04/06/2021 11:34 View: 25032

Trình đồng mở phủ nghĩa là gì?

Ta đi xem bói thấy các thầy hay phán: "Con căn cao số nặng, phải trình đồng mở phủ mới yên căn yên số, mới lấy chồng/vợ được, mới ăn nên làm ra, buôn bán được...". Vậy Trình đồng mở phủ nghĩa là gì? Trình đồng mở phủ có thật không? Trình đồng mở phủ hết bao nhiêu tiền?

trinh dong mo phu nghia la gi

Trước khi trình đồng mở phủ phải SOI CĂN CHUẨN

Không biết các thầy đồng bây giờ thường soi căn nối quả cho khách như nào. Nhưng thế hệ các Đồng già vẫn thường bảo: "Đừng bao giờ nghe ai mà vội vàng lên sập công đồng con nhé". Các cụ nói quả không sai. Muốn nối quả ( trình đồng mở phủ) cho ai bản thân thầy Đồng phải được bề trên giao nhiệm vụ soi căn nối quả và phải dùng cái Tâm sáng của mình ( tâm không vụ lợi) để soi căn cho Đồng con

Soi căn là gì?  Soi những gì? 

  • - Thứ nhất: Soi vị Thánh nào cầm bản mệnh ( để trình cho đúng cửa cha cửa mẹ).
  • - Thứ hai: Cần xem xét căn quả của Đồng con đã đủ duyên mở phủ chưa hay chỉ cần: Tôn nhang bản mệnh, trình trầu để cha biết mặt mẹ biết tên xin yên an bản mệnh, hoặc đồng con quá khó khăn thì xin sám hối để trình cha biết mặt mẹ biết tên và xin sám hối khất hầu . Nhà thánh cũng không ép bạn phải vay mượn để ra mở phủ, có làm kép hẹp làm đơn, chưa có điều kiện thì sám hối xin khất. Trường hợp nào đủ duyên trình đồng mở phủ thì thầy mới quyết định cho ra hầu. Sau khi soi căn, thầy sẽ nối quả ( trình đồng mở phủ cho con).

Trình đồng mở phủ nghĩa là gì? 

Trình đồng mở phủ là một nghi thức được xem là tối cao nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Là sự khẳng định đồng nhân với thánh mẫu đình thần Tam Tứ Phủ: Nguyện cắt tóc làm tôi, nối đời làm con với nhà Thánh để từ đây nguyện cầu cho Quốc thái dân an, sống tốt đời đẹp đạo.

Những ai mới phải trình đồng mở phủ? 

Hiện nay, bất kỳ ai đều có thể ra trình đồng mở phủ nếu đủ tiền. Nhưng một người thế nào mới được phép ra hầu đồng thì không phải ai cũng biết. Những người được phép ra hầu đồng là người: 

  • Thứ nhất đó là có duyên đồng.
  • Thứ hai là có đức tu. 
  • Cuối cùng là giác ngộ.

Xem chi tiết: Người như thế nào mới ĐƯỢC PHÉP HẦU ĐỒNG?

Tân đồng phải chuẩn bị những gì cho nghi thức trình đồng mở phủ?

Tân đồng khi làm lễ trình đồng mở phủ phải chuẩn bị rất nhiều thứ trong đó quan trọng là phải có: 

  • 1 khăn phủ diện
  • 1 áo công đồng
  • Khăn tấu hương.

Nguyên tắc chung là mỗi giá phải sắm một bộ khăn áo nhưng tùy vào điều kiện, còn nhiều khi chỉ cần 5 bộ áo dài 5 màu gồm: đỏ, xanh, trắng, vàng và xanh lam hoặc mượn khăn áo của người khác.

Tuy nhiên, khăn áo công đồng (do tiên thánh sang khăn sẻ áo cho) thì không được mượn và không được cho ai mượn.

Nghi thức trình đồng mở phủ diễn ra như thế nào? 

