Chào ad, có điều này xin anh giải đáp cho. Bình thường em chẳng bao giờ bực bội với người khác, đối xử với mọi người rất là vui vẻ, cởi mở. Mà không hiểu sao cứ về đến nhà là bực mình với chồng con, rồi lời qua tiếng lại rất mệt mỏi. Vì biết Phật Pháp nên em thấy rất buồn, biết mình đang tạo nghiệp, sau mỗi lần như vậy em luôn sám hối, nhưng cứ vài ngày lại tiếp tục bị cuốn vào, khiến em rất hổ thẹn và khổ tâm.
Bạn thân mến ! Thường những người thân quanh ta lại chính là những oan gia có nợ nần từ nhiều kiếp, nay duyên nợ xô đẩy kết vào với nhau trong quan hệ cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp.v.v.. để thanh toán nợ nần.
Đó là lí do phần nhiều bất hòa nằm trong gia đình chứ không phải từ ngoài xã hội.
Nguyên lí rất đơn giản, hễ có nợ thì sẽ hành nhau cho đến khi hết nợ mới ngưng. Chủ nợ ở đây ta phải hiểu rộng là những người, những chúng sinh đến hành ta để đòi nợ, có thể là vợ chồng, con cái, cũng có thể là đồng nghiệp, hàng xóm, và nhiều khi là các vong hồn của người đã khuất, của các con vật bị ta giết hại, ăn thịt từ kiếp này hay kiếp xưa.v.v… tất cả đều có thể là chủ nợ. Ta cứ mặc định như thế này, không duyên không nợ người ta không hành mình được, đã hành mình khổ được, ắt là phải có nợ.
Vậy khi nào thì tạo ra NỢ ?
Có 2 loại, một là NỢ ÂN:
Khi ta được một người khác giúp đỡ, bất luận là cho tiền, tặng vật chất, hay giúp bằng công sức, cứu mạng hay hướng dẫn, chỉ dạy hữu ích ( xúi bậy đương nhiên là không thuộc dạng này), dù là giúp bằng vật chất, hay giúp bằng tinh thần, v.v… MIỄN LÀ ĐEM LẠI LỢI ÍCH CHO TA, thì ta đều sẽ mang NỢ người đó.
Với người có lương tâm, thì ngay lập tức sẽ xuất hiện tâm lí muốn báo đáp, trả ơn. Và họ sẽ làm cách này cách khác đền trả, đến khi trả đủ món nợ thì dừng, coi như hết nợ. ( Nếu không dừng lại, tiếp tục giúp đỡ chủ nợ, thì tình thế đảo ngược, người kia sẽ nợ ngược lại ta, và ta thành Chủ nợ)
Với người vô ơn, không muốn báo đáp ân nghĩa, hoặc vì hoàn cảnh không thể trả ơn ngay. Thì món Nợ được bảo lưu qua nhiều kiếp sau, Nhân quả tự động sắp xếp cho con nợ gặp chủ nợ bằng muôn nghìn cách khác nhau để trả nợ ân nghĩa, như cha mẹ- con cái, vợ- chồng, anh em, bạn bè, chủ -tớ, xếp – cấp dưới, người bán hàng – người mua hàng, thầy – trò.v.v… xong không chỉ trả phần “gốc”, mà còn có cả phần “lời lãi”, càng để lâu thì lãi càng nhiều.
Thậm chí ban đầu chỉ nợ một hai đồng lẻ, xong cứ dây dưa trăm ngàn kiếp chưa trả, thì đến lúc gặp chủ nợ, phải trả đến một hai ngàn lượng vàng mới đủ (người có tâm muốn đền ơn sẽ nhanh chóng trả sớm, kẻ vô ơn sẽ để lâu nhiều kiếp mới trả)
Loại thứ 2, đó là NỢ OÁN
Đó là khi ta hại người khác, thì ta sẽ mắc nợ người bị thiệt hại, hay chúng sinh bị thiệt hại kia. Quy cách trả nợ cũng giống như NỢ ÂN, xong NỢ OÁN thì luôn đi kèm theo sự tức giận, xung đột, dày vò, hành hạ đau khổ … chứ không thoải mái, vui vẻ như trả nợ ân nghĩa, vì ngoài món nợ ra còn luôn đi kèm theo tâm lí báo thù của chủ nợ lúc ban đầu.
Và cũng có 2 cách để hết nợ.
Cách một là cứ như thường tình, cho đến hết nợ.
Cứ hành hạ lẫn nhau, dằn vặt lần nhau, chịu đựng lẫn nhau cho tới khi chủ nợ lấy lại hết món nợ,( có khi nợ hết rồi mà vẫn tiếp tục hành nhau, thành ra một món nợ mới, con nợ lại biến thành chủ nợ trong kiếp sau ).
Cách này rất đau khổ, và cũng rất lâu mới thanh toán xong món nợ, lại hay sinh ra những oán hận dây dưa nhiều kiếp với nhau, gọi là oan oan tương báo, kiếp này A hại B, kiếp sau B hại ngược lại A, kiếp sau nữa A lại hại B, cứ thế tuần hoàn, chẳng biết khi nào mới chấm dứt. Do vì khi bị hại, ta chẳng biết đó là oan nghiệp kiếp trước, cứ mãi khởi tâm lí oán hận, muốn báo thù, thành ra cứ gặp nhau hoài để thỏa tâm báo thù.
