04/06/2021 11:41 View: 2534

Góc tảo mộ: Nghĩa trang Bình Yên

Từng đoàn người từ trẻ đến già nô nức nối đuôi nhau thành hàng dài tiến vào khiến cho nghĩa trang Bình Yên hôm nay đông đúc, nhộn nhịp khác hẳn ngày thường.

tao mo, nghia trang binh yen, truyen ma

Đến nơi, họ vội vàng trải vài tờ báo xuống, đặt đồ cúng lễ mang theo lên rồi phân công nhiệm vụ cho mỗi người. Dù các gia đình từ nhiều nơi khác nhau đổ về nhưng hầu như đều chuẩn bị giống nhau từ những bó hoa tươi, vài mâm xôi con gà, vàng mã, nhang đèn để thắp hương mời người quá cố về ăn ba ngày tết cùng con cháu.

Ngồi thở dài nhìn đám đông đang lục đục dâng lễ, ông Tuân lẩm bẩm gì đó một mình. Bà Son từ xa hớt hơ hớt hải chạy lại, nói:

- Ô hay, về mộ ông mà ngồi chứ, chồng con tôi sắp ra thắp hương cho tôi rồi đấy. Ông cứ ngồi đây rồi ai nhìn thấy lại… Lão chồng tôi hay ghen lắm.

Thong thả tựa người vào cạnh bát hương, khẽ liếc nhìn tấm bia có tên của bà Son, ông Tuân đáp:

- Bà chết 2 năm rồi, chồng bà chắc cũng sắp lấy vợ mới, ghen tuông cái quái gì. Mà lão có nhìn thấy mình đâu mà ghen.

- Này, phủi thui cái mồm. Lão mà lấy vợ, tôi về bóp cổ chúng nó chết.

Ông Tuân cười nhạt:

- Bà ích kỉ bỏ mẹ, chết rồi thì phải cho người ta đi tìm tình yêu mới chứ. Cứ bảo sao đến giờ không chịu siêu thoát, suốt ngày rình mò về nhà doạ nạt chồng.

Bà Son bĩu môi:

- Ông nói thì hay lắm. Thế sao ông chết 10 năm nay rồi mà không siêu thoát đi. Ông già nhất cái nghĩa trang này mà không thấy xấu hổ à? Hôm nọ họp tổ âm phủ, mọi người thống nhất là hết tết này kiểu gì cũng phải tống ông đi bằng được. Người đâu mà chây lì, tất cả cư dân nghĩa trang đều không ưa nổi.

- Tôi không đi đấy, làm gì được nhau.

- Bọn tôi bàn bạc cả rồi, Mạnh Bà sẽ ra quyết định cưỡng chế, để cho Ngưu Đầu và Mã Viện vành mồm ông ra rồi đút bát cháo lú vào…

Ông Tuân vội ngắt lời:

- Đừng có doạ nhé, tôi không thích cái món đấy nên không ăn. Thời buổi nào rồi mà suốt ngày ăn cháo, sao không nấu súp gà hay súp hải sản đi. Góp ý bao lần mà không chịu nghe.

- Ông đừng thấy Mạnh Bà hiền mà được thể lên giọng nhé, cỡ ông phải gặp con mẹ bán cháo chửi ý, nó chửi cho xem có dám chê không. Chết rồi còn khó ăn khó ở như thế thì tôi chả hiểu lúc sống vợ con ông phải hầu khổ thế nào.

Ông Tuân lại thanh minh:

- Chả phải riêng tôi, ai cũng chê bà ấy nấu ăn dở, phục vụ thì kém. Nhất là mấy bọn chết trẻ, chúng nó đang đòi Mạnh Bà thay cháo lú bằng món trà sữa kia kìa. Mà tôi thấy đúng, vừa hiện đại lại vừa ngon, chỉ cần đặt trên điện thoại, thằng Ngưu Đầu nó nhận đơn hàng, còn thằng Mã Viện đi ship tận nơi. Ai đời xếp hàng dài dằng dặc chờ ăn bát cháo bao giờ…

Nhìn ra ngoài cổng nghĩa trang, thấy chồng và mấy đứa con đang lục đục mang đồ lễ vào, bà Son kéo ông Tuân ra khỏi mộ rồi đuổi:

- Thôi, ông về mộ của mình đi. Để yên cho gia đình tôi hàn huyên tâm sự riêng với nhau. Cứ lảm nhảm buôn chuyện, ai nhìn thấy lại tưởng tôi cặp với ông. Về đi!

- Về thì về, lát nó cúng có gì ngon nhớ cho tôi hưởng với.

