Mặc dù các bác sĩ khẳng định bà Tâm đã qua cơn nguy kịch, thế nhưng, sau 20 ngày điều trị, bà Tâm đã qua đời sau một cơn co giật bất ngờ, ngay tại giường bệnh.
Anh Việt con ông Rạng
Cái chết cuối cùng
Để độc giả hình dung lại được những bi kịch xảy đến liên tiếp với đại gia đình ông Trần Văn Rạng (Xóm 9, Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình), xin được sơ lược vài dòng về loạt bi kịch này:
Sau khi phá ngôi miếu ở vườn để xây dựng ngôi nhà, thì anh Trần Văn Viết, con trai ông Rạng – bà Đào bỗng đãng trí, lẫn lộn, thường ngủ li bì, rồi chết sau một cơn co giật cứng người như thể bị tai biến mạch máu não.
Anh Viết chết vào tháng 3, thì đến tháng 5, ông Trần Văn Rạng rơi vào trạng thái bị co giật tương tự, rồi chết sau một cú sốc, dù đã được bệnh viện chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ không tìm được nguyên nhân, nên chỉ có thể kết luận là tai biến mạch máu não.
Đến trăm ngày ông Rạng, khi mọi người đang thực hiện lễ cúng, do ông thầy cúng chủ trì, thì bất ngờ hàng loạt người trong gia đình ông Rạng đột nhiên lăn ra co giật, miệng sùi bọt, bất tỉnh nhân sự. Cả nhà anh Trần Văn Út (anh út là con trai thứ 3 của ông Rạng), gồm anh Út, vợ là Vũ Thị Nhung, cùng cháu Trần Quốc Khánh đều bất tỉnh nhân sự.
Điều đau xót là cháu Khánh, con trai duy nhất của anh Út, cháu nội ông Rạng đã mất tại chỗ. Bà Nguyễn Thị Đào, vợ ông Rạng, mẹ anh Út cũng lăn ra co giật đúng hôm trăm ngày chồng. Bà Đào mất tại bệnh viện, cùng ngày với cháu Khánh. Anh Trần Văn Út được chăm sóc ở bệnh viện Bạch Mai rất chu đáo, nhưng ra viện hôm trước, hôm sau anh đột ngột qua đời.
Tất cả những cái chết này đều được kết luận là mắc hội chứng não cấp. Bác sĩ Phạm Duệ, khi đó là Phó trưởng Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tin rằng hiện tượng này là ngộ độc bởi loại hóa chất gây co giật. Tuy nhiên, tất cả các xét nghiệm đều không tìm ra loại chất độc nào gây nên triệu chứng chết người, mặc dù quá trình họ nằm viện cứ lúc tỉnh lúc mê, là trạng thái của những người trúng độc nặng.
Sự kiện hàng loạt người lăn ra co giật, chết chóc trong bữa cúng trăm ngày của ông Rạng thực sự sốc với toàn thể họ Trần cũng như dân làng. Con cháu họ Trần ở trong vùng được sơ tán khỏi “vùng nguy hiểm”.
Cháu Trần Văn Bảo, con trai anh Viết, đã được mẹ đưa thẳng vào Nam trong đêm, để tránh khỏi mảnh đất đầy đau thương, chết chóc. Chị Vũ Thị Nhung, vợ anh Út cũng không dám trở về nhà chồng nữa. Thậm chí, các hộ dân xung quanh, dù không có họ hàng gì với gia đình ông Rạng, cũng dọn đồ đạc chuyển đi nơi khác sinh sống.
Nhà ông Rạng
Mảnh đất rộng mênh mông, với tổng số 3 ngôi nhà khang trang, cùng 3 căn nhà ngang rộng rãi của đại gia đình ông Rạng chỉ còn mỗi bà Phạm Thị Tâm, khi đó đã 77 tuổi, là bà thím và cũng là mẹ nuôi của ông Rạng trụ lại. Con trai nuôi, con dâu, cùng các cháu, chắt đều đã vong mạng, khiến lòng bà đau như cắt.
