04/06/2021 11:50 View: 6735

Cõi Trung Giới là gì: Cấu tạo, ai sống trong Trung Giới?

Cõi Trung Giới là gì? Nó được cấu tạo như thế nào? Những ai sống trong đó? Những hiện tượng nào mà có ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta? Để tìm hiểu sâu xa hơn, Tamlinh.org xin mời các bạn đọc phần nội dung dưới đây.

trung gioi, dia phu

Nội dung của bài viết này nhằm tóm tắt lại những điểm chính mà những cuốn sách “Cõi vô hình” của ông C.B. Leadbeater và “Hành trình về phương đông” của ông Blair T. Spalding đã nêu ra, đồng thời cũng là những hiểu biết mà người viết đã tìm hiểu và trải nghiệm. Hy vọng của bài viết là mong muốn truyền bá những kiến thức này đến tất cả mọi người có một hiểu biết sâu xa và rộng rãi hơn về thế giới sau khi chết, để sẵn sàng đón nhận nó một cách nhiệt thành, chứ không sợ hãi, ám ảnh và lo sợ vì cái chết.

Vậy cõi Trung Giới là gì? Nó được cấu tạo như thế nào? Những ai sống trong đó? Những hiện tượng nào mà có ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta? Để tìm hiểu sâu xa hơn, tôi xin mời các bạn đọc phần nội dung dưới đây.

CÕI TRUNG GIỚI LÀ GÌ? NÓ ĐƯỢC CẤU TẠO NHƯ THẾ NÀO?

Cõi Trung Giới, được biết đến với nhiều tên gọi, như là cõi âm phủ, cõi vô hình, thế giới bên kia cửa tử, thế giới sau khi chết, cõi địa ngục, cõi giới của thế vía, cõi dục vọng, vùng không gian 4 chiều…

Đây là cõi giới mà con người sau khi rời bỏ xác thân, sẽ chuyển qua sinh hoạt ở đây. Ở cõi giới ( hay chiều không gian) này, con người sẽ sử dụng thể vía để sinh hoạt, và thể vía trở thành thể chính của con người lúc bấy giờ (cũng như con người sử dụng thể xác là thể chính khi sinh hoạt ở cõi hồng trần). Khi ta sống ở cõi trần, thể vía cũng hoạt động nhưng không mạnh mẽ khi hoạt động ở cõi Trung Giới.

Cõi Trung Giới được cấu tạo bằng những chất liệu rất khác so với chất liệu của cõi hồng trần, vì vậy mà con người ít khi cảm nhận được nó. Hầu như vật chất cõi Trung Giới ít có liên quan gì với vật chất ở cõi trần. Vì vậy cư dân ở cõi Trung Giới có thể di chuyển xuyên qua các vật chất đặc hay lỏng ở cõi trần, và ngược lại, con người cõi trần cũng có thể đi xuyên qua mọi địa hình của cõi Trung Giới mà không ảnh hưởng tới cõi này. Cõi Trung Giới chiếm 1 vị trí song song với cõi trần, nhưng rộng lớn hơn nhiều. Khi chết, ta bước qua cõi Trung Giới, như là nhảy sang một chiều không gian khác, chứ ta chẳng đi đâu xa so với cõi trần.

“Chúng ta như bị nhốt trong một cái tháp, các giác quan của ta giống như những cửa sổ rất nhỏ, mở ra theo vài hướng nào đó, còn những hướng khác, ta hoàn toàn bị che kín. Nhãn thông hay thị giác cõi Trung Giới mở thêm cho ta một hay hai cửa sổ nữa, để ta có thể thấy được một thế giới mới rộng lớn hơn, nhưng đó chỉ là một phần của toàn thể thế giới mà trước kia ta chưa được biết đến.”

coi trung gioi

CÁC CẢNH GIỚI PHỤ CỦA CÕI TRUNG GIỚI

Cõi Trung Giới gồm có 7 cảnh giới phụ, được sắp xếp từ tầng thứ 7 cho tới tầng thứ 1, trong đó tầng thứ 7 là cảnh giới phụ có cường độ vật chất đậm đặc nhất, và tầng thứ nhất có cường độ vật chất thanh nhẹ nhất. Ở cõi trần chúng ta, tận sâu trong lõi Trái Đất chủ yếu là kim loại nặng, kế đó là các kim loại nhẹ hơn bên ngoài, tiếp theo là đến tầng đất đá, tầng nước và tầng không khí. Khi càng ra xa trung tâm thì mức độ đậm đặc của vật chất càng giảm đi.

Ở cõi Trung Giới cũng vậy. Tầng thứ 7 là tầng nặng nề nhất, chủ yếu tập trung ở bên trong lòng đất, nơi xuất hiện các truyền thuyết về địa ngục, các loài quỷ sứ, tầng 4, tầng 5, tầng 6 tập trung ở quanh khu vực ngang bề mặt và bên trên mặt đất, cư dân ở đây thường có liên lạc với cõi trần thông qua đồng cốt, những lần hiện hình hay báo mộng, tầng 1, tầng 2, tầng 3 tập trung ở khu vực trên cao, và cư dân ở đây thường ít có liên hệ với cõi trần chúng ta.

Đối với cõi trần chúng ta, ở trong lòng đất có những sinh vật như các loại kiến, giun trùn, bọ hung, chuột, rắn...sinh sống, trên mặt đất thì có cây cỏ, các loài thú, con người, trong nước thì có các loài tôm cá, cua ốc, tảo, san hô...trên trời thì có chim chóc, các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng... Ta thấy môi trường nào cũng có các loại sinh vật sinh sống. Ở cõi Trung Giới cũng vậy, trong tầng nào cũng có các loài sinh vật sinh sống, tuy nhiên số lượng loài sinh vật lại phong phú và đa dạng hơn ở cõi trần nhiều.

phim hoat hinh

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Hoạt hình Nhật Bản)

Đa phần tất cả mọi đồ vật, sinh vật ở cõi trần đều có đối phần của nó bên cõi Trung Giới, ta gọi chung đó là thể vía. Ví dụ như nhà cửa ở cõi trần, thì bên cõi Trung Giới ta cũng thấy có nhà cửa bên đó, nhìn bên ngoài gần giống với hình ảnh ở cõi trần, nhưng trông thật hơn, bởi vì khi ta nhìn bằng giác quan thể vía, ta sẽ thấy tất cả các mặt của đồ vật, kể cả chất liệu cấu tạo nên nó, chứ không giống đôi mắt bình thường, chỉ thấy những mặt ở ngay phía trước. Các loài vật cũng có đối phần của nó ở cõi Trung Giới, ta gọi là thể vía của con vật. Thể vía này luôn đi cùng với con vật, cho tới khi nào con vật lìa xác, nó sẽ dùng thể vía này để hoạt động bên cõi Trung Giới.

