Mẹ tôi là người đàn bà có đôi mắt u buồn. Năm tôi mười ba tuổi thì mẹ rời nhà đi theo người đàn ông khác vào một đêm tối đen như mực.
Cũng vào tiết trời cữ cuối tháng bảy không trăng sao. Tôi lén dậy lay gọi mẹ, gói ghém cho mẹ vài ba bộ quần áo vào chiếc tay nải. Tôi hất tay mẹ ra khi mẹ ôm lấy vai tôi mà khóc. Tôi cầmtay mẹ kéo ra cửa, đá chân vào mõm con mực cho nó khỏi hực lên. Dẫn mẹ lách qua cổng rồi đi dần ra phía bờ sông, nơi ấy trên con thuyền nan có một người đàn ông thương yêu mẹ đang chờ ngóng mẹ. Trong ánh sáng nhờ nhờ hắt lên từ mặt nước sông, tôi thấy mẹ đứng lặng nhìn tôi trong bóng tối, bất giác mẹ quay đi co chân chạy về phía bên thuyền. Lúc này tôi mới thấy đau, thấy thương thấy nhớ mẹ vô vàn. Tôi sấp ngửa chạy ôm ào lấy mẹ từ phía sau lưng. Tôi nghẹn ngào hai tiếng Mẹ ơi rồi lại nín thinh, tôi cố sức hít hà vào tận sâu lồng ngực mình mùi hương của mẹ. Bắt đầu từ bây giờ tôi xa mẹ, biết khi nào mới gặp lại mẹ tôi đây!
Tôi buông tay dứt khoát đẩy mẹ tôi về phía trước còn mình quay ngoắt lại phía sau. Mười một tuổi, một thằng bé trai rời tay để mẹ mình đi tìm hạnh phúc mới.
Cha tôi hy sinh khi tôi còn nằm trong bụng mẹ.
Tôi lớn lên trong nỗi thiếu vắng cha và chỉ có nỗi tủi cực nhọc nhằn của mẹ. Cha tôi là con trưởng, nhưng bà nội tôi mất sớm khi vừa sinh hạ được cha tôi. Ông nội tôi lấy vợ hai liền ngay sau đó. Bà vợ hai này có với ông tôi bốn người con. Người làng bảo mẹ con tôi như cái gai trong mắt bà bởi vì bà sợ sau này gia tài của cải phải chia cho mẹ con tôi.
Mẹ tôi lam làm và chịu đựng. Nhà tôi cấy cả mẫu ruộng, tất tật đổ dồn lên vai của mẹ tôi. Tháng sáu nắng như đổ lửa mẹ phải úp mặt xuống ruộng cấy từ sáng sớm đến trưa trật trụa mới được về nhà. Mùa màng mẹ cứ héo hắt vì làm lụng quá sức. Những lúc nông nhàn hết cất vó tôm lại gánh phân trèo ngược lên núi bón sắn tàu. Bà nội tôi luôn biết cách bới việc cho mẹ tôi làm. Bà tôi nói nhời cứ rin rít qua kẽ răng, một điều con, hai điều con ngọt nhạt nhưng thẳm sâu ai cũng biết bà vô cùng ác độc với mẹ con tôi.
Làng tôi nằm cạnh con sông Trịnh hiền hoà. Người trong làng đàn ông thì biết kéo lưới đi riu, đàn bà biết đơm tôm bắt cá. Những đêm trời không trăng sao, học bài xong tôi thường cầm đèn bão theo mẹ lên chiếc thuyền nan thả lờ bắt tôm hoặc cất vó tép.
Những đứa trẻ thiếu vắng cha thường hay muốn làm thân với một người đàn ông nào đó.
Bến sông quê tôi có một con thuyền nan ngụ cư, đó vừa là thuyền đánh cá, vừa là nhà của bác Hải, một người thương binh nghe đâu người mãi trên mạn Hoà Bình, bác cụt một tay về quê thì gia đình ly tán hết. Buồn tình cứ trôi nổi trên những con sông và neo đậu ở bến sông này.
Buổi chiều tan học tôi thường cùng lũ trẻ ra sông tắm, khi thì leo lên thuyền của bác xem bác vá lưới, khi thì nghe bác thổi kèn ácmonica cái bài gì đó về nước Nga mà bác bảo là xa xôi lắm.
