04/06/2021 11:51 View: 2599

Tu Đạo Mẫu: Thật Tâm, thật Tính, thật Lính, thật Đồng

Thân làm con nhà Thánh; hẳn ai cũng biết đến câu “Thật tâm, thật tính, thật lính, thật đồng”; chúng ta đều cùng đồng tình như vậy và đem khuyên nhủ lẫn nhau. Lời người xưa ý tại ngôn ngoại, tưởng như đã quá rõ ràng mà thật muôn phần thâm sâu.

vua cha ngoc hoang

Đây không chỉ đơn thuần là lời nhắc nhở, mà hàm ý của nó bao gồm toàn bộ quá trình tu tập để trở thành đồng nhân.

Như chúng ta đều biết, người mang nợ Bốn phủ là những người trong vô lượng kiếp trước đây chịu ơn Tiên thánh ít nhiều. Cha Mẹ xem xét cả phúc nghiệp nhiều đời để quyết định xem ai là người đã tới lúc ra trình Cha tấu Mẹ. Và đối với hầu hết mọi người, khi biết thân mang nợ Đình thần; ta trước hết sẽ tới cửa đền cửa phủ, xin Thánh thần đưa đường dẫn lối cho ta tìm được người thầy tâm đức để giúp ta sớm yên căn đứng số.

Thật Tâm là gì?

Như trước đây đã từng chia sẻ, “thánh một ly cũng chấp” – chấp ở đây là chấp tâm; có thể thấy yếu tố “tâm” trong tu đạo nói chung và đạo Mẫu nói riêng luôn là cốt lõi và căn bản.

Nếu như vậy, trong giai đoạn khởi đầu, cái “tâm” của ta như thế nào là đúng?

Đó là khi biết mắc nợ Cha Mẹ, thì phát nguyện lớn nhất của chúng ta phải là quy hàng Bốn phủ, quỳ gối dập đầu phụng sự quần tiên, báo đáp hồng ân đến mãn chiều xế bóng chứ không phải là “ra hầu để xin tài lộc/sức khỏe/công danh…”. Đó là quan niệm sai lầm, khác nào chưa báo hiếu đã đòi hỏi?

Việc cho ai, cho cái gì là việc của Cha Mẹ. Bổn phận của thanh đồng ở đây là hết lòng và “thật tâm” báo đáp. Quan niệm sai ngay từ bước đầu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau, mong cầu không được đâm ra oán trách, trách từ Tiên thánh đến đồng thầy. Nhiều người mở phủ xong, thấy sở cầu không như ý, lập tức xoay khăn. Xoay năm bảy lần, năm cha ba mẹ vẫn không yên cũng chỉ bởi vì không biết quán xét đến tư tưởng sai lầm của mình khi nhập đạo.

Thật Tính là gì?

Khi đã có tâm nơi Cha Mẹ, thì tiếp theo cần “thật tính”.

“Tính” ở đây hiểu theo hai nghĩa, đó là “tính toán” và “tính cách”.

Vì việc theo Cha Mẹ là việc cả đời, nên ta cần xác định trước về tư tưởng, tâm lý cũng như sắp xếp tài chính và công việc. Mọi lễ nghi cốt nhất là trang nghiêm, thanh tịnh, đủ lễ. Còn quy mô to hay nhỏ tùy hoàn cảnh; không nên đầu voi đuôi chuột, bóc ngắn cắn dài.Trong quan hệ thầy trò, cũng không nên khi có việc thì tìm đến, còn lại thì mất tăm mất tích, thánh không bái thầy không hỏi. Một việc cần “tính” nữa, đó là tìm thầy. Thầy trò là do duyên, hơn nữa đồng thầy là người bạn sẽ nghe theo cả đời nên càng không thể vội vàng gượng ép. Ta có thể trò chuyện với người mà ta muốn nhận làm thầy để tìm hiểu về nhân sinh quan, thái độ và cách xử lý công việc của họ; tìm hiểu về bản hội nơi đó rồi đưa ra quyết định cuối cùng của mình.

Về mặt “tính cách”, khi đã xác định báo đáp cửa Đình thần, ta chú tâm rèn giũa, thanh lọc “thân, khẩu, ý”.

Phần này trong đạo Mẫu có nhiều nét tương đồng với đạo Phật, nhưng do đạo Mẫu gắn với tu tập ngay trong đời sống và tương tác xã hội hàng ngày nên cũng có đôi chút khác biệt.

Ví dụ như:

  • Kẻ chưa lập gia đình không quan hệ trai gái buông thả.
  • Kẻ đã có vợ có chồng phải biết chung thủy, yêu thương chăm sóc gia đình, con cái. Việc quan hệ vợ chồng không bị coi là phạm giới; tuy nhiên cần kiêng giữ trong các dịp tiết lễ, sóc vọng.
  • Trước các đàn lễ lớn; cần tẩy trần, ăn uống chay tịnh, trai giới triệt để ít nhất 03 ngày.
  • Cần hướng tới nói lời khiêm cung, đoan chính, hành động đường hoàng, đĩnh đạc.