Con người cũng vậy, cũng có thể vía luôn mang theo mình. Thể vía này quy định những tình cảm, cảm xúc, ham muốn, dục vọng của con người. Người có nhiều cảm xúc tiêu cực, nhiều dục vọng, thể vía của họ sẽ nặng nề, nhìn có màu u ám, xám xịt, đen tối. Ngược lại, người có tình cảm từ bi, yêu thương, an lạc, ít ham muốn, ít dục vọng, sẽ có thể vía đẹp đẽ, sáng bóng, và người lúc nào cũng nhẹ nhàng, thanh thản.

Một người khai mở nhãn thông khi nhìn thấy thể vía của một người có thể biết người đó có tính tình, ham muốn, dục vọng như thế nào, và có thể biết họ tiến hóa ra sao, xấu tốt thế nào.

Thể vía của con người có tính chất liên kết với mọi thứ xung quanh, vì vậy, một người có thể vía như thế nào thì nó cũng có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như thế đó. Thể vía của người hiền lành, từ bi, yêu thương, an lạc sẽ tạo ra một môi trường tích cực, từ đó ảnh hưởng tới những người xung quanh, vì vậy mà khi ở gần họ ta cũng thấy thoải mái, nhẹ nhàng. Còn đối với những người xấu xa, độc ác, thể vía của họ sẽ trở nên nặng nề, đồng thời tỏa ra xung quanh những năng lượng tiêu cực, xấu xa, vì vậy khi ở gần họ ta sẽ cảm thấy một cảm giác bất an, khó chịu.

Khi con người lìa xác, họ bắt đầu cuộc sống mới của họ ở cõi Trung Giới bằng thể vía, và họ cũng sẽ dần học hỏi, tìm hiểu về cõi Trung Giới như lúc mới sinh ra trên cõi trần vậy. Tuy nhiên, được sống ở tầng nào của cõi Trung Giới, còn phụ thuộc vào cuộc sống của họ ở cõi trần nữa. Tùy theo lối sống, tư tưởng khi họ còn ở cõi trần mà khi chết họ sẽ đến những cảnh giới tương đồng, đây chính là định luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

TẦNG THỨ 7

Những người độc ác, chuyên làm những việc xấu xa, những kẻ giết người không gớm tay, những người mổ sẻ, sát hại động vật, những cặn bả của xã hội, những kẻ tư tưởng xấu xa, còn đầy thú tánh …là những người có thể vía nặng nề nhất. Khi rời bỏ thân xác, họ thường bị rơi vào tầng thấp nhất, tầng thứ 7, tương ứng với độ đậm đặc của thể vía và vật chất nơi đây. Vì ở cõi Trung Giới, không có thể xác, hình dáng thường biến đổi theo tư tưởng nên những kẻ thú tánh mạnh mẽ thường mang các hình dáng rất ghê rợn, nửa người, nửa thú. Những người thiếu kiến thức rõ rệt về cõi này cho rằng đó là những quỷ sứ. Điều này cũng không sai sự thật bao nhiêu vì đa số những vong linh này luôn oán hận, ham muốn, thù hằng và thường tìm cách trở về cõi trần. Tùy theo dục vọng riêng tư mà chúng tụ tập quanh các nơi thích ứng, dĩ nhiên người cõi trần không nhìn thấy chúng được. Những loài ma đói khát quanh quẩn bên các chốn trà đình tửu quán, các nơi mổ sẻ thú vật để tìm những rung độngtheo những khoái lạc vật chất tại đây.

Khi một người ăn uống ngon lành họ có các rung động, khoái lạc và loài ma tìm cách hưởng thụ theo tư tưởng này. Đôi khi chúng cũng tìm cách ảnh hưởng, xúi dục con người nếu họ có tinh thần yếu đuối, non nớt. Những loài ma dục tình thì quanh quẩn nơi buôn hương bán phấn, rung động theo những khoái lạc của người chốn đó, và tìm cách ảnh hưởng họ. Nếu người sống sử dụng rượu, các chất kích thích thì ngay trong giây phút mà họ không còn tự chủ được nữa, các loài ma tìm cách nhập vào trong thoáng giây để hưởng một chút khoái lạc vật chất dư thừa, đôi lúc nó còn có thể điều khiển người say rượu, để làm những việc xấu xa và bẩn thỉu mà bình thường người đó không bao giờ làm.

Hơn 4.000 năm trước ở Ai Cập, Scribe Ani đã mô tả cảnh này trên loại giấy làm bằng cây chỉ thảo: “Tôi đã đến một nơi rất kỳ lạ, không có nước, không có không khí, nó sâu thẳm, không dò được, nó tối đen như đêm tối nhất, có những người đi lang thang vô vọng, nơi đây con người không thể sống với tấm lòng yên tĩnh.” Đối với những người bất hạnh ở cõi này, thật đúng là: “Tất cả mặt đất đều đen tối và đầy dẫy cư dân độc ác,” nhưng đó là sự đen tối phát ra từ bên trong con người, làm cho đời sống họ trở thành đêm dài vô tận, đầy khổ sở hãi hùng, một địa ngục thật sự. Dĩ nhiên, một người có đời sống trong sạch, tinh khiết sẽ không lưu ở cõi này, mà thức tỉnh ở một cõi giới tương ứng khác.
Vì không được thỏa mãn nên theo thời gian các dục vọng cũng giảm dần, các nguyên tử nặng trọc cũng tan theo, vong linh sẽ có các rung động thích hợp với một cảnh giới cao hơn và y sẽ thăng lên cõi giới tương ứng.

TẦNG THỨ 6

Tầng thứ 6 là tầng có rung động gần giống với cõi trần nhất, tại đây các vong linh ít còn thèm muốn vật chất như ăn uống, dục tình, nhưng bận tâm với những nhỏ nhen của cuộc sống như thoả mãn bản ngã, ích kỷ, ghen tuông, hờn giận, hoặc còn vướng bận chuyện thế gian như người mẹ chết nhưng vì thương con còn nhỏ nên ở lại giúp đỡ người con, người nhiều tiền của vì ra đi đột ngột nên còn luyến tiếc của cải, tài sản của mình mà ở lại quanh tài sản của mình, tìm cách hù dọa hay ám hại những người có ý định sử dụng hay trộm cắp tài sản đó , những người chết nhưng vẫn còn luyến tiếc cuộc sống trần gian không muốn rời đi…

Đa số có hình dáng giống như người cõi trần, nhưng lờ mờ không rõ ràng. Vì sự rung động của nguyên tử gần giống như cõi trần nên họ hay trở về cõi này, họ thường nhập vào đồng cốt, các buổi cầu cơ, cầu hồn để chỉ dẫn bậy bạ, nói chuyên vu vơ. Vì đa số vong linh khi còn sống rất ham mê danh vọng, chức tước, uy quyền nên khi họ nhập vào đồng cốt, họ thường tự xưng là các đấng này, đấng nọ. Theo thời gian, các rung động ham muốn, các cố chấp về bản ngã, danh vọng cũng tan biến nên họ thăng lên cảnh giới phụ thứ năm.

