Người sống ở trên cõi đời tạm bợ này, tất cả đều có số mệnh của nó, tốt xấu âu cũng phải xem đời trước ra sao. Chuyện ma quỷ là điều mà với khá nhiều người sống ở thế giới hiện đại này tưởng chừng như đó là hoang đường, nhưng đâu đó vẫn có những câu chuyện tâm linh huyền bí đến rợn người, mà phải đến khi trực tiếp nghe từ người trong cuộc thì mới thấu được sự đời nghiệt ngã.
Ông Út Lượm là một người chuyên hành nghề bốc mộ và khâm liệm lâu năm ở Phụng Hiệp, đã giúp cho nhiều gia đình không may có người chết, được đưa tiễn người thân về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông ta đã làm công việc ấy suốt mấy chục năm qua, nó giống như một cái duyên mà ông trời đã sắp đặt sẵn, đến ngay cả người ngoài cuộc như tôi cũng không thể nào hiểu nổi được.
Tìm đến ngôi nhà cũ kĩ của ông Út, tôi mới xót xa khi nhìn thấy nơi ông sống chỉ là một cái chòi vịt nhỏ nằm sát mé sông trong một vùng thôn quê hẻo lánh. Thoáng thấy bóng dáng một người đàn ông già nua đang nằm tựa lưng trên một cái ghế tự chế trước chòi vịt, tôi cẩn thận nghiêng nhẹ mái đầu, chào hỏi rồi mạnh dạn bắt chuyện. Chuyến đi tìm hiểu về tâm linh lần này của tôi không có quá nhiều thú vị như những người bạn tôi đã tưởng tượng, mà ngược lại thì đó là một trải nghiệm đáng nhớ.
Hai bác cháu vừa gặp nhau đã sớm trở nên quen thuộc như thể những người tri kỷ lâu năm, chú Út Lượm kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện kỳ bí mang đậm cái chất tâm linh vùng sông nước, nó… như muốn in sâu vào trong trí nhớ của một thanh niên trẻ như tôi, cái khắn khít, cái cởi mở và mến khách đặc trưng của xứ người miền tây nam bộ luôn luôn có một cái gì đó thật thân thương. Vì để cho thân mật hơn, tôi đã gọi ông Út Lượm bằng chú Út.
Nói đoạn, tôi tò mò hỏi:
- Chú sống với cái nghề khâm liệm và bốc mộ như vậy rồi… chú Út có tin vào chuyện ma quỷ không?
Chú Út Lượm dù tuổi đã cao, nhưng chất giọng vẫn cứng cáp và có phần trầm bỗng, nghe rất hay, chú nhẹ nhàng đáp lời tôi bằng chất giọng đặc sệt của miền tây nam bộ:
- Chèn đét ơi! Mày viết truyện ma mà mày còn đi hỏi mấy ông già làm nghề này như chú là có tin hay không nữa sao con.
Chú ho vài cái rồi lại nói tiếp:
- Hừm! Cái nghề này là truyền từ thời ông Nội của tía chú đó bây, tính ra cũng đã qua mấy đời rồi, chú Út bây ngày xưa cũng không tin vào chuyện ma quỷ gì đâu, nhưng mà cái số của mấy người hổng có tin thì sớm muộn rồi cũng sẽ có ngày phải tin thôi mày ơi.
- Thiệt vậy hả chú Út?
- Chớ sao nữa mậy, tao sống hơn nửa đời người rồi, tao biết tuốt hết trơn hết trội á!
Tôi hí hửng:
- Vậy… vậy chú kể con nghe vài chuyện đi, trời mẹ ơi, con khoái nghe chuyện ma ở vùng sông nước quê mình lắm.
Chú Út nhoẻn miệng cười rồi đáp:
- Cũng lâu lắm rồi không có ai đến thăm, bình thường hay có mấy ông mấy bà mạnh thường quân đến cho quà lắm, mà cấp này hông thấy nữa, nay có bây dìa đây thăm tao nên tao cũng vui trong lòng.
Nghe chú Út nói đến đây, tôi lại càng thương chú nhiều hơn, rồi lại thầm cảm ơn người đã chỉ đường cho tôi tìm được chú để có được một chuyên đi thực tế đầy ý nghĩa như vậy.
Chú Út trầm ngâm ngồi kể lại:
- Nhớ cái hồi còn chưa giải phóng, chú Út của bây đi theo ông già mần ruộng, mà hễ nghe tiếng máy bay là chạy cà hụp cà hụp đi tìm chỗ trốn, vì sợ bị bom tụi giặc nó nổ cho chết. Ui cái thời đó bơm đạn dữ lắm. Hầu như ngày nào cũng có người chết, mà xóm thì có mỗi nhà của chú Út bây là làm nghề khâm liệm thôi, bởi vậy mà từ nhỏ chú hay đi theo ông già và ông nội xem, rồi cũng từ đây mà chú bây mới lần đầu tin vào chuyện tâm linh.
