04/06/2021 11:33 View: 3420

Truyện ma: Bốc mộ tập thể (Phần 2)

Bác Hà trưởng thôn phải gõ 1 tràng dài, tiếng gỗ đập lên chan chát chói tai, tiếng ồn ở dưới mới lắng lại 1 chút:

boc mo tap the p2

Mọi người trật tự nghe tôi nói hết đã! Là tôi mới được thông báo và họp trước với mọi người như thế thôi. Còn tình hình thực tế như thế nào ta phải bàn bạc nhiều

"Tôi thấy di dời cũng được, có vướng mắc gì đâu"  - bác Tú lè nhè phát biểu, miệng còn nồng nặc mùi rượu.

"Chết rồi thì còn biết gì nữa mà lo với sợ!" Giọng bác Tú cứ nhừa nhựa, nói đứt quãng từng hồi, làm người nghe cũng muốn ức chế theo.

"Ông nói vậy mà nghe được hả!" Bác Hiếu lớn tiếng phản bác!

"Truyền thống kính hiếu tổ tiên có từ bao đời nay rồi, tín ngưỡng tâm linh tuy không mê tín dị đoan, nhưng không tin là không được đâu."

"Ông chỉ có vớ vẩn!! Chết là hết nhá! Linh hồn, ma quỷ đâu ra! Ngon thì nhảy ra bóp cổ tôi 1 cái xem nào!" Bác Tú cũng gân cổ lên mà cãi.

Bác Hiếu rống lên:

Cái thằng ma men kia! Mày biết gì mà nói! Hay tại nhà mày không có mồ mả người thân trên đó nên mày muốn nói sao thì nói hả! Thằng mất dạy!

Ông nói ai mất dạy. Ông nói ai ma men hả ! Tôi còn chưa có say đâu! Bác Tú mặt đã đỏ gay lên, muốn xông vào sống mái với bác Hiếu 1 phen. Bác Hiếu cũng chồm người tới như muốn cấu xé bác Tú. Hai người làm náo loạn 1 góc nhà, làm bác hà phải la lớn lên:

"Kéo họ ra đi, còn ra cái thể thống gì nữa!."

Mấy người xúm lại lôi 2 người về 2 phía! Giọng bác Hà lại vang lên:

Hôm nay tôi họp dân làng lại, nhưng thật ra chỉ liên quan tới các gia đình Công Giáo, vì đất Thánh của bên đạo công giáo, nghĩa trang bên kia không ảnh hưởng gì nên không cần phải di dời. Nhưng tôi muốn thông báo vì đây cũng là chuyện trọng đại của làng ta, chuyện cụ thể thế nào vẫn còn cần gặp cha xứ, bên huyện sẽ cử người về họp, bàn bạc và phổ biến cụ thể sau.

Giờ mọi người giải tán đi.

Mọi người lục tục kéo nhau ra về, trời mùa đông rét căm căm mà cái chuyện chuyển đất Thánh dường như luôn nóng hầm hập vì ai cũng đang bàn tàn xôn xao. Đó vẫn là đề tài nóng sốt trong bất cứ cuộc trò chuyện nào của dân làng! Người thì thấy chả sao, người lại lo lắng đụng chạm vào phần mộ tổ tiên sợ xui, sợ rủi. Đâu đâu cũng râm ran to nhỏ chủ đề này.

Dường như cha xứ cũng đã nghe chuyện, Ngày hôm sau, sau thánh lễ cha xứ cũng đề cập tới vấn đề này. Cha nói:

Tôi cũng chỉ nghe phong thanh thế thôi ! Cụ thể như thế nào tôi chưa nhận được bản thông báo. Chờ xem thế nào rồi tôi mời các giáo dân họp bàn phương hướng giải quyết luôn !. 

Cả nhà thờ lại được 1 phen xôn xao, có người chặc lưỡi ! Vậy là phải di dời thật rồi !

Thật ra lúc này mới là cuối thu, đầu đông !

Ban ngày trời cũng chỉ hanh hanh không nắng, không lạnh, gió hiu hiu khá dễ chịu. Tối đến trời mới se se lạnh, tới đêm thì cái lạnh mới thấm vào da vào thịt lạnh buốt. 

Mùa thu là mùa bọn trẻ chúng tôi rất thích, ngoài chuyện được tập kịch, tập văn nghệ, cắm trại trung thu. Thì mùa này cá, cua con nào cũng béo, bắt lên nướng là ngon hết sảy ! 

