ trước hay khi nhập đạo đã vô cùng nổi tiếng, đã có tài có lộc, hay vô cùng hoạt bát chăm chỉ, thường xuyên hầu hạ lễ bái, thường xuyên đọc và tìm hiểu kiến thức đạo, thường xuyên trải qua thử thách gian nan trên đường tu và bị áp lực từ vô số hướng nhưng không hề sái tâm nản chí, có thể nói sự nỗ lực nhất tâm của họ là không thể bàn cãi. Nhưng xét cho cùng họ vẫn chưa đạt đến một phần của an ngôi chính vị.

Trong khi đó có những người từ lúc nhập đạo đã vô cùng nhẹ nhàng, sau khi ra mở phủ tu tập khoan thai, tìm hiểu đạo dần dần liên tục không quá vội vã, cuộc sống cũng bình bình mà lên mà xuống, lúc thăng lúc trầm nhưng thường không quá gian truân. Họ đã cơ bản được an ngôi chính vị trên con đường tu đạo từ rất sớm.

Vậy để được an ngôi chính vị trên đường tu đạo đối với đồng nhân, không phải cứ nổi tiếng, tài lộc nhiều, không phải cứ đâm đầu đọc và tìm hiểu đạo một cách không chọn lọc hay chỉ tín tâm hầu hạ đúng lễ đúng phép mà đã đủ. 

Thực chất phải xét trên nhiều phương diện.

Cụ thể:

- Chọn và trở về đúng căn mệnh ra nhập cửa Đình Thần:

Từ chưa biết đến cửa Thánh đến biết cửa Thánh và tín Thánh, tôn nhang bản mệnh nương nhờ căn mệnh về cửa Thánh ta, từ chưa ra hầu đồng đến ra hầu đồng cúi đầu làm tôi cửa Đình Thần…và đến khi được nhận đồng sau khi mở phủ là bước đầu tiên hướng đến an ngôi chính vị của đồng nhân. Sau khi ra đồng thực hiện đúng lề lối phép tắc hầu hạ chuẩn chỉ, nhất tâm phụng sự và áp dụng pháp môn hầu đồng để tiếp nhận năng lượng Thánh giáng bóng xóa mờ đi những vết khắc xấu trong thần hồn chân linh, khai mở thần thức. Thường xuyên trau dồi bổ sung kiến thức đạo để thần hồn được bồi đắp những vết khắc tốt đẹp, vết khắc đạo lành… Thần hồn dần trở về trong sáng như đứa trẻ (đồng). Tiền đề cơ bản bắt buộc để được về an ngôi chính vị.

- Được dẫn tu đúng cửa sát với căn mệnh gốc (Được nhận về cửa nào để rèn lính luyện đồng).

Ví dụ người căn đồng bói thuộc sơn trang, sau thời gian thử lính thử đồng bước vào rèn đồng được cửa Chầu Lục nhận đồng và cắt cử hành sai rèn đồng, hỗ trợ trong hành đạo soi bói làm việc.

Sau khi đã tìm và lựa chọn, được nhận về đúng cửa phù hợp căn mệnh của mình thì tạm gọi là an ngôi. Thần hồn tạm an yên để tu tập. Tức là sự an yên này là để tu tập tiếp chứ không phải để đứng yên một chỗ. Trong tu đạo không tiến tức là lùi. 

Khi đã tạm an ngôi được về và được bảo trợ căn mệnh đúng cung đúng cửa thì phải tiếp tục tu tập theo định hướng đang đi đúng này, để sự tạm an ngôi này được vững chắc, bồi đắp kiến thức, kinh nghiệm và bồi tích tín ngưỡng lực gia trì trong tu đạo, dần dần tạo nên thế vững chắc trong đường tu và được “chính vị”. Tức là căn mệnh thực sự an yên, có thể nhận và sàng lọc tín ngưỡng lực nhận được chứ chưa nói đến việc chuyển hóa gia trì tín ngưỡng lực về cửa Thánh.

Đây là bước an ngôi chính vị cơ bản nhất, nhưng là mức cao nhất hướng đến với tân đồng vừa nhập đạo.

Chọn tu tập hành đạo hợp căn mệnh: Đồng dí, đồng soi, đồng pháp, đồng tu…

Là lựa chọn và được tu tập hành đạo đúng căn tu, mệnh tu của mình: Như căn đồng soi được làm đồng soi, căn đồng dí được làm đồng dí, căn đồng pháp được làm pháp, căn đồng kêu cầu được làm kêu cầu,…. đó cũng là đang hướng đến an ngôi chính vị, đúng căn đúng mệnh của đồng nhân.

Khi một đồng nhân căn gốc là đồng dí nhưng do sở thích, do sự quan sát học hỏi của cá nhân mà kiếp này muốn làm đồng pháp, hay sự dẫn dắt sai lệch từ nhiều hướng dẫn đến chọn đồng Pháp để hành đạo dù căn cơ không đủ hay không phù hợp. Dù khi hành đạo đúng lề lối phép tắc, không tham tiền hám bạc bách gia … sự tiến tu trong đạo đương nhiên có và có phúc ắt có phần, nhưng xét về căn mệnh người đồng nhân này đang tự lựa chọn con đường đi gian nan vất vả hơn trên đường đạo của mình.

