Ông tên Lê Văn Duyệt, giữ chức Tả quân trong trận chiến của nhà Nguyễn chống nhà Tây Sơn. Quê gốc của ông ở Quảng Ngãi và được sinh ra tại Tiền Giang, Lê Văn Duyệt được lịch sử ghi nhận là một trong những tướng lĩnh hàng đầu của vua Gia Long.
Truyền thuyết về tả quân Lê Văn Duyệt
Sau khi cuộc chiến kết thúc và nhà Nguyễn được thành lập, ông được cử hai lần làm tổng trấn thành Gia Định. Chính nhờ những đóng góp của ông mà đất phương Nam trở thành nơi giàu có và trù phú, nhưng do việc chống đối vua Minh Mạng lên ngôi, sau khi qua đời mộ của ông bị phá vỡ và truy tội cho đến đời Thiệu Trị mới được rửa oan.
Trước sau trấn thủ Gia Định gần hai mươi năm, ơn với dân sâu nặng đã lâu. Khi công qua đời, anh linh ngưng kết, núi sông phù hộ, lúc trời mờ đêm vắng vẫn nghe có tiếng người ngựa trên mộ, người sáu tỉnh kính trọng gọi đền thờ công là miếu, mộ công là lăng, đặt ra hộ được miễn thuế để chăm nom, thờ cúng không dứt.
Hiện nay, mộ ông nằm trong khuôn viên Lăng Ông Bà Chiểu tại Sài Gòn, nhiều việc linh ứng cũng bắt nguồn từ đây. Tương truyền, Lê Văn Duyệt cầm tinh Hắc Hổ nên rất được người đời coi trọng khi còn sống, nên lúc mất anh linh cũng oai dũng linh thiêng. Người dân miền Nam kính phục gọi là Ông Lớn Thượng, có nơi gọi Ông với biệt danh Cọp Gấm Đồng Nai.
Bản chất ông từ nhỏ thích trò đá gà, đá dế, lớn lên thích thú chọi voi, đấu hổ, đặc biệt rất mê thưởng thức hát bội tuồng cổ. Tương truyền rằng sau khi bị san bằng mộ, vào những lúc trời âm u hay đêm yên tĩnh người dân thường nghe thấy tiếng ma hờn quỷ khóc, tiếng người ngựa xôn xao, người dân ở đó không ai dám lại gần.
Cho rằng đó là những oan hồn chưa siêu thoát, vương vấn sớm hôm nên cần phải rửa oan, tẩy hận. Chuyện kể rằng có lần vua Thành Thái đi ngang Lăng Ông tự dưng xe hơi bị chết máy, vua phải cho lệnh tháo bỏ xiềng xích trên mộ ông thì máy xe đột nhiên nổ. Ông Tám Chà_người trông coi Lăng Ông cho biết:
"Ông linh lắm! Ngày trước giang hồ tứ xứ kết giao huynh đệ thường đến đây dâng rượu xin Ông làm chứng. Hai bên đều thề độc, kết quả có kẻ bạc tình bạc nghĩa bị Ông vật chết."
Có một người khi xưa hầu cận Lê Văn Duyệt, nay con cháu định cư ở đất Bình Thuận, họ kể rằng trong một chuyến dong thuyền ra khơi, chẳng may gặp sóng to gió lớn, họ không biết thể nào xoay chuyển đã thành tâm khấn cầu Thượng công Tả quan che chở. Con thuyền chòng chành bỗng đứng lên rẽ nước giữa sóng dữ, họ nhìn lại thì thấy hai ông Nam Hải (cá voi) đang kè bên thuyền đưa vào vùng nước lành.
Khi đến bờ hai Ông hướng đầu xuôi ra biển và ba ngày sau thì xác trôi vào bờ. Sau ba năm thờ cúng, họ cải táng đem xương của hai Ông đóng góp cho di tích Lăng Ông Bà Chiểu và tin rằng:
“Hai Ông là cận vệ mà Tổng trấn Lê Văn Duyệt truyền lệnh hoá thân thành cá Ông để cứu người. Nay hai Ông hoàn thành nhiệm vụ, thì phải đưa xương cốt về thờ phụng tại đại dinh của chủ soái!"
Theo truyền thuyết, khi ông Tổng trấn ra đời tại Định Tường (Mỹ Tho_Tiền Giang), đã có một bầy cọp kéo về gầm rú ngày đêm không dứt, người ta nói đó là điềm báo có người làm nên đại sự vừa sinh ra. Ngày nay, hiệu nhang Thành Phúc đã đặt một con hổ nhồi bông cúng tạ Ông. Con cọp này có từ những năm 1975, ngay khi Sài Gòn được giải phóng. Do bất cẩn, con cọp này xổng chuồng sở thú, bị bắn hạ và đưa vào Khu lăng Tổng trấn thờ.
