Thuở nhỏ tới lớn ở trong chùa chỉ biết tụng kinh niệm Phật sám hối, làm việc chùa, đọc sách...rốt cuộc mỗi ngày trôi qua đều đều như thế. Hoà Thượng thường hay gọi chúng đệ tử qua dạy vào lúc 5h sáng, khi Ngài ngồi uống trà, nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ là dặn dò công việc chùa, chứ Ngài không dạy dỗ gì về việc tu hành cả.
Ấy thế mà có một hôm học "quy sơn cảnh sách " đến đoạn:
"Một mai bệnh nằm trên giường, mọi thứ đau đớn doanh vây bức bách.
Sớm tối lo nghĩ, trong lòng lo sợ bồi hồi.
Đường trước mịt mờ, chưa biết về đâu.
Lúc bấy giờ mới biết hối hận ăn năn, nhưng đợi khát mới đào giếng làm sao kịp ?"
Nguyên văn hán nôm của câu "đường trước mịt mờ, chưa biết về đâu " là " tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng ", đọc tới đây tự nhiên em nổi da gà. Đúng là tu hành mà tới lúc chết không biết mình về đâu thì đáng sợ thật, đợi mấy ông sư huynh cầu siêu cho thì em không tin tưởng cho lắm đâu.
Thế là em bắt đầu lập chí tu hành !
Em niệm Phật như 1 cái máy, niệm Phật chưa đủ, em lên mạng tìm nhạc niệm Phật về nghe trong lúc ngủ, lúc nào cũng niệm Phật và niệm Phật.
Thế rồi có một hôm em đang ngủ, tai vẫn đeo headphone nghe nhạc niệm Phật, thì em cảm thấy mình là cái gì đó trống rỗng không thể định nghĩa được - Em đang thức - trong khi toàn thân em vẫn đang ngủ say.
Nói cho các thím biết cơ thể mình lúc ngủ nó nặng nề lắm, không nhẹ nhàng như ban ngày mình vẫn chạy nhảy tung tăng đâu. Đầu em trống rỗng, chỉ còn lại câu niệm Phật chảy đều đều như dòng sông, thế rồi cơ thể em bị một lực vô hình kéo bật dậy nhẹ nhàng ngồi xếp bằng, hai tay tự động chắp lại (lúc này cơ thể em đang ngủ, em chỉ là cái đứa thức và quan sát thôi )... Sau cùng cơ thể em muốn bay lên lơ lửng, tới lúc này em sợ quá nghĩ thầm " thôi dậy cho rồi, nó bay đi lung tung rồi mai mắc công đi bộ về chùa nữa ", thế là em tỉnh dậy và thoát khỏi trạng thái đó.
Em bị như thế 2 lần.
Nhất tâm bất loạn, buông bỏ câu niệm Phật
Về sau gặp một sư cô tu theo thiền tông, em có thưa hỏi thì mới biết chính cái lúc trong đầu chỉ còn lại câu niệm Phật vang đều như một dòng sông chảy cuồn cuộn, đó chính là "nhất tâm bất loạn".
Trong kinh Phật dạy người nào niệm Phật nhất tâm bất loạn, cố gắng giữ được đến cuối đời thì lúc lâm chung, Phật A Di Đà và chư Bồ Tát sẽ hiện ra trước mắt mà tiếp độ về Cực Lạc, xếp vào hàng "thượng phẩm thượng sanh".
Nhưng sư cô tu theo thiền tông, dạy em rằng:
- "Chính cái lúc trong đầu không có suy nghĩ tạp niệm gì, hãy buông bỏ luôn câu niệm Phật, lúc đó hãy nhìn lại thử xem TA LÀ AI ?! "
(chỗ này vượt quá giới hạn của ngôn ngữ, các thím đừng hỏi tới vì em càng giải thích càng sai. đây chính là điểm đặc biệt của thiền tông, Đạt Ma Tổ Sư năm xưa từng chủ trương " bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật " là như vậy, chỗ này phải tự tu tự chứng, không thể đem cái thấy của mình làm cái thấy cho người khác. Một bông hoa đẹp nhưng mỗi người phải tự nhìn, tự có cảm xúc của riêng mình, không ai bắt chước ai được cả).