Lúc này chưa có ga, diêm cũng là thứ xa xỉ phẩm ! Ở nhà thường khi nấu nướng xong, sẽ ủ than lại, lần tới muốn nấu chỉ cần 1 nhúm rơm, dí vào mấy cục than, thổi phù phù vài cái. Ngọn lửa sẽ lập tức bùng lên. 

Bọn trẻ chúng tôi có cách lấy lửa của riêng mình. Lấy 1 nắm rơm, vặn thật chặt lại như cách người ta tết tóc. Vặn 1 khúc dài bằng cánh tay, sau đó gắp 1 cục than ủ vào chính giữa và mang theo mỗi khi đi chăn trâu, chăn bò. Đàn trâu bò được lùa vào quả đồi, mặc kệ chúng muốn ăn sao thì ăn, chúng tôi túm tụm kiếm củi chất thành đống, mồi lửa cho cháy phừng lên rồi ngồi hơ chân hơ tay cho đỡ lạnh. Chúng tôi cắt cử thay phiên nhau trộm khoai nhà mang theo nướng ăn. Hôm nay đứa này lấy thì ngày mai đứa kia lấy !

Mùa này cá cua rất ít, dường như chúng cũng chui hết vào hang tránh rét. Nhưng bắt được con nào thì con nấy béo núc ních, nướng lên mùi thơm nức làm đứa nào cũng chảy nước miếng .

Cua cá ít thì bẫy ốc!  Trong đám chúng tôi có chị Trúc có tiếng là “sát ốc “. Nguyên liệu giống nhau, cách bẫy giống nhau nhưng lần nào bẫy chị thả cũng có nhiều ốc ăn hơn.

Bẫy ốc khá đơn giản ! Lấy lá xoan, lá sắn (khoai mì) cột lại thành từng nắm, thả xuống mương, xuống ruộng, ốc sẽ tự mò tới ăn. Lá càng thối càng thu hút nhiều ốc. Hôm trước thả, hôm sau đi rũ rũ đám bẫy là có 1 mớ ốc mang về ăn. Không có cá cua chúng tôi nướng luôn cả ốc, đám ốc nhồi cũng béo mũm mĩm, nướng trên lửa nghe tiếng rên ỉ ỉ như tiếng khóc, chả vậy mà quê tôi hay có câu: “ rên ỉ ỉ như ốc nướng “. Có khi nướng xong cháy đen thui, mùi khét lẹt mà đứa nào cũng mê, ăn ngấu, ăn nghiến.

3 ngày sau

Bác Hà tập họp dân làng lại và thông báo rằng:

Đầu giờ chiều ngày mai, sẽ có đoàn cán bộ huyện, xã xuống họp chuyện di dời đất thánh với cả làng. Đề nghị bà con lo chuyện đồng áng, nhà cửa trong buổi sáng thôi, buổi chiều tập trung tại nhà văn hoá thôn 1h30 sẽ bắt đầu họp !  Mỗi nhà phải có ít nhất 1 người tham dự, ai muốn đi thêm thì cứ đi.

Sáng sau, ai cũng tất tả lo công chuyện nhà mình cho sớm, rồi cơm nước xong, lục tục kéo nhau tới sân nhà văn hoá! Dĩ nhiên là không nhà nào cũng chịu đi 1 người. Vì là chuyện trọng đại nên nhà có bao nhiêu người đều đi họp hết ! Bao gồm cả đám con nít tụi tôi ! 

Hôm qua nghe bác Hà tuyên bố như thế nên buổi sáng nay chúng tôi vừa chăn trâu bò vừa tranh thủ cắt thêm 1 bao cỏ, để chiều cho bò ăn. Có bao cỏ, chúng tôi không cần thả bò nữa. Giờ có thời gian đi hóng chuyện. Một đám trèo lên tường rào, ngồi thả chân đong đưa rồi dỏng tai lên hóng....

Tầm 1h15 phút, nghe tiếng động cơ nổ bạch bạch cùng tiếng reo hò của lũ trẻ !

Ô tô ! Ra xem ô tô chúng mày ơi !

Đám con nít ùa ra bu lại coi chiếc ô tô mới dừng lại! Đứa thì chỉ dám đứng xa xa nhìn, đứa tò mò muốn lại sờ mó! Phương tiện chủ đạo nhất hiện tại là xe đạp, cả làng có mỗi nhà ông Hoạ làm gì đó trên huyện là có 1 chiếc xe cup 81. Lúc ông mới mua xe, mỗi khi nghe tiếng máy nổ là cả đám bu nhau chạy ra xem, có đứa thì cố gắng chạy theo xe như muốn đua xem ai chạy nhanh hơn vậy. 