TẦNG THỨ 5

Tầng thứ năm có sự rung động thanh nhẹ hơn cõi trần nên vong linh có thể biến đổi sắc tướng rất nhanh chóng. Đây là một thế giới với những âm thanh màu sắc lạ lùng dễ bị mê hoặc. Các vong linh ở đây đã bớt ham muốn về cá nhân, nhưng còn ham muốn về tư tưởng, kiến thức. Đây là nơi cư ngụ của những kẻ đạo đức giả, những kẻ bảo thủ nhiều thành kiến, những người trí thức tự phụ, v…v…

Đây cũng là cõi có những sinh hoạt của loài Tinh linh. Loài Tinh linh là những sinh vật vô hình có hình dáng hao hao giống như người. Loài này rất đông đúc ở cõi Trung Giới, mà ta chỉ mới biết được đôi chút, không thể mô tả rõ ràng và đầy đủ chi tiết trong bài viết này.

Đây là loài sinh vật có thể sống trong chất đặc như tảng đá, hay trong vỏ cứng của quả đất. Vì loài tinh linh thiên nhiên được cấu tạo bằng chất liệu cõi Trung Giới, vật chất như đất, đá không làm ngăn trở sự di động và nhãn quan của chúng, và vật chất ở trạng thái đặc là nguyên tố tự nhiên của chúng, do đó chúng đã quen thuộc và cảm thấy như là nhà của chúng. Cũng giống như thế đối với những tinh linh sống trong nước, không khí và dĩ thái.

Trong các kinh sách thời Trung Cổ, những tinh linh đất còn được gọi là thổ thần, thổ địa (gnomes), tinh linh nước là thủy thần (undines), tinh linh không khí là không tinh (sylph), tinh linh dĩ thái hay lửa là hỏa thần (salamanders). Trong dân gian, chúng còn được biết với nhiều tên khác như: tiên nữ, chú lùn, thiện thần, tiểu quỷ, yêu tinh, thần mỏ, thần núi, thần rừng, thần ao hồ v.v…có khi nhiều tên được gọi cho cùng một loại.
Chúng có nhiều hình dạng khác nhau, thường có vẻ giống con người, nhưng nhỏ bé hơn. Giống như hầu hết mọi cư dân cõi Trung Giới, chúng có thể thay đổi hình dạng theo ý muốn. Tuy nhiên, chúng có hình dạng xác định riêng, đó là hình dạng mà chúng ưa thích, nếu không có mục đích nào cần thay đổi hình dạng, thì chúng trở về hình dạng này. Trong tình trạng bình thường, con người không thể nhìn thấy chúng, nhưng nếu muốn, chúng có khả năng hiện hình để con người có thể thấy được.

TẦNG THỨ 4

Tầng thứ tư là cõi của hình tư tưởng. Mỗi tư tưởng con người đều tạo ra một hình tư tưởng xác định, có tính chất riêng. Một người có tư tưởng luôn nghĩ về bản thân mình, sẽ tạo ra một hình tư tưởng luôn lảng vảng quanh mình. Nếu người đó thường xuyên ước muốn điều gì, sẽ tạo ra ở Trung Giới một thực thể luôn luôn sinh động, vì nó tiếp tục được nuôi dưỡng bởi cùng một tư tưởng càng ngày càng tươi mới hơn. Càng được nuôi dưỡng, thực thể này càng mạnh thêm và ảnh hưởng ngược lại người ấy, nó có thể ám ảnh người ấy qua nhiều năm. Nếu là điều ước muốn xấu xa, sẽ gây ảnh hưởng tệ hại đến bản chất đạo đức của người ấy. Nếu điều ước muốn là tốt đẹp, ví dụ như cầu mong người thân trong gia đình được lành bệnh, hình tư tưởng này sẽ bay lượn lờ quanh người bệnh, trợ lực cho người ấy mau chóng bình phục, và che chở cho người đó khỏi ảnh hưởng xấu. Vì vậy, một tư tưởng nào đó, được nhân lên hàng vạn lần, cũng có tác động mạnh mẽ đến những người mà tư tưởng đó nhắm đến.

Chúng ta lưu ý, một khi hình tư tưởng đã được tạo ra, nó trở thành một thực thể sống, có đời sống riêng của nó, có một trí thông minh sơ khai, và thời gian tồn tại của nó phụ thuộc vào sức mạnh của tư tưởng đã tạo ra nó. Nếu sức mạnh này đủ mạnh, và được tiếp sức thường xuyên thì hình tư tưởng có thể tồn tại rất lâu. Một khi đã được tạo ra, hình tư tưởng hoạt động độc lập, không chịu sự tác động của người đã tạo ra nó.

Có ba yếu tố ảnh hưởng đến hình dạng của hình tư tưởng:

  • - Thứ nhất, phẩm chất của tư tưởng quyết định màu sắc của hình tư tưởng. Ví dụ người tức giận thường phát ra những hình tư tưởng có màu đỏ và đỏ cam, người ganh ghét đố kỵ sẽ phát ra hình tư tưởng có màu nâu, người có yêu thương nhau sẽ phát ra hình tư tưởng có màu hồng, người đang thiền định sẽ phát ra hình tư tưởng có màu vàng kim…
  • - Thứ hai, tư tưởng càng rõ rệt thì hình tư tưởng càng rõ ràng. Những người làm việc thiên về trí tuệ hoặc các người tham thiền nhiều có những hình tư tưởng rất sắc nét, rõ rệt.
  • - Thứ ba, bản chất của hình tư tưởng quyết định hình dạng của các hình tư tưởng. Hình tư tưởng của tình thương ban rải cho mọi người có hình bông hoa hướng dương, hình tư tưởng của lòng dâng hiến, cầu nguyện có hình cái cọc nhọn, hình tư tưởng của người tức giận có hình đám mây cùng những tia chớp tua tủa ra xung quanh, hình tư tưởng của người ganh ghét, tỵ hiềm có hình giống một con rắn màu nâu.

Khi một người nghĩ tưởng về ai đó, y tạo ra một hình tư tưởng mang dáng vấp của người đó. Hình tư tưởng này tiếp cận đối tượng mà người tạo ra nó nghĩ đến và lẩn quẩn trong bầu hào quang của người đó. Nếu đó là một tư tưởng tốt lành, nó sẽ khêu gợi những rung động tốt đẹp trong thể trí của người đó. Nếu là một tư tưởng xấu xa, thù hằn, nó cũng sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực cho y. Tuy nhiên, nó chỉ làm điều được điều này khi nó tìm thấy những rung động tương đồng với bản chất xấu xa của nó trong bầu hào quang của người đó. Trong trường hợp nó không tìm được cách để thâm nhập vào đối tượng mà nó nhắm đến, nó sẽ quay ngược trở lại người đã tạo ra nó, giống như một boomerang. Trong trường hợp này, chính hình tư tưởng đó tác động lên người đã tạo ra nó, vì những tương đồng trong bản chất của cả hai. Đây là trường hợp nhân quả báo ứng.

