04/06/2021 11:33 View: 6012

Những câu chuyện về thai nhi vô tội BÁO ÂN

"Dù cha mẹ không sinh con ra, nhưng con vẫn là con của cha mẹ. Chưa trọn kiếp người, con vẫn nguyện báo ân."

Đối với cha mẹ thì con cái vẫn có trách nhiệm báo hiếu, dù có được sinh ra hay không, đó là bản năng và cũng là ý nghĩa của tình thân. Hãy đọc để hiểu thêm về những vong linh thai nhi bé bỏng....

vong linh thai nhi bao an

1. Cô Vân và khối u quái ác

Cô Vân là em họ con nhà bà trẻ bố tôi. Cô Vân đẹp nhưng cũng đa tình lắm, thời trẻ cô từng khiến cho bao nhiêu giai làng mê mẩn. Tới năm 21 tuổi, cô kết hôn với một anh bí thư xã, hai người môn đăng hộ đối, đôi bên họ hàng ai nấy đều vui mừng.

Chuyện là đã ba năm rồi cô Vân không có con. Bên nội mong, bên ngoại ngóng, giục hai vợ chồng đi chạy chữa khắp nơi, nhưng không có vẫn hoàn không có. Bác sĩ nói cô chú đều khỏe mạnh, chỉ là tử cung cô có tật, siêu âm đầu dò thì thấy đó là một khối u lành tính. Nhưng sau mỗi lần cắt đi, độ vài tháng là từ vết thương lại mọc lên một khối u mới, cùng kích thước và không có dấu hiệu phát triển.

Cả nhà biết tin, ai nấy đều lo lắng, bà trẻ tôi tín Phật, sợ khối u ấy là nghiệp tích tụ mà thành, nên mới sang nhà thông gia đón cô Vân về, đưa đi chùa cúng bái. Ai mách bà đi chùa nào, bà liền dẫn cô sang chùa ấy, có bao nhiêu thầy cúng trong vùng, bà đều cho cô đi xem hết. Mất đâu hơn một tháng ở nhà mẹ đẻ, cô Vân mới gặp đúng thầy đúng thuốc.

Hôm đó nhà bà trẻ giỗ cụ, bố tôi cũng sang ăn cỗ, vì thế mới được chứng kiến cảnh áp vong người sống. Giữa lúc già trẻ lớn bé quỳ lạy khấn vái, thì con trai lớn của bác tôi, người tôi gọi là anh, đột nhiên ngã ra chiếu khóc. Đây không phải lần đầu cụ về, vì thế trong nhà không ai hoảng sợ, bà trẻ tôi mới đỡ anh dậy, gọi mẹ ơi mấy câu, anh mới ngừng khóc. Mặt anh đỏ gay, hai mắt nhắm nghiền, miệng méo xệch. Cụ tôi hồi còn tại thế bị trúng gió nên méo miệng, nói cũng ngọng nghịu, vì thế mà người nhà mới tin là cụ lên thật.

Bà trẻ tôi hỏi han cụ một lúc, lại khóc mà rằng: "Mẹ ơi, con khổ lắm, cái Vân cháu mẹ nó mãi chẳng chửa được, mẹ sống khôn thác thiêng thì bảo ban, che chở, vuốt ve cho cháu mẹ, để nó có chắt có chít cho người ta đỡ chê cười."

Cụ lúc đấy vừa bỏ miếng trầu vào miệng, nghe bà nói thì nhổ toẹt ra, cụ chỉ vào mặt cô Vân, mắng: "Cái con này điêu toa, con mày nhớn từng kia mà mày bảo là không có."

Cả nhà tôi tái mặt, cô Vân sợ tới không thốt lên lời, cô nhìn quanh, hay là cụ nhầm mấy đứa trẻ trong nhà là con cô, cơ mà ở đây toàn người lớn, trẻ con nó sợ có dám bén mảng vào đâu. Cụ thấy cô ngơ ngác, mới chỉ vào người cô, gắt: "Con mày nó ngồi trong lòng mày ấy, mày còn nhìn đi đâu nữa."

Ai nấy lạnh sống lưng, cô Vân ngồi xếp bằng, tay nắm vạt áo, cụ là người âm, cái cụ nhìn thấy thì không phải ai cũng thấy được. Bà trẻ biết ngay là có vong theo con gái mình, mới khóc ầm lên, kêu giời kêu Phật một lúc, xong lại lạy cụ mà nói: "Mẹ là người giời, mẹ có mắt thánh, mẹ chỉ cho cháu mẹ biết lỗi lầm, để cháu mẹ nó sáng mắt ra, mẹ ơi."

"Mày hỏi nó xem, có phải 5 năm trước nó từng có thai phỏng?" Cụ tôi nói với bà trẻ.

