Tôi xin phép được bỏ qua khoảng thời gian một năm tiếp theo, vì cũng không có sự tình gì xảy ra lúc đó, rất nhanh liền đến ngày chuẩn bị cải táng cho bà.
Quê tôi có một mùa gọi là mùa cải táng
Mùa này rơi vào khoảng tháng 10 âm lịch, khi trời bắt đầu se lạnh và ngoài đồng cỏ đã úa vàng. Chính xác thì nhà tôi vừa tổ chức bốc dọn vào tuần trước, công tác chuẩn bị kéo dài từ cách đó mấy tháng, ngày giờ đều đã định, chỉ đợi con cháu tề tựu đầy đủ là tiến hành lên nhà mới cho bà.
Hôm trước ngày hành lễ, nhà tôi có ra mộ gọi bà, mẹ tôi bảo để bà xem con cháu phương trưởng báo hiếu thế nào. Rước bà về nhà, gặp mặt họ hàng làng xóm một lượt nữa, vì hôm sau là nhà tôi là cỗ lớn, mời hết thân bằng cố hữu tới dự, từ đợt giỗ đầu tới nay, đây là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng bà được gặp đông đủ mọi người. Các anh chị tôi cứ nói nhỏ với nhau là biết làm sao được bà về hay không, cái này chỉ là thủ tục trong quan niệm thôi.
Bác cả tôi bảo bà sống khôn chết thiêng, kiểu gì ngày này cũng về với con cháu.
Mà đúng là bà tôi về thật.
Ngày còn sống, bà ngoại có nuôi một con chó đen, bà đặt tên nó là Vàng vì quý như cục vàng vậy, lúc bấy giờ nó mới được gần một tuổi, hiện tại nó đã sáu tuổi, lớn tướng và rất khôn lanh.
Nhà làm cỗ, con chó lên đầu hè dãy nhà ngang nằm, bình thường nó hay sủa người lạ, kể cả con cháu mà ít đến là nó cũng sủa. Hôm đấy khác khứa đông, người ra người vào liên tục, thế mà con chó chỉ nằm yên, đầu gối lên hai chân trước, mắt nhìn vào trong gian thờ. Nơi đó ngày trước là phòng của bà. Mà kỳ lạ ở chỗ, cứ một lát con Vàng lại ngẩng đầu quẫy đuôi, kiểu như có ai gọi tên nó, nhưng mọi người đều bận, đâu có ai để ý đến nó gọi làm gì.
Bác tôi thấy thế, bảo là nó nhìn được bà về, chó nhớ dai lắm, chủ đi bao nhiêu năm về nó vẫn nhận ra, ngày trước bà nuôi nó thế nào, giờ nó cứ y vậy mà theo. Không sủa đã đành, con Vàng suốt buổi còn không thèm ăn cơm, tôi đem cơm đến nó cũng không ra mừng, một mực nhịn đói đến tối.
Mẹ nói là chắc bà cho nó ăn rồi, nhịn cả ngày không kêu ca gì, chỉ khi nhà tôi chuyển mộ xong mới thấy nó rời khỏi hiên, đi tới chỗ góc bể nằm hướng mặt ra cổng. Chắc nó thấy bà đi nên ngồi đó ngóng, khéo trong nhà tôi nó là đứa duy nhất được gặp bà, bao nhiêu năm rồi nó vẫn ngóng bà về, đến hôm đấy xem như được toại nguyện.
Người xem giờ cho nhà tôi phán rằng, động thổ vào đầu giờ chiều là đẹp nhất, thế là hơn 1h30 nhà tôi liền xuất phát ra mộ. Ngày xưa người ta cứ quan niệm bốc mộ phải làm vào ban đêm, tức là lên nhà mới cho người âm phải tổ chức buổi tối để không bị trùng với việc của người sống. Bây giờ mấy quan niệm đó đã bị bỏ đi hết, người ta làm vào giờ nào trong ngày cũng được, hơn nữa làm lúc buổi sáng lại thuận tiện hơn là làm lúc nửa đêm canh ba.
Nghi thức đầu tiên là động thổ nhà mới
Có một thầy cúng sẽ đọc bài khấn thổ công, đốt sớ hay như ông ấy gọi là hộ khẩu mới của bà tôi, hú hồn bà về cho thổ công nhận mặt. Con cháu mỗi người một mảnh khăn tang trên đầu, mẹ và bác tôi ngồi vừa chắp tay vái vừa đọc kinh, tới lúc bắt đầu hạ xẻng thì vái ba vái.