1 đoàn người, nam mặc áo sơ mi đóng thùng, chân đi dép quai hậu (Đôi dép này cũng khá nhiều giai thoại, trước cố tôi hay ca cẩm là giờ sướng qúa ! Có dép nhựa đi, vừa nhẹ, vừa đẹp lại đỡ đau chân, thời cố toàn đi dép cao su làm từ vỏ xe thôi!). Nữ mặc áo trắng khoét đít vịt, quần âu đen. 7-8 người lục tục kéo vào nhà văn hoá ! 

Trong nhà văn hoá, phía trên được kê một dãy 2-3 chiếc bàn chụm lại, trên bày mấy bộ ấm chén chè ! Không hiểu sao quê tôi có chè xanh nhưng ít ai uống, nhà thường uống chè sao khô hoặc lá vối, đó là lúc có khách khứa ! Bình thường khi khát nước cứ ra cái bể hứng nước mưa, múc 1 gáo dừa (gáo làm bằng nửa trái dừa khô) tu ực 1 cái cho đã khát. Ăn uống như vậy mà ai cũng sống phây phây, chả thấy ai bị đau bụng tiêu chảy bao giờ! 

Dân làng cũng lục tục kéo vào. Lúc này mới nhận ra, cái nhà văn hoá không đủ chỗ cho đoàn người ! Nên bác Hà hô hoán đám thanh niên chuyển bàn ra trước hè ! Dân làng ngồi ngoài sân, trong sân có mấy gốc nhãn khá to, cộng với thời tiết cũng âm u nên không nắng nóng lắm ! 
Sau 10 phút ổn định chỗ ngồi, bác Hà hắng giọng rồi nói: Thưa bà con, hôm nay có đoàn cán bộ huyện, xã về họp với bà con ta, ngoài ra có cán bộ thôn, cùng Cha chính xứ sở tại. Đề nghị bà con nhiệt liệt hoan nghênh ! 

Tiếng vỗ tay đôm đốp vang lên ! Đám trẻ con chúng tôi vừa vỗ, vừa rú lên hào hứng ! 

Chú Thế là người có chữ nghĩa nhất làng được cử làm thư kí cuộc họp ! Đang ngồi hí hoáy viết vội, viết vàng vô cuốn vở học sinh.

Sau giới thiệu phát biểu 1 hồi, bọn trẻ chúng tôi nghe chả có gì thú vị thì kéo nhau đi hết. Đi hái sung ăn còn thú vị hơn ngồi phơi mặt ra nghe người lớn nói hoa, nói văn, lâu lâu còn bị xuỵt 1 tiếng kèm theo cái quắc mắt sắc lẻm.

Chả biết cuộc họp nói, bàn, những gì mà gần 5h chiều mới thấy đoàn người lục tục ra về! Nghe nói cãi nhau om xòm, đồng tình có, phản đối có ! Nhưng chốt lại:

Bắt buộc di dời ! Ai chống đối thì bị bỏ tù !

Ngày hôm sau, tiếng xe công nông chở vật liệu xây dựng dồn dập chở vào đất Thánh mới ! Thanh niên, trai tráng ai biết xây tập trung lại. Trước xây sẵn 1 dãy nhà mồ, lúc bốc về chỉ cần bỏ tiểu vô là xong ! Những ngồi mộ nào có người thân, nhà có thể tự xây theo ý mình, và xây tập trung theo khu mồ mả gia đình mình ! 

Những mộ có tên tuổi nhưng không có thân nhân nhận, xây riêng 1 dãy! 1 dãy dành cho mộ vô danh ! 

Theo ước tính ban đầu, cần xây khoảnh hơn 500 cái huyệt như vậy! Đàn bà, con gái thì theo phụ hồ. Tất cả những người tham gia đều được chấm công! Trả theo công nhật. Thợ chính được trả 17 ngàn, phụ trả 15 ngàn. Dân làng bỏ hết công việc, xúm nhau chạy vào đất Thánh ! Phần vì lo việc tâm linh ! Phần vì thấy được trả công cao. 15 ngàn được gần 2 yến gạo. 1 ngày công được 2 yến gạo ai mà không ham !.

Sau hơn nửa tháng, 1 góc đất Thánh mọc lên những dãy hố huyệt đều đặn, trật tự theo hàng theo lối. 

2 ngày sau bắt đầu công tác bốc mộ. 

Ngày hôm trước Cha xứ đã dâng lễ trên đất thánh, xin lễ, cầu nguyện và xin phép những người đã khuất. Xin được phép di dời về đất thánh mới. Thông thường, 1 năm có 2 lần sẽ làm lễ tại đất Thánh. Một ngày vào mùng 2 Tết là ngày cầu nguyện cho gia tiên. Ngày còn lại là ngày vào tháng các linh hồn.

