04/06/2021 11:41 View: 2933

Hướng dẫn cúng lễ rằm tháng 7 tại nhà, cửa hàng

 Trong hệ thống lễ tết của người Việt cổ, có 3 kì lễ tết được chia làm thượng - trung - hạ rất quan trọng. Rằm tháng 7 chính là Tết trung nguyên. Vậy cúng rằm tháng 7 làm thế nào cho đúng? 

Thời gian làm lễ cúng rằm tháng Bảy

Có 2 quan niệm về thời gian làm lễ

  • Quan niệm 1: Nên làm lễ trong thời gian từ 2/7 âm đến 14/7 âm. Do 15/7 tức rằm tháng 7 cửa địa ngục sẽ đóng, chúng sinh sẽ trở về địa ngục nên nếu lễ muộn chúng sinh sẽ khó mà nhận được.
  • Quan niệm 2: Lễ ngày nào cũng được, dù là vào rằm, hay do điều kiện thời gian không cho phép mà chúng ta phải đến sau rằm mới làm được lễ.

Dù các bạn theo quan niệm nào thì đơn giản là tâm đã khởi nguyện thì làm được khoá lễ rằm tháng 7 đã là một điều rất tốt rồi. Sự kết nối tâm linh là câu chuyện xuyên suốt nhiều năm tháng nên bất kỳ khi nào cũng được, có tâm ắt có linh ứng.

Lựa chọn thời gian sao cho phù hợp với cuộc sống, công việc trên trần thế là được. Không cần quá chú trọng vào tiểu tiết.

cung phat ram thang 7, le vu lan bao hieu

Hoa quả cúng Phật rằm tháng 7 (ảnh: BTV Thuỵ Vân)

Tại sao nên lễ rằm tháng 7

Tháng 7 người Việt chúng ta có hai khoá lễ chính cần phân biệt, đó là:

  • 1- Lễ vu lan báo hiếu: Lễ dâng lên gia tiên, tiền tổ nội ngoại hương linh trong gia đình. Lễ này chúng ta nên làm để thể hiện sự tri ân với gia tiên tiền tổ
  • 2- Lễ xá tội vong nhân: Siêu sinh tịnh độ, thể hiện lòng thương cảm với các vong linh chết đường, chết chợ, chết sông, các vong linh còn đang vất vưởng nơi trần thế. Lễ này không bắt buộc bởi quan niệm thỉnh vong thì dễ, tiễn vong thì khó - vậy nên cần chú tâm cẩn thận khi làm lễ này. 

Một số gia đình gộp cả lễ vu lan và xá tội vong nhân vào làm cùng một lúc. Nhưng theo quan điểm của cá nhân người viết thì thì thật sự không nên. Tuy nhiên, các bạn có thể tuỳ theo phong tục tập quán địa phương để làm lễ cúng rằm tháng 7. 

HƯỚNG DẪN LỄ RẰM THÁNG 7 CƠ BẢN TẠI NHÀ

Thời gian lễ trong ngày

  • Quan niệm lễ từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối là lễ vu lan
  • Lễ từ 6 giờ chập choạng tối đến đêm thì là lễ xá tội vong nhân.

Bày lễ

Với lễ vu lan báo hiếu:

Mâm lễ được sắp và dâng tại ban thờ trong nhà. Nếu ban thờ nhỏ không đủ dâng thì có thể kê thêm bàn ngoài, sập nhỏ cạnh bên bàn thờ để đặt đồ lễ lên. Bàn và sập nên được lau qua bằng rượu gừng cho sạch và mát.

