Theo truyền thống bên cạnh việc mời chân linh các cụ về ăn Tết thì còn có một nghi lễ được tiến hành song song đó là Lễ tạ mộ nhằm sám hối lỗi lầm, tạ lễ thần linh đã bảo hộ cho mộ phần một năm an ổn, con cháu gia đình được bình an. Bài viết này Tamlinh.org sẽ hướng dẫn chi tiết nghi thức tạ mộ cuối năm, văn khấn, sắm lễ và những điều kiêng kỵ.
Người Việt quan niệm “sống về mồ về mả, không ai sống cả bát cơm” chính lẽ đó mộ phần người thân là một yếu tố không thể tách rời với lối sống và truyền thống của người Việt, do đó lễ “Tạ mộ” vào dịp cuối năm, chung quy lại ý nghĩa chính là sự cảm tạ Thần linh.
Về lễ nghi mỗi nơi mỗi khác nhưng điều quan trọng nhất là tâm thành kính của chúng ta. “Lễ nghi bất túc, thành kính hữu dư”, làm cho có thì chẳng có một giá trị gì, cho nên việc tâm linh là việc làm phải chân thành chân thật, chúng ta không thể giáo dục được ai khi chính chúng ta làm những điều lừa gạt cả bản thân mình.
Tạ mộ cuối năm vào ngày/giờ nào tốt nhất?
Vì đến 15 tháng 12 âm lịch là thiên đình bắt đầu chốt sổ, các quan đã lên báo cáo rồi nên từ đầu tháng Chạp đến trước rằm tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) là thời gian mà các gia đình nên đi tạ mộ.
Tất cả nghi thức cần phải thực hiện trước ngày này.
Đi tạ mộ phải đi vào buổi sáng, từ 9-11h là tốt nhất. Không nên đi vào buổi chiều vì nhiều thứ không tốt sẽ theo về.
Sắm lễ tạ mộ cuối năm
Lễ các quan thần linh
- - Sớ
- - Hoa quả
- - Bánh kẹo
- - Chè thuốc
- - Trầu cau
- - Rượu thịt (giò)
- - Nước
- - Nến
- - Hương
- - Gạo muối (để riêng)
- - Đinh vàng, tờ tiền (chính là tờ tiền đỏ và tờ tiền xu vàng)
Sắm lễ tạ mộ cuối năm không cần quá cầu kỳ và nhiều lễ, không yêu cầu mâm cao cỗ đầy nhưng phải đầy đủ như trên để các ngài chứng giám.
Nếu gia đình nào có điều kiện, có thể sắm thêm đồ mã như sau:
- 1 đĩa đựng 1 đinh tiền xu
- 1 đĩa đặt 1 đinh tiền xu 9 đinh vàng lá
- 1 đĩa đăt 7 đinh tiền xu 1 đinh vàng lá
- 1 đĩa đặt vào 1 đinh tiền xu và 3 đinh vàng lá
- 1 cây vàng hoa đỏ
- 5 con ngựa vàng mã với 5 màu khác nhau 5 bộ áo, mũ, hia loại to kèm theo roi, kiếm, cờ lệnh và ngựa.
- Trên mỗi lưng ngựa vàng mã phải có 10 lễ vàng tiền bao gồm cả tiền âm phủ, vàng lá, tiền xu,…
Đối với vong linh gia tiên, tùy theo là nam, phụ, lão, ấu, mà có áo quần tương ứng dâng tiến cho phù hợp. Ngoài ra có tiền âm phủ các loại kèm theo, tiền xu, vàng lá….mỗi thứ ít nhiều.
Đặt mâm lễ tạ mộ cuối năm ở đâu?
Khu mộ nào cũng có quan thần linh cai quản, vậy nên lễ này không phải để ở chỗ các cụ nhà mình mà các gia đình phải mang ra ban thờ quan thần linh khu mộ để đặt và kêu khấn.
Nếu như khu mộ ấy chưa xây ban thờ quan thần linh thì các gia đình có thể đặt tại mộ các cụ nhà mình. Hãy đặt lên mâm hẳn hoi chứ không phải đặt toẹt xuống đất, nên mang theo một chiếc bàn nhỏ, cao để lễ. Nhưng khấn vẫn là khấn quan thần linh trước rồi sau mới đến gia tiên.