Lễ trình đồng mở phủ về cơ bản cũng giống như một lễ hầu đồng bình thường. Để tiến hành lễ này, các tân đồng cần mới một đồng thầy và pháp sư.

  • Đồng thầy là người sẽ mở phủ và dạy phép nhà thánh cho tân đồng.
  • Pháp sư là những người thay khăn, thay áo lên hương cho thanh đồng.

Nghi lễ trình đồng mở phủ có một số yếu tố quan trọng, bao gồm: nghi thức thờ cúng, âm nhạc, trang phục và nghi thức hành đàn. Các nghi thức hành đàn là yếu tố đặc trưng, thể hiện đầy đủ nghi lễ của bốn phủ trong Tứ phủ.

Hành đàn gồm có: Trứng (nam 7 quả, nữ 9 quả), trầu cau, gạo, gương lược, sách bút, dao kéo, nước hoa, xà phòng, khăn mặt, mâm son, tráp triện, chóe, nước sông, khăn phủ (phủ nào thì khăn màu đó). Mỗi phủ trong Tứ phủ đều có một mẫu, một vua và các vị trong phủ đó cai quản.

  • Đức thần chủ (mẫu Liễu Hạnh) nổi lên với vai trò ở 2 phủ là: Thiên phủ và Địa phủ. Thánh mẫu chỉ giáng phàm vào đồng nhân ở vai trò chủ giáo đàn nên thông thường trong nghi lễ mở phủ trình đồng.
  • Các ông đồng, bà đồng hầu từ 6 đến 7 giá đồng chính, mỗi người giữ 1 vai trò nhất định như 5 quan lớn đệ Nhất, Nhị, Tam, Tứ và quan lớn đệ Ngũ được phân theo sắc áo.
  • Mỗi quan lớn theo sắc áo của hành đàn để về phủ đó hành lễ.
  • Bốn quan lớn từ đệ nhất tới đệ Tứ mỗi người mở 1 phủ.
  • Quan lớn đệ Ngũ (quan lớn Tuần Tranh) thì tiễn đàn.

Sau khi hoàn tất những nghi thức mở đủ ở 4 phủ, 4 chum choé đã được mở, 4 trứng đã được bóc, đồng tân được nhận lĩnh đủ 4 khăn, 4 trứng, 4 ngân lượng, 4 tài lộc ở 4 phủ, về đến nhà đồng tân ăn đủ 4 trứng, gạo cho vào nấu cháo ăn hết thì được xem là tân đồng. Từ đây, đồng thầy sẽ hướng dẫn đệ tử tu tập cho đúng đường đúng lối, từ lời ăn tiếng nói, hành lễ...

Trình đồng mở phủ hết bao nhiêu tiền?

Đây là phần mà mọi người hay hỏi nhất, vì nghi lễ tâm linh rất khó nói chi phí hết bao nhiêu. Mỗi thầy mỗi phép, mỗi thầy mỗi cách và lễ nhiều lễ ít cũng khác nhau. Vì vậy, không thể nói con số chính xác cho nghi lễ này. 

Tuy nhiên, theo Tamlinh.org tham khảo ở các thầy có tâm có đức (nhắc lại là các thầy có tâm có đức) nhé. Thì chi phí (MUA ĐỒ LỄ) cho nghi lễ này như sau: 

  • Với những người cơ hành, khó khăn thì chi phí cho nghi lễ này hết tầm hơn 10 triệu. 
  • Với những người có điều kiện, chi phí này hết tầm 40 - 50 triệu hoặc hơn một chút tuỳ theo các tân đồng mong muốn làm chu tất và đầy đặn.

Đây là chi phí để mua đồ lễ, không phải tiền để trả cho đồng thầy. Như một thầy đồng có chia sẻ:

"Thầy Đồng của Tôi năm nay cũng gần 90 tuổi có trên 70 tuổi Đồng và là người Hà Nội Gốc, nhưng cụ sống rất giản dị. Cụ chỉ nói nhân đức và Đạo không bao giờ được mua bán. Từ thượng cổ các cụ trình đồng Đồng Thầy có lấy tiền đâu. Nếu lấy tiền của con nhang như hiện nay thì đều là Thầy tà. Hoặc thầy lỗi đạo.

