04/06/2021 11:34 View: 13001

Truyện ma có thật: Đứa con cầu tự

Các bạn đã ai từng cầu con chưa? Kiểu như đi lễ đền, lễ chùa cầu xin con ấy. Cầu xong có đến tạ lễ hay không?

Mình kể cho nghe câu chuyện về gia đình bà chị. Nhà bác sinh được 4 người con gái. Con lớn nhất bây giờ cũng 40 tuổi rồi. Bình thường ông bà ít đi lễ chùa lắm. Hai bác đều là thầy giáo làng cả.

dua con cau tu, con cau tu, hiem muon

Ảnh minh hoạ

Cách đây 17 năm, khi ấy 4 chị đều đã lớn.

Hai bác ở quê là trưởng nên cũng bị họ hàng nói qua nói lại vì không sinh được con trai nối dõi. Thời ấy cả 2 bác đi dạy ở trường rồi cũng tranh thủ mở lớp dạy thêm ở nhà. Kinh tế không giàu nhưng mà cũng không khó khăn. Chị lớn lúc ấy học xong sư phạm ra trường đi làm cùng trường 2 bác. Chị ấy dạy Ngoại ngữ, hai bác cùng dạy Toán.

Một lần cả 2 bác cùng đi lễ chùa, lúc lễ xong bác gái lại buột miệng xin thêm mụn con trai. Bác là xin vậy thôi chứ thực tình hai bác không tín. Nhưng sau lần ấy về bác gái thấy người mệt rồi bụng to dần lên (bác lúc ấy 46 tuổi rồi, kinh nguyệt là lung tung tháng có tháng không). Đầu tiên bác nghĩ là bị bệnh nhưng sau đó lại thèm ăn ngọt nên đoán là có thai. Bác đi khám ai ngờ có thai thật. Lúc ấy hai bác bất ngờ lắm. Các chị cũng mừng vì mong bố mẹ sinh thêm được cậu em trai để mỗi lần cúng bái đỡ bị các cụ nói.

Quả nhiên đến ngày sinh bác sinh được anh con trai bụ bẫm.

Cả nhà, cả họ đều mừng. Mọi người đến thăm đẻ như đi hội. Hai bác thì vui nhất. Bác trai sung sướng ngày nào cũng vừa đạp xe đi làm vừa huýt sáo. Nhất là lúc bác đi qua mấy nhà trước chê bác ko biết đẻ, chê bác cả đời chăn vịt...bác cố ý hát: cuộc đời vẫn đẹp sao!

Nhà mình ở cạnh nhà bác nên suốt ngày mình nghe bác kể chuyện về con trai. Mấy ông hàng xóm đánh cờ tướng còn bảo bác

- "Gừng càng già càng cay"; thế nào mà tòi ra hẳn cục giống...

Anh con bác sinh ra trắng như trứng gà bóc. Cả nhà thì da ngăm tự dưng sinh ra anh trắng lắm. Mấy chị suốt ngày tranh nhau bế. Có điều lạ là anh mọc răng rất sớm. Bình thường người ta phải 6-7 tháng mới mọc răng thì anh 2 tháng đã mọc răng, lại mọc liền mấy cái. Các bác thì tự hào vì già lại đẻ được con trai. Hơn thế con trai lại nhanh nhẹn lạ thường hơn những đứa trẻ khác.

Điển hình từ việc mọc răng sớm này, anh không khóc nhè đâu. Bác sinh con mà người ra vào thăm hỏi nhiều vô kể nhưng chưa khi nào anh bị khóc hay bị vía như những đứa trẻ khác. Với cả hai bác là giáo viên nên cũng chả tín mấy cái đó. Anh mọc răng là cũng biết lẫy luôn. Bây giờ cũng có nhiều bạn lẫy sớm. Chính như con mình cũng 2 tháng 15 ngày là biết lẫy. Mà anh ấy lẫy xong trườn rồi bò đến đi cũng sớm hơn tất cả những đứa trẻ trong xóm. Người ta sinh cùng tháng mới biết bò thì anh đã lon ton tập đi. Miệng anh hót suốt ngày luôn ấy. Ai cũng bảo nhanh biết đi thì chậm biết nói. Đằng này anh nhanh biết đi cũng nhanh biết nói luôn. Mới 9 tháng đi cứng lại còn biết gọi nữa.

Xem thêm:Duyên nợ và cách trả nợ?

