04/06/2021 11:33 View: 3889

Truyện ma: Bốc mộ tập thể (Phần 1)

Thời chúng tôi chưa có đài phát thanh, chưa có loa đài, chưa có tivi vì chưa có điện.  Chú ruột tôi là 1 người có đầu óc kinh doanh, ông luôn nhanh nhạy và lăn lộn hơn bố tôi. 

boc mo tap the p1

Làng chưa có tivi nhưng ông đã móc nối được với bạn bè thuê tivi trắng đen về mở bằng bình ắc quy, bán vé cho người ta vô coi, người lớn 300 đ, trẻ em 100đ. Cái tivi trắng đen lâu lâu lại sôi lên ù ù như cối xay lúa, lúc thì nhảy cà tưng giống mấy ông cương thi, vậy mà ai cũng háo hức ghê gớm dù chỉ xem mấy chương trình tào lao. 

Sau này có điện, ông đầu tư hẳn 1 cái ti vi, 1 cái đầu quay rồi đi mướn các cuốn băng phim bộ, phim kiếm hiệp Hồng Kông về mở và bán vé cho dân làng tới coi. Chúng tôi thường được dọa không làm xong việc nhà không cho tiền đi xem phim. Vậy là đứa nào đứa nấy cuống cuồng làm cho xong để 7h tối tập trung hẹn nhau đi coi phim chưởng.

Làng tôi đa số đạo công giáo, nên trong xứ có công chuyện gì thì đánh chuông lên. Ngày bình thường cứ 12h trưa rung chuông báo 1 lần, 4-5 h chiều (tuỳ mùa, mùa hè đánh trễ, mùa đông sẽ sẽ đánh chuông sớm hơn) để người dân tập trung vào nhà thờ cầu nguyện.

Ngoài ra, hễ có người chết (nhà có người chết phải báo liền với người gác chuông) chuông sẽ được rung lên vào đúng lúc người chết vừa tắt thở! Dù bất kỳ ngày hay đêm ! Nam chết đánh 7 tiếng chuông, nữ chết đánh 9 tiếng. Tiếng chuông rất to vang khắp các cánh đồng quanh làng. Đang cày đang cấy mà nghe tiếng chuông bất thình lình thì chẳng ai bảo ai, đều dỏng tai lên nghe, rồi đếm xem là mấy tiếng chuông, dù không biết ai chết nhưng chắc chắn sẽ biết đó là đàn ông hay đàn bà.

Đó là chuyện của xứ Đạo, còn chuyện làng chuyện nước mỗi lần muốn họp hành sẽ gõ 1 tràng kẻng. Kẻng này được làm từ nửa trái bom từ thời chống Pháp hay chống Mỹ gì đó. Cái kẻng được treo lủng lẳng trên cây nhãn trước cửa nhà văn hóa thôn. Những mảnh bom ấy được dân quê tôi gom về chế ra cuốc, xẻng, hay các vật dụng trong nhà! Nhà tôi có 1 cái bi đông uống nước của bộ đội, 1 cái thùng phi đựng xăng dầu giờ được mẹ chế làm cái thùng đựng lúa !.

Hôm nay vừa sẩm tối đã nghe tiếng kẻng khua ầm ĩ !

Ai cũng xì xầm không biết hôm nay làng có chuyện gì ! Không phải mùa làm thuỷ lợi, cũng không phải ngày cần xuống giống cày cấy. 

Hơn 6h tối đã thấy lục tục từng nhóm người tiến về nhà văn hoá thôn, nơi sẽ diễn ra các cuộc họp về việc làng, việc nhà nông hay phổ biến các chính sách mới của nhà nước. Mới 6 h mà trời đã tối đen như mực ! Mùa đông ngoài bắc, trời tối rất nhanh, trời lại lạnh thấu xương. Thường mọi chuyện sẽ được người dân tranh thủ làm, rồi về nhà trước 5 h chiều. Cái thời tiết mùa đông này cũng kỳ lắm, 4 h đang sáng choang mà 5 h trời đã sẩm tối, có khi đã tối thui không thấy rõ mặt người rồi ! 

Từng tốp, từng tốp người tiến vào trong nhà văn hoá, 1 lát đã thấy chật cứng những người là người.

Tiếng bác trưởng thôn vẫn vang lên đều đều:
- Mọi người tiến vào trong đê, tiến sát lên đây, dồn lên trên để chỗ cho những người đến sau!
- Ngồi sát vào nhau cho ấm, nhanh nhanh lên! Họp nhanh rồi về kẻo lạnh.

Đoàn người nhích dần, nhích dần lên trên. Nhà văn hóa thôn lập lòe ánh đèn dầu leo lét. Thỉnh thoảng có người xoa xoa tay rồi cho lên miệng hà hơi cho đỡ lạnh. Lâu lâu lại vang lên tiếng thúc giục! Bắt đầu đi bác Hà ơi (bác Hà là bác trưởng thôn)

- Rồi !!! Chờ thêm 1 tí nữa, đợi mọi người đến đông đủ rồi tôi họp phổ biến 1 lần, đỡ nói đi nói lại.