TẦNG THỨ 3

Tầng thứ ba chói sáng, có những rung động nhẹ nhàng. Tại đây có những linh hồn từ tâm nhưng vụng về, những tu sĩ thành tâm nhưng thiếu trí tuệ, những nhà lãnh đạo anh minh nhưng thành kiến. Đây cũng là một cảnh giới của một số thần linh (devas) như Cảm dục thiên thần (Kamadeva), Hữu sắc thiên thần (Rupadeva), và Vô sắc thiên thần (Arupadeva). Các thần linh này có đời sống và tiến hoá cao hơn trình độ của nhân loại.

Tầng thứ ba có đặc tính khác hẳn, con người sống trong những đô thị tưởng tượng của riêng họ. Khác với cõi Thượng Giới, mỗi đô thị này không được hoàn toàn tạo ra do tư tưởng của riêng họ, mà họ chỉ thừa hưởng và thêm thắt vào các cấu trúc được tạo nên bởi tư tưởng của những người đi trước. Nơi đây có nhà thờ, trường học, nhà cửa và nơi cư trú của những người tin tưởng vào “thế giới trường hạ”, thường được mô tả trong các buổi cầu hồn.

TẦNG THỨ 2

Tầng thứ hai hình như đặc biệt dành cho những người có niềm tin cứng nhắc vào tôn giáo, mà không sống đời tâm linh, và tính tình còn ích kỷ. Nơi đây họ đội vương miện bằng vàng và tôn thờ hình tượng vật chất đại diện cho vị thần linh đặc biệt của xứ sở trong giai đoạn họ sống.
Tầng này hình như đặc biệt thích hợp với những nhà trí thức, khi còn sống ở cõi trần, họ hiến mình cho việc nghiên cứu về vật chất; tuy nhiên, ý tưởng của họ không hoàn toàn vì lợi ích cho nhân loại, mà thường do tham vọng cá nhân hoặc chỉ vì muốn cho trí não hoạt động. Người như thế thường ở lại tầng này nhiều năm, họ thật sự vui thú với những vấn đề cần giải quyết bằng trí não, nhưng không làm gì có ích lợi cho người khác; họ tiến rất chậm trên đường lên cõi Thượng Giới (hay còn gọi là cõi trời chân phúc, cõi thiên đường).

TẦNG THỨ 1

Tầng thứ nhất cấu tạo bằng những nguyên tử hết sức thanh thoát, rung động rất nhanh và tràn đầy ánh sáng. Đây là tầng giới mà những người tiến hoá cao, rất tệ nhị không còn dục vọng, ham muốn, lưu lại để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phát triển các đức tính riêng trước khi siêu thoát lên cảnh giới cao hơn. Cõi này là cõi tiệm cận với cõi Thượng Giới, cho nên có nhiều đặc tính gần giống với cõi Thượng Giới.

Ta biết rằng thời gian một người phải ở một cảnh phụ nào của cõi Trung Giới tùy thuộc vào số lượng chất liệu của cảnh phụ đó trong thể vía. Một người có thể vía giống như đang mặc một chiếc áo khoác có 7 lớp vậy. Bảy lớp này có chất liệu tương ứng với chất liệu 7 cảnh giới phụ của cõi Trung Giới. Và số lượng chất liệu này của mỗi lớp trong thể vía phụ thuộc vào lối sống và những ham muốn của họ khi còn ở cõi trần. Một người có lối sống quá độc ác, họ sẽ thu hút nhiều chất liệu của cảnh giới thứ 7 vào thể vía, như thế, sau khi lìa xác, họ sẽ ở cảnh giới thứ 7 lâu hơn. Một người có đời sống trong sạch và thanh cao, không còn ham mê dục vọng, sẽ ở lại cõi Trung Giới rất ngắn, sau đó họ sẽ tiến nhanh qua cõi Thượng Giới.

Đối với người có đời sống hoàn toàn tinh thần, sự kiện nâng cao này có thể đạt được ở tất cả mọi cảnh của cõi Trung Giới; khi rời bỏ xác thân, họ lập tức đi xuyên qua khỏi cõi này và tâm thức họ thức tỉnh trở lại ở cõi Thượng Giới. Như đã được giải thích, không có sự phân chia giữa cảnh này với cảnh kia trên phương diện không gian, mà những cảnh xuyên thấu vào nhau. Như thế, khi ta nói một người đi từ cảnh này qua cảnh kia, không có nghĩa là họ di chuyển trong không gian, mà là sự tập trung tâm thức chuyển từ lớp vỏ bên ngoài vào bên trong.

Như đã được trình bày, ý tưởng về không gian hoàn toàn không áp dụng được ở những cảnh của cõi Trung Giới. Một người đang sống với thể vía ở Anh Quốc có thể di chuyển dễ dàng, nhanh chóng đến Úc Châu hoặc bất cứ nơi nào họ nghĩ đến. Tuy nhiên tâm thức họ không thể chuyển từ cảnh thấp lên cảnh cao hơn, trước khi những chất liệu thuộc cảnh thấp bị loại hết ra khỏi thể vía. Qui luật này không có ngoại lệ; dù trong một giới hạn, con người có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian cư trú ở cảnh ấy.

Mặc dù chiếm cùng một vị trí trong không gian, tầng thứ nhất, nhì và ba gây nên cảm giác như thoát khỏi thế giới vật chất nặng trược. Các cư dân ở những cảnh này không nhìn thấy cõi trần và những vật thể vật chất; họ hoàn toàn chú tâm đến riêng họ và tạo nên môi trường riêng biệt để tránh sự nhận thấy của những thực thể khác và cả những người có nhãn thông. Đây là “vùng đất trường hạ” (Summerland) mà chúng ta nghe kể lại rất nhiều ở các buổi chiêu hồn, và những thực thể từ vùng ấy “giáng hạ” thường diễn tả đúng trong giới hạn mà họ hiểu biết được. Ở những cảnh này, “tinh linh” tạm thời tạo ra nhà cửa, trường học và thành phố theo tư tưởng của cư dân ở đây. Những vật thể này quả “có thật” trong một thời gian, mặc dù với nhãn quan thông tuệ hơn, thấy chúng giả tạm, đáng thương, không có gì đáng thích thú như những cư dân tạo ra nó mong muốn. Dù sao, nhiều sự tưởng tượng đã tạo ra hình thể rất thật và đẹp đẽ, nhưng chỉ tạm thời. Một du khách không biết gì cao xa hơn, sẽ thích thú đi dạo lang thang giữa cảnh núi rừng, hồ ao và những vườn hoa, tất cả đều đẹp hơn nhiều so với cõi trần; hoặc họ cũng có thể tạo ra quang cảnh chung quanh phù hợp với sự tưởng tượng của họ.