Từ chỗ nhất tâm bất loạn, nhảy vượt qua đó buông cả câu niệm Phật, ta chỉ còn lại bản tâm thênh thang rộng lớn vô cùng.
Bàn tay nắm quả cam thì giới hạn bằng quả cam
Bàn tay cầm cục pin thì nằm tay chỉ to bằng cục pin
Nhưng nếu không cầm gì cả thì bàn tay có thể cầm bất cứ thứ gì.
Cũng như thế, tâm chúng ta khi không suy nghĩ, không khởi niệm, thì rộng lớn vô cùng, có thể chứa cả vũ trụ thay vì lúc nào cũng chỉ xoay quanh cơm áo gạo tiền.
Từ chỗ đó, em ngộ được thiền tông.
Tâm thức em thông suốt, thấy rõ thiền tông và tịnh độ tông tuy là hai tông phái, ở cuối đường tu vẫn gặp nhau, bên nào cũng đề cao "vô niệm" chứ không phải là "hữu niệm", dù là tạp niệm hay Phật niệm gì cũng phải dứt sạch !
Hoà Thượng của em trụ trì chùa tịnh độ, Ngài sắp đặt thời khoá tu hành theo tịnh độ, trước kia em vẫn chỉ nghĩ Ngài tu tịnh độ. Nhưng khi hiểu thiền, em mới biết Ngài là một thiền sư, Ngài không tu theo pháp môn tịnh độ. Ngài có làm hai câu đối trước cổng chùa cho vị sư cô mà em thưa hỏi như sau:
"HOA tàng giới nội, thùy tri tức Vọng thị Chơn
NGHIÊM tịnh thiền môn, hà cố thị Không thành Giả".
Các thím để ý hai chữ đầu câu đối là tên của bộ kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh dạy về thiền tông. Em sẽ giảng giải một tí cho các thím.
- "Ai hay tức Vọng là Chân ": Vọng tức là cái tâm suy nghĩ lung tung, cái tâm còn còn tạp niệm, các thím hay bảo là "tâm chưa tịnh" ấy. Chân tức là chân tâm, cái tâm mà các thím hay bảo là "tâm tịnh" ấy. Thường chúng ta sẽ nghĩ rằng chúng ta phải bỏ cái tâm lăng xăng lộn xộn này, để đi tìm một cái tâm tịnh nào đó, thế nên người ta nói "tâm chưa tịnh, đi lên chùa tu cho tịnh". Thế nhưng chúng ta không hề biết rằng tịnh hay không tịnh cũng chỉ là một tâm ấy, chúng ta không có đến 2 loại tâm sạch và tâm dơ đâu nhé. Nói một cách đơn giản, một tấm kiếng bị dơ, chúng ta lau sạch thì tấm gương sáng lên. Nhưng tấm gương sau khi lau và tấm gương trước khi lau không phải là hai, tâm cũng vậy. Tâm tịnh và tâm không tịnh chỉ là một tâm ấy, thế nên Ngài bảo " tức vọng là chơn ". Từ vô thủy luân hồi chúng ta đã huân nhiễm vào đó biết bao nhiêu là tạp niệm, trải qua bao nhiêu kiếp nó cũng như tấm gương bị phủ đầy bụi, việc của chúng ta là chùi tấm gương, tức là buông xả những suy nghĩ lung tung tâm, để tâm được sáng, không phải là đi tìm một cái tâm nào khác ở đâu để tịnh. Chỗ này thiền tông gọi là "cưỡi trâu đi tìm trâu ", tức là đem tâm đi tìm tâm, tìm đến bao giờ mới thấy ?