Tuy nhiên “thân” và “khẩu” đều do “ý” quyết định. Khẩu Phật tâm xà, nói dối đơm sai chỉ lừa được người trần một chốc chứ không thể lừa được bề trên. Không ai có thể đóng kịch, sống trong vỏ bọc mãi. Suy nghĩ không chính tất hành động, lời nói không tịnh. Tư duy trong sáng ắt hành động lời nói sẽ quang minh chính đại. Vì vậy chi bằng rèn “ý” (chính là rèn tâm), để tâm của mình trong sáng, không vọng cầu; ắt thân, khẩu sẽ thanh tịnh theo.Trong nhân tướng học có câu “tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt” chính là như vậy.

Để ý sẽ thấy, những người hầu thánh đúng phép, đúng cửa, tâm ý trong sáng đều có dung mạo tươi sáng, đẹp đẽ tự nhiên. Kể cả những người khi bị cơ hành, mặt mũi xám xịt, nét mặt hung tợn thì khi được thầy đồng dẫn về đúng cửa, bản thân người đó tu tập tinh tấn thì nét mặt cũng dần biến chuyển.

Một mặt nữa trong rèn luyện tính cách, đó là cách giao tiếp và ứng xử trong bản hội.

Trước hết, người dìu dắt cho mỗi bản hội là Đồng thầy/Quan thầy. Xưa nay dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, thì trong đạo Mẫu cũng có câu “kính thánh trọng thầy”. Kính thánh trọng thầy không biểu hiện ở đàn to lễ lớn, mà biểu hiện ở thái độ và hành động. Người thầy dù trẻ hay già, một khi đã nhận người đó làm thầy, là người “sinh ra ta lần nữa”, giúp ta “rút dây âm phủ, rũ tội trần gian” thì ta đều cần phải hết sức tôn kính. Bề trên có thể linh động cho người dưới, còn người dưới phải luôn cư xử đúng với vai phận của mình.

Một việc khác trong đạo, đó là quan điểm “trên theo Phật Thánh, dưới theo Đồng Thầy”.

Cụ thể khi muốn nhận một người thầy, phải hiểu rõ phép làm việc của người đó và chấp nhận cách làm việc đó của họ. Bởi “mỗi thầy mỗi pháp”, nếu thầy có khả năng giải quyết được các vấn đề mà ta đang gặp phải, thuận với đạo lý và tự nhiên thì cũng không cần quá câu chấp vào tiểu tiết. Không tìm hiểu kỹ hoặc gượng ép chấp nhận sẽ dẫn tới bất mãn hoặc hỏng việc, cả hai đều không hay cả.

Sau khi quán xét rõ ràng tâm đức và khả năng của thầy, ta cần nhớ từ ngày nhận thầy về sau mọi việc nên “theo đồngthầy”, vì dù sao đó cũng là người van Tiên lại vái Thánh về để xin nhận trách nhiệm dẫn đường tu cho chúng ta; chứ không phải là người khác, thầy khác! Nhận thầy là nhận người để hỏi!

Về phần các anh em trong bản hội. Mỗi bản hội vừa là một gia đình, vừa là một xã hội thu nhỏ. Vậy cần ứng xử như thế nào cho đúng? Trước hết cần đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau. Với việc chung (ví dụ tiệc lễ nơi bản đền bản điện) thì cần biết chung tay, cùng nhau gánh vác, sản sẻ. Đời sống riêng, bận rộn riêng ai cũng có, nhưng khi cần nên biết gác lại để cùng nhau đóng góp. Bên nhà Phật có khái niệm “lao tác”, cũng là một phần của tu hành; thì đạo Mẫu cũng có khái niệm “lân mẫn cửa Thánh”, dạy con cái tu tập thông qua lao động là vậy. Trong bản hội, mọi con cái đều bình đẳng như nhau, không kể tuổi tác địa vị, ai cũng là con Cha con Mẹ, cũng là con của Quan thầy. Vì vậy có vai trò và trách nhiệm như nhau trong công việc của bản đền bản điện. Việc tu tập là việc của mỗi cá nhân, quan hệ chủ đạo trong mỗi bản hội là quan hệ song phương, tức là thầy chỉnh và con sửa, ai có việc gì thì cần thưa với thầy và thầy là người giải quyết. Không nên tham gia quá nhiều vào việc của người khác, lời qua tiếng lại, kéo phe cánh rất dễ gây xáo trộn trong bản hội.