Con đường tu và hành đạo của họ tuy không xuất phát từ tham –sân – si, nhưng vì không có căn mệnh gốc tương ứng với đường tu được lựa chọn nên quá trình tu tập khó có thể vững chắc, đôi lúc bị lệch tâm, bị chống phá khiến họ dễ suy nản. 

Hơn nữa khi hành đạo không đúng căn cơ của mình, sự nỗ lực học tập rèn luyện cần vượt trội hơn người, còn hiệu quả hành đạo thì không thể tương ứng với người làm việc đúng căn mệnh của họ được.

Nói như vậy không có nghĩa là nếu hiện kiếp đồng nhân lựa chọn tu và hành đạo theo hình thức không hợp căn mệnh là không thể tu tập tiến bộ hay đạt đến mức đồng quan lính thánh (mức cao nhất trong tu đồng). Vẫn có thể. Chỉ có điều con đường của họ sẽ dài hơn, gian nan hơn, nhiều chướng ngại không đáng có hơn… 

Nếu họ đã biết rõ căn mệnh của mình phù hợp với hướng tu hành đạo nào mà vẫn cố tình đi trái hướng thì sự gian nan, thử thách và những chướng ngại vượt xa người thường hay đồng đạo họ phải tự cam chịu và cố gắng vượt qua. Còn không thì sự vấp ngã lệch tâm đạo là luôn thường trực, không có gì để than trời trách phận cả.

Do đó việc chọn tu đúng đường, hành đạo đúng căn mệnh hoặc phù hợp căn mệnh của mình vô cùng quan trọng, tuy không phải là điều kiện duy nhất nhưng là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc an ngôi chính vị và tiến tu trên đường tu đạo.

Chọn đúng cách thức tu giữa đời thường: Ẩn tu – Hiện Tu (Tu ngành dọc – Tu ngành ngang).

Hiểu đơn giản là cùng là tu tập nâng cao năng lực kiến thức đạo, hoằng dương đạo pháp nhưng có người chọn cách ẩn tu (hỗ trợ, phát đạo nhưng không rầm rộ hay cần sự biết đến đông đảo của bách gia). Họ vẫn hành đạo nhưng âm thầm, vẫn trợ đạo nhưng bằng những cách thức riêng biệt chỉ họ - thầy dẫn đạo và chư Thánh, người hộ đạo được biết.

Còn có người căn mệnh bắt buộc phải hiện tu tại đời để nhiều người biết đến những đóng góp, những kiến thức, hình ảnh và sự tu tập nỗ lực của họ, quá trình hành đạo của họ mang lợi ích trực tiếp/ trực quan đến bách gia và được bách gia nhờ vả.

Đa phần hiện tu là đồng dương, đồng hành pháp cơ bản như đồng soi, đồng dí, đồng pháp… ,đồng thầy mở phủ dẫn đạo và đặc biệt là minh sư truyền đạo.

Chọn và theo đúng cách thức tiến tu hợp căn mệnh cũng là hướng về an ngôi chính vị. 

Một người có căn đồng thầy mở phủ (xét trường hợp có lệnh khai hồ mở phủ không giới hạn, không xét trường hợp đồng thầy có lệnh mở phủ 1-5 người chỉ để nối dòng đạo của gia đình hay bản điện cá nhân) mà chọn cách ẩn tu, không hoặc hiếm người biết đến thì sao bách gia tìm mà nhờ được. 

Hay căn mệnh minh sư truyền đạo mà chỉ ở ẩn giữ kiến thức đạo ngày một khai mở mà không truyền bá, không dạy đạo, không giảng đạo cho đồng nhân hay bách gia tín đạo… thì sao truyền đạo? Những kiến thức đạo bị dồn nén trong thần thức sẽ đến ngày khởi phát, có căn mệnh minh sư hay dẫn đạo mà không truyền lại kiến thức đạo lành thì sự bồi tích mãi không phát ra được, thần thức sẽ bị rối loạn sinh ra loạn căn. Có cố tu tập cũng không thể có bước tiến.

Do vậy, tu theo đường ẩn tu – hiện tu cũng tùy căn mệnh, mệnh đạo từng người, không phải cứ thích hay không thích mà được. Đi đúng hướng thì là đang tiến về an ngôi chính vị, lệch hướng thì đường đạo gian truân, khó tiến.

Chung quy lại, để an ngôi chính vị trước biết đến cửa Đình Thần, ra nhập đạo cúi đầu làm tôi cắt tóc làm con mở phủ trình đồng, hầu hạ đúng phép đúng lối, sau nữa là rèn luyện tu tập theo đúng hướng hành đạo và cuối cùng là được nhận về đúng cung đúng cửa hợp với căn mệnh của mình để tiếp tục rèn đồng. Khi đó được coi là cơ bản an ngôi chính vị với đồng nhân. 

Sau khi đạt được sự an yên này, không phải thế là đã xong. Mà sự an ngôi chính vị trên là tiền đề để đồng nhân có những bước tiến trong tu tập lên cao. Tức là vẫn phải tiếp tục tu tập, hầu hạ đúng lối, hành đạo đúng phép, tích phúc giải nghiệp, rèn luyện và bồi đắp liên tục kiến thức đạo phù hợp với thực tế cuộc sống và sự phát triển của nhân đạo xã hội… dần dần vượt qua mức sơ cơ tu đồng. Hướng đến đồng quan lính thánh cửa Đình Thần.

Bản quyền thuộc về đồng thầy Tự Tuệ Trần - Trần Thêm