Mẹ tôi vẫn thế, lầm lũi làm lụng và nhịn nhục. Nhà ông bà tôi một lũ cô chú nhưng ai cũng ỷ lại, cũng dể mẹ phận goá bụa. Đến bữa cơm họ nhường mẹ ngồi đầu nồi, toàn người trẻ ăn như tằm ăn rỗi. Cây đũa cả vừa hạ xuống thì cái bát khác đã chìa ra cho mẹ xới, mẹ chẳng còn mấy thời gian để mà ăn cơm. Đã thế ở nhà tôi, con dâu không thể ngồi ăn sau bố mẹ chồng nên bữa nào mẹ cũng đói.
Tôi thương mẹ, những điều ấm ức cho mẹ tôi chẳng thể nói với ai ngoài bác thuyền chài tay cụt. Bác thường an ủi võ về tôi, nói lái sang những câu chuyện khác khiến tôi vui. Rồi thi thoảng trong những đêm trăng, khi mẹ con tôi cất vó tép hoặc đơm tôm, bác ghé thuyền cạnh thuyền nhà tôi, lúc sẻ cho mớ tôm càng vừa đơm, lúc thì bát tép vừa riu hồi nhập nhoạng. Bữa thì vài củ khoai lùi, mớ cháy bánh đúc. Ban đầu mẹ tôi cũng ngỡ ngàng và lặng thinh nhìn tôi đón nhận bởi bác bảo cho tôi. Nhưng chỉ vài lần sau mẹ tôi chối phắt. Mẹ nói bác cũng vất vả kiếm cơm mà lại thương binh, không có lý gì mẹ tôi khoẻ mạnh mà lại nhận của bác mãi. Bác và tôi nói thế nào mẹ cũng nhất định không nghe, mẹ cương quyết nói bác nên tránh xa thuyền mẹ con tôi kẻo xóm làng dị nghị.
Mãi sau này khi tôi đã trưởng thành.Mười tám đôi mươi khi biết cồn cào và trăn trở lúc nhớ thương một cô gái nào đó tôi mới đủ hiểu ánh mắt đau đáu của bác mỗi lần nhìn mẹ giặt giũ trên bến sông. Bác chẳng lại gần thuyền mẹ tôi nữa nhưng lần nào tôi lên thuyền là bác cũng hỏi han đủ chuyện rồi nén tiếng thở dài.
Ở đời này người nhân hậu thì như sinh ra họ đã nhân hậu.
Dù có bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng không làm người khác tổn thương. Nhưng cũng có những người, trong lòng họ luôn chất chứa muôn vàn tỵ hiềm và ác độc. Cho dù sự độc ác với người khác với họ chẳng nhằm mục đích gì thì họ vẫn cứ độc ác, thế thôi. Mẹ tôi làm quần quật, ăn uống kham khổ nên gầy khô như que củi. Đêm đêm tôi nghe tiếng mẹ trằn trọc thở dài tôi biết mẹ đói. Có những buổi chiều nấu cơm tôi thường lùi mấy củ khoai trong tro nóng, nhưng chỉ vài lần bà nội tôi biết được và thế là bà cấm, bà bóng gió với mẹ tôi rằng năm nay nhà phải trả nợ hợp tác số lợn hơi cân cho nhà nước năm ngoái. Thóc thì vơi, khoai lại chẳng còn mấy để chăn nuôi. Mẹ tôi hiểu ngay ý tứ của bà và thế là mẹ cấm tôi lùi khoai buổi tối.
Tháng ngày cứ trôi trong cái héo hắt vất vả lam lũ của mẹ tôi. Bà ngoại tôi là người mộ đạo, cũng có vài người họ hàng đằng ngoại khuyên bà đón mẹ tôi về nhưng bà nhất định không. Bà bảo mẹ rằng Chúa có cái lý của người, đàn và lấy chồng thì phải thờ chồng, sống làm dâu chết làm ma nhà chồng chứ không ngại khổ ngại khó mà thoái thác.