Chuẩn bị vàng mã lễ rằm tháng bảy:

1- Cho bàn thờ gia tiên:

  • Tập tiền vàng ( nên có )
  • Cây tiền vàng ( không bắt buộc )
  • Quần áo tiền chủ hậu chủ ( không bắt buộc )
  • Quần áo nam nữ, giày dép cho các cụ trong nhà ( nên có )
  • Bộ tập tiền thiên tào địa phật ( không bắt buộc )

2- Cho bàn thờ Phật

  • Phật không dùng vàng mã
  • Nếu có chỉ cần đặt 1 tập tiền Phật là được, chủ yếu là dâng hoa

3- Cho bàn thờ quan thần linh

  • Tập tiền vàng ( nên có )
  • Cây tiền vàng ( không bắt buộc )
  • Tập tranh ngựa ( nên có )
  • Quần áo quan 5 màu ( không bắt buộc )
  • Bộ tập tiền thiên tào địa phật ( không bắt buộc )

Lưu ý: vàng mã chỉ cần có là được không cần xa hoa bày vẽ, đi ngược lại với tinh thần lễ bạc tâm thành.

Chuẩn bị đồ lễ rằm tháng 7

Bàn tay có 5 ngón thì mâm lễ chúng ta cũng nên chuẩn bị đủ 5 thứ bao gồm

  • * Nến ( để thắp sáng cho các bề trên ngự và đưa đường chỉ lối )
  • * Hương ( để kết nối với thế giới tâm linh )
  • * Hoa (10/20 bông cúc vàng )
  • * Quả ( mâm ngũ quả )
  • * Thực - gồm đồ ăn và đồ uống, chè, thuốc, trầu, cau

+ Đồ uống gồm có: 3 chai lavies, 3 lon nước ngọt màu đỏ, 3 lon bia màu xanh, 1 chai rượu

+ Đồ ăn đựoc chia làm 2 mâm lễ khác nhau tuỳ chọn. Truyền thống thường có xôi vò, xôi chè cúng cùng mâm lễ để tráng miệng sau đó.

cung ram thang 7, le vu lan bao hieu, cung co hon

Mâm cơm mặn cúng rằm tháng 7 (ảnh: BTV Thuỵ Vân)

Làm cơm cúng rằm tháng 7 như thế nào?

1- Mâm lễ chay

  • Ưu điểm: Đồ chay thì luôn thanh tịnh, giảm nghiệp sát sinh. Cúng Phật cúng gia tiên đều rất tốt.
  • Nhược điểm: nhiều người không thích ăn chay, làm đồ chay ngon cũng khó

Nếu cúng chay thì nên bỏ rượu và bia ở phần đồ uống ra. Nên làm mâm đồ chay theo màu sắc của ngũ hành bao gồm - gợi ý cơ bản tự mọi người có thể biến tấu thêm

  • Kim ( trắng, vàng ) - đậu phụ luộc
  • Mộc ( xanh ) - rau xào dầu thực vật / rau luộc chấm muối vừng
  • Thuỷ ( xanh ) - canh bất kì
  • Hoả ( hồng, đỏ ) - xôi gấc
  • Thổ ( nâu ) - rau củ quả chiên xù

2- Mâm lễ mặn

  • Ưu điểm: trước cúng sau ăn nên có thể nhậu những món khoái khẩu
  • Nhược điểm: có nghiệp sát sinh, ít thanh tịnh như đồ chay trong đó.

Lễ mặn thì dễ biến tấu, dễ làm dễ chọn. Các món cơ bản đều có thể dâng được. Tinh thần trước cúng sau ăn thì muốn ăn gì chọn món đấy, nấu rồi cúng rồi thụ lộc.

Thắp 5 hoặc 9 nén hương sau đó khấn. Bài khấn rằm tháng 7 tham khảo tại ĐÂY

cung co hon chung sinh thang 7, ram thang 7

Chuẩn bị mâm cúng thí thực cho chúng sinh rằm tháng 7 (ảnh: BTV Thuỵ Vân)

Mâm lễ xá tội vong nhân hay mâm lễ chúng sinh

  • Tuyệt đối không được bày trong nhà, tại nơi cư ngụ. Thường sẽ được bày tại cửa nhà, ngã ba đường.
  • Mâm lễ gồm có: gạo, muối, bỏng ngô (có thể thay bằng bim bim) cháo loãng, quần áo chúng sinh, tiền vãng sinh.

