04/06/2021 11:51 View: 1924

Tu Đạo và Thầy - Trò trong tâm linh

Hiếm ai có thể sống trên đời mà không bao giờ cần người dẫn dắt, nhất là trên con đường tâm linh. Bởi con đường tâm linh của mỗi người mỗi khác, nếu lại thêm thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm để thẩm định đối chứng thì thật khó tưởng tượng mình có thể đi sai lệch tới đâu.

tu dao, dao thay tro

Đạo là gì?

Vốn chữ “Đạo” mà ta hay nói, đã khi nào ta thử cắt nghĩa xem đó là gì? Gạt bỏ hết những khái niệm cao siêu phù phiếm, thì “Đạo” chỉ giản dị là một con đường có: 

  • (1) Phương hướng
  • (2) Đầy trở ngại sẽ dẫn dắt ta đến một 
  • (3) Cái đích nào đó. 

Thiếu một trong các yếu tố trên thì không thể gọi là “Đạo”. Và “tu đạo” tức là đi trên con đường ấy, với một hành trang nặng trĩu trên vai. Đó là tất cả những điều vốn sẵn trong ta, cả tốt lẫn xấu. Nếu muốn vượt qua trở ngại và đi hết con đường, ta phải nhẹ; muốn nhẹ thì phải tinh gọn hành trang của mình, từng chút từng chút một: cái gì bỏ đi (chấp niệm, tà kiến, tham ác, sân hận...), cái gì bồi đắp (buông xả, tích cực, khoan dung…), cái gì thay đổi, cái gì khai khởi…

Tu ĐẠO

Nói cách khác, “tu đạo” là bao hàm quá trình: nhận thức (tự thân hoặc có dẫn dắt) – thay đổi – rèn luyện – hành trì. Nếu không thể đấu tranh và duy trì được giữa cái đúng và cái mình muốn thì không thể gọi là tu đạo.

Đi từ cõi người sang cõi giải thoát, ta đi bằng đường đạo (Ví dụ trong đạo Phật có hình ảnh Thuyền tu Bát Nhã đưa người từ “bến mê” vượt “bể khổ” để đến “bờ giác”). Dù là đạo Phật, đạo Thánh hay đạo Thiên chúa… thì đích đến cuối cùng cũng là khai ngộ cho con người hiểu về thể tướng nhân sinh và vũ trụ, khai mở trí huệ (tư duy thấu suốt + tâm can hỷ lạc).

Chưa kể trong mỗi đạo lại có vô lượng biến pháp (giả sử đức Phật từng nói trong đạo Phật có tới 84.000 pháp môn, đại diện cho 84.000 hướng sông đổ ra biển), ta thấy các bậc chân tu triệt ngộ đều vươn tới giải thoát dù mỗi người mỗi pháp (cách tu). Bởi vậy, sai biệt đều do tâm khởi; ai theo và đắc đạo nào đều tùy thời, duyên nghiệp và tùy công hạnh mà hợp căn cơ. Không thể lấy trí của kẻ chưa thoát sân si để tùy tiện thẩm đoán pháp môn, do bản thân tâm đắc với đạo này mà bài xích kẻ theo đạo khác được.

Nếu trên con đường mịt mờ tu đạo mà tự ta biết chắc được khi nào cần làm gì, thì hẳn đã không còn đau khổ. Không biết đường thoát đã là bất hạnh, đi nhầm đường, hoặc đi dở chừng rồi dừng lại còn đáng buồn hơn, như con thuyền đã ra khơi mà giờ vô định. Bởi vậy mới sinh ra khái niệm người thầy tâm linh, để hướng dẫn chúng ta đi trên con đường đó để làm sao đạt được tới thành tựu viên mãn.

tu dao, dao thay tro, hau dong

Trên đường đạo, có người thầy trực tiếp và người thầy gián tiếp.

Trong đó chư vị ở cõi giải thoát (Phật, Thánh, Chúa…) là người thầy gián tiếp, bởi các vị là cái đích mà ta hướng tới, còn người chỉ ta đi trên con đường đạo là người thầy trực tiếp, họ là người đã đi trước, học hỏi và chiêm nghiệm con đường tu tập; nhờ đó mà phần nào họ có thể khuyến khích ta lúc mỏi mệt, chỉ bảo cho ta những việc nên làm và thời điểm để làm. 

Phân định rõ được hai người thầy này, ta sẽ vượt qua được định kiến trong tâm thức của mình. Người thầy trực tiếp (gọi tắt là thầy) họ cũng là người, tức là một bản thể có tính cách riêng, cũng vẫn đang phải tự cố gắng trên con đường thoát tục và vẫn đối mặt với những thứ rất đời.

Người thầy này đến với ta không đơn thuần bởi “do duyên”, vì “duyên” là sợi dây đưa ta tới mọi mối quan hệ; còn mối quan hệ đó tốt hay xấu còn phụ thuộc vào “Phúc” và “Đức” của bản thân mình, nhất là thầy trò trong tâm linh. Phúc ấm và Đức tu kém dẫn ta đến mối quan hệ xấu đã đành, nhưng kể cả có được mối quan hệ tốt mà hai yếu tố tiên quyết kia kém thì mối quan hệ cũng chẳng thể lâu bền. 