Việc mô tả quang cảnh cõi Trung Giới sẽ thiếu sót nếu ta không đề cập đến điều thường được gọi một cách sai lầm là “ký ảnh cõi Trung Giới”, thực ra nó là hình thức vật chất hóa ký ức thiêng liêng, một phản ảnh sống động của mọi sự việc đã xảy ra trong vũ trụ. Thực ra, những ký ảnh ghi khắc thường trực ở một cõi cao hơn nhiều, và chỉ phản ảnh một cách không đều đặn ở cõi Trung Giới. Những người chỉ mở nhãn thông cõi Trung Giới, chưa phát triển loại nhãn thông cõi cao hơn, thì chỉ thỉnh thoảng thấy được những hình ảnh đứt đoạn của quá khứ, thay vì một sự kiện liên tục. Nhưng dù sao, những hình ảnh phản chiếu mọi biến cố quá khứ, thường xuyên lặp lại ở cõi Trung Giới, tạo thành một phần quan trọng của quang cảnh nơi đây cho những người quan sát.

CÁC CƯ DÂN Ở CÕI TRUNG GIỚI

Cư dân cõi Trung Giới là vô cùng phức tạp và phong phú. Có lẽ phương pháp tiện dụng nhất là chia các cư dân sống ở cõi Trung Giới thành ba loại chính như sau: nhân loại, không thuộc hàng ngũ nhân loại, và nhân tạo (phần này chủ yếu là hình tư tưởng do con người tạo ra, nên sẽ lượt qua phần này)

1. NHÂN LOẠI

Cư dân này ở cõi Trung Giới có thể chia làm 3 phần :

  • -Những vị chân sư, đạo sư, những vị đệ tử…có thể dùng thể vía của mình để hoạt động bên cõi Trung Giới, vì mục đích tốt đẹp
  • -Những con người bình thường, những người còn giữ xác thân, nhưng thể vía hoạt động vô thức trong cõi Trung Giới khi nằm mơ; và những người không còn giữ xác thân, hay ta gọi họ là những người đã chết
  • -Những nhà pháp sư, đạo sĩ hắc ám, những người có thể vía hoạt động ở cõi Trung Giới với mục đích xấu xa, nguy hiểm

a. Những vị chân sư, và những vị cao đạo, những vị đệ tử của Chân sư, các nhà ngoại cảm, những nhà nghiên cứu

Đây là những người đã luyện tập khả năng phát triển thể vía, và có thể hoạt động trong cõi Trung Giới với tâm thức hoàn toàn thức tỉnh.
Họ hoạt động bên cõi Trung Giới vì những mục đích tốt đẹp, như giúp đỡ những cư dân bên cõi Trung Giới, là trung gian giao tiếp giữa cõi Trung Giới và cõi trần, hoặc vì mục tiêu nghiên cứu, khám phá cõi Trung Giới.

Thể vía của họ có thể hoàn toàn tách ra khỏi thể xác bất kỳ lúc nào mà họ muốn, và họ hoàn toàn thức tỉnh khi hoạt động trong thể vía. Vì vậy khi họ trở về thể vía, họ hoàn toàn có thể biết họ đã làm gì, không giống như những người bình thường, trong lúc ngủ mê, thường quên đi những điều mình đã làm, đã thấy bên cõi Trung Giới.

Những người có khả năng xuất vía qua cõi Trung giới, hay có những giác quan cõi Trung Giới như nhìn thấy người chết, nói chuyện với vong linh, hay lên đồng...chưa hẳn là những người đã tiến hóa cao. Có thể vì một biến cố nào đó, hay gặp phải một tai nạn nào đó, hay được luyện tập lâu năm, mà những khả năng này tạm thời có được. Nếu không được phát triển về tinh thần thì khả năng này thường sẽ biến mất trong kiếp sau. Vì vậy những thần thông cũng được lâu bền nếu một người có sự tiến hóa cao về linh hồn. Một sự phát triển về thể xác không phải lúc nào cũng đi đôi với sự phát triển về linh hồn, và ngược lại cũng vậy.

b. Những con người bình thường, những người còn giữ xác thân, nhưng thể vía hoạt động vô thức trong cõi Trung Giới khi nằm mơ, và những người không còn giữ xác thân, hay ta gọi họ là những người đã chết.

Lúc thể xác ngủ, người bình thường chưa phát triển khả năng tâm linh, trôi nổi bềnh bồng với thể vía, kề cận với thể xác trong tình trạng vô thức nhiều hay ít. Trong giấc ngủ say, những bản thể cao ngụ trong thể vía, gần như hoàn toàn thoát ra khỏi thể xác và bay quanh quẩn gần thể xác. Đối với người hoàn toàn chưa tiến hóa, trong giấc ngủ họ thường ngủ say trong thể vía.

Một số người có thể vía ít hôn mê hơn, trôi nổi mơ màng theo những dòng lưu chuyển Trung Giới, đôi khi họ nhận thấy những người khác trong tình trạng tương tự, và gặp nhiều kinh nghiệm đủ loại, thích thú hoặc không vui. Khi nhớ lại những sự kiện này, họ cảm thấy thật lộn xộn với những hình ảnh kỳ dị như trong các tranh vẽ hoạt kê (caricature), làm cho họ nghĩ rằng đêm qua họ đã trải qua một giấc mộng lạ lùng.
Người trí thức thuộc những giống dân tiến bộ trên thế giới hiện nay, có những giác quan thể vía khá phát triển. Vì thế, nếu trong giấc ngủ họ đủ tỉnh thức để quan sát quang cảnh thực tế ở chung quanh, họ sẽ học hỏi được ở đó rất nhiều, nhưng trong đa số trường hợp, những người này chưa đủ tỉnh thức. Phần lớn thời giờ trong giấc ngủ, họ bị thu hút sâu xa bởi một tư tưởng riêng về bất cứ điều gì quan trọng nhất trong trí óc trước khi đi ngủ. Khả năng thể vía của họ linh hoạt, nhưng ít khi họ sử dụng được, với khả năng này đáng lẽ họ phải tỉnh thức, nhưng họ không tỉnh thức chút nào ở cõi Trung Giới. Do đó họ chỉ ý thức được một cách mơ hồ, hoặc chẳng ý thức được gì cả đối với môi trường chung quanh.

Thành phần thứ hai là những người đã rời bỏ xác thân, và hoàn toàn hoạt động trong cõi Trung Giới, những người mà ta gọi là đã chết.
Nhưng trước hết, từ “chết” là một lầm lẫn rõ rệt, vì hầu hết các thực thể được xếp loại trong phần này đều hoàn toàn sống động như chúng ta, có khi họ còn sống động hơn chúng ta. Như thế, ta nên hiểu một cách đơn giản, người đã “chết” là người không còn bị trói buộc vào xác thân vật lý.