Văn khấn lễ tạ thần linh ngoài mộ
NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT! (3 lần)
Con kính lạy:
- - Quan đương xứ thổ địa chính thần
- - Thổ địa Ngũ phương Long mạch Tôn thần,
- - Tiền thần Chu Tước, Hậu thần Huyền Vũ, Tả thần Thanh Long, Hữu thần Bạch Hổ
- - Liệt vị Tôn thần cai quản ở xứ này.
Con kính lạy vong linh ..........
Hôm nay là ngày…tháng…năm…, nhằm tiết …..
Chúng con là:...............
Thành tâm sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Chư vị Tôn Thần về việc lễ tạ mộ phần.
Nguyên có vong linh thân nhân của gia đình chúng con là:………. hiện phần mộ an táng ở nơi này. Đội ơn Chư vị Tôn thần che chở, ban ân, vong linh được yên ổn vui tươi nơi chín suối. Lại nhờ có duyên lành, gia đình chúng con được vong linh thường về ghé thăm, linh ứng giúp chỉ dẫn các công các việc được đầu xuôi đuôi lọt, nhờ thế toàn gia được an ninh khang thái, từng bước tiến bộ.
Nay nhằm ngày lành tháng tốt, gia đình chúng con sắm sửa lễ tạ mộ những mong báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Chư vị Tôn Thần lai giáng án tiền, nhận hưởng lễ vật, chứng minh tâm đức.
Cúi mong vong linh chấp kỳ lễ bạc, lời kêu tiếng khấn, tờ đơn cánh sớ, tùy phương ứng biến, độ trì toàn gia, từ trẻ tới già, luôn được vui tươi, mạnh khỏe.
Chúng con dâng biếu vong linh tài mã gồm : ….( đọc tên các đồ mã dâng cho vong)
Âm dương cách trở, bát nước nén hương, giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Văn khấn mời gia tiên về nhà ăn Tết
Tuy lễ tạ mộ nên làm vào trước ngày 15 tháng 12 Âm lịch, nhưng nhiều vùng miền vẫn không kiêng kỵ, mọi người có thói quen đi lễ tạ mộ và mời các cụ về ăn Tết vào cùng một ngày. Thông thường, các gia đình sẽ đi mời các cụ về ăn Tết vào thời điểm từ 23 - 30 Tết.
Văn khấn mời các cụ về ăn Tết cùng con cháu như sau:
Nam mô a di đà phật, (lạy)
Nam mô a di đà phật, (lạy)
Nam mô a di đà phật, (lạy)
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
– Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.
– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương.
– Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.
– Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu tước, Hậu Huyền vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong xứ này.
– Con kính lạy hương linh:…………………..
Hôm nay là ngày …… tháng Chạp, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Tín chủ (chúng) con là: …..Ngụ tại: …..
Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa nước quả,kim ngân bạc vàng, trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là :………. có phần mộ táng tại ……………… về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiện, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.
Âm dương cách trở, Chén nước nén hương, Thành tâm kính lễ, Cúi xin chứng giám, Phù hộ độ trì,
Nam mô a di đà phật, (lạy)
Nam mô a di đà phật, (lạy)
Nam mô a di đà phật, (lạy)
Sau khi thắp hương, bái lạy, người trong gia đình đốt vàng mã, thắp thêm vài nén hương ở các mộ kế bên, là những người làm bạn với ông bà ở thế giới bên kia.
Lưu ý khi đi tạ mộ cuối năm
- Hãy quét dọn, làm cỏ, lau chùi, sửa sang phần mộ của người thân gọn gàng, sạch đẹp.
- Phụ nữ có thai, người đang bệnh nặng hoặc trẻ em dưới 10 tuổi không nên tham gia lễ tạ mộ vì rất dễ bị nhiễm âm khí, phong hàn,…
Giá trị lớn nhất của Tết đó là đoàn viên, đoàn viên không chỉ có ý nghĩa giữa con cái với bố mẹ giữa anh em với bạn bè... mà bên cạnh đó, mỗi dịp Tết đến xuân về chúng ta còn một sự đoàn viên nữa, còn một sự giao cảm nữa theo đúng tính chất văn hoá của người phương Đông - đó là sự đoàn viên giữa người còn sống và những người đã khuất.
Chính sự giao cảm đó sẽ dạy dỗ chúng ta và con cháu chúng ta tự hào về tổ tiên, về truyền thống, về giá trị của cội nguồn, về tình cảm của một gia đình, dòng họ, một Dân tộc. Tết về để đoàn tụ, tạ mộ cuối năm để nhớ người xưa, đó là giá trị lớn nhất, là bí mật thiêng liêng nhất của mỗi kỳ Tết đến xuân về.
Tamlinh.org