Vì trong bản hội, mỗi người một độ tuổi một tính cách, nên còn có đặc điểm như một xã hội thu nhỏ. Để hài hòa được mối quan hệ vừa thân thuộc vừa xa lạ trong hình thái này, cần biết cân bằng nhìn nhận. Biết phân biệt điều gì thuộc việc chung, điều gì thuộc việc riêng; điều gì cần góp ý chung trước bản hội, điều gì cần góp ý riêng với cá nhân. Nếu cần góp ý cá nhân thì cần làm trên tinh thần xây dựng, tốt nhất là thưa với đồng thầy để đồng thầy xem xét đúng sai và nhắc nhở người đó, vì đó cũng là con của quan thầy nên trách nhiệm hướng dẫn, nhắc nhở là việc của thầy. Tránh chia bè phái, bằng mặt không bằng lòng; đó là biểu hiện của không “thật tính”.Nếu ta là người bị nhắc nhở, trước nhất nên thể hiện sự cầu thị, gạt bỏ tự ái để nhìn nhận khách quan vấn đề.Có biết sai thì mới biết sửa sai.Tu là thay đổi, người tu đạo là người vô ngã, không từ bỏ được cái tôi sẽ không thể thay đổi được.

Nhìn chung, trong cả quá trình tu tập, “thật tâm, thật tính” là yếu tố tiên quyết, bao trùm và quan trọng nhất. Đóng vai trò nền tảng cho cả cuộc đời theo đạo. Bước khởi đầu chuẩn và tốt sẽ làm điểm tựa vững chắc cho con đường tiếp sau

Thật lính là gì?

Sau bước đầu xác định đường hướng để rèn luyện bản thân và tìm được người thầy ta thực sự trọng phục. Ta tiếp tục đến bước quan trọng tiếp theo là quyết định bái sư, thỉnh thánh mời thầy để trình đồng mở phủ. Chính thức cắt tóc làm tôi, nối đời làm con.“Thật lính” là yên căn định số, tìm được về đúng cửa của người độ mệnh cho mình.Về vấn đề tìm người cầm bản mệnh, ĐÂ có thảo luận trong một bài đăng khác, xin được vắn tắt lại; đó là do được soi bói hoặc được báo mà tìm ra, tùy vào cơ duyên mỗi người.

Trong giai đoạn này, để “thật lính” cần sự đồng thời của các yếu tố sau:

  • (1) Biết đúng vị thánh độ mệnh của mình
  • (2) Đồng thầy có khả năng mở thông 4 phủ cho mình
  • (3) Bản thân dốc lòng phụng sự, không dám đơn sai mọi điều (tiếp tục rèn luyện thật tâm thật tính).

Trong quan niệm của đạo Mẫu, mỗi tân đồng khi ra mở phủ cần khai thông được 4 phủ. Không làm được điều đó thì bản mệnh không yên, vẫn chỉ là kẻ ngoại đạo, lang thang bên ngoài. Có nhiều trường hợp mở thông được một vài trong số 4 phủ thì cũng chỉ coi như đắc đàn phần nào, sớm muộn cũng cần xem xét chếch lệch thiếu sót ở đâu để kê đệm lại mới thực yên. Các trường hợp này thường biết đến chếch lệch của mình nhờ soi bói, hoặc thông qua chiêm nghiệm cuộc sống bản thân kể từ khi ra mở phủ, hoặc được báo biến hoặc kết hợp của cả ba.

Kể từ nay trở đi, đồng nhân chính thức bước vào giai đoạn gọi là “3 năm thử lính 9 năm thử đồng” với muôn vàn thử thách. Những thử thách này do Cha Mẹ đặt ra, nhằm rèn luyện bản lĩnh, kiểm tra phần nào việc rèn luyện “thật tâm thật tính” của đệ tử. Cách hay nhất để vượt qua đó là chia sẻ cùng đồng thầy, người chịu trách nhiệm dẫn dắt chúng ta và đã có nhiều ấn chứng về việc Cha Mẹ luyện đồng.

Mặt khác, thử thách như một vòng xoáy, càng đắm chìm vào nó thì càng điên đảo. Nên tốt nhất luôn giữ vững tâm thái tích cực và duy trì cải thiện bản thân. Người biết cầu thị ắt sẽ có phúc có phần. Nếu cứ đắm chìm, so sánh, oán trách thường sẽ bị dồn đến thử thách lớn hơn. Tâm ý trong thời gian chuẩn bị mở phủ có liên quan chặt chẽ tới giai đoạn này.