Sau khi lìa trần, con người phải ở cảnh thấp nhất của cõi Trung Giới, cho đến khi họ trút bỏ hết các chất liệu thuộc cảnh ấy ra khỏi thể vía. Kế đó tâm thức họ tập trung vào lớp vỏ kế tiếp, lớp vỏ này do chất liệu của tầng thứ sáu; nói khác đi, họ chuyển sang cảnh kế tiếp, tức tầng thứ sáu cõi Trung Giới. Ta có thể nói, khi thể vía không còn bị thu hút bởi một cảnh nào, thì phần lớn chất liệu thô kệch của cảnh ấy bị rơi ra, và thể vía có hấp lực với trạng thái sống cao hơn. Trọng lực của nó giảm dần, và nó được liên tục nâng lên từ tầng lớp đậm đặc đến tầng lớp thanh nhẹ hơn, chỉ ngưng nghỉ trong một lúc khi có sự quân bình.

Sự kiện này giải thích lời các vong linh thường nói trong các buổi cầu hồn rằng họ sắp lên một vùng cao hơn, từ nơi đó họ không thể, hoặc rất khó liên lạc qua đồng cốt. Thật vậy, một người ở cảnh cao nhất của cõi Trung Giới, hầu như không thể nào liên hệ được với người đồng cốt bình thường.

Những người còn quá nhiều ham muốn, dục vọng, còn quá nhiều quyến luyến với những chuyện cõi trần gian thường có một quãng thời gian khó khăn trong cõi Trung Giới, và thường họ quanh quẩn trong 1 cảnh giới phụ nào đó. Những người này thường sẽ khó được giải thoát lên cõi giới phụ cao hơn, trừ khi đã giải quyết xong những chuyện còn vướng mắc ở thế gian, hoặc do họ đã dần loại bỏ được những dục vọng mà mình mang theo trong người, cũng có thể họ được khuyên giải bởi những đạo sư, những vị thầy tâm linh, hoặc được người thân cầu nguyện cho một cách chân thành.

c. Những pháp sư, đạo sĩ hắc ám, những người có thể vía hoạt động ở cõi Trung Giới với mục đích xấu xa, nguy hiểm

Những người này cũng có khả năng luyện tập để có thể hoạt động bên cõi Trung Giới, tuy nhiên vì những mục đích xấu xa, điều xấu ác thay vì điều tốt lành, và quyền năng họ có được, thường sử dụng cho mục đích hoàn toàn ích kỷ thay vì cho lợi ích của nhân loại. Cấp bực thấp thuộc hạng này gồm có những thầy mo của các bộ lạc còn dã man, và những người thuộc giống dân da đen Phi Châu, họ thực hành những nghi lễ gớm ghiếc và các loại bùa chú để trù yểm. Kế đến là những nhà hắc thuật Tây Tạng, những vị pháp sư tà ác...họ cao hơn những loại người kể trên về phuơng diện trí thức, vì vậy họ thật đáng trách.

2. KHÔNG THUỘC HÀNG NGŨ NHÂN LOẠI

Ngoài đường tiến hóa của con người chúng ta (từ loài kim thạch lên thảo mộc, cầm thú, con người, Thần Thánh Tiên Phật) thì trong Thái Dương hệ cũng tồn tại rất nhiều đường tiến hóa nữa mà chúng ta ít được biết đến, và hầu như chúng cũng ít có ảnh hưởng đến chúng ta. Và trong cõi Trung Giới, cũng có vài đường tiến hóa mà chúng ta có thể biết ít nhiều, và nó cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống cõi trần cũng như cõi Trung Giới chúng ta.

Chúng ta thường hay nghe nói những loài tinh linh hay chọc phá người khác, hay những vị thần bảo vệ con người như thần đất, thần sông, thần lửa, thành hoàng, những thiên thần hộ mạng, những vị đại thiên thần có tầm ảnh hưởng đến vận mạng và tính cách của đa số nhân loại. Đa số những tinh thần này đều có thật, và họ chỉ hoạt động bên cõi Trung Giới hoặc cõi cao hơn, vì vậy mà chúng ta ít được biết đến về họ, nhưng đôi khi họ cũng có liên quan đến chúng ta trong một số trường hợp.

Một số loại có sự tiến hóa thấp kém hơn con người, một số ngang hàng, và một số cao hơn con người rất nhiều về đức tính cũng như về năng lực. Vài loài có cùng đường tiến hóa với nhân loại, có nghĩa là chúng đã hoặc sẽ trở thành con người; vài loại tiến hóa theo đường hướng hoàn toàn khác biệt với đường tiến hóa của ta.

a.LOÀI TINH LINH TỰ NHIÊN

Có rất nhiều phân loại hay chủng loại tinh linh thiên nhiên, những cá thể trong mỗi phân loại lại khác nhau về trình độ trí khôn và phẩm chất, giống như đối với nhân loại. Phần đông chúng thích lẩn tránh con người, vì con người có thói quen và sự “tiết xuất”(emanations) làm cho chúng khó chịu. Hơn nữa, những dòng lưu chuyển liên tục cõi Trung Giới mang theo những lo lắng, những ham muốn không được kiểm soát của con người làm quấy nhiễu chúng. Mặt khác, cũng có những tinh linh thiên nhiên kết bạn với con người và trợ giúp họ trong khả năng của chúng, như trong những câu chuyện về các thiện thần ở Tô Cách Lan (Scotland), hay những hỏa thần được kể trong các chuyện về thuật giáng ma, thái độ thân thiện này tương đối hiếm.

Trong hầu hết các trường hợp, khi gặp con người, những tinh linh thiên nhiên tỏ ra không chú ý, không thích, hoặc lấy làm thích thú khi dùng những trò bịp bợm trẻ con để đánh lừa con người. Nhiều câu chuyện điển hình như thế được kể lại ở các làng mạc hẻo lánh hay những vùng núi non. Những người thường tham dự các buổi cầu hồn để tìm những hiện tượng lạ, có thể bị chọc phá, thường không có ác ý, điều này cho thấy có sự hiện diện của loại tinh linh thiên nhiên bậc thấp.

Có một sức mạnh lạ lùng trợ giúp tinh linh thiên nhiên trong các trò phá phách ấy, do đó chúng có khả năng làm mê hoặc những người chịu xuôi theo ảnh hưởng của chúng. Khi ấy, nạn nhân tạm thời chỉ nghe và thấy những điều mà các tinh linh này gieo ấn tượng lên họ, giống như trường hợp một người bị thôi miên nghe, thấy, cảm giác và tin tưởng những điều mà nhà thôi miên muốn. Tuy nhiên, các tinh linh thiên nhiên không có năng lực thôi miên để khống chế ý chí con người, ngoại trừ người tâm trí quá yếu, hoặc người tự buông xuôi để rơi vào tình trạng quá sợ hãi, tạm thời mất ý chí. Chúng không có khả năng đi xa hơn là lừa gạt giác quan con người. Chúng là “bậc thầy” trong nghệ thuật này, có những trường hợp chúng mê hoặc được cùng lúc một số đông người. Nhờ sự trợ giúp của chúng mà các nhà ảo thuật Ấn Độ thực hiện được những trò hết sức lạ lùng: trọn cử tọa bị mê hoặc với ảo giác, tưởng mình đã thấy và nghe hàng loạt sự việc mà thật ra chẳng có gì xảy ra.

