04/06/2021 11:42 View: 33077

Bốc mộ, sang cát: Kinh nghiệm nên kiêng gì?

Sang cát, bốc mộ cho người thân đã khuất là một nghi lễ vô cùng quan trọng đối với người Việt. Vậy quá trình sang cát, bốc mộ, cải táng cần chuẩn bị và kiêng kỵ những gì? Thời gian tốt nhất để sang cát cho người đã khuất trong năm? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu. 

sangcat, xay mo, boc mo, cai tang

Đã là kiếp nhân sinh, bất cứ ai, khi đã được sinh ra thì cũng có ngày quy Tiên, các cụ thường nói theo về với Tiên Tổ, việc mai táng thế nào thì tùy theo từng phong tục của từng địa phương, từng dân tộc, từng quốc gia....

Bốc mộ, sang cát là gì? 

Ở Việt Nam, theo một số phong tục của người theo đạo Phật, và một số đạo khác (không phải 100%) thì khi người thân mất đi, họ sẽ an táng một ngôi mộ tạm thời (mộ dài) thường gọi là HUNG TÁNG, sau một thời gian nhất định (thường khoảng 3 năm) thì đào lên, lấy xương cốt, rửa sạch sẽ, cho vào một Tiểu nhỏ, và táng lại, hoặc còn gọi là tắm rửa cho vong, toàn bộ quá trình này gọi chung là CẢI TÁNG hoặc tùy từng nơi, có thể gọi là SANG CÁT hoặc BỐC MỘ

Vì lẽ đó, vào dịp cuối năm, người ta thường tổ chức cải táng mộ phần cho vong linh đến lúc phải tắm rửa, nhân tiện đó, nhiều gia đình còn tổ chức thêm việc sửa sang lại mộ cũ, hoặc quy tập mồ mả các cụ đặt rải rác các nơi về một nghĩa trang gia đình dòng họ hoặc một nơi mới.

Bốc mộ, sang cát cho ông bà tổ tiên có thực sự quan trọng?

Quan niệm rằng: "Một đời người từ khi sinh ra đến khi từ trần để về với Tiên Tổ, mấy chục năm ta sống trên Trần gian so với thiên thu an nghỉ dưới phần Mộ thì chỉ là một khoảng thời gian quá ngắn ngủi."

Người ta có thể có nhiều tài sản, nhà cửa, đất đai v.v nhưng khi mất đi chỉ có mấy mét vuông đất để nắm xuống mà thôi, chẳng những thế mà nhà cửa, biệt thự đất cát là của phù du có thể sang nhượng, đổi chác, mua bán chứ phần Mồ, Mả, Lăng mộ của ông bà thì vĩnh viễn không thay đổi được. Bên cạnh đó, dân gian cho rằng người đang sống cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi mồ mả ông bà tổ tiên và người đã khuất.

Như vậy: Nơi an nghỉ cuối cùng là nơi tối quan trọng cho người đã khuất và người đang sống, chính vì như thế nên đã cải táng thì ta hết sức cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng.

boc mo, sang cat

Ý nghĩa của việc cải táng 

Cải táng, sang cát, bốc mộ là một phong tục lâu đời, là thể hiện cái tâm của người sống với người thân đã khuất, an tâm với niềm tin… họ không bỏ người thân thối rữa trong đất ẩm, ở dưới lớp áo quan mục nát sập sụt, mà xây cất một ngôi nhà mới đẹp đẽ, chắc chắn hơn.

Bằng cách bốc mộ chúng ta tỏ tấm lòng thành tri ân cội nguồn, ấm lòng người mất giữa đồng hiu quạnh, đó cũng là hình thức giáo dục thiết thực đối với con cháu chúng ta về nhớ ơn tiền nhân.

Thời gian tốt nhất cho việc cải táng, bốc mộ?

Cải táng sau 3 hay 5 năm chôn cất?