Cả xóm cứ bảo sau lớn lên thành thần đồng cho xem.

Rồi anh lớn hơn và 2 tuổi nhưng nói chuyện như người lớn. Bé tí nhưng lại thích học lắm. Anh suốt ngày theo chị cả học. Anh nói được cả tiếng anh (hồi ấy tôi học cấp 3 nói tiếng anh còn kém hơn cả anh ấy mới 2 tuổi) các bác cứ bảo lớn lên sẽ cho đi nước ngoài du học. Mà anh bảo anh không đi nước ngoài. Anh ở nhà với bố mẹ vì anh quý bố mẹ.

Rồi anh lên 3 thì lại nổi tiếng vì biết làm toán.

Nhiều người chứ bảo anh con nhà nòi vì cả bố mẹ đều dạy toán nên con biết tính toán từ sớm. Anh có thể cộng trừ trong phạm vi 3 con số luôn. Tất cả là tính nhẩm. Lúc đầu các bác còn không tin khi thấy mấy đứa hàng xóm bảo anh cộng nhanh hơn đứa học lớp 3. Các bác mới hỏi thử anh đều làm được.

Hồi đó ở quê có nạn đánh đề.

Lúc bác chở anh đi qua hàng đề, anh bảo bác vào đánh đi, anh đọc số mà bác ko chơi. Bác bảo đánh đề ra đê mà ở. Vậy mà anh xui số nào thì tối đổ y chang số đó. Cả nhà sợ hết cả hồn. Nếu bảo trùng 1 lần hay 2 lần thì còn bảo là trùng hợp ngẫu nhiên được. Đằng này lần nào anh nói cũng trúng. Có điều khi nào anh nói ra thì được, ai mà hỏi thì nhất định không mở miệng. Bác còn hỏi anh tại sao lại biết? Anh bảo răng tự anh biết, không cần ai bảo.

Nhiều lần mọi người tập trung hỏi: Hai bác làm thế nào dạy được cậu con trai đã ngoan lại giỏi thế?

Các bác cứ cười xong bảo: Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.

Anh lại bảo: Cháu tự biết đấy. Không phải bố mẹ dạy đâu. Cháu còn biết nhiều cái nữa cơ. Mọi người nghe vậy lại phá lên cười xong bảo anh là "ông trạng non".

Ông trạng non thông minh, nhanh nhẹn lại nói chuyện dễ thương nên ai cũng quý hết. Nhất là tụi mình, tụi mình thích bế anh đi chơi, tại anh lại đẹp như trong tranh nữa.

Ngày ấy ở quê mình ít khi tổ chức sinh nhật. Hôm anh tròn 3 tuổi, các chị thì đi học với đi làm hết. Hai bác dạy sáng, chiều thì ở nhà dạy thêm. Nhà bác ở quê có vườn cũng nuôi gà với trồng rau quả các loại. Bác không xây hàng rào sân mà toàn cắm tre rồi căng lưới chắn. Riêng phía sau nhà thì bác lấy bàn ghế cũ hỏng chèn sát vào nhau để chắn vì sợ trẻ con ra vườn sau ngã xuống rãnh nước.

Trưa ăn xong anh đi ngủ. Chiều dậy anh chơi ở sân, lúc thì chạy vào trong phòng dạy học của bố mẹ. Rồi ai mải việc của người ấy đến lúc chiều chị lớn đi dạy về mới hỏi cu Hậu đâu? Lúc bấy giờ cả nhà mới tá hoả đi tìm. Gọi hết hàng xóm cũng không thấy. Hai bác với cả xóm nháo nhác nhau đi tìm anh ấy. Mà tìm mãi không thấy đâu. Cả xóm cũng chẳng ai thấy anh ấy đâu.

Đọc ngay:Đi trả lễ cầu con như thế nào ?

Bọn trẻ con trong xóm bảo là cả chiều không gặp Hậu.

Mấy đứa lít nhít bảo: 

- Lúc sáng chơi với nhau chú Hậu (anh bé tuổi mà được gọi là chú do vai vế trong họ) còn bảo đến chào mọi người vì chú ấy về nhà.

Mấy đứa mới hỏi:

- Nhà ở ngay đây mà cũng này đặt chào để về nhà. Chú ấy bảo chú về nhà khác cơ. Nhà chú ấy ở xa lắm.