Dù sợ hãi lắm, nhưng bà là người còn lại duy nhất của gia đình, nên phải ở nhà để khói hương. Người đi về giúp đỡ bà Tâm là ông Nguyễn Văn Thung và ông Trần Văn Lưu. Chỉ có 3 con người già cả đó dám đối diện với cái chết tưởng như đang cận kề trước mắt. Họ hàng ngày lo hương khói cho những người đã khuất, tiếp đón các nhà tâm linh ở khắp nơi về, trả lời hàng ngàn câu hỏi của các nhà khoa học, quan chức, lực lượng công an…
Vào ngày 1-10, đúng một tháng sau hôm trăm ngày ông Rạng, sau đúng một tháng đám con cháu của bà nhất loạt lăn ra đất giãy đành đạch, thì bà Phạm Thị Tâm đã bị vận hạn ghé thăm.
Theo lời anh Trần Văn Việt, hôm đó là buổi sáng, bà Tâm đang ăn cơm cùng 2 đứa cháu, thì bà kêu khó chịu, chân tay run lẩy bẩy, sùi bọt mép rồi rơi vào trạng thái co giật toàn thân y như con cháu. Gia đình đã khẩn cấp đưa đi Bệnh viện Đa khoa Thái Bình.
Cũng theo lời anh Việt, bà Phạm Thị Tâm, còn gọi là bà Khuê, vì có chồng là ông Trần Văn Khuê. Ngày đó, nhiều người thắc mắc, không hiểu sao, bà Tâm là mẹ ông Rạng, nhưng lại chỉ nhiều hơn ông Rạng có 12 tuổi (Khi đó bà Tâm 77 tuổi, ông Rạng 65 tuổi).
Thực ra, bà Tâm là thím của ông Rạng. Bà Tâm là người xã Vũ Lạc, lấy ông Khuê, nhưng không có con. Ông Khuê mất sớm, bố mẹ ông Rạng cũng mất sớm, nên ông Khuê nuôi dưỡng ông Rạng từ bé và coi ông như con ruột của mình. Vợ chồng ông Rạng từ trong sâu thẳm đã coi bà Tâm là mẹ và các cháu coi bà Tâm là bà, các chắt coi là cụ. Thậm chí, người dân trong vùng cũng không biết gia cảnh ông Rạng và bà Tâm, nên họ mặc định là mẹ con. Họ cũng xưng hô là mẹ con, chứ không phải thím cháu.
Bà Tâm được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Các bác sĩ phải luồn ống nội khí quản để bà Tâm thở dễ dàng, nhằm tìm cách bảo toàn tính mạng cho bà, tiếp tục điều tra nguyên nhân khiến bà rơi vào trạng thái co giật nguy hiểm.
Sau mấy ngày điều trị, bà Tâm đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.
Bà đã được đưa về phòng theo dõi. Bệnh viện bố trí một phòng riêng để tiện giám sát, cũng là để lãnh đạo đến thăm.
Gia đình phân ông 2 người lên trông coi là em dâu Bùi Thị Hợi (bà Hợi khi đó 69 tuổi, ở xã Vũ Lạc) và bố vợ anh Trần Văn Út là ông Vũ Văn Bình (ông Bình lúc đó 52 tuổi, quê xã Vũ Đông).
Tuy nhiên, hai người này vừa lên trông bà Tâm được vài tiếng, thì bỗng bủn rủn tay chân, rồi lăn ra bất tỉnh, chân tay co giật đùng đùng ngay tại giường bệnh. Thế là hai người lên trông nom bà Tâm lại tiếp tục nhập phòng cấp cứu.
Điều kinh dị xảy ra ngay sau hôm hai người trông nom bà Tâm phải cấp cứu, đó là Bệnh viện Đa khoa Thái Bình tiếp tục đón gần chục bệnh nhân có biểu hiện tương tự, được chuyển lên từ nhà ông Thung, khi họ gặt lúa cho đại gia đình nhà ông Rạng.
Mặc dù các bác sĩ khẳng định bà Phạm Thị Tâm đã qua cơn nguy kịch, thế nhưng, sau đúng 20 ngày điều trị, theo dõi thận trọng, bà Tâm đã qua đời sau một cơn co giật bất ngờ, ngay trên giường bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thung vẫn nhớ như in cảnh tượng hôm đó: “Cái ngày bà Tâm chết vẫn ám ảnh tôi đến hôm nay. Hôm đó, khoảng 5 giờ chiều, nghe tin bà Tâm chết, cả gia tộc họ Trần bỏ chạy tán loạn, không ai dám đến nữa. Dân làng thì không ai dám lại gần nhà ông Rạng, chứ đừng nói chuyện vào nhà. Những người dân gần nhà ông Rạng thì đã bỏ đi hết. Các nhà tâm linh, người chào thua, người cũng không dám đến nữa, vì họ cúng bái mãi mà không có tác dụng gì.