Chờ khoảng hơn mười phút sau, khi thấy nhà văn hóa đã đông như nêm như cối, bác hà trưởng thôn mới hắng giọng:

Trật tự, trật tự nào ! Mọi người không chuyện trò bàn tán nữa, im lặng nghe tôi nói. Thưa bà con, hôm nay tôi tập họp mọi người lại đây có chuyện cần thông báo. Chuyện là tỉnh ta đang có chủ trương cải tạo đập nước, làm nơi dự trữ nước để tưới tiêu cho toàn huyện, vừa là nơi bảo tồn, trú ngụ cho các loài cò, vạc, chim quý!

Tiếng bàn tán lại râm ran! Thế thì tốt quá!

Cái đập ấy đồng ý là mùa hè, mùa nước cạn cũng giúp bà con tìm được con cua con cá cải thiện bữa ăn, nhưng tới mùa mưa bão nó như trái bom nổ chậm treo lơ lửng trên đầu thôn. Năm nào thôn, xã cũng tổ chức bồi đắp nhưng có vẻ chả ăn thua gì! Có năm mưa bão liên miên, mưa 4 ngày liên tiếp mà chưa có dấu hiệu ngừng. Đám bọn trẻ chúng tôi được nghỉ học vì đường lụt, cao gần nửa thân người. Bọn trẻ chúng tôi vui còn hơn ngày Tết. Tụ tập nhau đi lượm trái cây rụng vì bị bão quất, đi đào trộm khoai về nướng dù củi ướt nhẹp, khói bốc lên mù mịt, làm nước mắt nước mũi chảy tèm lem.

Hay chúng tôi tụ tập xem các chú các bác mang lưới ra thả tại các cửa cống, cửa ao chuôm bắt cá! Đi về lại bị bố mẹ chửi cho 1 tăng vì quần áo bị ướt hết! Trời như này thì phơi mấy ngày mới khô? Có khi phải mang hong trên ngọn lửa, lúc mặc, quần áo còn đặc quánh mùi khói.

Nửa đêm đang ngon giấc thì vang lên tiếng kẻng đinh tai nhức óc, tiếng la hét:

Dậy, dậy đi cứu đê bà con ơi! Dậy nhanh không thì chết cả nút luôn bây giờ!

Cả làng bổ choảng dậy, chỉ có đám con nít là được ở nhà. Tất cả thanh niên trai tráng, ông cụ, bà lão, tất cả những ai còn sức lực đều được huy động ra đào đất đắp đê vì nước gần tràn bờ và có dấu hiệu sụt lún!

---------------------------------

Tiếng nói lại nhao nhao lên làm bác trưởng thôn phải cầm cục gỗ gò xuống bàn cạch cạch!

Trật tự. Đề nghị bà con trật tự!!

Bác nói tiếp: Vấn đề ở chỗ nếu làm đập chứa nước thì bắt buộc phải di dời đất Thánh của làng ta.

Đất Thánh này là nghĩa địa cổ, không biết nó tồn tại từ khi nào, chỉ biết từ đời cụ kỵ chúng tôi đã dc an nghỉ tại đây. Tới đời chúng tôi vẫn còn chôn người, mới ngưng lại dc 3-4 năm nay thôi, lí do vì hết chỗ chôn, mật độ chôn dày đặc không còn hở 1 miếng nào. Có khi còn hở người ta cũng không dám đào vì biết đâu dưới đó đã có 1 cái mộ khác tồn tại.

Khối nhà khi đào huyệt cho người thân vô tình lại đào lên 1 bộ hài cốt, vừa sợ vừa tốn kém vì phải bỏ ra chi phí an táng lại cho khối hài cốt kia.
Đất thánh mới được chuyển về thung lũng cách làng không xa, được quy hoạch thành hàng lối đàng hoàng, không còn chôn lung tung như cũ nữa.

Tiếng nói, tiếng bàn tán lại càng ngày càng lớn, lan từ nhóm này qua nhóm khác. Bác hiến đứng lên phát biểu:

Tôi phản đối! Chỗ ấy là mảnh đất thiêng! Nơi an nghỉ của tổ tiên! Đang yên đang lành dời đi đâu? Đụng mồ đụng mả là không nên đâu!

Dưới cũng nhao nhao tiếng tán thành. "Tôi cũng đồng ý kiến với bác Hiến!" 

Tiếng nói tiếng tranh luận vang lên, làm nhà văn hóa thôn bỗng ồn ào như cái chợ vỡ....

-----------------Đọc tiếp phần 2-----------------

Đọc Trọn bộ truyện ma: BỐC MỘ TẬP THỂ 

Tamlinh.org 

 An Nhiên (Đăng lại vui lòng dẫn nguồn Tamlinh.org đầy đủ)

Ma