Thời gian sống của các phân loại tinh linh thay đổi rất lớn, vài loài có đời sống rất ngắn, vài loài sống lâu hơn con người. Ta hoàn toàn đứng ngoài lề cuộc sống của chúng, cũng như chúng đứng ngoài lề đối với cuộc sống con người, vì thế ta khó có thể hiểu rõ tình trạng cuộc sống của chúng. Nói chung, cuộc sống của chúng có vẻ đơn giản, vui tươi, không có trách nhiệm, chúng giống những đứa trẻ vui đùa, hạnh phúc như sắp bước vào cuộc sống đầy tiện nghi.

Mặc dù hay tinh nghịch và bịp bợm, nhưng chúng ít khi độc ác, trừ khi bị gây hấn bởi những kẻ phá đám, quấy rầy chúng. Một cách tổng quát, chúng có cảm giác nghi ngờ đối với con người, vì thế chúng thường có vẻ bực bội khi có người mới đến cõi Trung Giới, nên chúng thường hù dọa người ấy bằng cách hiện ra hình dáng khó coi, dễ sợ. Nếu con người tỏ ra không sợ hãi khi đối diện với sự chọc phá, chúng sẽ nhanh chóng coi sự hiện diện của họ như là một điều không mong muốn, nhưng bắt buộc phải chấp nhận và không còn để ý đến nữa. Sau một thời gian, đôi khi cũng có vài tinh linh kết thân với người đến cõi Trung Giới, và chúng tỏ ra vui vẻ khi gặp lại họ.

Vài hạng tinh linh đứng đắn, ít tinh nghịch hơn, từ hạng này mà ta có các vị thần cấp thấp, thường được dân chúng gọi là thần rừng cây, thần làng mạc (hay thành hoàng), thổ địa, thần lửa, thần tài... Những thực thể này rất nhạy cảm và vui thích đối với sự tâng bốc và tôn kính của con người, đáp lại, chúng thường sẵn lòng giúp đỡ dân chúng trong vài việc lặt vặt.

thien than o coi trung gioi

b. CÁC THIÊN THẦN (DEVAS)

Như ta biết, bậc cao nhất trong sự tiến hóa liên hệ đến quả địa cầu này là những vị được người Ấn gọi là Thiên Thần (Devas), những nơi khác gọi là Thiên Sứ (Angels), con của Thượng Đế v.v…Các vị ấy ở cấp bậc kế bên trên nhân loại, giống như nhân loại ở cấp bậc ngay bên trên giới cầm thú vậy, nhưng có sự khác biệt quan trọng trong sự tiến hóa như sau: con thú không thể tiến hóa thành bất cứ loài nào khác, ngoài việc trở thành con người, trong khi con người đến một mức độ nào đó sẽ có nhiều đường tiến hóa để họ lựa chọn, một trong những đường đó là trở thành một vị đại Thiên Thần.

Trong những kinh sách Đông Phương, từ “ThiênThần” (Devas) được dùng một cách mơ hồ để chỉ hầu hết các thực thể không thuộc nhân loại, nó bao gồm từ những tinh linh thiên nhiên và các tinh linh nhân tạo chí đến những vị thần thánh cao cả. Tuy nhiên, nơi đây từ “Thiên Thần” được dùng giới hạn để chỉ những vị có trình độ tiến hóa cao.

Phần lớn những thành phần trong nhóm của các vị được chọn từ nhân loại thuộc các hệ thống thái dương hệ khác, một số thấp hơn và một số cao hơn thái dương hệ chúng ta. Cho đến nay, chỉ có một số ít nhân loại đã đạt đến trình độ có thể gia nhập hàng ngũ các vị. Tuy vậy, cũng có một vài hạng trong hàng ngũ các vị chưa tiến hóa hơn trình độ của nhân loại.

Ba hạng thấp nhất (kể từ dưới lên) thường được gọi là: Cảm Dục Thiên Thần (Kamadevas), Sắc Tướng Thiên Thần (Rupadevas), và Vô Sắc Thiên Thần (Arupadevas). Nếu so sánh với con người, ta có xác thân là thể thấp nhất mà bình thường ta sử dụng, trong khi thể bình thường mà các vị Cảm Dục Thiên Thần sử dụng là thể vía. Như thế, các vị ấy đang ở vị trí mà nhân loại sẽ tiến đến. Bình thường, các vị sống trong thể vía, và sẽ chuyển qua sống trong thể trí khi lên cõi cao hơn, như con người sau khi bỏ thể xác sẽ sống trong thể vía. Khi phát triển đầy đủ các vị sẽ sống với nhân thể (causal body, tương ứng với cõi Bồ Đề, cũng như chúng ta sẽ sống với thể trí (mental body, tương ứng với cõi Thượng Giới).

Cũng giống vậy, thể thông thường của các vị Sắc Tướng Thiên Thần là thể trí, vì các vị cư trú ở 4 cảnh thấp, tức 4 cảnh sắc tướng của cõi Thượng Giới. Còn các vị Vô Sắc Thiên Thần cư trú ở 3 cảnh cao, tức 3 cảnh vô sắc tướng của cõi Thượng Giới (cõi Thượng Giới cũng có 7 cảnh giới phụ, gồm 4 cảnh sắc tướng và 3 cảnh vô sắc tướng). Rất hiếm khi các vị Sắc Tướng và Vô Sắc Thiên Thần biểu hiện ở cõi Trung Giới, cũng hiếm như các thực thể cõi Trung Giới hiện hình tại cõi trần, cho nên chúng ta chỉ cần liệt kê mà thôi.

Đối với hạng thấp nhất, Cảm Dục Thiên Thần, không phải tất cả các vị ấy đều tiến hóa cao hơn chúng ta, vì có một số các vị đến từ nhân loại, trong vài khía cạnh nào đó, còn kém hơn những người có trình độ tâm linh cao. Một cách tổng quát, họ tiến hóa cao hơn phần đông nhân loại, vì các vị đã trừ bỏ tất cả những tính xấu. Giữa các vị cũng có nhiều trình độ rất khác nhau, một người ở thế gian có nếp sống tâm linh cao, tính tình cao thượng, không ích kỷ, có trình độ tiến hóa cao hơn một số trong các vị ấy.

Thông thường họ rất ít ý thức đến sự có mặt của chúng ta ở cõi trần, song đôi khi những khó khăn của con người được vài vị biết đến, làm khơi dậy lòng thương hại nơi các vị và ra tay giúp đỡ, cũng như con người đôi khi giúp đỡ một con thú đang gặp khó khăn vậy.

