04/06/2021 11:33 View: 5317

Truyện ma: Bốc mộ tập thể (Phần 8)

Hiển nhiên là chuyện tối qua được mấy người đàn ông che giấu rất kỹ, nên sáng hôm nay mọi người vẫn bình thường. Ai cần làm gì thì cứ làm thứ đó thôi. 

boc mo tap the p8

Bố cũng về giải thích với mẹ con tôi là:

Hôm qua mấy người canh gác phát hiện có bất thường, tưởng có trộm nên gõ kẻng cho mọi người ra hỗ trợ vây bắt. Không ngờ chỉ là nhìn nhầm thôi.

Hôm nay chúng tôi lùa đàn trâu bò qua bên thung hổ phục, sở dĩ có cái tên này vì cái vì hình dáng cái thung y như con hổ đang chuẩn bị qùy.  Tôi cũng khâm phục sát đất trí tưởng tượng của người dân quê mình. Muốn đặt một cái tên cho 1 nơi nào đó thì cứ căn cứ vào hình dạng nơi đó mà kêu thôi.

VD như Đồi rùa! vì cái qủa đồi ấy hình dạng y như cái mu rùa, 1 tảng đá nhô ra dc mặc định là cái đầu con rùa. Tráp cô gái vì cái vách có hình 1 cô tiên nữ đang đứng làm duyên. Rồi đồi trăn vì qủa đồi ấy y như con trăn đang uốn lượn, trườn, đang bò...Mỗi 1 địa danh lại gắn liền với 1 truyền thuyết, một giai thoại.

Cái tráp cô gái là một vách đá thẳng đứng, cao sừng sững, thuộc ngọn núi ngay phiá sau của làng. Từ dưới chân lên tới ngọn cũng khoảng ba mấy, bốn chục mét. Mặt trước là một vách đá nhẵn nhụi, bằng phẳng đáng kinh ngạc. Trên mặt vách ấy các đường vân đá chạy ngoằn ngoèo, sắp xếp khéo léo thành hình cô gái thướt tha, yểu điệu, trên mình khoác y phục cổ trang điển hình của các cô gái Trung Quốc ngày xưa.

Các cụ, kị của làng đều khẳng định nơi đây chính là chỗ cất giấu của cải của những người tàu.

Tương truyền rằng, ngày xưa khi dân phương Bắc đô hộ, xâm chiếm nước ta, chúng tràn qua cướp bóc, vơ vét của cải. Nhưng cũng có những người dân, họ chỉ di cư qua để tìm cách làm ăn chứ không cướp bóc. Sau thấy nước ta sản vật phong phú, tài nguyên giàu có nên họ định cư luôn. 

Người tàu họ buôn bán rất giỏi, họ nhanh nhạy và đoàn kết không chê vào đâu được. Họ luồn lách hết các làng trên xóm dưới, mua cho người chán, bán cho người cần nên tiền tài lúc nào cũng chảy vào túi họ cuồn cuộn. Thời ấy giao thông đi lại còn khó khăn, dân tình còn dùng tiền xu, thanh toán, trao đổi đều dùng vàng, dùng bạc.

Làng tôi thực ra ngày xưa là 1 vùng biển bồi. Năm tháng qua đi đất đai được bồi đắp, nước biển cũng rút đi hết để hình thành một vùng đất mới, hoang sơ, hùng vỹ.

Các bậc cao niên cũng không chắc chắn được dân làng đã định cư tại đây từ bao giờ. 

Một ngày có 1 thuyền buôn chở đầy ắp hàng hoá đi qua vùng này nhưng lại bị mắc cạn. Không thể di chuyển được nữa. Ông chủ thuyền xin được dừng chân tại đây một thời gian rồi sẽ tìm cách khác để đi. Nghe đâu ông cũng là một lái buôn người tàu qua đây làm ăn được vài năm, có được chút vốn, giờ ông đang tính về quê, rước vợ con qua đây sinh sống.