Cô Vân bấy giờ mới ớ người ra, mặt tái nhợt, nước mắt ứa hai hàng, cô ôm mặt khóc, được một lát mới thưa: "Con trót dại, lỡ có thai nhưng người ta không nhận, con phải cắn răng phá đứa ấy đi, nào con biết đâu việc lại đến cơ sự này."

Thì ra là cô Vân ngày trước từng có con với một người đàn ông, nhưng người ấy lại lấy vợ rồi, hai người cự nhau một trận rồi người ấy bỏ cô mà đi. Ban đầu cô đã tính giữ đứa con lại, nhưng người ta mối cô cho anh bí thư xã, thành thử cô không dám liều. Ngày ấy cô cũng day dứt lắm, mất nửa năm khóc thương cho số phận mình run rủi, rồi lại thương cho đưa con vừa mới thành hình trong bụng. Quả báo thường đến bất ngờ, chuyện này không thể trách ai được.

Vụ việc chỉ có người trong nhà biết, giờ vong nhi theo cô, muốn dứt cũng khó, chưa kể nó lại là con của cô nữa. Nhưng đấy chưa phải đã hết, ngay đếm hôm đó, cô ngủ mơ, trong mơ cô thấy một đứa trẻ, còi cọc, rất đáng thương. Nó đứng nhìn cô từ xa, không trông thấy mặt mũi thế nào. Xong đứa trẻ tự nhiên quỳ xuống, gọi cô ba tiếng mẹ ơi, cô hoảng hồn, có phải là đứa con cô bỏ 5 năm trước đấy không?

"Xin mẹ đừng trách con, tội con lắm, con thương mẹ bị người ta phụ tình, đâu có lòng nào oán hận mẹ, hôm nay con tới chào mẹ, để đi đầu thai."

Cô Vân trong mơ không nói được câu gì, chỉ thấy nước mắt chảy vòng quanh má. Đứa trẻ lại tiếp: "Ba năm qua mẹ gặp hạn, còn hai tháng nữa mới hết, là hạn thọ sinh án tử, nếu đậu thai sẽ không giữ được mạng. Cảm cái công mẹ cưu mang con bốn tháng, con xin báo hiếu mẹ ba năm, giờ con tạ mẹ con đi."

Dứt lời, đứa trẻ đứng dậy, nó rất nhanh liền đi mất. Cô Vân khóc tới tỉnh cả ngủ, dậy thấy gối đã đấm nước mắt. Sáng hôm sau cố kể với bà trẻ chuyện trong mơ, hai người liền đi chùa làm cái lễ cầu siêu cho đứa nhỏ. Bấy giờ cô Vân mới thấy nhẹ lòng, ba tháng sau hai họ nhận được tin mừng, là cô Vân báo có thai, mới được hai tuần tuổi.

2. Kinh dị tủ đá chứa xác thai nhi trong bệnh viện

Vẫn là bên nhà nội tôi, có một bác tên là Dung, hơn bố tôi 5 tuổi, bác từng làm hộ sinh trong bệnh viện huyện. Quê nội tôi dưới Khoái Châu, hồi còn trẻ nhà rất nghèo, bác và bác trai phải xoay xở đủ nghề mới trang trải được cuộc sống. Bác Dung làm hộ sinh lương không cao, đợt ấy bệnh viện thiếu nhân sự trực ca đêm ở nhà xác, bác liền nhận làm.

Trực ca đêm lương gấp đôi ca ngày, nhưng người khác kiêng kị lắm, vì cứ ngoài một giờ sáng là trong nhà xác lại có tiếng trẻ con khóc dấm dứt vọng ra. Bác Dung sợ thì có sợ, nhưng vì miếng cơm manh áo, bác vẫn liều theo. Người ta cứ đồn là có vong nhi trong nhà xác, ai mà hợp vía, nó sẽ theo về bắt cả nhà.

Bác vốn là hộ sinh nên biết nhiều chuyện trong viện mà người ngoài không biết. Nhà xác bệnh viện huyện có một kho đông lạnh riêng biệt, nói thẳng ra đó là một cái tủ đá, bên trong chứa những sản phẩm của nạo hút thai. Cứ mỗi tháng một lần bệnh viện mới đem đi chôn lấp, vì thế có tháng nhiều tới đầy cả một tủ, thai từ ba đến năm tháng đều để trong đó, còn thai nhỏ hơn thì có thể tiêu hủy ngay. Giá nạo thai ở đây tương đối rẻ, chủ yếu là người ta muốn sinh con trai, nên cứ thai con gái thì đem bỏ.