Hôm đó, chỉ có mỗi tôi và ông Lưu trực chiến ở nhà ông Rạng. Xe cấp cứu đỗ ở đầu ngõ, bác sĩ và lái xe đeo khẩu trang kín mít đẩy xác bà Tâm vào nhà. Mặc dù bà Tâm đã chết, nhưng họ vẫn đeo mặt nạ thở ôxi.
Đưa xác bà Tâm vào nhà, bác sĩ tháo mặt nạ, rồi bỏ đi. Lúc đó, nhìn cảnh giữa sân rộng rãi, chẳng có ai, tôi hãi quá, nên cũng bỏ về, mặc kệ ông Lưu. Nhà họ Trần còn đông người, con cháu bà Tâm cũng đông, mà chẳng ai dám đến, thì tôi hà cớ gì phải ở lại. Nói thì nói vậy, nhưng quả thực tôi sợ ở đó thì mình cũng bị vật ngay thôi.
Đám tang ông Rạng
Tôi về nhà một lúc thì ông Lưu chạy sang nhà tôi, đề nghị tôi sang trông nom xác bà Tâm cùng ông ấy. Tuy nhiên, tôi từ chối, tôi bảo trông nom hương khói cho bà Tâm không phải trách nhiệm của tôi, bà Tâm là con dâu họ Trần, chẳng có liên quan gì đến tôi cả. Con cháu bà ấy còn sống, thì chúng nó phải có trách nhiệm lo lắng chứ, sao lại tìm tôi.
Nghe tôi nói vậy, ông ấy bỏ về. Đến 9 giờ tối, ông ấy lại mò sang tìm tôi. Ông Lưu bảo, có mỗi mình ông, ông sợ quá, nên nhờ tôi sang giúp. Tuy nhiên, tôi cũng sợ, nên nhất định không sang.
Nhờ vả không được, ông Lưu đứng ở cổng chửi bới. Ông bảo, tao còn mỗi cái xác già, sợ đếch gì. Thánh thần có bắt tao thì cứ trói tao vào mà đánh, đánh chết thì tôi. Chửi đổng mấy câu rồi ông ấy về. Cả đêm hôm ấy, có mỗi xác bà Tâm đắp chiếu và ông Lưu trong nhà ông Rạng. Ông Lưu cứ sang thắp hương cho bà Tâm, rồi lại bỏ về nhà mình”.
Ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tây nhớ lại: “Sau cái chết của bà Tâm, thì quả thực dân làng vô cùng hoang mang. Con cháu cũng không dám đến làm tang ma cho bà Tâm. Thấy tình hình căng thẳng, và lại quá tủi phận cho bà Tâm, nên anh Bùi Văn Vượng, khi đó là Chủ tịch UBND xã, đã chỉ thị cho đóng cửa UBND xã, không làm việc nữa, và yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên của xã phải đến nhà ông Trần Văn Rạng làm tang lễ, đưa bà Tâm ra cánh đồng.
Lãnh đạo xã viếng bà Tâm
Khi đó, lòng dân hoang mang, đồn đại dị đoan ghê lắm, nếu chúng tôi không bạo gan đứng ra làm việc đó, thì làm sao nói được dân chúng, với lại lấy ai làm tang ma cho bà Tâm. Nói thật, khi đó anh chị em cán bộ xã cũng run lắm, nhưng đây không chỉ là góc độ tình cảm, mà còn là nhiệm vụ chính trị, nên không ai được lảng tránh”.
Cái chết của trưởng thôn và ông Lưu
Ngay phía sau nhà ông Rạng, là ngôi nhà nhỏ, nơi bà Nguyễn Thị Đào cư ngụ. Bà Đào là vợ ông Trần Văn Lưu (vợ ông Lưu trùng họ tên với vợ ông Rạng). Bà Đào dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt khắc khổ, nhưng lại rất can đảm.
Bà Đào là vợ thứ 2 của ông Lưu. Quê bà ở xã bên. Ông Lưu là chú ông Rạng. Vợ ông Lưu mất từ năm 50 tuổi. Chồng bà Đào thì bỏ vào Nam lấy vợ khác. Cùng cảnh ngộ đơn thân, nên bà Đào về làm dâu họ Trần. Mặc dù mới 60 tuổi, song bà Đào có địa vị cao trong dòng họ Trần ở làng.