- " Tại sao từ Không thành Giả " : Dưới con mắt của các nhà khoa học, mọi thứ hiện hữu trên cuộc đời này đều là cấu trúc phân tử và nguyên tử. Trong kinh Phật dạy chẻ một nguyên tử làm 7, ta được một vi trần, chẻ một vi trần làm 7, ta còn Không. Vậy nghĩa là mọi thứ hiện hữu trên cuộc đời này, tuy nó ở ngay đây nhưng nó là không, chỉ vay mượn các thứ nhân duyên để có, nhưng không phải là thật có, mà tạm có đó, để rồi mất đó, tức là Giả có. Vậy tại sao từ Không thành Giả ? Cái này do tâm chấp tất cả đều là thật, nhưng tất cả đều không thật, chỉ tạm bợ mà có. Như thân này vay mượn oxi, thức ăn, nước uống, nhưng rồi cũng phải về với cát bụi.
Để hiểu rõ câu này em sẽ trích bài kệ trong kinh Hoa Nghiêm:
"Tâm như hoạ sĩ khéo
Vẽ thế giới muôn màu
Năm uẩn từ tâm sanh
Không pháp nào chẳng tạo "
Nghĩa là tất cả các pháp đều không ngoài tâm mà có, nếu không có tâm thì tất cả đều không. Nếu tất cả có thật thì lúc nào cũng phải thật, nhưng với người điên thì mặt trời cũng như mặt trăng, với nhà khoa học thì trái đất cũng phải tận thế, và với con người thì chúng ta cũng phải già và chết đi, theo sự tuần hoàn.
Vậy nghĩa là sự hiện diện của tất cả ở đây, chỉ là giả tạm, giả tạm bởi những thứ không thật có !
Câu niệm Phật A Di Đà như cái cột
Tâm chúng ta thường suy nghĩ lung tung, nay phải dùng câu niệm Phật để nhiếp tâm lại một chỗ, niệm Phật cho đến khi tâm thuần không chạy lung tung suốt ngày nữa. Đến khi tâm đã thuần rồi cũng phải buông bỏ luôn câu niệm Phật, trả tâm về đúng với nó - cái tâm xưa nay.
Trong kinh Phật dạy như người làm bè sang sông, sang được sông rồi thì phải bỏ bè lại, chứ ai lại ôm theo cái bè mà đi tiếp. Câu niệm Phật cũng chính là cái bè, đưa tâm mình đến chỗ thuần nhất, đến lúc không niệm Phật nữa mà tâm vẫn không chạy loạn thì cũng phải bỏ luôn câu niệm Phật, gọi là buông sạch. (mấy thím lo mà niệm Phật đi, đừng nghe cái này mà lanh chanh không chịu niệm Phật, em sợ các thím không hiểu nên bất đắc dĩ mới phải giảng giải, chứ thiền tông tối kị việc giảng giải )
Tu hành không phải là việc cao siêu như kiểu xuất hồn bay đi đây đó, toả hào quang, thấy Phật, có thần thông, có phép lạ, trừ ma diệt quỷ... tu hành chỉ đơn giản một việc " buông ". Cái gì tốt cũng buông, xấu cũng buông, không tốt không xấu cũng buông sạch, buông tới lúc không còn gì để mà buông nữa, nhìn lại thử coi cái gì chính là ta xưa nay ? Buông luôn cả cái "tâm không tịnh" và "tâm tịnh" đi.
Có vị tăng hỏi Ngài Trần Nhân Tông:
- Khi muôn dặm mưa tạnh thì thế nào?
Ngài đáp:
- Mưa tầm tã.
Hỏi:
- Khi muôn dặm mây che kín thì thế nào?
Đáp:
- Trăng vằng vặc.
"Khi muôn dặm mưa tạnh" tức là ý muốn hỏi khi cái tâm không còn gì nữa, tức là tâm tịnh ấy, thì thế nào ? Ngài đáp " mưa tầm tã ", tức là ý muốn nói nếu tâm ông tăng đã tịnh rồi, thì tại sao lại còn khởi niệm hỏi "khi đã tịnh thì thế nào ?". Khi khởi niệm hỏi tức là đã động tâm rồi, đâu còn tịnh nữa phải không ?