Nhóm bốc mộ gồm bác Hoàng và 1 vài bác khác là bạn đồng nghiệp của bác Hoàng gọi về từ các vùng lân cận.

Bác Hoàng nổi tiếng trong vùng với nghề bốc mộ thuê ngót nghét cũng gần 40 năm. Bác còn khá trẻ, ngoài 50 một tí. Theo như người làng truyền tai thì bác không phải dân vùng này. Năm bác khoảng hơn chục tuổi, đi theo người ta tới làng bốc mộ, duyên phận đưa đẩy thế nào lại cảm mến 1 cô trong làng. Gia đình nhà gái phản đối kịch liệt, phần vì e ngại gia cảnh tứ cố vô thân của bác, phần vì họ thấy sợ nghề chuyên đi mò mẫm hài cốt của bác.

Chả biết tình yêu mãnh liệt thôi thúc sao, mà bác bỏ nghề. Bác tìm việc làm thuê làm mướn rồi sống luôn ở làng. Sau gần 1 năm kiên trì, nhà gái cũng vài lần bắt gặp con gái mình lén lút đi gặp người ta, đành tặc lưỡi đồng ý cho cưới! Không cho cưới lỡ 1 ngày nào đó, cái bụng con mình phình ra, lúc đó không biết tìm ai mà bắt đền. Thế là bác có vợ. Lúc sinh được thằng cu đầu lòng, bác đến nhà vợ quỳ trước mặt ông bà già vợ mà thú thật là:

Xin hãy cho bác được trở về nghề cũ, nó như cái nghiệp đã chọn bác. Mỗi lần bác nghe chỗ nào có đám bốc mả là chân tay bác lại ngứa ngáy, đôi khi chỉ cần tới nơi nhìn 1 cái rồi về bác cũng chịu. 

Ông bà già vợ cũng đành lắc đầu mà ừ! Chứ sao giờ! Ông bà tự an ủi, tại nó tôn trọng mình nên xin mình, chứ giờ nó muốn làm gì mình cũng không ngăn cản được.

Bác bốc mô rất tỉ mỉ, sạch sẽ lại nhanh gọn nên dân trong vùng rất hài lòng. Nhà nào có việc cũng đều tìm tới bác.

Bác kể, ngày mới vào nghề rất sợ, có khi về bị ám ảnh, bỏ ăn bỏ uống..Trước khi bắt đầu, bác đều thắp hương khấn vái người đã khuất, rồi phải tu vài hớp rượu để lấy thêm can đảm. Dần dà, bác nghiện rượu lúc nào không hay, không có rượu tay chân run lẩy bẩy không làm được việc gì.

Bác nghiện rượu nhưng không hề bê tha. Không quậy, không phá, chỉ là nhìn bác mắt lúc nào cũng đỏ ngàu, kèm nhèm..Có người thì bảo chắc do bác bị nhiễm tử khí quá nhiều làm hư mắt. Bình thường mắt mũi nhập nhèm như vậy, nhưng theo bác kể thì khi bắt đầu nhặt xương mắt bác lại tinh tường một cách kỳ lạ. Bác chưa nhặt xót 1 lần nào dù chỉ là 1 đốt lóng tay. Thông thường khi bốc mộ, người ta bốc lúc nửa đêm và phải kết thúc trước khi trời sáng! Nhưng nếu làm như vậy thì tới ngày nào, tháng nào mới xong cả vài trăm ngôi mộ như này.

Cả làng thống nhất là làm 1 cái lều che ánh mặt trời chiếu xuống, rồi tiến hành bốc mộ từ 6 h sáng, kết thúc trước 12h trưa. Một nhóm chuyên bốc, 1 nhóm vận chuyển, 1 nhóm ở nhà lo phần chôn cất lại.

Ngày đầu tiên, chuyển được 8 ngôi mộ. Lúc này mọi người mới phát hiện ra 1 điều là: Nếu cứ chọn ngôi mộ trên cao, có mộ phần, có chóp mà bốc thì rất dễ bỏ xót và gây khó khăn khi bốc các ngôi mộ khác. Nên thống nhất là đào từ từ, lần lượt từ dưới bìa kênh đào lên, làm theo kiểu cuốn chiếu cho yên tâm.

Ban tổ chức tính toán và thống nhất cho 1 nhóm người chuyên đi đào, tìm, khi nào thấy ván hay nghi ngờ có hài cốt thì gọi người có kinh nghiệm lại bốc, dọn, bỏ vô tiểu.