Bên thi công là chái trai của bà đứng ra động thổ, anh tôi nghe thầy cúng đánh ba tiếng kẻng báo hiệu rồi mới bắt đầu xúc. Nhà mới của bà nằm trong khu nghĩa địa quy hoạch, xung quanh mộ xây thẳng tắp, hàng nối đâu vào đấy rất đẹp.
Thầy cúng bảo anh tôi để cho thợ xúc người ta làm, giờ phải sang bên mộ cũ của bà, đến giờ khai quan rồi. Nói luôn là bên mộ cũ đó nhà tôi đã cho người xới đất lên từ sáng, quan để dưới lòng đất lâu như vậy, nếu không đào trước để thoát bớt âm khí thì đến lúc khai quan mùi sẽ rất nặng. Bên đó các bác đã căng bạt và che chiếu hưứng Tây đầy đủ cả, che chiếu là để mặt trời đỡ rọi vào quan, dù hôm đấy không có nắng nhưng nhà tôi vẫn cử hành cho đúng thủ tục.
Đất dưới mộ rất khô, nguyên một tầng đất sét dày 3m, mọi người đoán là trong quan mở ra sẽ không có nước đọng. Thầy cúng cắm một bó nhang to trên đầu mộ, lại khấn thên một bài, đại loại là đủ ngày đủ tháng, con cháu tề tựu về đây, mở cửu mả đề nhìn bà lần cuối. Đấy cũng được coi như lại mặt người đã khuất trước khi đào sâu chôn chặt. Con cháu mỗi người một nén cắm vào cạnh bó nhang to của thầy cúng, sau đó đứng thành hai hàng trên miệng huyệt, chuẩn bị xem nắp quan mở ra.
Đinh đóng ván đã rỉ từ lâu, hai anh họ tôi đứng mỗi người một bên, lần lượt bật hết các góc quan lên. Lúc đó trong nhà đã có người không chịu được phải bỏ ra xa, dù quan đã phơi nửa ngày nhưng bên trong vẫn bịt kín, vừa tháo đinh một lát liền có mùi yếm khí thoát ra. Anh con bác trưởng cầm cây móc sắt, khèo vào đầu ván, chuẩn bị nghe thầy cúng hô là bật nắp lên. Vì lần đầu chứng kiến nên tôi có phần hơi sợ, cũng không tưởng tượng được bên trong kia sẽ như thế nào.
Thầy cúng khấn xong, mọi người vái lạy, ông ấy cầm cái kẻng gõ lên một tiếng, miệng hô: “Khai”.
Ngay lập tức anh tôi gồng mình kéo nắp quan ngửa lên, những người xung quanh giờ chỉ còn toàn thanh niên, mẹ và các bác đã lùi hết lại phía sau khấn vái. Tình hình bấy giờ tương đối kinh người. Đầu tiên là nắp ván ngửa lên, mặt trong đã mốc xanh mốc đỏ, từng đám dày cộm bám chồng chéo lên nhau, tôi nhìn mà không nhịn được rùng mình. Tiếp theo là tới bên trong mộ, người đầu tiên nhìn vào là anh con bác hai, trước cả khi mọi người định thần, anh đã kêu lên:
“Chưa róc, vẫn còn nguyên.”
Một câu đó thôi mà toàn gia tôi sợ khiếp người, lập tức các mẹ các bác bắt đầu khóc lớn, mỗi người một câu than trời than đất, bà tôi khổ quá, tới năm năm rồi mà vẫn không được sạch sẽ. Tôi cũng sợ mà lùi lại, không dám nhìn xuống dưới huyệt ngay lúc đấy. Bác tôi bảo anh đậy nắp quan lại, gia đình hội ý một chút đã.
Bên cạnh các mẹ vẫn đang khóc thảm, các bố bảo nhau xem vừa thấy cái gì. Anh con bác hai làm như chắc chắn lắm, quả quyết là thấy người bà vẫn phồng như còn da thịt bên trong, với cả một phần do đất ở đây khô nên thịt khó tan hết. Bác cả cũng thấy một ít, bác bảo là đã sạch được đầu rồi, tức là lúc bác nhìn chỉ còn mỗi sọ thôi. Các bác khác người thì nhìn thấy tay bà vẫn còn dính đốt, người thì bảo quần áo bà vẫn khô nguyên, không ai dám chắc là bà đã sạch hay chưa.