Ông ra tay rất hào phóng, cho dân làng lương thực, vải vóc... dân quê vốn hiếu khách nên ai cũng nhiệt tình mời ông vào làng ở cùng nhưng ông 1 mực từ chối.

Ông chỉ xin cho thuyền ông được neo ngay dưới chân núi và mong dân làng tôn trọng, không nên lại gần quấy rầy. Ông ra tay hào phóng, lại nhét cho lão chánh, lão tổng 1 túi vàng nặng trịch nên các lão càng ưu ái, càng ra sức xun xoe nịnh nọt.

Ông nói với mọi người, tất cả mọi thứ trên thuyền đều là vải vóc, sản vật địa phương, lá trà. Ông mang về làm qùa và bán kiếm thêm chút đỉnh.

Một ngày, phú thương người tàu ngỏ ý muốn tìm 1 cô gái mang về làm vợ lẽ. Giúp ông nâng khăn sửa túi những ngày ông làm ăn buôn bán bên này. Ông sẽ trả cho nhà gái một số tiền rất hậu hĩnh, muốn bao nhiêu tiền cứ nói, ông sẽ đáp ứng nếu ông thấy được.  Nhưng điều kiện là cô gái cũng phải ưa nhìn, lành lặn và đặc biệt phải còn trinh trắng.

Quanh vùng không kiếm được cô gái nào vừa ý, ông ta phải sang các vùng lân cận mới tìm được một người hợp yêu cầu. 
Cô gái này là con một nhà nghèo, bố nát rượu. Trong cơn thèm thuồng thì có người ngỏ ý mua con gái ông với giá cao và hứa sẽ cho cô ăn ngon mặc đẹp, mai mốt còn cho cô mang tiền về cho bố tha hồ uống rượu. Bố cô gái nghe cũng bùi tai nên một tay lấy tiền, một tay giao con gái cho người ta mang đi. 

Cô gái mang về được phú thương cho người tắm rửa sạch sẽ, không cho ăn thịt, cá. Mỗi ngày chỉ cho cô ăn 1 chút cháo loãng và cho ngậm thêm 1 miếng sâm. Sau thời gian thanh tẩy, một đêm lão cho chuyển toàn bộ hàng hoá, (thực chất toàn là vàng bạc, châu báu vào một cái hang). Cô gái cũng được mang vào cùng. Lúc này cô gái đã rất yếu ớt, không đủ sức đi đứng hay làm bất cứ thứ gì.

Cô được cho ngồi dựa vào vách hang, miệng ngậm 1 miếng sâm đủ để sống 100 ngày. Miệng cô gái bị bịt chặt bằng miếng vải để tránh trường hợp cô lè miếng sâm ra, chưa đủ 100 ngày đã chết. Rồi họ làm phép trấn, yểm cái hang. Khi tất cả đã xong, họ ra ngoài và bít cửa hang lại.

Hai ngày sau, ông phú thương người Tàu cũng biến mất rất bí ẩn.

Sau người ta mới biết, ông phú thương kia biết là không thể mang theo vàng bạc cùng đi nên tìm cách cất giấu để chờ sau này sẽ chỉ cho con cháu quay lại lấy.  Lão ta mua cô gái về làm thần giữ của. Nghe nói những thần giữ của này vì chết oan ức nên oán hận chất chồng, chỉ có ai hợp và đọc đúng câu thần chú họ mới cho thấy vàng bạc. Còn không thì có vào đúng hang cũng không nhìn thấy. Người làng biết trong núi có giấu vàng, nhưng không biết ở đâu, cũng không biết câu thần chú là gì . Thế là vàng vẫn nằm đó cả mấy trăm năm. 

Mùa này cỏ cây cũng héo úa, xơ xác. Dân làng ccho trâu bò ra đồng để chúng không bị tù chân chứ thật ra chúng có gặm cả ngày cũng không đủ no, tối về vẫn phải mang thêm rơm rạ cho chúng nó ăn thêm.