Hai bác với mấy chị khóc hết nước mắt. Hàng xóm bảo hay là anh đi đâu bị lạc mất rồi. Nhưng nhà hai bác đóng cổng, anh không thể mở cổng tự ra. Nếu có đi đâu thì sẽ là ai trong xóm dắt đi. Mà trước giờ anh thông minh lắm. Không bao giờ đi với người lạ. Người quen dắt đi đâu cũng nhớ đường tự đi về một mình được mà không hề lạc. Có lần bác chở anh đi chơi xa lắm mà bác bảo quên đường về anh còn chỉ bác về đúng đường tới nhà luôn cơ mà.

Mọi người trong xóm tập trung mò mấy cái ao mà không thấy. Lúc bấy giờ có người bảo hay anh ra đằng sau vườn? Tại phía sau vườn có cái rãnh nước. Bác lắc đầu bảo anh không thể ra sau vườn tại bác kê bàn ghế chặn kín phía sau. Đến người lớn muốn ra còn ra không nổi nữa là đứa bé mới lên ba.

Trời quê nhanh tối, mọi người tìm tới tìm lui cũng không thấy nên người thì về nhà còn cơm cháo, chỉ người nhà thì ở lại cùng bàn bạc tiếp tục tìm.

Cả hai bác khóc lóc rồi tự trách mình lơ đễnh không để ý đến con.

Các ông bà, các cụ thì trách móc có mụn nối dõi thì không trông coi cho cẩn thận, mải mê ham kiếm tiền để anh lạc đi đâu mất. Cả nhà rối như tơ vò.

Đêm muộn mọi người vẫn soi đèn đi tìm. Các bác cứ chạy hết ngõ ngách mà không thấy anh ở đâu. Cả đêm mọi người thức trắng đi tìm như thế. Bác gái khóc không thành tiếng luôn. Có người bảo hay là anh bị ma giấu. Bác trai còn mắng át đi rằng làm gì có ma quỷ ở đâu ra mà ma giấu. Bác gái nghe thấy vậy bất chấp, cứ đốt hương thắp gia tiên rồi vái lạy xin các cụ phù hộ cho anh ấy được bình an.

Sáng sớm hôm sau hàng xóm lại tập trung tìm tiếp. Lúc bấy giờ các chú bảo bác đã tìm hết xung quanh rồi chỉ còn cái vườn phía sau chưa tìm. Mọi người kéo ra phía sau. Tại bàn ghế chất khá dày và kín nên mọi người phải kéo một lúc mới bỏ ra ngoài lấy lối đi vào trong vườn (trường học thay bàn ghế nên hai bác xin bàn ghế cũ hỏng về sửa đi để làm bàn ghế dạy thêm ở nhà. Không dùng đến nên xếp ra phía sau làm vách ngăn với cái khu rãnh nước phía sau).

Lúc ấy chị Thuỳ là người vào vườn đầu tiên. Vườn có luống cà chua mới trồng còn lại toàn là chuối. Cuối vườn có cái rãnh chạy dọc (ở quê ngày trước ít xây tường bao mà cứ đào rãnh nước coi như là ranh giới giữa các mảnh đất với nhau. Phía bên vườn bên kia rãnh toàn là cây giành giành mọc kín như hàng rào) mọi người ào ra tìm phía rãnh nước nhưng không thấy. Rãnh nước rất nông, lại đang cạn nên nhìn qua là thấy ngay.

Tất cả cố nhảy sang phía bên kia cái rãnh, sang khu vườn kia tìm lan ra những ao khác xem có thấy hay không thì bên này chị Thuỳ hét lên:

Hậu ơi! Sao em lại ở dưới đấy?

Nói rồi chị Thuỳ nhảy xuống bế anh ấy lên.

Mọi người nghe tiếng chị Thuỳ gọi, lật đật quay lại phía chị Thuỳ. Ai cũng bất ngờ khi thấy anh ấy ở trong cái hố vôi. Hố nhỏ, không quá to và chỉ sâu chừng chưa tới 1m để tôi vôi. Lúc dùng xong cái hố vôi thì không lấp đi mà bác bảo giữ lại để ít nữa có làm đỡ phải đào. Ai cũng choáng váng khi chứng kiến cảnh ấy. Bác gái thì khóc ngất lên ngất xuống. Cả xóm cũng khóc theo. Bác trai chạy ra giật lấy anh từ tay chị Thuỳ, dốc lên vai mà vác chạy. Bác ấy vừa chạy vừa kêu:

- Mau tỉnh lại! Con mau tỉnh lại cho bố.

