Đồng nhân đã ra hành đạo vẫn có những thử thách đến từ chính Chư Thánh. Sự thử thách này đến không chỉ với những người mới vừa ra hành đạo mà có khi có cả những đồng nhân đã ra đồng hành đạo nhiều năm, đã có danh có tiếng có địa vị nhất định.
Nhà Thánh thử thách con đồng vì sao?
Chính là để xem con đồng có vì bản ngã, vì danh tiếng, lợi lộc, tiền tài... mà:
- Không thấy mà nói là thấy? Làm không được mà nói làm được?
- Có nói năng nhăng cuội, làm bừa làm ẩu hay không?
- Có đâm lao theo lao, nói điêu quen miệng, làm sai quen thói rồi trở thành tay sai cho ma tà lợi dụng hay không?
- Có tự nhận ra bản thân còn yếu kém để tự trau dồi tu tập không? Hay thấy người nọ kẻ kia nhận xét đánh giá bỉ bôi lại nản lòng thoái chí thậm chí đổ cho Chư Thánh không giúp sức, dẫn đến lung lay niềm tin nơi chư Thánh, nơi cửa đạo?
- Có biết soi xét lại nguyên nhân của sự việc cho chu toàn để tìm phương thức giải quyết triệt để vấn đề cho người cậy sở không, hay chỉ làm qua loa đại khái cho xong?
Ví dụ: Vong linh oan gia của người cậy sở được chư Thánh cho phép ốp nhập để báo cho giả chủ biết mà tìm thầy hoá duyên hay trường hợp oan gia nhiều kiếp đòi nợ nếu người thầy pháp không khéo léo thuyết phục, đưa ra các phương án phân định âm dương phù hợp thì việc áp chế giải vong ngay là không hiệu quả mà còn gây thù chuốc oán với vong linh.
- Có dũng cảm thừa nhận núi cao còn có núi cao hơn, có khiêm tốn biết mình biết ta hay vẫn tự cao ngã mạn coi mình là nhất?
Có chấp nhận mình đã tu, đang tu và trên đường tu luôn có chướng ngại?
Con người không hoàn hảo, không một ai là không bao giờ sai lầm, nhưng có chịu nhận sai sửa sai và tránh lặp lại sai lầm đó hay luôn mặc định mình đúng mà cố tình làm sai tiếp hay không?
- Có bị tâm lý sợ hãi, chán nản, xấu hổ... khi bị không thừa nhận năng lực, bị những kẻ ngoại đạo hay đối nghịch bôi bác bêu xấu... mà không tiếp tục giúp người, cứu người, bị tâm lý sợ hành đạo (rắn cắn 1 lần cả đời sợ cành củi khô) hay không?...
Đây là phép thử rất thực tế, thường thấy và cũng rất hiệu quả đối với con đồng.
Vì nếu khi hành đạo dù ở bất kỳ thời điểm nào mà dễ dàng quá, chẳng có vấp ngã, chẳng có chướng ngại... thì con đồng không có sự rèn luyện, không có sự đối chiếu so sánh các trường hợp, dẫn đến quá dựa vào kinh nghiệm quá khứ và dị năng nhất thời mà tự viễn bản thân sinh ngã mạn hay áp đặt các pháp một cách mù quáng.
ĐẠO ĐỒNG LÀ CÕI PHÚC, ĐỜI LÀ DÂY OAN
Các đồng nhân hãy nhớ:
- Nhập đạo là mình đang tìm đường vượt cõi phiền não, khổ đau, cơ hành, căn mạng, nghiệp lực và sự không biết.
- Là cân chỉnh cân bằng của đời sống thực tại đến cõi phúc để nhận ra bản lai, bản ngã, nhận ra cái chân thực của mình.
- Là noi theo gương Thánh nhân để đời an nhiên và hạnh phúc theo.
Bởi vì nhân duyên kiếp này ta có căn mạng xuất thủ trình đồng và nhập Thánh đạo, là hành trình đi tìm khám phá một phương pháp không có trong đời thường, một hành trình để chuyển hóa tâm linh và con người, cũng là hành trình gửi gắm để nhận được sự sáng suốt, sự tu chỉnh hoàn thiện con người mình cho đúng là người có đạo.
Nhưng hành trình đó không khéo, không đi đúng đường thì thường bị ngược lại.
Khi mới trình đồng đôi khi hầu Thánh giáng một ly một lai sau lại không bao giờ giáng nữa.
Vậy phải nhớ:
- Nhập đạo hầu Thánh cũng như người đi bắt rắn độc mà biết sử dụng một khúc cây có nạng sắt (phương pháp, phương tiện) khi đi đến vùng hoang dã, trên con đường đi thấy rắn lớn, họ ấn nạng ngay xuống cổ rắn và lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia tuy có thể quẫy đuôi, quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn, nhưng không thể nào mổ người ấy được. Bắt rắn như vậy không cực khổ mà cũng không lao nhọc, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn.
- Người có đồng cũng phải khéo léo tiếp nhận những tinh túy và loan giá một cách chuyên nghiệp, không đảo lộn thì mới hiểu được sự cốt lõi và ngộ được Thánh đức trong đạo, nắm được các pháp chánh thống, cái tinh túy cốt lõi để làm pháp tu cho mình.
Biên chép theo lời giảng của Đồng thầy Trần Thêm