Theo phong tục, người mất sau 3 năm thì cải táng, cũng là lúc con cháu mãn tang, tức là hoàn toàn hết để tang vong linh. Vì thế, việc cải táng thường được tiến hành sau 3 năm chôn hung táng. Tuy nhiên, hiện nay thực tế môi trường địa lý và khí hậu có nhiều thay đổi, các hóa chất được sử dụng nhiều trong đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hiện tượng sau 3 năm xác người chết CHƯA PHÂN HỦY, hoặc PHÂN HỦY CHƯA HẾT diễn ra khá phổ biến, nên nhiều gia đình lựa chọn giải pháp là để thời gian cải táng lâu hơn, từ 4 đến 5 năm có những trường hợp, thi thể người chết được vận chuyển nhiều ngày,từ nơi nọ sang nơi kia ( từ miền Nam ra miền Bắc chẳng hạn) hoặc để trong bệnh viện nhiều ngày, thì có thể đã có hóa chất chống thối rữa, thì có thể đến 7 năm hoặc 8 năm để tránh hiện tượng trên.

Xem tuổi để bốc mộ cho người thân?

Năm để tiến hành cải táng phải lựa chọn THEO TUỔI CỦA VONG, tránh những năm xung sát. Ngoài ra còn phải căn cứ theo TUỔI CỦA TRƯỞNG NAM trong nhà, vì khi vong đã mất thì mọi sự may rủi đều gánh trên vai của người trưởng nam (QUYỀN HUYNH THẾ PHỤ).

Khi xem tuổi và ngày nên chọn theo Tam hợp, Lục hợp, Chi đức hợp, Tứ kiểm hợp. Tránh các ngày Lục xung, Lục Hình, Lục hại. Về Ngũ hành nên chọn ngày tương sinh hay tỷ hòa, tránh chọn ngày tương khắc.

Tùy theo tháng mà khi bốc hay di dời mộ, cần phải tránh thêm các ngày Trùng tang, trùng phục, Tam tang, Thọ tử Sát chủ, Nguyệt phá, Thiên tặc Hà khôi …

Chi tiết hơn các gia đình nên đi xem thầy. Chọn thầy có kinh nghiệm, có tâm có đức. 

Thời gian tốt nhất để sang cát?

Thời gian tốt nhất trong năm để tiến hành cải táng là từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm. Thường sẽ nhờ thầy để tìm ngày tốt. Sau khi chọn được ngày bốc mộ, cũng phải chọn xem giờ bốc mộ, nhưng phải làm vào ban đêm hoặc sáng sớm, khi không có ánh sáng mặt trời, tránh cho xương cốt gặp ánh sáng mặt trời sẽ bị đen, bị hỏng (đó là quan niệm).

Chọn thời gian sang cát

Theo lịch Âm, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày. Ta cần phải căn cứ vào 24 tiết khí và nên để ý là đầu tiết khí bao giờ cũng đi liền 2 trực giống nhau, một trực là ngày cuối tháng, một trực là ngày đầu tháng. 12 trực KIẾN - TRỪ - MÃN - BÌNH - ĐỊNH - CHẤP - PHÁ - NGUY - THÀNH - THÂU - KHAI - BẾ, mỗi ngày là một trực.

TUỔI VÀ NGÀY nên chọn theo Tam hợp, Lục hợp, Chi đức hợp, Tứ kiểm hợp. Tránh các ngày Lục xung, Lục hình, Lục hại. Về Ngũ hành nên chọn ngày tương sinh hay bình hòa, tránh chọn ngày tương khắc đối với tuổi của Vong Linh và tuổi của Trưởng Nam đó là quy định chúng ta không nên bàn cãi làm gì.

Các bước chuẩn bị để bốc mộ, sang cát cho người thân

XEM XÉT PHẦN MỘ, NHẬN BIẾT MỘ KẾT

Trước khi tiến hành cải táng phải kiểm tra mộ phần, xem đã đủ thời gian cải táng chưa, mộ đó có kết hay phạm trùng không?

Kiểm tra mộ kết như thế nào?

Mộ kết là mộ đã thụ được Linh Khí của Long mạch, tụ khí lại trong mộ và làm cho con cháu trong dòng họ đó làm ăn thuận lợi, gia đình, dòng họ thuận hòa và mạnh khỏe. Nhưng nếu bốc phải mộ kết thì dòng họ lụi bại, chết độc đinh, chết cháu đích tôn.