Bác Dung trực đêm không dám ngủ, vì lúc nào sau lưng cũng cảm thấy lành lạnh, nhắm mắt một cái liền nghe thấy tiếng trẻ con khóc bên cạnh. Nghĩ cũng tợn, chúng nó thấy người là tìm cách trêu đùa, chọc phá, có đêm còn đập thùm thụp vào tủ đá đòi ra. Bác không nhìn thấy nhưng vẫn cảm giác được có ai đó đang theo dõi mình, trong người lúc nào cũng rờn rợn.

Tới một đêm, lúc đang trực ở ngoài đại sảnh, bỗng thấy có người chạy vào, hốt hoảng kêu cứu, một phụ nữ sắp sinh đang lên cơn đau đẻ. Bác Dung là hộ sinh nên cũng theo ca cấp cứu vào đỡ đẻ, người được đưa tới là một phụ nữ trẻ, tầm 30 tuổi, đau đớn dữ dội, có dấu hiệu vỡ nước ối, băng huyết nguy hiểm đến tính mạng.

Người phụ nữ đẻ khó, ngất lên ngất xuống dăm lần, đứa bé lại chưa xoay đầu, hai chân ra trước, không mau lên thì dễ bị ngạt nước ối mà chết mất. Bác Dung phải dùng tiểu phẫu và kẹp để lấy đứa trẻ ra, không may mẹ của nó lại chết trước khi con chào đời. Đứa bé được cứu chữa kịp thời nên sống, nhưng người nhà lại không đến nhận, phải lưu viện một tuần để chờ liên lạc.

Trong một tuần đó, bác Dung ngày nào cũng tới chăm sóc cho đứa trẻ. Từ lúc đỡ đẻ cho nó, bác đã cảm thấy mình nảy sinh một tình cảm giống như ruột thịt, vì thế mà bác quan tâm chăm sóc cho đứa trẻ như con. Sau đó cũng có người tới, nói là cha đứa trẻ, bệnh viện làm thủ tục giao nhận, cam kết xác minh đầy đủ rồi mới cho lấy đứa bé đi.

Đêm hôm đó trong ca trực, bác Dung không nghe thấy tiếng trẻ con khóc vọng ra từ nhà xác nữa. Mấy đêm sau cũng thế, cảm giác rờn rợn cũng tiêu tan. Vì thế bác mới đánh bạo chợp mắt một chút.

Trong lúc mơ ngủ, bác thấy ngoài cửa phòng trực có người bước vào, là nữ, trẻ tuổi, mặc một bộ quần áo trắng toát. Người ấy nói với bác thế này: " Tôi cảm ơn chị đã cứu con tôi thoát chết do sinh khó, lại chăm sóc con tôi những ngày vừa qua. Từ giờ tôi sẽ giúp chị trông nom mấy vong nhi, không để nó quấy phá chị nữa."

Người phụ nữ còn cúi chào bác Dung một cái rồi mới từ từ bước khỏi phòng trực, đi đến cửa nhà xác thì biến mất. Bác Dung tỉnh dậy liền hiểu mấy ngày qua mình không bị quấy nhiễu là nhờ có người phụ nữ kia giúp đỡ. Cũng từ đó về sau bác không còn nghe thấy tiếng trẻ con khóc từ trong nhà xác nữa.

3. Có nên hương hoả cho đứa con chưa được chào đời?

Trong làng tôi có một chị tên là Liên. Chị Liên lấy chồng đã 5 năm, được một đứa con gái, nhưng hỏi thì chị bảo đây là con thứ, con cả của chị chết mà chưa kịp chào đời. Kỳ lạ là trong nhà chị vẫn có một góc bàn thờ để hương hỏa cho nó, khi nhắc đến đứa con ấy, chị thường gọi nó là Chị Bé.

Hồi chị Liên mới lấy chồng, hai anh chị tu chí làm ăn, chưa nghĩ đến việc có con, vì thế mà chuyện chăn gối rất hạn chế. Được độ nửa năm sau, có một lần chị Liên đang chạy xe máy ngoài đường, lúc tới gần con ngõ thì bất thình lình có một đứa trẻ con từ đâu vọt ra, chạy ngang qua trước mặt chị.

Chị Liên hãi quá mới dừng xe lại, nhưng đã không thấy đứa trẻ kia đâu. Đúng lúc ấy có một chiếc xe tải mất phanh đâm ra từ trong ngõ, cách chị chưa đến hai bước chân. Xe tải húc đổ tường mới dừng được, người trong xe chết tại chỗ.