Mấy người hàng xóm xúm lại giữ bác ấy. Mọi người trấn an bác hãy bình tĩnh tại vì anh ấy đã đi rồi. Bác ấy cứ gào lên rằng không phải. Rằng anh ấy mải chơi nên ngủ quên chứ không phải là đã mất. Chị Thuỳ ngồi gục xuống cạnh cái hố vôi mà khóc. Chị ấy luôn miệng gọi anh tại sao lại ra sau vườn chơi? Sao lại nhảy xuống hố vôi làm cái gì? Thực ra cái hố vôi không to và không sâu, nước cũng không nhiều. Có lẽ anh ấy nghịch nên rơi xuống dưới, bị sặc nước không kip kêu cứu và chết ngạt. Tuy nhiên nghe các chú nói: da dẻ anh vẫn trắng hồng y như lúc còn sống. Mọi người cứ thắc mắc mãi về việc đó.

Đừng bỏ lỡ: Tháng 7 cô hồn: Nhà có trẻ nhỏ nên ghi nhớ

Đám tang trẻ con không tổ chức như người lớn.

Chỉ là các cụ lên báo chính quyền rồi niệm và đưa ra đồng ngay. Ai cũng khóc thương anh vì quá nhỏ, một phần lại là đứa trẻ ngoan và thông minh. Hai bác thì xót con đến đứng còn không vững. Bác gái cứ lao vào giữ lấy anh không cho mọi người đưa đi.

Sau sự việc của anh, các bác tự trách mình lơ đễnh quá nên mới để anh lang thang chơi 1 mình đến nỗi bị rơi vào hố vôi. Bác lấp cái hố vôi đó lại, bỏ hết bàn ghế thừa đi cho hàng xóm làm củi đun và cắm hàng rào thoáng để dễ nhìn ra phía sau. Cái rãnh nước ngăn cũng được lấp và xây tường bao tránh để nước ngập nguy hiểm cho trẻ con trong xóm khác.

Sự việc trôi đi đến ngày giỗ đầu của anh.

Các bác cũng làm mấy mâm giỗ và mời thầy về cúng. Lúc cúng chẳng biết làm sao lại nhập vong vào chị Nga (chị sau chị Thuỳ), chị lăn đùng ra giữa nhà. Mọi người bảo vào dỗ đi mà các bác chả tin ma quỷ nên mắng chị Nga giở trò.

Chị Nga oà lên trách các bác sao không nhận con. Nói xong thầy bảo mọi người mau hỏi han đi, là vong nhập chứ không phải là chị Nga giở trò đâu. Hai bác cứ một mực không tin.

Chi Nga mới nói: Hôm nay là sinh nhật lần thứ 4 của con nên con mới về. Năm ngoái sinh nhật 3 tuổi con phải đi. Con là con trời. Con thông minh như thế cơ mà, bố mẹ không biết à? Bố mẹ đi lễ chùa cầu con mà. Tại bố mẹ hiền lành, thật thà nên trời thương cho con về làm con bố mẹ. Nhưng ba năm liền bố mẹ không tín tâm cũng không đi trả lễ nên con phải về trời. Duyên của con và bố mẹ mỏng nên chỉ được ba năm ngắn như thế thôi....

Anh còn liên tục kể lại một số chuyện mà chỉ bản thân 2 bác trong cuộc mới biết. Lúc ấy bác mới bắt đầu tin.

Chị Thuỳ còn hỏi anh làm sao mà lai chui ra vườn sau? Tại bố mẹ chặn bàn đến người lớn còn không ra được thì em trèo ra kiểu gì?

Anh ấy nói rằng anh không trèo bàn mà anh chui. Lúc ấy anh chơi ở sân có con gà ở đâu chạy lại. Anh chạy theo con gà thấy nó chui vào trong khe bàn nên anh chui theo. Chui luồn ở trong lại ra được vườn đằng sau. Con gà chạy trước anh đi theo sau. Đến cái hố vôi con gà nhảy qua hố anh nhảy theo mà lại rơi xuống dưới. Rồi anh kể lại chuyện mọi người tìm kiếm ở đâu. Chị Thuỳ là người thấy anh đầu tiên rồi chị bế anh lên như nào...

Chuyện đã trôi qua 1 năm liền mà nghe anh kể lại mới như vừa xảy ra hôm qua. Ai cũng khóc nhất là bác gái. Bác còn lấy tay đấm ngực thùm thụp bảo rằng tại bác không biết đi trả lễ.