Các dấu hiệu nhận biết mộ kết không quá kgos, có nhiều cách để kiểm tra mộ kết. Cụ thể như sau: 

  • 1) Bằng các phương pháp Cảm xạ, ngoại cảm, cảm nhận trường khí…..công việc này phải do những người có cảm thụ về tâm linh mới làm được
  • 2) Cũng có thể tự quan sát bằng mắt thường sẽ thấy ngôi mộ đó CÀNG NGÀY CÀNG TO RA do được tích tụ Linh khí của Long mạch, giống như những cái gò thường nổi lên do hiện tượng dư khí của Long mạch trên cánh đồng. Trên các ngôi mộ kết thường cỏ mọc rất nhanh và xanh tốt CHỈ MỘT CÀNH HOA CẮM TRÊN MỘ NÓ CŨNG BÉN RỄ VÀ SỐNG XANH TƯƠI đó là một trong các dấu hiệu để chúng ta nhận biết.

Người xưa dùng cách cắm những cành cây khô vào những cuộc đất nghi có mộ kết, nếu những cành khô đó nẩy mầm xanh tốt thì gần như chắc chắn rằng nơi đó có Huyệt kết. Một quan sát khác nữa là nhìn những viên đá, bia mộ tại Huyệt, nếu mộ kết tức là làm cho những viên đá, bia mộ đó BÓNG LOÁNG lên như được lau chùi bằng dầu bóng.

Mộ kết thì có nên sang cát không?

Khi gặp trường hợp mộ kết thì tốt nhất là để nguyên không được dịch chuyển vì sẽ gây ra vô vàn rắc rối trong cuộc sống của cả dòng họ, TỐT NHẤT LÀ CHỈ XÂY GẠCH XUNG QUANH. Nếu bắt buộc phải di dời vì lý do nào đó như việc giãn dân, hoặc đất vào khu quy hoạch của nhà nước thì nhất định phải có những phương thức của Huyền môn rất phức tạp mới có thể di dời.

Khi mộ kết, thông thường kết từ chân lên tới đầu, cũng có vài ngôi mộ do kết cấu của Long mạch và của mộ sẽ kết theo chiều ngược lại. Có các dạng kết như kết mạng nhện, kết tơ hồng, kết bang, kết chu sa, KẾT TƯỢNG… Có các màu từ xám đến trắng, hồng, đỏ như chu sa là loại mạnh nhất.

Một loại khác người ta thường hay nhầm với mộ kết là mộ bị phạm trùng. Có nhiều loại trùng nhưng biểu hiện rõ nhất tại mộ là xác chôn qua nhiều năm không tan. Có những khu vực có hàng loạt mộ chôn tới hàng chục năm xác cũng còn gần như nguyên vẹn.

Cách tìm ĐẤT đặt mộ mới:

Ai trong chúng ta cũng đều muốn tìm được một cuộc đất tốt để đặt mộ các cụ, trước là về mặt mỹ quan được đẹp và phong quang sau là con cháu sẽ được phù hộ, làm ăn tấn tới, sống lâu, lộc tài vượng tiến, đa đình, lợi nhân khẩu, gia đình anh em hòa thuận... Vv và vv..... như một ngôi mộ kết. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng "đất tốt người tốt ở" chúng ta có chọn cũng chả được đâu (đây là theo thiển ý của ad), tuỳ theo phúc đức của chứng ta mà mọi sự tự có an bài.

Kinh nghiệm đặt mộ trong dân gian thường như sau: ĐẦU GỐI SƠN, CHÂN ĐẠP THỦY

Nếu phía trước có một cái ao, hoặc hồ nước thì rất tốt

Tiến hành bốc mộ, sang cát:

Đào huyệt đất mới

Khi đã chọn lựa được thời điểm thời gian, thì gia đình sẽ tiến hành công việc, chúng ta sẽ phải đào một huyệt đất mới để chuyển hài cốt sang (khi đã chọn được huyệt)

Có thể đào trước, xây trước, hoặc cũng có thể đặt Quách xong thì mới xây.... Việc này thì tùy từng gia đình, từng địa phương....

Ngày xưa, điều kiện đất đai còn rộng lớn thì việc này tương đối dễ dàng. Ngày nay, đất chật người đông, diện tích đất dành cho người chết cũng rất hạn chế. Thường ở địa phương sẽ tiến hành bố trí cho gia đình một huyệt đất mới ở cùng nghĩa trang nơi hung táng.