Chị Liên cho là mình may mắn, bẵng đi một thời gian, chồng chị trong một chuyến đi lấy hàng, anh bị cửa xe kẹp gãy chân. Lúc nói chuyện với chị, anh kể là mình thực ra suýt chết. Lúc đấy anh chạy xe đêm, qua đoạn dốc Đèo Bụt ở Cẩm Phả, Quảng Ninh, xe tự nhiên chết máy, anh mở cửa xe chuẩn bị nhảy xuống xem thế nào, thì từ phía sau có ánh đèn pha lóe lên. Đường hẹp nên hai xe ken nhau sát rạt, anh còn đang chới với, tưởng cả người cả cánh cửa đều bị xe kia quệt trúng.

Không ngờ cánh cửa đột nhiên đóng lại, anh bị đẩy vào trong xe, chân chưa kịp co lại nên bị cửa xe kẹp vào. Anh còn đủ tỉnh táo để ngoái nhìn ra cửa, chợt thấy có một dấu bàn tay bé như tay trẻ con áp lên tấm kính, sau đó một lúc mới biến mất.

Chị Liên đem hai chuyện đấy kể với mẹ chồng, bà bảo chị như vậy là có quý nhân phù trợ, xem hôm nào rảnh thì đem ít lễ tạ lên chùa. Làng tôi có một chùa rất thiêng, gọi là chủa Bà Cả, bạch thầy trong chùa còn biết xem tướng. Gặp và trò chuyện với chị một lát, bạch thầy liền nói: "Sắc mặt con không tốt, nếu thấy trong người khó chịu thì nên đi khám, bệnh đến như núi đổ, biết mà phòng trước vẫn hơn."

Quả nhiên khi đi viện khám, chị được bác sĩ thông báo là có thai chết lưu trong bụng. Thai được hơn ba tháng, chị Liên hoàn toàn không biết mình có thai từ bao giờ, cũng không có dấu hiệu ốm nghén, giờ làm gì cũng đã muộn. May mắn là thai chết lưu phát hiện kịp thời, không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe của chị, mẹ chồng chị nghe được, bà nghĩ ra ngay là đứa trẻ này đã hai lần cứu cha mẹ nó.

Cả tới người không mê tín như chị Liên cũng cảm thấy đứa con ấy vẫn hiện hữu bên cạnh, nhưng nó không quấy phá gì chị. Có người mách với chị rằng, đứa con ấy còn theo anh chị là vì nó đã thành hình, nhận biết được cha mẹ nó là ai, anh chị có thương nó thì về làm cho nó một cái giỗ, để nó khỏi bị bơ vơ. Chị Liên lên chùa, hỏi bạch thầy xem có nên hương hỏa cho một đứa con chưa ra đời không, bạch thầy nói rằng:

"Đứa trẻ ấy đã có duyên với vợ chồng con, nhưng vô phúc không được gọi hai tiếng cha mẹ. Nguyên nhân là do đâu? Đứa trẻ ấy không có tội, những người làm cha làm mẹ, một khi đã tạo ra sinh linh, nhưng lại không chăm sóc cho nó, dù vô tình hay hữu ý thì cũng đã tạo nghiệp cho bản thân. Nếu con cảm thấy mình có lỗi với đứa trẻ này, vậy hãy thành tâm hương hỏa cho nó, còn như chỉ vì lời người ngoài đàm tiếu, hương hỏa qua loa, vậy thì tốt hơn hết là đừng làm."

Chị Liên ngẫm lời bạch thầy, sau đó nói với chồng và mẹ chồng, mọi người không ai phản đối việc chị lập bàn thờ cho đứa nhỏ. Chị còn đặt tên cho nó, mỗi lần cúng giỗ lại gọi nó là Chị Bé, tự tâm chị coi đó như cách để thân mật với đứa nhỏ hơn, và cũng là để cho nó một danh phận khi bước vào nhà này.

-------------------------

Lời từ tác giả: 

Tản văn này tớ đã ấp ủ từ cách đây nửa năm, góp nhặt từ những câu chuyện nửa thực nửa ma mị. Đừng vội đánh giá thật giả trong những chuyện này, vì mọi người trong chúng ta đều sẽ đến lúc phải làm ba mẹ, một số đã hoặc sẽ vô tình rơi vào những trường hợp này. Sự thật chỉ có người trong cuộc mới rõ, cũng đừng để bản thân trở thành nhân vật trong câu chuyện này, vì bấy giờ muốn hối cũng đã muộn rồi.

Đối với cha mẹ thì con cái vẫn có trách nhiệm báo hiếu, dù có được sinh ra hay không, đó là bản năng và cũng là ý nghĩa của tình thân.

"Dù cha mẹ không sinh con ra, nhưng con vẫn là con của cha mẹ. Chưa trọn kiếp người, con vẫn nguyện báo ân."

Tamlinh.org

Nguồn: Tong Ngoc