Nếu biết sớm đi trả lễ thì đã không mất anh đau xót như thế.

Anh nói anh thương bố mẹ lắm. Anh về trời nhưng vẫn dõi theo bố mẹ. Anh còn bảo ở đời việc gì cũng vậy, phải có qua có lại. Lỡ cầu xin mà được lộc thì phải đáp lễ.....

Cũng sau lần ấy cho đến giờ, hai bác tuyệt nhiên không bao giờ đi lễ đền, chùa hay cầu xin bất cứ điều gì cả. Bác bảo bác cứ an phận, có duyên ắt sẽ có của, xin gì thì xin, nếu xin được cũng sẽ mất khi hết duyên.

Câu chuyện xảy ra đã rất lâu rồi. Mình là muốn tâm sự 1 chút về con cầu. Ai tín thì hãy tín tới cùng, đừng nửa chừng như các bác ấy. Con có duyên đến với mình là lộc. Lộc tới thì cũng phải tán lộc kẻo không bền.

Chuyện hơi buồn mong mọi người đọc lưu tâm nhé! Cái gì thật, mãi mãi vẫn là thật. Đừng phát biểu không hay kẻo mang khẩu nghiệp. Tuy đời người, ai cũng phải trải qua sinh- lão -bệnh -tử nhưng có luật nhân quả ạ!

Có thể bạn quan tâm: Sự thật GIẬT MÌNH về những điều kiêng kỵ trong tháng 7 cô hồn

-----------------------

Em gái tui sn 2007,  là mẹ tui đi xin cha Phanxico Trương Bửu Diệp ở Bạc Liêu. Sau khi chị hai tui mất đầu năm 2006, mẹ tui hứa nếu được sau khi sanh bé xong sẽ đi tạ ơn cha nhưng 3-4 năm sau thì mẹ quên luôn nên con bé nó cứ bệnh vặt suốt mà không mập nổi. Sau mẹ tui nhớ lại mới đi tạ ơn Cha thì nó không bệnh vặt nữa, khỏe mạnh tới giờ luôn

Nên rút kinh nghiệm: Thần thánh hay vong ma cũng vậy, trót hứa phải giữ lời, không làm được tuyệt đối không hứa, bậc thánh thần họ có lòng từ họ không phạt nặng chỉ nhắc nhở chứ vong hồn đặc biệt là quỷ nó nhớ dai mà đòi nợ cũng ác liệt lắm, nhớ cẩn thận lời mình nói ra. - Nguyễn ngọc Thanh Long

-------------

Em mình cũng do mẹ mình lên đền làm lễ xong buột miệng hỏi.  4 năm trước cả họ nhà mình bị phen hú vía vì bảo tận số, đến ngày bắt khi mà tự nhiên mình đi xem bói bảo còn 7 ngày nữa bắt nó. Sau đó đi 3 nơi đều vậy. 

Ơn giời người nhà thiêng, tìm được thày giỏi và căn bản cả họ từ các ông bà, bác, cô chú nhiệt tình giúp nữa nên tai qua nạn khỏi. Trộm vía công nhận nó khác người, ăn nói như cụ non, lí luận sắc bén, thông minh, học hành kiểu tài tử nhưng toàn điểm cao...mình từ dạo đấy cứ mùng 1,15 đi lễ đều, rồi năm ngoái cũng làm lễ đầy đủ ý. Ai trong hoàn cảnh mới hiểu - Nguyễn Phương Ly 

---------------

Bà chị hay gội đầu cho tui cũng kể là: Hồi đó bả hiếm muộn con, đi chùa cầu xin con, nếu có con sẽ tạ lễ. Xin xong thì về nhà cũng được toại nguyện. Mà khi đẻ ra bà ấy quên hẳn đi chuyện tạ lễ, một năm sau đúng ngay ngày mà lúc trước bả cầu xin con thì thằng bé chết. Rồi bả nhớ ra thì mọi chuyện muộn rồi. Bởi vậy một khi cầu xin điều gì đó thì đừng nói sẽ tạ lễ này nọ, nếu có nói thì phải nhớ tạ lễ - Heo Sữa Nibi 

Tamlinh.org

PHÚ DƯƠNG (Đăng lại vui lòng dẫn nguồn Tamlinh.org đầy đủ)

Ma