Một bác còn bảo, nếu chưa sạch thì đóng nắp lại, thuê một chuyến xe xuống lò hỏa thiêu ở Hải Dương mà đốt, đem tro về chôn xuống mộ là xong. Các mẹ nghe thế thì các khóc to hơn, làm vậy bà sẽ nóng với đau đớn lắm, nhưng giờ đã mở quan ra rồi, đóng lại chôn tiếp không được nữa. Cùng lúc đó, nhà tôi chạy đi mời một bác chuyên bốc dọn đến, hỏi xem bây giờ phải làm thế nào.
Bác ấy bảo cứ mở nắp lên trước đã. Một lần nữa anh họ tôi lại kéo nắp quan ra, mọi người xúm vào nhìn, dù có sợ cũng vẫn phải nhìn, để tận mắt rõ được là bà đã sạch hay chưa. Tôi cũng lấy can đảm nhìn, dù nói là người thân, nhưng không nhất thiết là tất cả mọi người đều không được sợ. Bà tôi mặc chiếc áo len màu nâu sáng, quần tọa đen, tay xỏ găng, chân đi hài, lúc đó tôi mới thấy đầu bà chỉ còn lại xương, da thịt đã tan hết, mà xương cũng thuần một màu đen.
Bác chuyên bốc dọn kia liền bước xuống mộ, vạch tay chân bà ra xem, vài anh chị đứng trên ngó theo, thấy màu trắng vàng liền bảo thôi đúng rồi, bà vẫn chưa róc hết. Tiếng các mẹ một lần nữa lại vang lên, cả một vùng nghĩa địa tràn ngập những tiếng kêu khóc ai oán.
Nhưng mà bác kia bảo không việc gì, chỉ là chỗ đất này khô quá nên da thịt khó tan, chứ róc thì đã róc hết rồi. Bác ta trèo lên huyệt, bảo anh tôi nhóm một đống lửa lớn, nấu nước lá thị mà đổ vào, đổ ngập hết mộ, để qua vài phút thì có thể lấy xương ra rửa.
Khoảng 30 phút sau khi đổ nước lá thị, bác kia mới bắt đầu xuống mộ lọc xương.
Mọi người bấy giờ đã bình tĩnh lại, mỗi người một chân một tay, đỡ xương, lấy nước thơm mà ngâm rửa sạch sẽ, được phần nào thì xếp vào tiểu phần đấy. Quá trình đó tôi chứng kiến được một nửa, cảm giác quả thức khó tả, mà tôi cũng phục cái bác chuyên bốc dọn kia, trong mộ nước đầy như thế, bác đi ủng vào rồi đứng xuống nước, lựa chân không để dẫm vào bộ phận nào của hài cốt. Chỉ với găng tay mà bác ta mò xuống mộ, lấy lên những phần cốt đã róc hoặc chưa róc, chỗ nào đã róc thì cho vào chậu nước thơm, chỗ nào chưa, bác lại tách xương thịt ra, tuốt đi tuốt lại đến khi sạch thì thôi.
Vừa làm bác chuyên bốc dọn nói, bà tôi thế này là dễ rửa đấy, có những lần bác bốc phải mộ còn chưa tách thịt, phải dùng cả dao để lạy thịt ra. Làm nghề này trên người nặng mùi tử khí, nếu mà muốn sống lâu, phải là người có tâm, làm đến nơi đến chốn sạch sẽ. Tôi nghe nói thân nhân của những người này thường rất phát đạt, giống như là người âm họ báo ơn cho vậy. Nhưng mà trước khi được hưởng phúc ấy, họ chắc cũng chịu bao phen khốn đốn, thần kinh cũng rắn rỏi lắm mới trụ được cái nghề này.
Bằng chứng là trong một làng giỏi lắm chỉ có khoảng bốn người biết bốc dọn, hầu như đám nào cũng đến tay họ, thường xuyên đối mặt với mồ mà như vậy, nếu không có tâm lý vững vàng, chắc chẳng ai dám làm. Còn cả vợ con người đó, thường thì nếu chồng làm nghề làm, vợ kiểu gì cũng sẽ phụ theo, nếu không sẽ khó mà sống cùng nhau được.
Đấy là còn chưa kể vấn đề tâm linh tín ngưỡng, có khi đi bốc dọn xong về bị vong ám, chuyện đó không phải là không có, quan trọng là ở cái tâm của người làm nghề này, phải tự nhủ là mình không làm thì ai làm, rồi con cháu mình về sau được hưởng lộc, làm ít làm nhiều cũng vì chút phúc đức đó mà thôi.
Phải mất đến ba tiếng đồng hồ mới mò hết xương và rửa sạch cốt cho vào tiểu.