Trong hướng đạo, người thầy chỉ có thể chỉ cho bạn cách tốt nhất trong khả năng của họ, chứ không thể chủ động xoay chuyển cuộc đời bạn theo ý mình. Mặt khác, dù thầy trò trong tâm linh có thể “trong nghĩa thân, ngoài nghĩa dưỡng”, nhưng bản chất đường tu của mỗi người là khác nhau. Vì vậy, việc tu tập chủ yếu vẫn nằm ở sự tự nhận thức, điều chỉnh và đấu tranh của bản thân. Người thầy chỉ có thể góp ý, chỉ hướng cho người tu đạo.

Không ai có thể cõng được ai khác trên con đường này, “ai tu nấy được” là như vậy.

Nếu không hiểu được điều đó, ta dễ quên đi trách nhiệm và vai trò của bản thân mà sa đà vào si chấp những phần “người” ở thầy mà mình cho là chưa hoàn thiện, hoặc oán trách thầy không chịu cứu vớt cuộc đời ta trong đau khổ; gây nên mệt mỏi cho cả hai phía mà tình nghĩa cũng phai nhạt.

Hãy nhớ rằng, việc tu đạo là nỗ lực của cả hai, thầy hướng đạo nhưng trò không chịu nghe thì cũng vô ích. Khi cơ hành tăm tối, ta chỉ có niềm tin để đặt cược việc tầm sư học đạo. Tuy nhiên, bản chất con người là giống loài hay suy diễn nghi kị, nên hiếm người kiên định được với lựa chọn và niềm tin của mình đến cuối đời.

Có ba ý muốn làm rõ trong mối quan hệ thầy trò. 

  • Thứ nhất, việc tu đạo cũng như chữa bệnh, đã cất công lựa chọn rồi gửi gắm bản thân cho bác sĩ, thì càng thành thực với bác sĩ về bệnh tình của mình bao nhiêu thì càng có lợi cho việc chữa bệnh bấy nhiêu. Thiếu thông tin sẽ không thể bắt đúng bệnh mà cho đúng thuốc.
  • Thứ hai, tâm linh là con đường của đức tin, nếu tâm nguyện không chắc chắn, niềm tin không vững vàng thì giống như trồng cây trên nền gạch, rốt cuộc cũng chẳng hấp thụ được tinh hoa gì. Đối với không ít người, sự năm cha ba mẹ cũng từ tâm không tín trụ mà ra. Học đạo mà không tin thì không có kết quả. Đúc kết lại, trong Kinh Bát nhã có câu, đại ý: Tâm không ngần ngại mới không sợ hãi, từ đó mới chiến thắng điên đảo vọng tưởng để đạt cảnh giới giải thoát.
  • Thứ ba, để tạp duyên náo loạn có thể ảnh hướng tới chính niệm. Tạp duyên nhìn chung là các mối quan hệ không sâu sắc, không có ảnh hưởng tích cực rõ rệt đối với đời sống và đường tu của mình. Nhất là trong thời thế hiện nay, ức ức kẻ tu mà hiếm người đắc đạo, không ít kẻ thực hành pháp sự mà vẫn bị chi phối bởi danh lợi. Người tu đạo nếu không có tâm ý kiên định trong sáng ắt bị ảnh hưởng. Thường thấy nhất là không biết chọn lọc thông tin, không có đối chứng đối chiếu thành ra người chưa có thầy thì mông lung, dễ bị lừa gạt; người có thầy rồi thì nghe lời vô cứ mà nghi ngại, quên ơn.

Nhân đây, người viết muốn trích lược một câu trong Trung bộ kinh (Kinh diễn ngôn về phân biệt trong cúng dường) để mọi người suy ngẫm: “Này Ananda, nếu nhờ một người mà một người khác được quy y Phật, Pháp, Tăng. Ta nói người này dù phải đảnh lễ chắp tay, cúng dường cũng chưa thể đền ơn người kia xứng đáng.

Còn nếu do nhờ một người mà một người khác từ bỏ sát sinh, tham sân tà hạnh trong các dục, từ bỏ nghiệp chướng lục căn. Ta nói rằng không có đền ơn nào là xứng đáng đối với công đức đó cả.”

Như vậy, đã là đường tu thì đạo nào cũng như vậy

Đạo nào cũng hướng con người ta tới trí huệ, bỏ qua mệ muội hẹp hòi để học được sự sáng suốt bao dung. Tuy nhiên, sở học vô biên, sở hiền vô lượng. Người cõi sa bà muốn cứu lấy bản thân và truyền thụ cho thế hệ sau thì cần biết cách tin tưởng và giữ vững niềm tin vào thầy, vào đạo; trau dồi đức hạnh cũng như tư duy. 

Hi vọng bài viết này phần nào mang lại cho các bạn cái nhìn đa chiều hơn để tự nắm bắt được con đường của mình sao cho không uổng phí một kiếp nhân sinh, được làm người và có cơ hội đến gần quả giác.

Ngưỡng nguyện Chuẩn Đề Tổ Mẫu giáo hóa khai thị chúng sinh!

Tác giả: Đồng Âm