Cũng như thế, câu dưới ý ông tăng hỏi " thế khi tâm con mịt mù thì thế nào ?, Ngài đáp " trăng vằng vặc ", tức là nếu ông bảo tâm ông mịt mù không thấy gì, thì cái gì biết là tâm mình đang mịt mù ? Khi tâm sáng biết tâm sáng, khi tâm mịt mù thì biết tâm mịt mù, cái biết này không sáng không mịt mù, nó là cái biết chân thật, cái biết không sinh diệt, ví như mặt trăng dù có mây che hay không che, trăng vẫn sáng, chỉ là chúng ta không thấy trăng thôi. Tâm chúng ta cũng như thế, suốt ngày cứ đi tìm, cố gắng làm cho tâm tịnh thì tâm nó càng không tịnh, các bạn làm được cái gì cho mặt nước nó yên lặng ? hay mặt nước hết sóng sẽ tự lặng ? Sóng trong lòng thì không lo buông bỏ, cứ muốn đụng chạm cho nó lăn tăn thêm để nó được lặng yên là sai lầm.
Trong khoảng thời gian nhất tâm bất loạn, em có một lần mơ thấy Phật A Di Đà
Em mơ thấy mình đi trên một ngọn núi bằng phẳng, đường sá rộng lớn, nhà cửa kiến trúc như kiểu châu Âu, nhà nào cũng có vườn cây sum xuê. Em đứng trên núi nhìn xa xa thấy xuất hiện cầu vồng hình chữ U úp ngược thay vì hình vòng cung, em thấy lạ, bèn móc điện thoại ra định chụp thì bỗng màu sắc của chiếc cầu vồng đậm hơn, ngay lập tức em thấy Phật A Di Đà.
Thân Ngài màu hồng, Ngài mặc thiên y đỏ rực sáng lấp lánh như đoàn phim làm kĩ xảo cái áo cà sa của Đường Tăng vậy. Trong mơ em tự biết ngọn núi em đứng cao ngang ngửa đèo Hải Vân ở Huế, thế nhưng chỉ cao ngang đầu gối của Phật, em nhìn lên cao chỉ thấy phía trên có một cái lọng hình tam giác cân che trên đầu Ngài, còn thân Ngài cao quá em không thấy hết mặt mũi được.
Xong Ngài biến mất !
Cũng ngay lập tức có một vị khác, tướng mạo và mặc thiên y cũng như Phật Di Đà, chỉ có cái bụng hơi tròn tròn, kiểu có bầu 5 tháng ấy, trong mơ em tự biết đó là Bồ Tát Di Lặc.
Trong kinh đức Phật Thích Ca từng thọ kí rằng, sau khi Ngài nhập Niết Bàn, Phật pháp chỉ tồn tại 2500 năm, sau đó là thời kì Mạt Pháp, và cuối cùng là diệt pháp, tức không còn Phật pháp trên cõi đời này nữa. Loài người lúc đó sẽ sống lầm than, đạo đức mất hết, tuổi thọ con người chỉ là 10 năm, con gái 8 tháng tuổi đã lấy chồng sinh con.
Con người sống cùng cực như thế một thời gian rất dài, bắt đầu biết ăn năn hối hận, lánh dữ làm lành, tuổi thọ bắt đầu tăng lên cho đến tám muôn tuổi, mặt đất lúc bấy giờ bằng phẳng không có núi non, mọc toàn cỏ xanh mượt, lúc đó Bồ Tát Di Lặc sẽ xuống thế, trong một đêm thành Phật, lập hội Long Hoa, độ vô số người.
Bồ Tát Di Lặc hiện đang ở tầng trời Đâu Suất, tầng trời này chia làm ngoại viện và nội viện, Bồ Tát đang ở trong Đâu Suất nội viện, thuyết pháp cho vô số Bồ Tát và Thánh tăng.