Ngày thứ 2, mới đào xuống khoảng 20 cm, chú Ty đã la làng lên:

Bác Hoàng! Bác Hoàng ơi!l Ai xem!

Bác Hoàng tất tả chạy lại rồi bảo: "Ngưng lại, đừng đào nữa!"

Bác lấy tay, bốc 1 nắm đất đen xì xì, tay xoa xoa 1 hồi hồi bảo: Chính xác là xương người rồi! Thời chiền tranh loạn lạc có khi chỉ vội cuốn 1 manh chiếu rồi vùi đại xuống, không có chiếu thì vùi luôn như vậy! Bạ đâu vùi đấy chứ làm gì có quan, có quách, nên đào thấy xương nằm tơ hơ như vậy cũng là lẽ thường! Xương đã mục giã hết chỉ còn lại 1 mớ đất đen. Bác Hoàng cố gắng lượm lặt cho bằng hết những mảng đất nghi ngờ là xương người bỏ vô tiểu, tránh thất thoát làm người ta oán hận.

Chuyện kể rằng: Ông kia làm nghề bốc mộ cũng có thâm niên,1 ngày ông nhận bốc mộ cho một nhà, công việc xong xuôi tốt đẹp cả! Gia chủ cũng trả công rất hậu hĩnh. Đêm sau lúc ông đang nằm ngủ thì tự nhiên bị một ông cụ dựng đầu dậy, ông cụ hằm hằm tức giận nhìn ông rồi bảo:

Mày trả lại 1 đốt xương tay cho tao!

Ông nghĩ mình nằm mơ! Lại nằm xuống ngủ tiếp. Mới chợp mắt lại bị dựng ngược đầu dậy:

Tao bảo mày trả lại xương cho tao.  Tao sống lành lặn, giờ chết thành đứa què quặt là sao hả!

Lần này thì ông tỉnh! tỉnh hẳn. Làm nghề này nên ông tin, mấy chuyện ma quỷ, kỳ quái, ông cũng gặp như cơm bữa. Ông vội chắp tay lại :

"Con xin cụ, ngày mai trời sáng con sẽ tìm lại cho cụ. Cụ tha lỗi cho con" - Lúc này ông cụ mới hừ 1 tiếng rồi bỏ đi.

Sáng sau ông vội vàng đạp xe lên nghĩa địa giũ lại toàn bộ quần áo, vải liệm, giũ 1 hồi thì thấy rớt ra 1 lóng xương (đúng là lóng xương tay). Ông phải xin lỗi gia chủ, hướng dẫn gia chủ tìm thầy về làm lễ rồi bỏ đốt xương ấy vào tiểu cho ông cụ. Người làm nghề bốc mộ kỵ nhất là nhặt sót xương.

Đa số bọn trẻ chúng tôi bị cấm không được lại gần khu vực đất Thánh, dễ nhiễm tử khí, nhìn bậy nhìn bạ, có khi ám ảnh cả đời. Tôi thì thấy chả có gì là sợ, nên cứ mon men lại xem, có lần chú tôi thấy tôi thì quắc mắt lên:

Mày có về ngay không con kia! Tao quất cho vài roi giờ!

Tôi giật mình rồi ù té chạy, chạy 1 vòng rồi lại lẩn ngay vào chỗ đông người, vừa xem vừa dáo dác nhìn xem chú tôi ở chỗ nào còn tránh. Chạy 1 vòng tới nhóm mấy thím đang đào khu vực sát kênh!

Bỗng thím Hạnh la lên! Có gỗ, là quan tài! 

3-4 người gần đấy bu lại, vội vàng phụ thím đào bới thêm. Khi lớp đất được gạt ra hết! Tự nhiên nghe trong quan tài phát ra tiếng ọc ọc!

Lúc đầu mọi người chỉ nghĩ, chắc bụng ai bị sôi. Nhưng lần này nghe tiếng ọc ọc còn to hơn, tiếng ọc ọc này phát ra từ trong quan tài! Còn có tiếng đùng! đùng! như có người đang cố đạp quan tài để chui ra! 

Cả đám xanh mặt! Vất hết cuốc xẻng bỏ chạy, vừa chạy vừa la MA...MA... CÓ MA....

------------- Đọc tiếp phần 3-------------------

Đọc Trọn bộ truyện ma: BỐC MỘ TẬP THỂ 

Tamlinh.org 

An Nhiên (Đăng lại vui lòng dẫn nguồn Tamlinh.org đầy đủ)

Ma