- Thế vợ con ông đâu, chưa ai ra à? hay chết lâu quá nên chúng nó tưởng ông siêu thoát rồi.

Ông Tuân thở dài buồn bã:

- Vợ bé của tôi nó đi lấy chồng khác rồi. Có đứa con với bà vợ cả thì cứ đến tết là đi du lịch, còn ai nữa đâu…

- Ai bảo ham lấy vợ trẻ cho lắm vào. Mà thôi, ông về khẩn trương đi. Lát có gì tôi mang sang cho…

Lủi thủi đi về, ông Tuân leo tót lên phần mộ của mình ngồi rung đùi, ngắm nghía đoàn người đang dâng lễ.

Con dâu của bà Son, tay cầm bó hương đang nghi ngút khói, vẫy gọi mấy đứa thanh niên, căn dặn:

- Đi cắm ở các ngôi mộ bên cạnh cho đỡ lạnh lẽo. Trần sao âm vậy, cũng giống như hàng xóm nhà mình thôi. Để có gì họ không bắt nạt bà nhà mình.

Nghe thấy vậy, ông Tuân bĩu môi, bật dậy lẩm bẩm:

- Mẹ chồng mày đanh đá nhất cái nghĩa trang này, đứa nào bắt nạt được.

Rồi ông đứng dậy, hít một hơi thật sâu, sau đó thổi phù phù làm bó hương trên tay con dâu của bà Son cháy bùng bùng.

Cô con dâu hốt hoảng:

- Đấy, thấy thiêng chưa. Tự nhiên cháy bùng thế này là các cụ chứng cho rồi đấy, nhanh lên còn vào khấn, xin gì thì xin.

Ông Tuân cười ngặt nghẽo, đi một vòng ngắm nghía. Lâu lắm rồi nghĩa trang mới đông vui thế này, nhang khói toả mùi thơm ấm áp, lan nhanh khắp mọi nơi. Gương mặt xanh xao của những người hàng xóm quanh mộ của ông hôm nay cũng rạng ngời, phơi phới, cứ gặp người nhà là họ ôm chầm lấy hỏi han, miệng tươi cười nhưng nước mắt lại rơm rớm vì chẳng ai đáp lại mình.

Lắc đầu ngán ngẩm, ông nói:

- Chúng nó có nhìn thấy mình đâu mà cứ hỏi làm gì cho mệt. Đúng là bọn mới chết, không có kinh nghiệm gì cả.

Tiếng rì rầm khấn vái vọng lên, người quay phim, người chụp ảnh. Bọn trẻ thì livestream cho bạn bè trên facebook xem.

Vài người hàng xóm đưa tay chào ông Tuân rồi vội vàng nhảy lên xe theo con cháu về nhà ăn tết.

Tưởng là ai cũng bận rộn trừ ông Tuân, nào ngờ ông Thắng cũng đang lang thang, miệng nghêu ngao hát gì đó.

- Này, vợ con ông đứng đầy thắp hương ở mộ, không về với chúng nó còn ra đây làm gì?

Ông Thắng thở dài:

- Kệ bố chúng nó. Lần nào ra đây với tôi, chúng nó cũng cầu xin đủ thứ, mà tôi có phải thánh đâu mà ban phát được.

- Thế nó xin gì?

Thấy ông Tuân thắc mắc, ông Thắng ngồi bệt xuống đất, giọng có vẻ chán nản:

- Đứa thì xin tôi con đề, đứa xin cho cháu đỗ đại học, đứa xin được lên chức giám đốc. Tôi chịu, không giúp được. Ra thăm mộ bố mà mạnh đứa nào đứa đấy cứ mở mồm ra là xin xỏ, không được thì nó bảo mình chết không thiêng. Nó nói thế khác chó nào nó bảo lúc sống mình ngu.

Bỗng ông Thắng chỉ tay về phía hai người thanh niên đang chắp tay rồi nói tiếp:

- Thằng kia là cháu tôi, năm nào nó cũng xin tôi phù hộ cho lấy được vợ xinh, chân dài. Tổ sư bố nhà nó, ngay đến tôi lúc sống còn phải lấy con vừa lùn vừa xấu là bà của nó, giúp thế chó nào được cái việc đấy. Còn kia là con cháu gái, ăn thì như lợn, suốt ngày xin tôi phù hộ cho dáng đẹp với facebook được nhiều like, nhiều người theo dõi gì đấy. Thôi kệ mẹ nhà chúng nó. Tết này xong tôi siêu thoát cho nhẹ nợ. Chết cũng không yên.