Trong kinh có kể lại vị đại đệ tử của Phật là Ngài Ca Diếp, một vị A La Hán, đã ôm y bát của Phật Thích Ca, đến chân ngọn núi Kê Túc, núi tự mở ra cho Ngài vào, sau đó vĩnh viễn khép lại. Ở trong đó Ngài Ca Diếp nhập định, chờ đến tám vạn năm sau, Bồ Tát Di Lặc hạ sanh, sẽ đem Y bát của Phật Thích Ca truyền lại cho Ngài. Y là áo cà sa, bát là cái bình bát đi khất thực bỏ đồ ăn vào, đó là biểu tượng truyền Phật pháp.
----------------------------------------
TRUYỆN MA TRONG CHÙA: PHẬT VÀ MA
Hồi nhỏ ngoài đi học ở trường, về chùa phải học thêm kinh - luật - luận bù đầu bù cổ, lớn lên thì rảnh rỗi hơn nhiều. Tối tụng kinh xong là rảnh rỗi, em đọc sách thêm, đọc sách chán thì lướt fb, lướt fb chán bắt đầu chuyển qua đọc truyện ma. Hồi đó em luyện bộ "ma thổi đèn " của tác giả "thiên hạ bá xướng", em mê bộ này cực.
Nó kể về những câu chuyện huyền hoặc nhưng bí ẩn, không chán chường như những câu chuyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn, vì em ở chùa thì thiếu gì những chuyện kinh dị hơn thế nữa. Ma thổi đèn có 8 tập, mỗi tập gồm rất nhiều chương, đêm nào em cũng đọc cả, đọc riết đọc riết đến nỗi tối ngủ không dám đi tè vì sợ ma.
Nói các thím đừng cười em mà tội, chứ mang tiếng ông thầy tu mà đi sợ ma thì bách nhục, cơ mà hồi chưa đọc thì oai phong lẫm liệt lắm, tối tối hay dạo bộ lên nghĩa địa cho mát mẻ, đom đóm lập loè, tiếng chim rích rích, tiếng côn trùng ran ran, tưởng như mình sắp làm thơ đến nơi vậy. Cơ mà đọc xong thì 4h sáng dậy đánh chuông thôi mà sợ các thím ạ.
Đánh chuông xong là thắp nhang và tụng kinh sáng, em đi lên chánh điện, chánh điện tối om om, ban đêm mỗi bàn thờ chỉ để lại 2 ngọn đèn dầu leo lét để tiết kiệm điện. Em lên thắp nhang, ngước nhìn lên gương mặt của Phật, ngọn đèn dầu lung lay, hắt lên gương mặt Ngài thứ ánh sáng yếu ớt, và em thấy gương mặt mỉm cười của Ngài trở nên ma mị đến kì lạ làm em sợ hãi.
Em tự hỏi bởi vì sao buổi tối tụng kinh, đứng nhìn lên Ngài thấy nụ cười vô cùng thánh thiện, mà vì sao giờ đây, cũng trước Phật, nhưng em thấy Ngài trở nên như ma như quỷ ???
Về sau này em mới tìm ra câu trả lời: Thì ra ma hay Phật cũng là do tâm chúng ta mà ra.
Trước kia em chưa đọc truyện ma, trong lòng lúc nào cũng có Phật, thì nhìn đâu cũng là Phật, dù lên nghĩa địa buổi tối trong lòng vẫn yên ổn. Nhưng sau khi đọc truyện ma rồi, trong tâm có ma, thì dù đứng ở trong chánh điện, trước mặt Phật, nhìn Phật cũng thấy là ma !
Trong chánh điện thì không bao giờ ma quỷ dám vào, chỉ có loài ma quỷ mà mình mang trong tâm, thì nơi nào nó cũng hiện, cũng sai khiến mình được...
Đọc tiếp: (Tập 1) (Tập 2) (Tập 3) (Tập 4) (Tập 5)
Bản quyền thuộc về tác giả Châu Thanh Trung