  • - Đất chọn huyệt mộ là nơi đất mới chưa từng bị chôn lấp, đào xới là tốt nhất. Khí đất của huyệt tươi tốt, đất rắn chắc tươi tắn. Nếu là vùng đồng bằng thì đất tươi mịn, có mùi thơm, đào lên phía dưới độ 6,70cm đất đặc quánh, có màu vàng nhạt hoặc màu nâu đậm hoặc nên cùng mầu với đất khu vực bản địa. Nếu là miền rừng núi thì đất mịn màng, tuy khô nhưng có màu vàng nhạt "nhưng không được quá khô".
  • - Kỵ nhất là huyệt đào là nơi đất tơi xốp khô quá, "không tốt cho xương" hoặc đào lên ở đáy huyệt nếu có mạch nước ngầm chảy xiết dưới huyệt "lâu dài rất dễ trôi mất tiểu mất mộ " trừ khi dòng nước đó được xác định là " tụ huyệt long thủy lộ" nếu đào có nước ít thì tốt nhưng không được chảy xiết và Màu sắc của nước trong, mùi thơm, tránh nước có mùi tanh nồng mùi hôi hoặc mùi khó ngửi. Những huyệt ở đồng bằng thì nên có ít nước ở dưới huyệt.hoặc kỵ chôn đè lên huyệt cũ của người khác "nếu phải chôn thì chỉ chôn bên cạnh"
  • - Ở các vùng nghĩa trang nơi quy tập nhiều mộ, thường bị tình trạng quá tải về diện tích, các mộ chen lấn nhau. Tránh huyệt bị các mộ xung quanh lấn chiếm trước mộ đè lên mộ, hoặc các góc mộ khác trọc vào ngay trước phần mộ, hoặc đâm xuyên vào 2 bên cạnh mộ. Nếu chọn được huyệt phía trước rộng thoáng, lại nhìn ra ao hồ hay sông suối là đắc cách. Trường hợp đất đai quá hiếm không chọn được huyệt có phía trước thoáng rộng thì tối thiểu cũng phải có một khoảng đất trống nằm ngay phía trước huyệt mộ (điều này bây giờ không phải dễ làm).

Quan sát cẩn thận hệ thống đường đi xung quanh huyệt. Nếu huyệt có đường đi đâm thẳng vào giữa hoặc đâm xuyên sang hai bên thì chủ về phá bại không thể dùng. Đường đi sát ngay phía sau huyệt cũng tối kỵ. Tốt nhất chọn huyệt nơi yên tĩnh xa cách với đường đi lối lại quanh khu vực mộ.

Ở vùng núi non thì cần thẩm định huyệt theo những tiêu chí của địa lý. Huyệt tìm được những nơi được bao bọc có long hổ hai bên ôm lấy huyệt, phía sau có núi cao che chắn, phía trước có minh đường thuỷ tụ… thì quá tốt...sau khi chọn được đất tiến hành xây cất trước khi xây cất ta cũng làm lễ và chọn ngày giờ cẩn thận.

Không bốc mộ vào ban ngày

Thông thường sau khi chọn được ngày bốc mộ, người Thày cũng cần phải xem giờ bốc mộ cho thân chủ. Tùy theo giờ tốt mà bốc, nhưng theo các cụ xưa thì việc bốc mộ phải làm vào BAN ĐÊM để tránh cho xương cốt gặp ánh sáng sẽ bị đen đi. Ngày nay nhiều nơi bốc mộ cả ban ngày, thậm chí 12 giờ trưa. Việc kiêng kỵ này cũng không có đúng/sai, tuỳ vào phong tục địa phương để tiến hành bốc cốt. 

Tuy nhiên, về khoa học, ban đêm với tiết trời lạnh lẽo là lúc thích hợp nhất để đưa lên một thi thể đang hoặc đã phân hủy, chứa nhiều khí và vi sinh vật độc hại, rất có khả năng gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến bệnh tật, thậm chí dịch bệnh cho con người. Nếu chuyện này được làm giữa trưa nắng vào một ngày hè thì những nguy cơ và rủi ro sức khoẻ hẳn sẽ tăng lên đáng kể.

Khi bốc mộ, người ta sẽ đào tới nắp ván thiên và để đấy. Sau đó đúng giờ tốt mới bắt đầu mở tấm ván Thiên lên ( Tấm ván Thiên là tấm ván trên nóc quan tài) .