Đúng là không đến mức khó làm, các anh tôi đứng ngoài đỡ xương đều bảo, bác kia nhấc lên hàng tảng, xong lọc ra từng cái đầu xương một, bóp cho nát thịt rồi mới để sang một bên. Xương thịt cũng róc hết rồi, chỉ cần rút ra là được, bác ấy làm cẩn thận không sót phần cốt nào của bà nên mới bới đi bới lại đống thịt.
Có những đốt tay đốt chân nhỏ xíu, sờ mà không khác gì viên sỏi, bác ấy phải soi lên chỗ sáng mới phân biệt được. Thịt chưa tan mà vẫn có những phần xương đã mục nát, động nhẹ cũng mủn ra, quả thực phải rất cẩn thận mới giữ nguyên vẹn hết những mảnh cốt đó.
Xong xuôi rồi mọi người lại qua nhìn bà lần cuối, từ nay về sau sẽ đào sâu chôn chặt, vĩnh viễn không còn thấy lại nữa. Mẹ và các bác tôi liền khóc bà, giống như hồi bà mới mất, nào mẹ bỏ con năm năm trời bơ vơ, không ai đưa đường chỉ lối, bọn con biết đi đâu về đâu, rồi từ này không được thấy mẹ trên đời nữa, đau lòng con lắm mẹ ơi. Tôi nghe mà không kìm được nước mắt, ngày bà còn sống tôi không được ở cạnh bà nhiều, chăm sóc chưa được bao lâu thì bà đột ngột mất, nghĩ mà lòng cũng đau lắm.
Tiếp theo thầy cúng chỉ đạo đóng nắp tiểu, con cháu khiêng bà lên, đi thật chậm và cẩn thận, không để tiểu bị xô đẩy, đưa sang nhà mới cho kịp giờ. Ông ấy cầm bó nhang đi trước dẫn đường, vừa đi vừa hú hồn thật lớn, anh con bác trưởng cầm bó đuốc dẫn đường, làm như lễ đưa vong về nhà vậy. Tới mộ mới, anh tôi luồn dây thừng xuống dưới tiểu, theo lời ông thầy cúng đang khấn hương hồn bà tôi mà từ từ hạ tiểu xuống.
Chạm đáy rồi thì một người xuống dưới huyệt nghiêng đầu tiểu rút dây thừng ra.
Thầy cúng bảo mọi người biếu cụ tiền mừng tân gia đi, sau đó mỗi người nhặt một nắm đất bỏ xuống mộ, tỏ chút lòng thành trước khi lấp huyệt. Vẫn có tiếng khóc trong đám đông, thầy cúng bảo bà về nhà mới phải mừng chứ không được khóc, sau đó ông ấy lấy mấy cái bát đập ngay cạnh huyệt để thay cho tiếng pháo nổ.
Tới lượt các con trai, con rể bà lần lượt lên xúc xẻng lấp mộ, bố tôi cũng xúc mấy xẻng, sau đó vái ba vái coi như chào bà lần cuối. Đến khi mộ đã lấp, bác tôi dùng lưỡi xẻng đập nhẹ cho bằng phẳng, rắc tiền vàng lên trên để kết thúc buổi lễ. Việc xây mộ chưa tiến hành ngay hôm đó, phải đợi cho đất khô, bấy giờ mới có thể đổ bê tông và đắp gạch lên. Nhưng hiện tại việc bốc dọn và chuyển nhà cho bà đã tương đối hoàn tất.
Nhà tôi cho người lấy quan tài cũ lên, đem tất cả quần áo và ván gỗ của bà ra hong ráo nước, tiếp theo tẩm dầu và chúng đốt đi. Đây là một cách thông báo việc bà hết hộ khẩu ở chỗ cũ, từ giờ có thể yên ổn về nhà mới. Hoàn tất rồi tôi liền theo chân mọi người trở về nhà bà ngoại, lúc đó trời đã sẩm tối và trên đồng gió lạnh thổi qua hun hút.
Trải nghiệm của tôi dừng lại ở đây, lần đầu tôi được biết đến một thế giới tồn tại song song với cuộc sống của mình, càng tìm hiểu tôi càng thấy những chuyện tâm linh thực chất cũng bắt nguồn từ chính cuộc sống này mà ra. Trần sao âm vậy, những người chết đi ở thế giới này, họ sẽ lại sống ở thế giới khác, có khi là ngay bên cạnh chúng ta, vô tình hoặc hữu ý can thiệp vào cuộc sống mà chúng ta không biết.
Hết.
Đọc trọn bộ:
Bản quyền thuộc về tác giả Tống Ngọc