Khi cụ mở phủ cho tôi, cụ không lấy một đồng nào (lúc đó tôi cũng không nghèo). Không riêng gì tôi, ai cụ cũng chỉ lấy 13 quả cau 13 lá trầu và 1 tờ tiền cùng lạng chè bao thuốc để bạch với chư Thánh gọi là lễ Thỉnh Thánh Mời Thầy. Cụ chỉ đưa tờ giấy và nói tôi tự đi mua đồ và cụ xuống khai hồ mở phủ. Nên Đến bây giờ tôi Vẫn Tôn Trọng và tri Ân người thầy của mình.

Tôi và mấy người học trò tôi cũng vậy, Truyền thống để lại từ trước đến bây giờ: Cũng không bao giờ mở phủ cho các đệ tử con nhang mà lấy tiền. Cũng vẫn 13 quả cau 13 lá trầu lạng trè bao thuốc và tờ 50 k gọi là có lộc Thỉnh Thánh mời Thầy. Thậm chí cúng lễ sớ sách hay đàn Tấu thỉnh phật Thánh cũng không lấy tiền.

Còn các cái cần mua bán, các cháu tự đi mua theo giấy tôi đã ghi. Riêng tiền vỗ gối thì cứ để ở bàn loan vài triệu là được ( 500 hầu dâng, 1500 cung văn, 250 ban khen tân đồng, 250 cho pháp sư, 500 ra lộc cho bách gia ). Còn các cháu cũng không nên vỗ gối nhiều."

-------------------------

Hoặc: 

Riêng tôi, khi đã nhận trách nhiệm dẫn đồng thì không cần một điều gì cả, chỉ cần họ nhất Tâm là được. Không một quả cau, không một lá trầu. Tôi nhận tiền đệ tử không phải là để trả công cho tôi, mà để mua những thứ cần thiết trong lễ đàng, mua chi trả, tôi đều sổ sách rõ ràng. 

Tôi quan niệm là tiền mà các đệ tử dâng Thánh tôi không muốn ăn trộm nó. Đã vậy khi có những đệ tử khó khăn thì tôi còn bỏ công lẫn của mà dẫn trình cho họ. Tôi không giàu có, nhưng tôi biết những gì tôi bỏ ra không bao giờ mất, chư Thánh sẽ ban cho tôi sau này. 

Hiện nay người ta cũng có chút lầm tưởng là nói thầy không lấy một đồng tức là thầy phải lo hết cho đệ tử. Rồi nói thầy này thầy kia làm 2-3 chục triệu là thầy tham, thầy tiền. Bởi số tiền đó là để sắm lễ cho việc trình Đồng, chứ không phải để trả công cho thầy. 

Nên nhiều người nói thầy kia không lấy tiền, sao thầy này lại nhận?

Thầy không lấy là để cho đệ tử tự lo, còn thầy nhận thì họ phải bỏ công ra mà đi sắm lễ cho đệ tử. Điều quan trọng ở đây là cả 2 thầy điều không khác, nhưng đừng bao giờ sắm một nói hai , vì như thế giống như câu nói của tôi là xin đừng trộm tiền của Thánh. 

Ta cứ nghĩ là ta đang ăn chặn ăn bớt của đệ tử, nhưng thật chất ta đang trộm tiền mà người ta dâng cho Thánh. Nên có câu một miếng lộc Thánh bằng một gánh lộc trần. Nếu mà ăn chặn ăn bớt như vậy thì làm sao mà trả cho hết nợ cho Thánh. Ta ra Trình là để trả nợ, khi làm thầy mà không chân chính thì có khác gì lại đi vay tiếp không. Tôi là người tùy duyên mà đưa đường

Người nào thật sự khó khăn mà căn số lại nặng thì tôi sẽ bỏ công lẫn của mà giúp. Ai có căn số mà có của thì tôi sẽ bỏ công, không bỏ của. Còn ai thế nào thì tùy họ định liệu. Nếu muốn trả nợ cho Thánh thì đừng nên vay thêm. Còn không thì sau này không trả không thể yên.