Càng ngày bà nội tôi càng quá quắt, một lần giữa tháng sáu trời nắng lửa mưa dầu. Mẹ tôi cấy được nửa vụ thì lăn ra ngất đi giữa đồng vì cảm nắng. Người ta khênh mẹ tôi lên cái chòi giữa đồng không mông quạnh, làng xóm nhắn về để người nhà ra vực mẹ tôi về nhưng ông bà nội và các cô chú tôi không một ai ra. Bữa ấy trời chiều nổi cơn giông, sẩm tối tôi đi chăn bò về mới biết tin. Tôi sấp ngửa chạy ra đồng thì mẹ tôi vẫn nằm một mình thiêm thiếp, người nóng như hòn than vì cảm nắng lại gặp mưa giông. Lần ấy mẹ tôi ốm cả tháng trời quặt quẹo. Mẹ không thể nhấc người dậy làm bất cứ việc gì cho dù đang mùa màng cấy hái. Mặc cho bà tôi đá thúng đụng nia, xỉa xói chửi đổng mẹ tôi cũng không thể dậy nổi. Tôi thương mẹ, bữa cơm mặc cho bà tôi cạnh khoé này kia, tôi cứ giả điếc mà bê cơm vào rồi đỡ mẹ tôi dậy mà bón cho mẹ từng thìa, lần nào mẹ ăn cơm cũng nước mắt tuôn rơi.
Thế rồi một buổi chiều khi chăn trâu về đến đầu xóm, bác hàng xóm chạy ngay lại giằng lấy dây trâu bảo rằng về nhanh về ngay không bà nội tôi đánh chết mẹ tôi rồi.. Trời ơi, mẹ tôi xanh xao như tàu lá héo, đầu óc rũ rượi nói không ra câu bị bà tôi lôi dậy khỏi giường, quần áo chăn màn của hai mẹ con tôi bị quăng ra tận đầu ngõ. Bà tôi vừa gào thét vừa chửi bới rằng mẹ tôi giả vờ đau ốm, lợi dụng lúc bà và cả nhà đang quần quật ngoài đồng để lục lọi ăn cắp của bà đôi khuyên tai mấy đồng cân vàng.
Tôi hét lên khi bà ta lôi tay mẹ tôi đuổi đi, tôi chạy lại, giằng tay bà ta và cắn mạnh khiến bà ta phải buông tay. Tôi gào lên gọi ông nội, gọi bố tôi khiến hàng xóm láng giềng xúm lại. Lúc ấy ông nội tôi mới quát bà vợ và thấy hàng xóm nhiều người phản đối nên bà ta giạt vào trong nhà. Bà ta vừa chửi vừa nói vọng ra cấm không cho mẹ con tôi ở cái buồng trên gian nhà lớn. Mấy bà hàng xóm thương tình mỗi người một tay vực mẹ tôi dậy, người ta nhặt nhạnh vơ đùm manh chiếu tấm chăn dọn hộ mẹ con tôi vào ở tạm trong gian chái ẩm thấp bỏ trống sát bên cạnh
chuồng trâu.
Sau chiều hôm ấy, bác Hải gặp tôi trên đường đi học về, bác kéo tôi ra thuyền đưa cho tôi chai mật ong rừng, hộp sữa và ít thuốc bảo về đưa cho mẹ tôi uống. Cái gì rồi cũng qua đi, mẹ tôi rồi cũng khỏi ốm. Mẹ lại lam lũ cày cấy gieo trồng cật lực ngày đêm. Hàng xóm có người nói rằng chắc mẹ tôi cố sống cố chết bám lấy nhà nội để sau này tôi được phần đất hương hoả vì bố tôi là con trưởng.
Mẹ làm cật lực để giữ đất cát cho tôi.
Tôi đã khóc rất lâu trên thuyền bác Hải, tôi nói rằng tôi thương mẹ, nhất định mẹ không phải vì tôi, vì đất vì cát mà phải cay cực thế này. Rồi tôi thưa với bác Hải rằng cháu biết bác cũng thương mẹ cháu, sao bác không đưa mẹ cháu đi đi, cháu không muốn mẹ cháu làm lụng nhịn đói nhịn khát vì đất vì cát vì cháu mà mẹ có thể lại ốm rồi chết.