Theo lời bà Đào, làm tang lễ cho bà Tâm xong, ông Lưu đi cúng bái gớm lắm. Khi đó, chỉ có mỗi ông Lưu hương khói, chăm lo cho bàn thờ gia đình ông Rạng và hương khói ở hai ngôi miếu. Ngày rằm, ngày giỗ, ông cúng 3 bát cơm ở miếu. Cúng xong, ông đổ một bát cho con vịt ăn. Con vịt này đẻ một đống trứng ở gốc cây. Sau thì nó làm ổ và ở luôn trong hầm của ngôi miếu. Chính vì thế, chẳng ai dám động vào con vịt này.
Bào Đào kể: “Hồi gia đình ông Rạng chết hết, ông Lưu vẫn dẫn một bà thầy cúng đến. Bà này thấy có tới 11 bát hương, nên lắc đầu bảo thờ thế này không được. Ngày đó, gia đình sợ hãi, lại lắm thầy nhiều ma, nên cứ bốc bát hương bừa bãi đặt vào miếu, thờ đủ các thần thánh.
Bà này bảo, có tới 11 bát hương thì biết cúng ông thần nào, chỉ nên thờ Thổ Địa và long mạch thôi. Bà này thắp hương, cúng bái nói rằng “Vị nào không nằm trong phạm vi thờ cúng thì tôi mời đi chỗ mát mẻ (giải mát, thả xuống sông)”.
Xin xong, bà này gieo âm dương được ngay. Cứ mỗi lần gieo âm dương được, thì hạ xuống 1 bát hương. 9 lần gieo, được cả 9, nên hạ 9 bát xuống. Tuy nhiên, khi còn lại 2 bát, thì gieo tới 20 lần không được. Lần gieo thứ 20, bát hương bốc cháy đùng đùng. Sợ quá, nên bà thầy cúng này phải để lại 2 bát”.
Theo lời bà Đào, ông Lưu đã đi xem bói ở nhà một ông ở huyện Đông Hưng. Ông thầy này phán rằng, cái chết của bà Tâm chưa phải đã chấm hết, mà người chủ sẽ là người cuối cùng bị vật. Ông thầy bói này ám chỉ “người chủ” chính là ông Lưu, người đứng đầu họ Trần, là chú ruột ông Rạng, cũng là người thay mặt ông Rạng đứng ra làm chủ, lo lắng mọi việc cho con cháu ông Rạng.
Chẳng hiểu lời ông thầy bói đó có đúng không, nhưng 2 năm sau khi bà Tâm mất, ông Lưu cũng ra đi vì bạo bệnh. Mặc dù ông Lưu qua đời vì bệnh tật, tuổi già, nhưng bà Đào cũng như dân làng nơi đây, đều liên hệ cái chết của ông với câu chuyện đầy bi kịch nhà ông Rạng.
Còn một cái chết cũng bị đồn đại rùng rợn nữa, là cái chết của ông trưởng thôn Phạm Văn Đức.
Vào năm 2010, sau khi kiểm tra các cháu tập dượt cho ngày lễ Trung thu, khoảng 9 giờ tối, ông Đức lên giường ngủ ngay. Sáng hôm sau, không thấy dậy, vợ gọi, thì ông đã chết tự lúc nào, miệng chảy ra máu.
Trước đây, ông Đức là người uống rượu say, cầm gậy xua đuổi thầy cúng ở nhà ông Rạng, nên người dân đã liên hệ cái chết bất đắc kỳ tử của ông Đức với chuyện “thánh vật” ở nhà ông Rạng.
Theo lời ông Thung, ông Đức là người tốt, nhiệt tình trong công tác và được nhân dân quý mến. Hành động xua đuổi thầy cúng khi đó là do ông say rượu, chứ không có ý đồ xấu gì cả.
Trao đổi với lãnh đạo xã, thì ông Đức vốn bị đau dạ dày nặng, lại hay uống rượu, nên ông qua đời vì chảy máu dạ dày, chứ chẳng có chuyện ma hành, thánh vật gì cả. Việc gắn cái chết của ông Đức với chuyện nhà ông Rạng là suy diễn vô căn cứ.