Sắm lễ bốc mộ

Trước khi tiến hành bốc mộ, người nhà phải làm một lễ tại Gia tiên để trình báo Tổ tiên. Tại nơi bốc hài cốt ngoài nghĩa trang cũng phải có một lễ cáo yết Quan Thần Linh sở tại. Thông thường là một bộ đồ Quan Thần Linh ( Áo, mũ, ủng ) ngựa và 1000 vàng hoa màu đỏ, giấy tiền vàng bạc, trầu cau, rượu, thuốc, đèn nến, gạo muối. Nhiều nhà còn cúng thêm Tam sinh hoặc xôi, gà trống luộc nguyên con tuỳ theo điều kiện và quan niệm tín ngưỡng của tường gia đình mà lễ lạt có phần khác nhau ....

Vật dụng cần thiết cho quá trình sang cát

Vật dụng cần thiết cho quá trình bốc mộ là một cái tiểu sành, một cái quách đặt làm sẵn, một miếng vải đỏ, một tấm ni lông, vài chai rượu nặng và nước Vang (Còn gọi là nước ngũ vị hương - Đừng nhầm với gói ngũ vị hương để nấu Ca ri - Gói Vang có bán sẵn ở tiệm thuốc Bắc), một vài cái xô, chậu nhựa để rửa xương (bây giờ còn chuẩn bị cả dao sắc phòng khi thịt chưa tan hết thì róc, nghĩ thôi cũng đã tội lắm rồi, các gia đình không nên làm như thế, nếu xương cố chưa tan ta có thể đưa đi hoả thiêu hoặc người bốc cốt sẽ có mẹo để thịt tan hết. Đừng dùng dao róc mà phải tội).

Phần lớn việc bốc mộ diễn ra vào lúc nửa đêm, tuy nhiên tốp thợ thường phải thức trọn đêm cùng gia chủ làm công việc chuẩn bị như cúng bái và chuyển hài cốt sang mộ mới. Trung bình để bốc xong một ngôi mộ, mỗi tốp thợ phải làm việc quần quật suốt hơn một tiếng đồng hồ. Trước khi đào, họ phải xác định vị trí huyệt thật chính xác (ngày xưa thì chính tay con cháu phải đích thân làm, nhưng giờ thời thế thay đổi, con cháu bây giờ cũng ít người nắm rõ được việc bốc mồ mả như nào vì vậy công việc bốc mộ thường là do những người chuyên môn bốc mộ đảm nhiệm.

Quá trình sang cát

Khi ván thiên được cậy ra, người ta phải đổ vài chai rượu có nồng độ cao vào quan tài để tẩy rửa âm khí sau đó mới tiến hành lấy cốt. Khi đã nhặt hết cốt, rửa sạch bằng nước vang (ngũ vị hoặc rượu), người bốc sẽ trải tấm vải đỏ vào trong lòng tiểu và lần lượt xếp xương theo thứ tự nhất định. Riêng hộp sọ phải dùng trà hoặc vải kê để cho mặt hướng lên trên. Mọi mẩu xương phải kiểm tra cho đủ, không được phép thiếu.

Có một cách mà dân gian thường sử dụng để kiểm tra đó là: sau khi “đãi cốt” xong sẽ cắm một bó hương to giữa lòng đáy huyệt, nếu làn khói quyện lại, bay thẳng lên có nghĩa đã hết cốt, nếu làn khói tỏa xuống, lởn vởn trong lòng huyệt có nghĩa là xương cốt của người chết chưa hết, cần phải kiểm tra lại.

Có trường hợp thiếu cốt thì con cháu sẽ sinh đau bụng hoặc nhiều chứng bệnh hoặc người chết sẽ báo mộng để con cháu biết. 

Khi bốc mộ không cho trẻ em đến, những người đang bệnh hoặc có sức khỏe yếu không nên cho đến gần. Người bốc mộ cần phải đeo khẩu trang kĩ lưỡng, đeo bao tay, mang ủng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Kết luận:

Mọi sự cốt nhất ở chữ Thành Tâm Thành Ý, Cầu nguyện chư vị nhớ ơn tiên tổ lấy việc tâm linh tín ngưỡng thế gian để răn dạy chính bản thân mình sống có đạo lý đồng thời đó cũng là bài học hết sức thiết thực cho con cháu sau này. 

Hãy nhớ rằng: Số của hồn phách bay theo thời trong ngày, ngày trong tháng, tháng trong năm, năm trong thập kỉ, thập kỉ trong thế kỉ. Tuần hành chu nhi không ngừng. Hạ chí, đông chí cũng là cái mốc cực mà thăng giáng. 

Tamlinh.org (tổng hợp)