Nhiều đêm gió mưa trong cái chái nhà cạnh chuồng trâu cả hai mẹ con tôi đều không ngủ được vì ướt vì lạnh. Tôi ôm chặt lấy mẹ tôi mà bảo người rằng mẹ hãy đi đi, hãy lấy chồng và sống cuộc đời của mẹ cho thật tử tế, ấy mới là mẹ thật thương con. Nếu mẹ cứ sống đoạ đày thế này chẳng may ốm mà chết thì tôi sẽ khổ đau suốt phần đời còn lại. Lúc đầu mẹ tôi gạt phắt đi, lắm hôm tôi nói người còn cáu giận tát vào mông tôi. Nhưng rồi những đêm cất vó tép, thả lờ tôm, tôi rủ bác Hải sang chèo thuyền hộ, dần dần mẹ tôi lặng im nghe tôi nói rồi người ôm chặt tôi vào lòng nức nở khóc.
Mười ba tuổi tôi rời xa mẹ mình như thế. Mẹ tôi đi hai tháng sau thì bác Hải quay lại gặp tôi ở cổng trường, bác dẫn tôi ra gặp mẹ, mẹ tôi béo hẳn lên, trắng ra và mắt mẹ không còn nhìn xuống, mẹ ôm chẩm lấy tôi khóc khóc cười cười.
Sau này mẹ tôi bận sinh em, mẹ không còn thường xuyên về gặp tôi được nữa. Nhưng bố Hải, sau lần gặp đầu tiên ấy tôi đã gọi bác Hải là bố thì về gặp tôi luôn. Lần nào bố cũng mua cái này cái kia hoặc dúi vào tay tôi dăm ba chục bạc. Tôi phải kiên quyết từ chối và nói với bố rằng bố hãy để dành tiền lo cho mẹ và các em con. Mẹ con nhất định phải được vui vẻ đó là điều con mong muốn nhất.
Thật ra cái nghèo, cái khốn khó nên con người ta sinh ra ích kỷ tỵ hiềm.
Từ lúc mẹ tôi đi, nhìn cái mặt ngang ngạnh và đôi mắt lỳ lợm của tôi bà nội cũng chờn. Chắc bà ấy vẫn nhớ nhát cắn nhớ đời hôm ấy. Tôi dữ dằn và ác hơn chó dại, tôi vẫn đùa với các cô chú tôi như thế để chặn mọi manh nha ác độc với tôi. Chăn trâu cắt cỏ, thổi cơm, đi riu, đánh cá là công việc của tôi sau giờ học. Mẹ tôi đi rồi là thằng con trai tôi đâu tôi chẳng vạ vật được. Thế rồi cũng qua những năm tháng tuổi thơ. Ngày tôi vào đại học xây dựng. Cả mẹ tôi và bố Hải đều lên Hà nội gặp tôi. Hai người cho tôi đóng cho tôi những đồng tiền đầu tiên để nhập trường. Rồi tháng năm cứ qua đi, tôi vừa làm vừa đi học, cộng thêm sự hỗ trợ tài chính từ hai người nên tôi đã tốt nghiệp ra trường.
Sau này tôi làm cho một tập đoàn rất lớn chuyên ngành xây dựng những công trình xuyên quốc gia. Tôi lấy vợ, mua nhà, sinh con, bố Hải và mẹ luôn là chỗ dựa tin cậy nhất của tôi.
Lâu lắm rồi hôm nay tôi mới lại trở về quê, bên dòng sông Trịnh hiền hoà và bé nhỏ, ông bà tôi đã khuất núi từ lâu, mộ cha tôi đã tìm thấy trên một đồi cát quanh năm nắng gió ở Quảng trị. Cha tôi bây giờ về nằm ở nghĩa trang liệt sĩ huyện nhà. Mấy mươi năm cha mới trở về trong hình hài nấm đất. Chắc cha chẳng biết những cơ cực trong một phần đời của hai mẹ con tôi. Mà thôi, cha không nên biết thì cha sẽ bớt đau khổ. Cuộc sống này bắt buộc phải có những khổ đau, những ấm ức bất công để con người ta ham mà quật cường vươn tới.
Chúa có cái lý của Chúa. Bà ngoại tôi đã nói đúng rồi...
Tác giả: Loan Ngẫn
Tamlinh.org