-----------------------------

Có rất nhiều người làm lễ trình đồng mở phủ hết những 300, 400.. thậm chí là 900 triệu. Các bạn đừng u mê quá, vì Phật Thánh chứng tâm chứ không chứng lễ. Đừng để các thầy tà ma lợi dụng danh nghĩa nhà Thánh để lừa đảo kiếm tiền. 

Đồng Thầy phải CHỈ DẠY các tân đồng trước khi thực hiện trình đồng mở phủ

Trước khi đưa con lên sập, ngoài việc dạy cho con những kiến thức cơ bản về Đạo Mẫu, lề lối hầu thánh, người thầy cần dạy cho con về cái Tâm, hầu thánh là đem Tâm trong sạch ra để bắc ghế cha, ngồi bắc ngôi mẹ ngự. Hầu thánh để xin được ơn trên gia hộ cho mình có cơ hội tích phúc trả nghiệp. 

Hiểu rõ điều này để làm gì? Để đồng con sau này nếu gặp trắc trở như làm ăn khó khăn, tình duyên lận đận, ốm đau thì đó là đang trả nghiệp không đổ lỗi cho Thầy, đổ lỗi cho nhà Thánh. Sau trả xong nghiệp thì Đồng nhân sẽ nhẹ nhàng để tu tập. Muốn trả nghiệp nhẹ nhàng thì ngoài việc cầu xin sự gia hộ của ơn trên, bản thân Đồng con cũng cần biết tích phúc để phúc mỗi ngày một dầy thêm, nghiệp giảm dần hoặc nếu trả nghiệp sẽ trả một cách nhẹ nhàng hơn.

Ví dụ: Nếu bạn phải mang 10 kg, bạn mang một mình sẽ rất nặng, nhưng bạn chia sẻ 5 kg lên lưng một con ngựa thì gánh nặng của bạn chỉ còn 5 kg, bạn sẽ nhanh đến đích hơn. Tương tự như vậy, nếu bạn chăm chỉ phóng sinh, công quả nhà Đền, nhà Chùa, cứu giúp người nghèo… thì nghiệp của bạn là 10 sẽ giảm xuống 5 bởi những việc làm Thiện của bạn đã tích thêm phúc và giảm nghiệp

Mặt khác Đồng thầy không dạy con tu tập tích phúc thì sớm muộn cũng gặp chuyện. Khi các bạn gặp chuyện như làm ăn phá sản, cơ điên rồ... các bạn đổ lỗi cho Thánh phạt. Điều đó hoàn toàn không đúng. Nhà Thánh rất công bằng và từ bi, không có chuyện phạt Đồng hay cơ đồng. Hoặc bạn đổ lỗi cho Thầy, cũng không đúng, vì Thầy trò vốn là duyên nợ, không ai ép bạn theo thầy mà bạn tự chọn theo Thầy. Mọi chuyện xảy ra với bạn là do nghiệp quả

Nếu gặp trắc trở thì bạn hãy tự nhủ rằng đây là cơ hội để bạn trả hỷợc nghiệp. Mất tiền nhưng bạn còn gia đình hạnh phúc, hoặc nếu hôn nhân tan vỡ bạn còn có sức khỏe, bạn còn hơn rất nhiều người đang lang thang cơ nhỡ ngoài xã hội. Khi bạn mất hết chỉ còn một đôi dép để đi thì hãy nhớ có nhiều người đang đi chân đất. Khi bạn đi chân đất thì hãy nhớ có nhiều người tàn tật không có chân để đi. Khi gặp chuyện bạn cần làm gì? Thay vì bạn chạy loạn lên tìm thầy khác hoặc nóng nẩy làm những việc khác, các bạn hãy thành tâm sám hối xin khai tâm khai trí cho bạn sai đâu sửa đấy. Đạo Mẫu không trách phạt ai, Mẫu như người Mẹ, Mẹ luôn từ bi thương con và luôn mở cho Đồng nhân một con đường thoát nếu biết thành tâm sửa đổi

Kết quả của lễ trình đồng mở phủ? 