Chú Út bưng cóc trà bên cạnh hóp một hơi rồi kể tiếp:
- Năm đó tao nhớ hổng lầm thì năm đó là năm tao mười hai tuổi, bữa đó đi theo ông già để xem ổng đi khâm liệm con người ta. Lúc đang liệm mấy bộ đồ trong quan tài, tự nhiên hôm đó hứng lên rồi lén lấy đồ người ta mặc lên. Đã vậy còn chê
"Bộ đồ xấu de kêu luôn vậy mà đem chôn cho bã, rồi bã chê bã dìa bã đòi mạng đó tía"
Ông già của chú Út bây mới chửi:
"Thằng cha mày, bộ đồ để liệm người chết mà mày mặc làm chi đó? Cởi ra đưa đây, mày mà quậy rồi ăn nói linh tinh là tao gửi mày cho má mày luôn đó, nghe chưa Lượm"
- Vậy đó, vừa mới dứt lời là tao đứng như trời trồng luôn, tao nhớ như in lúc đem xác của bà thím hai này bỏ vô quan tài là bã bận bộ áo bà ba màu tím rịm, đến khi nghe ông già chửi xong là tự dưng con mắt nó cứ giật giật hoài à, rồi sau gáy nó cứ lành lạnh, mắt tao đảo khắp vòng, chớp mắt cái đã thấy nguyên một người phụ nữ mặc đúng bộ bà ba màu tím đang đứng lấp ló ngoài vườn chuối, phần vì nhà ở cập bên vườn chuối nhà của cái bà thím đó, nên cũng dễ thấy, lúc thấy cái bóng bã đứng nhìn ở xa xa nhìn dô trong chỗ cái quan tài mà chú Út bây sợ xanh mặt, cái bộ đồ bà ba tao mặc của bã cũng chính là bộ bã đang mặc trong chiếc quan tài, đêm đó chú mơ thấy bã cả đêm không ngủ được. Hễ cứ nằm xuống là thấy bã mặc nguyên bộ đồ bà ba màu tím treo tòn ten trên trần nhà rồi cười lên khanh khách.
Nghe đến đoạn này, tôi lại hỏi chú Út tiếp:
- Trời phật! Có thiệt hôn chú Út? Rồi sau đó như nào nữa chú?
Chú Út quạu quọ:
- Bà dịch vật mày! Tao có kể xong đâu, ngồi nghe tiếp đi, mày lanh chanh quá hà.
- Hì hì, dạ… con nghe đây.
Chú Út Lượm lại thở dài rồi nói tiếp:
Mấy ngày sau đó, chú không nhớ gì luôn bây, cảm giác như vừa có một giấc ngủ dài vậy đó, mà lúc tỉnh lúc mê bất chợt thôi. Thời gian sau đó nữa, nghe ông già có kể lại là chú bị vong của bà Tư Kiều nhập (là cái bà thím mặc áo bà ba màu tím), ông già của chú Út bây sợ quá mới đi lên xóm trên nhờ ông thầy Ba, nhờ ổng trục vong bà Tư Kiều ra khỏi người chú.
Bởi đúng là chuyên ly kỳ, người ta thường hay nói rằng mấy người bị vong nhập, cứ mỗi lần xuất ra là mệt lắm, nhập càng lâu thì xác người bị hành càng mệt, nếu cứ bị hoài như thế, có khi còn bị hành cho đi theo ông bà ông vải luôn chứ không thể nào đùa được. Lúc bấy giờ, nhìn bộ dạng gầy nhôm của chú Út Lượm mà tôi cũng không mấy ngạc nhiên khi nghe chú kể chuyện chú bị vong người âm hành xác.
Tiếp tục lắng nghe lời chú Út Lượm kể…
- Lúc mà nhờ ông thầy Ba qua trục vong đi, thầy Ba cũng cực lắm mới đuổi nó đi được, vì vong nó bảo là thằng Lượm (tức là chú Út Lượm) nó láo xược với người ta, nên người ta ghét, người ta mới hành nó. Giờ nhớ lại mà chú Út bây còn rùng mình nữa đây nè, mà chưa đâu, còn nhiều cái nó khủng khiếp lắm bây ơi. Hông biết bây tin hông chứ, cái hồi mà chú còn đi làm nghề bốc mộ á, có lần chú đi qua tận bên Đồng Nai bốc mộ dùm người ta, mà xui quẩy bốc trúng mộ có nguyên cái mương bên cạnh, nước nó tràn vào, vậy là bốc đâu có hết được mộ người ta đâu. Y như rằng, đêm đó nó theo dìa tới tận nhà, rồi nó gõ cửa, đang đêm thiu thiu nằm ngủ thì nghe tiếng ai khóc ngoài hiên nhà.
"Tóc, trả tóc tao… đầu tao, đầu của tao… mày trả cho tao điii…"
Chú Út lại bần thần kể tiếp:
- Vậy là chú bây lại lật đật xách đèn ra mộ của người ta, giữa trời khuya lạnh muốn thấu xương mà dám lội xuống mương mò bộ phận lại rồi đem trả cho nó đó. Mà bây biết sao mà chú nghèo như dị hôn? Cũng là do làm cái nghề bạc mệnh này đó con, nhưng mà kiểu như cái số phần nó an bài như vậy rồi, thì coi như cái nghiệp kiếp trước chú trả chưa xong nên giờ mới trả tiếp cho đến lúc chú nằm xuống.
Nghe đến đây, tôi lại càng cảm thấy thương chú Út Lượm nhiều hơn, đến tuổi xế chiều mà còn đơn chiếc, không ai nương tựa, nhưng qua đó tôi cũng khâm phục chú, bởi chắc chắn là ít ai có can đảm mà làm mấy cái nghề mai táng và bốc mộ lâu năm được như chú.
-End-
Đường Hải Long