Sáng sớm, đoàn người vội vã ăn sáng rồi nhanh chóng lên đường. Tôi chỉ kịp mua một ổ bánh mì không đem lên gặm đỡ trên xe. Xe lăn bánh đưa đoàn hành hương chúng tôi thẳng tiến vào núi Cấm.
Càng rời xa miếu Bà, cảnh vật càng hoang vắng, quạnh hiu.
Nhưng, trong lòng tôi lại cảm thấy một niềm vui vô căn phát khởi. Cứ như là mình sắp được về nhà vậy...
Xe dừng lại ở bên ngoài. Đoàn chúng tôi phải đi bộ thêm một quãng vào chân núi. Đến nơi, tôi ngỡ ngàng đến lặng người... Con đường mòn lên núi giống y chang con đường tôi thấy trong mơ.
Trèo lên được đến Vồ Thiên Tuế là ai nấy mệt lả người. Tội nghiệp mấy bà già, đi thở hồng hộc mà miệng vẫn tự động viên mình: “Mô Phật, Khỏe quá! Mô Phật, Khỏe quá!”. Tôi vốn thanh niên, sức khỏe dồi dào, vậy mà leo từ gộp đá này sang gộp đá khác một hơi hai bắp đùi tôi cứng đơ, mỏi nhừ. Hồi xưa, nghe thầy tôi kể các vị tiền bối tu trên này, muốn lấy nước phải đi gần nửa quảng đường núi. Khó khăn đến kinh dị. Nghĩ vậy thôi, tôi đã lắc đầu le lưỡi thán phục công hạnh của những bậc tiền bối ở đây...
Ngôi am lá do hai sư cô cất trên vồ đón chúng tôi bằng mùi nhang trầm thoang thoảng với tiếng chuông thanh thoát giữa núi rừng. Nhìn ngôi thảo am đơn sơ với pho tượng đức Phật Thích Ca ngồi thiền định, tôi nghe lòng thanh thản lâng lâng. “Giá mà được ở đây lâu thì hay biết mấy” – Tôi thầm mơ ước.
Vồ Thiên Tuế, một trong năm vồ của hệ thống núi Cấm khi tôi lên vẫn còn xanh um những bụi thiên tuế cao khỏi đầu người. Nghe nói có cây đã già hơn trăm tuổi. Khi nghe tôi hỏi về sự tích cái tên vồ Thiên Tuế, sư cô lớn tuổi giải thích:
- “Có hai giả thuyết giải thích về sự ra đời của địa danh này lận cậu à.
Giả thuyết thứ nhất cho rằng do nơi đây này từng được vua Gia Long đặt đại bản doanh trong những lần lẫn tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho nhà vua, lúc đó người ta gọi “trại” là vồ Thiên Tuế ở, về sau nói gọn lại thành vồ Thiên Tuế. Giả thuyết thứ hai cho rằng do nơi đây ngày xưa mọc toàn cây Thiên tuế, từ đó mà thành tên”.
- Giả thiết nào đúng hơn vậy cô?
- Cô thấy cái nào cũng đúng. Ở trên đây còn lưu lại dấu tích chiếc ghế đá ngày xưa vua Gia Long ngồi và giếng nước được tạo nên từ lưỡi kiếm của vua.
Nói đoạn, sư cô dẫn tôi ra phía ngoài xem giếng nước. Nhiều người trong đoàn khách hành hương tò mò cũng vội đi theo. Đến một gò đá cao, cô chỉ:
- Đó, giếng nước của vua.
Gọi là giếng chứ thật ra chỉ là một khe nước chiều dài khoảng hơn 1m nằm giữa hai tảng đá lớn. Miệng khe nước có hình thoi, bén hai đầu. Nhìn giống như dạng một lưỡi gươm khổng lồ cắm xuống mà tạo thành. Sư cô kể tiếp:
- Ngày trước, vua Gia Long bị Tây Sơn rượt đuổi phải rút lên đây lẩn trốn. Không có nước uống, binh sĩ mệt lả. Nhà vua cầu khấn với trời, nếu ngài có chân mệnh thiên tử thì xin trời ban cho nước uống. Khấn xong nhà vua cắm mạnh lưỡi gươm xuống khe đá, khi rút lên thì bất ngờ một mạch nước trào ra. Nhờ vậy mà quân lính mới qua cơn nguy hiểm...
Mấy bà già đi chung xuýt xoa tán thưởng:
- Trời đất! Ngộ quá hén. Vậy mà đó giờ mình đi núi cứ đi, có biết gì đâu.
Nhiều người thành tâm cúi xuống vốc nước rửa mặt rồi trầm trồ khen nước mát. Tôi cũng bắt chước làm theo. Quả thật, nước giếng trời ban vừa mát lạnh vừa ngọt đến lạ lùng.
------------
Xem trọn bộ: (Tập 1) (Tập 2) (Tập 3) (Tập 4) (Tập 5)
(Tập 6) (Tập 7) (Tập 8) (Tập 9)
Tác giả Hoàng Thông