Hầu thánh không phải để cầu lộc lá, các bạn nhớ: Lộc nhà Thánh có gai. Hầu thánh cũng không phải là cầu có lộc làm việc âm ( lộc âm tùy duyên nhà ngài ban không ham cầu). Nếu thầy không dậy cho Đồng con điều này, sẽ khiến đồng con mang tâm ham cầu lên sập hầu. Cha mẹ không chứng tâm, thì không có sự gia hộ, đến lúc nghiệp đến đồng con sẽ phải trả nghiệp mà không được sự che chở của bề trên

Hàng năm công tội của Đồng đều được vị quan trong nhà Thánh quản đồng ghi chép trong sổ sách, đối chiếu với những gì bạn đã gieo nhân tích phúc mà cuối năm sẽ ra quả bạn nhận. Nếu các bạn để ý một năm tầm tháng 11, tháng tiệc Quan lớn đệ nhị (quan thanh tra giám sát), có những Đồng được ban phúc rất nhiều, có Đồng thì lao đao, thậm chí mất sạch. Đó là kết quả của một năm tích phúc hay gieo nhân xấu đấy các bạn ạ

Tân đồng yên căn, thầy đồng tạo Phúc

Nhiều thầy thường mắc sai lầm đi lễ bái khắp nơi mà quên đi việc hương khói bản điện, quên đi việc kêu cầu lễ lạt cho con, không dành thời gian uốn nắn cho con lề lối, thấy con đi sai đường nhưng không chỉ bảo mà sinh ra giận và mặc kệ, đó không phải là tấm lòng của người mẹ với con. Nếu con sinh tâm oán hận chửi bới thầy, thầy cần dùng tâm từ bi của một người mẹ hoan hỷ mà kêu cầu tấu đối về cửa cha cửa mẹ cho Đồng con được yên an bản mệnh, giải thích cho con hiểu những gì xảy ra là do nghiêp quả

Xưa nay trong đạo Thầy Trò

Thầy là người lái con đò gian nan

Đưa Trò đến bến vinh quang

Mà sao thời thế ai làm đảo điên

Có tài có lộc thì êm

Còn khi khó khổ thì quên mất Thầy

Nghe lời vô đạo bỏ Thầy

Vong sư bội tổ tội này làm sao

Nhớ xưa những bậc tài cao

Trước sau như một gian nan chẳng sờn

Làm người biết nghĩa biết ơn

Gặp Thầy cũng bởi nguồn cơn duyên trời

Nếu ngay từ lúc gặp thôi

Không thấy đáng kính thì thời không theo

Chứ đâu lúc được thì theo

Lúc khó thì bỏ lúc nghèo thì chê

Như vậy chẳng khác u mê

Đời năm bảy nẻo, lối về còn xa

Các cụ đã dạy rằng là:

Tôn sư trọng đạo nhớ mà khắc ghi

Mai sau dù có ra đi

Nhớ người chung thuỷ mà ghi hàng đầu...!

Thầy Đồng cũng cần quán xét lại mình, cùng con tìm ra lỗi sai để sửa, hướng con giữ tâm vững vàng tin tưởng vào chánh đạo. Hãy nhớ con có yên thì thầy mới yên, con yên thì thầy tạo quả Phúc. Đành rằng khi xảy ra chuyện, con sẽ gặp chuyện trước tiên, sau đó đến mẹ. Con Đồng bị phạt trước vì nghiệp nặng rồi người thầy nếu không biết đường sửa cho bản thân thầy và cho đồng con thì chính Thầy cũng đang gây nghiệp, sớm muộn cũng mất hết cả danh cả diện, tiền kiếm được mà danh diện con nhà thánh không còn thì cũng coi là hết.

Tamlinh.org