Có thuyết nói rằng, Ông sinh ra vốn không có tinh hoàn, được giao cho sứ mệnh cao cả làm nên đại sự nên Trời không cho vướng vào tình yêu nam nữ tầm thường. Khi gặp Lê Văn Duyệt, một vị thầy pháp Tàu đã nói:
"Người này tuy cơ thể bất bình thường, nhưng sau này vẫn có đủ vợ lẽ, nàng hầu, công danh hiển hách, cha mẹ được nhờ".
Và quả nhiên, ông lập công hiển hách, vua gả cho phu nhân là Đỗ Thị Phẫn, hai nhà nội ngoại về sau hưởng phúc. Tuy nhiên, sự thật lịch sử thì ông sinh ra vốn là người "ái nam ái nữ" (đồng tính) đến năm 17 tuổi thì tự hoạn để làm thái giám nhưng về sau có tài thao lược nên được vua tin dùng.
Sự kính ngưỡng đối với Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân trong lòng người dân Nam Bộ không biết kể sao cho đặng, người đời đem tâm quy phục câu nói:
"Sinh ở đời loạn, không dựng cờ đánh trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu. "
Những chuyện li kì trước khi Lê Văn Duyệt qua đời:
Bộ Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập) đã dành hẳn cả hai quyển 22 và 23 để chép chuyện Lê Văn Duyệt. Thật đặc biệt là đoạn cuối của quyển 23 đã chép một số chuyện li kì xảy ra trước lúc Lê Văn Duyệt qua đời:
"Trước khi Tả quân bị bệnh, thành gia định không hề có gió lớn vậy mà cán cờ trong thành bỗng nhưng bị gãy . Hơn một tháng sau (lê văn ) Duyệt đi tuần ỏ biên cảnh, vừa ra ngoài thành thì con voi ông đang cởi tự nhiên phục xuống đất rồi rống rầm lên, đánh mấy nó không chịu đứng dậy, ông bèn phải dùng ngựa mà đi. Lê văn Duyệt lấy làm lạ...
Một hôm (Lê văn) Duyệt chuẩn bị cấp thưởng cho tướng sĩ, ông sai người nhà đem tiền để sẵn ra đây, chẵng dè vừa chợp mắt được một lúc thì tiền đã không cánh mà bay . Ông ngờ là có kẻ trộm nên ra lệnh tìm bắt rất gấp, bỗng ông thấy trên nóc nhà mình có người đang ngồi giữ đống tiền , thoạt trong giống như mô đất , bèn sai người bắt thang trèo lên bắt, nhưng lên đến nơi thì người giữ tiền đã biến mất mà đống tiền thì vẫn còn y nguyên.
Hôm khác, có ông già vai đeo bầu ăn mặc ra vẻ dân quê, đến nói với người canh cửa:
- Hãy vào báo với Lê tướng quân, rằng có ta là cố nhân đến.
Người canh cửa lấy làm lạ, chạy vào báo với Lê Văn Duyệt. Ông liền cho người ra. Đến bờ sông Bến Nghé thấy ông già ấy đang rửa bầu và nói rằng:
- Ta muốn đón tướng quân của mày đi tu tiên, nhưng mà tướng quân của mày không thể đi tu tiên được ...
Nói rồi thì phất phớ bay đi không biết về đâu, người canh cửa về báo lại. Lê Văn Duyệt nói:
- Tiên thật à hay là ma muốn nhát ta đấy.
Vài ngày sau Duyệt bị bệnh nhẹ rồi mất...
Đền thờ & lăng mộ tả quân Lê Văn Duyệt:
Ngày nay, giỗ Ông Thượng Công tổ chức tại Lăng Ông Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu) tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM từ ngày 30 tháng 7 đến 1 tháng 8 âm lịch, đó chính là ngày mất của ông. Người dân tề tựu về, dâng lễ vật, đốt nhang đèn, xây chầu hát bội để tưởng nhớ công ơn Ông Thượng Lớn.
Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Văn bia do Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ 1894. Nội dung bia ca tụng công đức Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.
Phần mộ gồm hai ngôi mộ: Tả quân và vợ ông, bà Đỗ Thị Phận. Hai ngôi mộ đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng ngỗng xẻ theo chiều dọc, úp trên bệ hình chữ nhật. Trước mộ có một sân nhỏ để làm lễ. Bao quanh mộ là một bức tường bằng đá ong hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn.
Cách khu lăng mộ một khoảng sân rộng đến khu vực Thượng công linh miếu, nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng Lê Văn Duyệt...
Tamlinh.org (Tổng hợp)