Cách khác hay hơn nhiều, đó là hồi hướng công đức.
Người thiếu nợ tạo thật nhiều công đức lành, nhất là những công đức trong Phật Pháp như lạy Phật, in kinh sách ấn tống, tạc tượng Phật, lạy Phật, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, cúng dường Phật, Pháp, Tăng .v.v… hay những phước thế gian như bố thí, phóng sinh, cứu người, trồng cây, xây cầu đắp đường.v.v… được bao nhiêu công đức hồi hướng cho chủ nợ, đồng thời khởi tâm sám hối những oan trái kiếp trước đã gây ra với chủ nợ, không khởi thêm tâm oán hận nhau nữa.
Cách này sẽ thanh toán món nợ một cách nhanh chóng, êm đẹp, vừa khiến chính mình tăng trưởng thiện pháp, lại cũng tăng trưởng thiện pháp cho chủ nợ, khiến cho nhiều kiếp sau có gặp lại, cũng trở thành duyên lành, giúp đỡ nhau tu hành cho đến khi viên thành Phật Đạo.
Ví dụ như sau cho dễ hiểu, một người vào nhà hàng kêu một bàn tiệc thịnh soạn, sau khi ăn xong thì không có tiền trả. Chủ nhà hàng liền dùng vũ lực bắt anh ta phải trả hết.
- Nếu như anh ta ” tiền khô cháy túi”, thì buộc lòng phải ở lại rửa chén bát, quét dọn trừ nợ dần, thế thì phải 10 năm mới hết nợ. Trong thời gian này nhiều khi món nợ lại phát sinh thêm vì những khi anh ta làm bể đồ, gây thiệt hại… chủ tớ mắng chửi nhau, hiềm hận lẫn nhau kéo dài, đây là hạ sách.
- Nếu như anh ta khá hơn một chút, có công việc ổn định sẵn, hàng tháng đi làm lấy lương trả, thế thì 3 tháng là hết nợ.
- Nếu như anh ta khá hơn nữa, vốn là nhà có sẵn vàng bạc, kim cương ở nhà, chỉ là quên đem theo. Anh ta liền về lấy một ít đưa cho chủ nhà hàng, thế thì món nợ nhanh chóng được thanh toán, thậm chí còn thừa khiến chủ nhà hàng nợ ngược lại anh ta.
Cách rửa bát trừ nợ ví như cách chúng ta hành hạ nhau, dằn vặt nhau cho tới khi hết nợ.
Cách đi làm lấy lương trả nợ, ví như cách chúng ta dùng những phước thế gian như bố thí, cứu người, xây cầu, đắp đường, xây nhà tình thương.v.v… rồi hồi hướng phước đó cho chủ nợ.
Cách về nhà lấy vàng bạc, kim cương đến trả nợ, ví như cách tạo những công đức xuất thế gian trong Phật Pháp như lạy Phật, trì tụng kinh chú, niệm Phật, ấn tống, đúc tạc tượng Phật, phóng sinh theo Nghi thức, độ sinh.v.v…
Vì sao cách thứ 3 lại siêu việt như vậy? Là vì công đức trong Phật Pháp không có cùng tận, gieo một nhân thì vô biên vô lượng kiếp sau vẫn còn tiếp tục sinh sôi nối nhau không dứt, cho tận đến khi thành tựu Phật Quả Toàn Giác, các phước thế gian không thể kéo dài lâu xa như vậy được.
Trên đây là so sánh sơ lược các loại nợ, và cách trả, cách hóa giải ân oán nợ nần. Còn trả mau hay lâu, phụ thuộc ở món nợ lớn hay nhỏ, mình hồi hướng công đức nhiều hay ít mà sẽ thấy hiệu quả khác nhau.
Xem ngay: Pháp sám hối ĐỘ cho cha mẹ chồng con trong gia đình
Kết luận:
Mỗi người có điều kiện khác nhau, duyên khác nhau, nên không thể ép nên làm công đức gì hồi hướng cho chủ nợ, tùy duyên mà thực hiện, càng nhiều càng tốt.
Còn cách hồi hướng sau khi đã làm công đức như sau: ” Con nguyện đem công đức này hồi hướng cho … ( tên chủ nợ) được tiêu trừ nghiệp chướng, thanh tịnh cách phiền não, xóa bỏ mọi hiềm hận, tăng trưởng Bồ Đề Tâm, tăng trưởng trí tuệ, đức hạnh, sớm viên thành Phật Quả Vô Thượng, quảng độ chúng sinh.”
Rất nhièu người đã áp dụng cách hồi hướng công đức như vậy mà hóa giải được những mâu thuẫn, xích mích với người thân trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Không những giải quyết được vấn đề trước mắt, mà còn tạo được công đức vô lượng cho chính mình và người khác đến tận vô lượng kiếp sau.
__________________
*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của người viết trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.
Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Tamlinh.org mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.
Xin chân thành cảm tạ !
Tamlinh.org