Tôi nằm ngửa mặt lên trời, mặt úp cái nón lá, chân gác chữ ngũ, nằm một lát rồi ngủ luôn lúc nào không hay ! Mùa này trời không nắng gắt, gió lại se se lạnh dễ làm cho người ta có cảm giác lúc nào cũng thèm ngủ.

Mới thiu thiu được một chút thì tự dưng cái mông bị ai đá đau điếng. Tôi giật nảy mình, mở choàng mắt ra thì thấy thằng Bảy đang đứng nhe răng cười nham nhở. Tôi điên lên muốn nhảy bổ vào thụi cho nó vài cái. 

Thằng Bảy này thuộc dạng ruột để ngoài da, lúc nào cũng bốp bốp, chát chát. Muốn làm cái gì mờ ám tốt nhất không nên cho nó theo, không thì mai chưa ai đánh nó đã khai ra tuốt. Được mỗi cái là tốt tính, ai nhờ gì cũng làm, có khi chưa kịp nhờ nó đã nhảy vô làm rồi.

Bực mình vì bị phá giấc ngủ nên tôi cũng nổi cáu lên:

- Thằng điên! Muốn gì từ từ nói không được à, mày mà không nói ra lý do chính đáng tao đấm bỏ mẹ mày. 

- Khiếp, bé tí mà lúc nào cũng đánh với đấm, đi thăm bẫy với tao không?

- Bẫy gì ? Đặt bao giờ? 

- Thì tao đặt đại vậy, con gì vào thì vào. Tao đặt 2-3 ngày rồi. 

- Uh, đi thì đi. 

Tôi với nó trèo qua hết một sườn đồi, luồn cúi, chui rúc mãi mới tới chỗ nó đặt bẫy.  Tự nhiên nó rúc vào một lùm cây rồi rú lên cười ha hả... 

- Ngon lành cành đào nhé! 

- Trúng gì đấy ?

- Cứ từ từ, rồi mày sẽ hết hồn cho mà xem.

Nó loay hoay xách cái bẫy ra, bên trong có con rắn hổ châu đang hoảng loạn trườn qua , trườn lại, miệng còn phun phè phè. Giống rắn này không có độc, nhưng nó đớp cho một nhát thì cũng đau thấy ông bà ông vải. Loại này bán cũng được giá lắm. 

Theo tôi ước lượng nó dài cỡ mét mốt nặng cũng tầm 1,5kg. Mùa này rắn hay trú đông trong hang, ngày nào nắng đẹp mới trườn ra phơi nắng hay kiếm ăn thôi. 

- Trúng mánh nhé! Mai nhớ khao tao đấy! 

- Tất nhiên rồi.

Thấy con rắn này tôi lại nhớ năm tôi 8-9 tuổi gì đó, hôm bữa nhà tôi có khách ở miền nam về thăm nhà, họ muốn lên phần mộ của gia đình để thắp nhang nên mẹ kêu tôi dẫn vào. Lúc thắp hương cho cụ cố, tôi đứng nói oang oang: 

- Cụ phù hộ cho bố mẹ cháu đi, năm nay mùa màng thất bát, nhà cháu ăn mấy bữa nữa là hết gạo rồi. Không khéo chúng cháu chết đói mất thôi.

Năm đó thật sự là mùa màng thất thu, bố mẹ tôi phải vào mãi trong núi chặt củi về đổi gạo, công việc trong nhà giao hết cho chị em tôi. Bác kia thấy tôi khấn kiểu chả giống ai, cũng phải bật cười. 

Lúc ra về đang tíu tít chuyện trò rôm rả, đưa mắt nhìn xuống triền kênh, tôi phát hiện ra có em rắn đang nằm lim dim phơi nắng. Vất hết cả nhang đèn, trái cây đang cầm trên tay, tôi lao 1 cái vèo xuống.

Con rắn đang nằm thấy động cũng bổ nhào tính trườn lên khu rừng. Tôi vội la con em đứng chặn ngay lối vào rừng không cho con rắn chạy về hướng đó. Con rắn thấy bị chặn đường thì quay ngược bổ nhào về hướng kênh, tôi đuổi theo, vượt lên tính chặn đầu nó lại. 