Ông Tuân chép miệng:

- Con với cháu, chả hỏi thăm bố được một câu tử tế, hay báo cáo thành quả đã đạt được, ít ra cũng là mục tiêu phấn đấu để mình còn phấn khởi. Chỉ cần nghe chúng nó báo cáo anh em, vợ chồng hoà thuận, cháu chăm ngoan là mừng. Đằng này chỉ rình xin phù hộ, chúng nó nghĩ ông chết đi là biến thành ông già noel để phát điều ước đấy.

Ông Thắng gật gù:

- Thế nên tôi mới chán, tết này chắc tôi về hôm 30 với mồng 1 để thăm nhà cửa thế nào thôi. Xong lại ra đây chém gió với ông cho vui. Ở nhà cỗ bàn nó bày đầy ra nhưng mình có ăn được nữa đâu. Lúc sống mong có bữa ăn ngon chẳng có, ốm đau thì chúng nó tính toán, đứa này đùn đẩy đứa kia chăm nom, cãi nhau suốt ngày, mệt bỏ mẹ. Giờ mình chết rồi, tự nhiên chúng nó lại tử tế thế không biết.

Hai người đang mải nói chuyện, tự nhiên thấy bà Son khóc rú lên làm bát hương trên mộ bà cũng cháy nghi ngút. Ông Tuân vội nói:

- Thôi, ông về xem chúng nó khấn vái gì đi. Tôi sang xem bà Son có việc gì mà khóc to thế, có khi tham quá, hít phải con gà luộc bị hóc xương rồi cũng nên.

- Ừ, lúc nãy nghe có đứa xin phù hộ cho nó đẻ được con giai nên tôi mới chán bỏ ra đây.

Bà Son khóc vật vã, nước mắt ngắn dài nhìn theo chồng con đang ra về.

Ông Tuân an ủi:

- Nhớ chồng con thì về theo luôn mà ăn tết, đã xấu thì nên hạn chế khóc đi, để hiện hồn ra cho đẹp.

- Ông bỏ cái kiểu châm chọc đi. Tôi đang bị người ta phụ tình rồi đây này.

Ông Tuân trợn tròn mắt ngạc nhiên, bà Son tức tưởi nói tiếp:

- Tưởng lão nhớ mình ra hỏi han, thăm nom. Ai ngờ lão ta bảo xin tôi cho đi lấy vợ mới. Thế mà năm tôi mới chết, lão còn xoen xoét cái mồm là ở vậy thủ tiết cho tôi, sau này chết vợ chồng lại đoàn tụ. Ai ngờ có bồ cả năm nay rồi. Đúng là cái lũ đàn ông, không tin được bố con thằng nào.

- Tôi bảo bà rồi. Bà ích kỉ vừa thôi, chết rồi thì phải để người ta đi lấy vợ khác chứ, sau này còn có người chăm sóc, con cái chúng nó phải lo cuộc sống riêng. Chả phải là, con chăm cha không bằng bà chăm ông à. Ông ý năm nay mới ngoài 50 tuổi, có lấy 2 vợ nữa cũng đủ sức.

Thấy bà Son có vẻ nguôi ngoai hơn, ông tiếp tục:

- Thôi, đừng níu kéo thứ gì không thuộc về mình nữa. Tình yêu ngay bên cạnh thì không nhận ra, cứ hoài tưởng cái ở đẩu đâu.

Đến lượt bà Son trợn tròn mắt ngạc nhiên, đôi má ửng hồng, ấp úng hỏi:

- Thế…nghĩa là…đằng ấy có… tình cảm với mình à?

- Lý do người ta không chịu siêu thoát là thế đấy. Chứ có phải tại món cháo lú không ngon đâu.

- Nhưng tôi không tha thứ cho lão chồng ngay được, lão thề thốt đủ kiểu, giờ tôi mới chết 2 năm đã giở mặt…

Ông Tuân ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Thế giờ trả thù lão đi…

- Trả thù thế nào?

Bà Son còn đang ngơ ngác, ông Tuân đã hôn sâu một cái vào mồm bà, một lúc sau mới nhả ra:

- Trả thù thế này này.

- Thù sâu như vậy mà trả có thế thì sao đủ. Trả thù cái nữa đi…

Vừa nói bà vừa nhắm mắt, chu môi ra chờ đợi.

Ông Tuân lẩm bẩm:

- Khiếp, bà thù dai thế. Ăn cái tết này xong mình đăng ký với vợ chồng bà Nguyệt rồi đi siêu thoát, sau này gặp là cưới thôi.

Bản quyền thuộc về tác giả Kim Tam Long

Ma