Trên Vô sắc Thiên thần còn 4 hạng Thiên thần khác. Trên nữa là các vị Hành tinh Thiên thần (Esprits planétaires). Ở một cấp bậc cao, các Thiên thần đối với các Tinh linh cũng như nhân loại so với cầm thú.

Nhiệm vụ của các Thiên thần là hướng dẫn sự tiến hóa theo Thiên Ý. Các Ngài tái lập sự quân bình luôn luôn bị xáo trộn do hằng triệu ý chí khác nhau trong vũ trụ, chăm nom, dạy dỗ và và trông coi vận mệnh các quốc gia.

c. THỂ VÍA CỦA LOÀI THÚ

Đây là một hạng rất rộng lớn, nhưng không chiếm một vị trí đặc biệt nào ở cõi Trung Giới, vì các phần tử của nó thường chỉ lưu lại cõi này một thời gian ngắn. Thể vía của loài vật khi tách rời thể xác cũng tự sắp xếp lại như trường hợp con người, và loài vật thực sự có một đời sống ở cõi Trung Giới. Thời gian cư ngụ ở cõi Trung Giới, tuy ngắn ngủi, nhưng lâu hay mau còn tùy thuộc vào trí khôn mà con vật đã phát triển. Trong hầu hết mọi trường hợp, thời gian này thường không kéo dài hơn một giấc mộng có ý thức, nhưng chắc hẳn đó là giấc mộng đẹp.

Một số ít thú vật nhà đã đạt được cá nhân tính, sẽ không còn tái sinh vào hình hài thú vật nữa, chúng ở lại cõi Trung Giới lâu hơn và sinh động hơn những thú vật chưa tiến hóa, đến giai đoạn cuối ở cõi Trung Giới chúng chìm đắm dần vào trạng thái chủ quan, trạng thái này có thể kéo dài khá lâu.

Các con vật có những linh hồn về nhiều mặt tương tự với những linh hồn của con người, ngoại trừ là nói chung chúng không có nhiều sự khác biệt từ đời sống này đến đời sống kia. Điều này có nghĩa là về cơ bản linh hồn sẽ tái sinh vào cùng những loài và những phụ loài lặp đi lặp lại hàng trăm, nếu không phải là hàng nghìn lần, trước khi đi vào một phụ loài mới bên trong loài vật đó.

Ví dụ, một con chó loại St.Bernard sẽ tái sinh thành một con chó St.Bernard hàng trăm lần trước khi có thể đi vào một loại chó khác.
Đến một trình độ tiến hóa nào đó, con vật có thể đầu thai để trở thành người, nhưng điều này đã không được cho phép trong khoảng thời gian gần đây.

Có một số mức độ tiến hóa linh hồn hiện diện trong các con vật. Những con vật tiến hóa cao nhất là cá heo và cá voi. Nói chung, các linh hồn động vật rời khỏi thân thể lúc chết và trở thành các thực thể lìa khỏi xác cho đến đời sống tiếp theo, theo một cách thức tương tự với những con người. Một linh hồn động vật lìa khỏi xác, hay phần cha mẹ của linh hồn đó,thường được gọi là một “totem"(vật tổ).

Khi bị giết, bị sát hại làm thức ăn cho con người, có những con vật trở nên tức giận, căm thù con người. Khi sang qua cõi trung giới, thể vía của nó cứ bu bám, ám ảnh đến con người, đồng thời nó còn có thể ảnh hưởng tính cách, tâm lý của chính những người đã sát hại nó.

Những linh hồn động vật lìa khỏi xác có thể trở thành những tinh thần hướng dẫn đối với các con vật đang sống trong thể xác, hay thậm chí hướng dẫn những con người (trong một số trường hợp), đặc biệt khi nó được kêu gọi bởi các pháp sư và những thầy lang.

Có những động vật hiện diện trong các chiều kích cao hơn trong dạng có chủ quyền.Thêm nữa, có các sinh vật khác trong các cảnh giới cao cõi Thượng Giới và các cảnh giới thiên thể thấp, bao gồm ngựa có cánh (Pegasus) và rồng. Những thực thể này đã tiến hóa từ những dạng sống đầu tiên và đã đạt đến một tầng thứ rung động nơi mà họ có thể bay tới các thiên đàng.

KẾT LUẬN

“Đến đây, người viết hy vọng những độc giả thích thú đọc bài viết này có thể có một ý niệm tổng quát về cõi Trung Giới và các năng lực của nó. Điều này giúp các bạn hiểu và đặt vào chỗ thích hợp những sự việc có liên quan đến cõi ấy, khi các bạn gặp trong các sách về sau. Dù đây chỉ là một phác họa thô sơ của một đề tài quá rộng lớn, nhưng cũng đủ cho thấy tầm quan trọng của sự hiểu biết cõi Trung Giới nếu đem áp dụng trong việc nghiên cứu về sinh vật học, vật lý học, hóa học, thiên văn học, y học, và lịch sử. Sự phát triển những năng lực cõi Trung Giới có thể là một lực đẩy rất mạnh cho các môn khoa học này.

Không bao giờ nên nghĩ rằng đạt được các quyền năng này là mục đích cuối cùng, vì mọi phương tiện để đạt được quyền năng, không thể tránh khỏi đưa đến điều mà người Đông Phương gọi là phương pháp phát triển “laukika”, tức một phương pháp phát triển để đạt được vài quyền năng tâm linh, mà những quyền năng tâm linh này chỉ tạm thời và giới hạn trong kiếp sống của phàm ngã hiện tại. Phát triển quyền năng theo phương pháp này không được an toàn, và người có các quyền năng này thường sử dụng chúng theo chiều hướng sái quấy. Phương pháp phát triển này có liên hệ đến việc dùng “thuốc”, cầu đảo các tinh linh, luyện bùa chú, hay thực hành Hatha Yoga.

Có phương pháp khác gọi là “Lokottara”, đó là Raja Yoga hay sự tiến bộ tâm linh, tuy phương pháp này có vẻ chậm hơn những phương pháp kể trên, nhưng thành quả đạt được trên con đường này sẽ tồn tại với chân ngã trường tồn, không bao giờ mất. Người theo phương pháp này thường được Chân Sư hướng dẫn để bảo đảm an toàn tuyệt đối, tránh được việc sử dụng sái quấy, nếu các quy luật của Ngài đưa ra được tuân hành cẩn thận. Việc mở nhãn thông cõi Trung Giới chỉ nên được xem như một giai đoạn trong sự phát triển rất cao quí của con người, nó chỉ là một bước rất nhỏ trên Con Đường Tiến Lên. Con đường này dẫn nhân loại đến độ cao tột đỉnh của địa vị Chân Sư, và còn cao hơn nữa, có thể tiến đến một viễn cảnh huy hoàng của minh triết và quyền năng vô biên, mà trí óc giới hạn của chúng ta hiện nay không thể hiểu rõ được.

Tổng hợp