Lưu ý:

  • Trong việc cúng xá tội vong nhân ngoài việc sắp lễ dâng lễ còn thủ tục tiễn vong. Nếu không biết làm thì các bạn không nên làm.
  • Gạo muối cúng cần cẩn thận không để rơi vãi trong nhà. Nên rắc hết ra ngoài đường, ngoài chợ. Khi rắc cần chú ý kẻo rơi vào quần áo, sau đó về nhà lại rơi ra nhà là không tốt (theo quan niệm chúng sinh có thể vào nhà nhặt ăn).

HƯỚNG DẪN LỄ RẰM THÁNG 7 CƠ BẢN TẠI CỬA HÀNG

Tại cửa hàng thường có ban thờ thần tài, với quan niệm rằng rằm tháng 7 là dịp dễ kết nối nhất với bậc bề trên nên chúng ta cũng nên lễ tại cửa hàng để

  • Thứ nhất - tri ân các Ngài đã ban lộc
  • Thứ hai - xin thêm lộc rơi lộc vãi, công việc hanh thông

Chuẩn bị đồ lễ rằm tháng 7 cơ bản tại cửa hàng

1. Đồ mã: 

  • Tập tiền vàng ( nên có )
  • Tập tiền thần tài ( nên có )
  • Cây tiền vàng - không bắt buộc
  • Bộ tiền thiên tào địa phật - không bắt buộc
  • Ngựa vàng - để công việc phi nước đại - mã đáo thành công - không bắt buộc

2- Mâm lễ

Bao gồm 5 thứ

  • * Nến ( để thắp sáng cho các bề trên ngự và đưa đường chỉ lối )
  • * Hương ( để kết nối với thế giới tâm linh )
  • * Hoa (10/20 bông cúc vàng )
  • * Quả ( mâm 3 hoặc 5 loại quả nhưng nên có quả dừa )
  • * Thực - gồm đồ ăn và đồ uống, chè thuốc trầu cau

+ Đồ uống gồm có: 3 chai nước suối, 3 lon nước ngọt màu đỏ, 3 lon bia màu xanh, 1 chai rượu

+ Đồ cúng có thể lựa chọn

  • 1- bô tam sên ( nên dùng ) để sinh tài sinh lộc bao gồm: trứng luộc, thịt luộc, 1 con cua hoặc 1 con tôm luộc
  • 2- bộ đắc lộc: thịt heo quay, bánh bao chay tròn nhỏ
  • 3- bộ cơ bản: xôi gấc ( may mắn ), giò ( dồi dào ), thịt ba chỉ luộc ( sinh sôi )

Thắp 3 nén hương sau đó khấn - Bài khấn lễ rằm tháng 7 tại cửa hàng tham khảo tại ĐÂY 

cung co hon ram thang 7

Mâm cúng cô hồn rằm tháng 7

Lưu ý khi lễ rằm tháng 7

Cần phải hiểu trong chuyện tâm linh việc lễ bái là cái ngọn, cách ta sống thiện hay ác mới là gốc rễ. Gốc rễ mà tốt thì ngọn cây được tươi xanh, gốc rễ mà xấu thì ngọn cây bị khô héo.

Nhiều người buôn gian bán lận, ăn ở thất đức, cứ nghĩ lễ to lễ nhiều, lễ mà vàng mã ngập trời thì sẽ được lộc lá. Kẻ ác mà chỉ cần đi lễ nhiều rồi lại cười đến cuối cùng, chuyện nghịch lý như vậy - lấy đâu ra.

Vậy nên lễ không cần mâm cao cỗ đầy, không cần cầu kỳ hoa mỹ. Chỉ cần thành tâm, hành thiện, bình thản - tất lễ được được linh ứng, được minh chứng.

Tamlinh.org (tổng hợp)