Tác giả từng đọc được một chia sẻ của một người làm truyền thông về việc cho đi và nhận lại trong mối quan hệ vợ chồng. Vì thấy có nhiều nét tương đồng với hậu quả của việc mong cầu sai lầm trong bước đầu tu đạo nên xin được trích lược như sau: “Khi trông chờ sự "nhận lại" thì đầu óc sẽ có khái niệm SÒNG PHẲNG, khi sòng phẳng thì cho đi luôn rón rén, rồi đo đếm nhận lại. Mà cuộc đời luôn không rõ ràng, có những thứ ta nhận lại mà không biết, đâm hậm hực. Hậm hực thì sẽ sinh ra bất mãn…”

Chẳng cứ trong mỗi quan hệ vợ chồng, mà kể cả mối quan hệ thầy – con, thánh thần – đệ tử cũng như vậy. Đồng nhân kể từ khi được thầy sang khăn sẻ bóng là đã được Bốn phủ độ mệnh. Độ mệnh ở đây là giúp những người có tâm tu đạo tránh khỏi ma tà quấy nhiễu, thân tâm an lạc, gặp nhiều cơ hội tốt trong cuộc sống, tức độ về phần âm (âm phù). Khiến cho ta nhẹ đầu óc, có điều kiện để tập trung phấn đấu cho những mưu cầu khác về địa vị, tiền tài… Nói cách khác, những việc dương gian như làm ăn, công việc… vẫn phụ thuộc vào khả năng và sự cố gắng của bản thân đồng nhân, chứ không phải chỉ chờ nhà Ngài rồi “nằm rỗi mà ăn” như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Nói ngắn gọn, trong giai đoạn “thật lính”. Đồng tử cần được quan thầy đưa về đúng cửa, bốn phủ khai thông. Bản thân đồng nhân có định hướng tu đạo đúng đắn, biết giữ phận con tôi cửa Thánh. Thật tâm thật tính sẽ giúp vượt qua mọi thử thách trắc trở.

Thật đồng là gì?

Và cuối cùng là mục tiêu mà mọi đồng nhân khi bước chân vào đường đạo đều hướng đến, đó là “thật đồng”. Để có được kết quả này, đòi hỏi đệ tử phải luôn cố gắng và rèn luyện suốt một thời gian dài, thông thường khoảng 12 năm.

Đến khi “thật đồng” không có nghĩa là hết bị thử thách, vì nhà thánh thử lòng người cả đời. Mà tới giai đoạn này, yêu cầu đối với đồng nhân là đạt được thành quả nào đó trong tu đạo.

  • Đối với đồng dương, đây là lúc được phép tôn cất lập thờ (đối với những người được Cha Mẹ cho thờ tự), hoặc đứng vào hàng ngũ những người nắm chắc lề lối, gọi là đồng cựu.
  • Còn đối với đồng âm, tức những người có khả năng soi bói, ngoại cảm… tới giai đoạn này cần phân biệt được bóng của chính mình (phần linh hồn của mình) và bóng thánh. Thường những người này có thể làm việc âm là do Cha Mẹ cho phép phần linh hồn của người đó giao tiếp, gánh vác công việc tùy theo khả năng và phần việc được cắt cử. Những người làm việc âm mà không phân biệt được bề trên, phần linh hồn của mình hoặc phần linh hồn của người khác (nhất là đối với đồng dí) thường dễ bị loạn đồng. Riêng đồng âm phải luôn có sự theo sát của đồng thầy để kịp thời điều chỉnh và chỉ bảo.

Có những trường hợp vẫn có khả năng làm việc âm khi chưa mở phủ, hoặc đã mở phủ nhưng làm việc âm sai phép thì đều không được lâu dài và dễ gây nhiều hệ lụy không tốt. Nói cách khác, những người làm việc âm đều cần trình Cha tấu Mẹ, khai phủ trình đồng để an yên bản mệnh .Sau đó nỗ lực tu tập tinh tấn dưới sự hướng dẫn, kèm cặp của đồng thầy rồi tới khi làm việc thì luôn dưới sự cho phép và bảo trợ của Cha Mẹ.

Kết luận

Kết luận lại, việc tu đạo ngay từ khi bắt đầu cho tới khi lánh xa trần thế đều hướng đồng nhân tới cái đích Chân – Thiện – Mỹ. Trong đó rèn luyện tâm ý chân thật là nền tảng cho mọi điều về sau. Gốc rễ có tốt tươi thì cây đạo mới có thể đỏ cành xanh lá, mang cho đời ta trái ngọt. Tu đạo chưa bao giờ là sung sướng, dễ dàng; mỗi người đều cần phải hiểu đúng mục đích khi tìm đến với đạo.

Mục đích ban đầu có đúng thì mới có hướng đi chính xác, tâm có sáng thì mới có khả năng vượt qua chông gai thử thách trên hành trình về với Cha Mẹ. Mong rằng với chia sẻ của mình qua bài viết này, sẽ phần nào giúp ích cho con tôi Bốn phủ được sáng con mắt, chặt đôi vai, vững tâm phụng sự quần tiên tới mãn chiều xế bóng.

Nam mô Tam tòa tiên thánh tác đại chứng minh!

Tác giả: Đồng Âm