Con em tôi thấy nó đang lao về phía mình thì rú lên rồi tính bỏ chạy. Tôi hoảng hồn kêu nó tóm lấy một nhánh cây, đứng phe phẩy là nó sợ. 
Con rắn lại hoảng loạn quay ngược về phía tôi. Tôi lấy cái nón lá chụp lên đầu nó, nó rụt người ra thoát ra khỏi cái nón, rồi quay lại tính mổ tôi vài nhát. Tôi hoảng lên vứt cái nón rồi nhảy ra xa. Nó lại chạy, tôi lại rượt.

Rượt đuổi hơn 10 phút mặt tôi đã nóng phừng phừng, hơi muốn hụt luôn, tôi phải há miệng ra thở ồ ồ. Cảm giác như hơi thở thoát ra cả 2 lỗ tai thì tôi tóm được đuôi nó rồi bắt đầu quay tròn. 

Quay mấy chục vòng liền, tôi không biết nó có chóng mặt không chứ đầu óc tôi bắt đầu quay cuồng, chao đảo.  Lúc không chịu nổi nữa tôi thảy con rắn ra 1 bên, giờ nó muốn chạy đâu thì chạy tôi cũng không cần nữa. Ai ngờ tôi thảy ra thì con rắn cũng nằm thẳng đơ. Sau khi đỡ choáng váng, tôi dậy túm đầu con rắn, cái đuôi cho quấn hết lên cánh tay rồi về.

Bác kia thấy tôi cầm con rắn to bằng bắp tay thì mắt tròn mắt dẹt, mặt tái xanh như đít nhái. Bác đi cách chúng tôi 1 đoạn xa.

Về nhà bố tôi đo nó dài hơn 2 m. Nặng 1,8 kg. Bố gọi người tới bán, mua được hơn 1 tạ gạo. Nhà ai cũng cười, bảo chắc tại tôi than với cụ ,nhà hết gạo nên cụ cho lộc.

Đang mải suy nghĩ thì thằng Bảy bảo, không được ăn 1 mình đâu, có cả công của thằng Tý đấy ! Cái bẫy là do nó làm đấy. Nói tới thằng Tý tôi mới nhớ mấy ngày rồi không thấy mặt nó đâu.

- Ủa nó đi đâu mà mấy ngày rồi không thấy?

- Ở nhà chứ đâu ! Nhưng dạo này bố nó bị làm sao ý! 

- Sao là sao ? 

- Không biết có phải bố nó uống rượu nhiều xong hâm không? Nó bảo bố nó giờ cứ thơ thẩn rồi có biểu hiện lạ lắm, cả đêm cả ngày đều bắt thắp đèn, lúc nào cũng bắt phải có người ở cùng, không dám ở 1 mình ....

... nó kể nhà nó dạo này cũng có nhiều chuyện lạ lắm. Đêm cứ có người đập cửa rầm rầm, ra mở lại chả thấy ai. Nhiều khi nó cứ thấy mấy bóng đen lảng vảng quanh nhà nó, gọi lại không trả lời. 

- Ê, có khi nào là ma? 

- Khiếp, chắc không phải đâu. 

- Tối nay đến nhà nó rình đi? 

- Thôi tao không đi đâu, tao sợ lắm !

- Mẹ! Con trai gì mà nhát như cáy thế! Sợ thì bỏ 1 củ tỏi vảo trong người đi.

Ngập ngừng mãi nó mới gật gật đầu. Vậy là đêm nay chúng tôi sẽ tới nhà thằng Tý rình xem có gì không. Thằng Tý là con của bác Tú .....

-------------- ĐỌC TIẾP PHẦN 9--------------

Đọc Trọn bộ truyện ma: BỐC MỘ TẬP THỂ 

Tamlinh.org

An Nhiên (Đăng lại vui lòng dẫn nguồn Tamlinh.org đầy đủ)

Ma