04/06/2021 11:39 View: 3230

Truyện ma trong chùa: Thỉnh chuông khuya, cúng cô hồn (Tập 3)

Chùa nào cũng phải có một cái đại hồng chung, tức là một cái chuông lớn. Chuông này chỉ được đánh 2 lần trong ngày, giờ giấc cố định. Lần thứ nhất là 4h sáng, lần thứ 2 là 18h30' chiều, mỗi lần đánh phải theo nghi thức trong kinh nhật tụng mà đánh, không phải cứ lấy chày dộng liên tục là xong.

cung co hon, cung dam ma, thinh chuong chua, truyen ma trong chua

Về sau Hoà Thượng giảm bớt nghi thức, lấy một hơi niệm Phật, vừa hết là đánh một tiếng chuông.

Chuông chùa

Ở nhiều vùng quê, tiếng chuông chùa đã là điều gì đó gần gũi quen thuộc với mọi người, đến nỗi trong những bài thơ, bài nhạc cũng xuất hiện nhiều, vd như: " này giấc mơ trưa bao giờ em về, một tiếng chuông chùa - giấc mơ trưa ft Thùy Chi ", hoặc như:

" Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
‎Tôi thấy tôi mất mẹ
‎Là mất cả bầu trời
".

Chùa em nằm trên núi, tiếng chuông chùa cũng vang xa tận đến khu dân cư dưới chân núi, và khi tiếng chuông chùa rung lên, mọi người cũng chuẩn bị thu xếp để lên chùa kịp thời khoá tụng kinh Di Đà vào lúc 19h mỗi tối.

Thời tuổi trẻ ai mà không mê ăn, mê ngủ, em cũng không phải ngoại lệ.

Hai thời thỉnh chuông rất thiêng liêng, kinh ghi rằng những chúng sinh dưới địa ngục chịu phạt, sự hành hạ không bao giờ ngừng nghỉ một khắc nào, nhưng khi tiếng chuông chùa cất lên, trong 30 giây đó, mọi hình phạt đều được ngưng lại.

Chính vì thế mà nói, đánh chuông là một trách nhiệm nặng nề.

Nhưng trên núi lại rất rét, 3h50' sáng mà rời khỏi giường ngủ là một hành động "vượt lên chính mình", sau đó vệ sinh cá nhân, mặc áo hậu, thắp nhang đèn lên, quấn cái mền để lên lầu chuông. Gió thổi lộng lộng, ngồi ngủ gà ngủ gật, niệm Phật câu được câu mất, nhiều khi còn chẳng đánh chuông, tất nhiên sau đó sẽ bị phạt phải quỳ hết một tuần nhang trước chánh điện.

Riêng Hoà Thượng thì dậy từ rất sớm, nhưng vẫn ở trong phương trượng, chỉ cần ngủ quên không đánh chuông là Ngài qua tận giường. Không kêu, không gọi, Ngài chỉ đứng im lặng từ xa nhìn mình nằm ngủ, ấy thế mà như có luồng điện xẹt, em tự động bật dậy, nhìn thấy Ngài, vội vàng lên thắp nhang và tự quỳ không cần trách phạt. Nhiều lần như thế, sau này Ngài không nhìn nữa, mà cầm theo cây roi tre bằng ngón út, vút một phát là tỉnh ngủ, lại lóc cóc chạy lên thắp nhang quỳ.

Nhưng mãi về sau có một lần, lại mê ngủ không dậy đánh chuông, nhưng lần này không phải Hoà Thượng gọi dậy, mà là những cái vong được gởi lên chùa gọi dậy ! Đang mê ngủ thấy có ai kéo kéo chân mình, đâu đó có tiếng nói:

Dậy đánh chuông !

Em hoảng hồn bật dậy nhìn đồng hồ: 4h10' sáng. Và tất nhiên, lần này không quỳ nhang nữa, mà là đi chà nhà vệ sinh một tuần sau đó, nhưng mãi cho đến sau này lớn lên vẫn không bỏ được cái tật mê ngủ. 

Cúng cô hồn, cúng đám ma

Cúng cô hồn, cúng đám ma, không đơn giản chỉ là đi cúng kiếm tiền. Thật sự mà nói, những vong linh đều có thể nương nhờ phước đức của người cúng, câu kinh lời kệ, mà được nhẹ nhàng giải thoát. Nhưng lạm dụng, thì là điều không nên.

Người cúng phải là vị tu hành đàng hoàng, trong lúc cúng phải nhất tâm nghĩ về chúng sinh. Có lần ông sư huynh của mình cúng rằm tháng 7, cầu siêu trai đàn chẩn tế, giải oan bạt độ, cúng như nào thì không rõ mà vong lên tận phương trượng kéo chân Hoà Thượng, thưa rằng:

- "Mấy thầy cúng không đầy đủ, bọn con đói quá".

Thế là Hoà Thượng trách phạt, bắt cúng lại cho người ta đàng hoàng. Ở Huế có một vị hoàng hậu, lúc sống bà giết hại rất nhiều người nên lúc chết đi bà làm quỷ đói, bụng to như cái trống, cổ họng lại bằng cây kim, đói khổ không sao kể hết, hễ cứ xuống sông uống nước thì nước hoá thành biển lửa, do nghiệp lực chiêu cảm, quanh quẩn suốt 100 năm không siêu thoát được.

Đợt đó cô Phan Thị Bích Hằng gặp vong của bà, lật sử sách về gia phả của hoàng tộc thì đúng có tên của bà, nhưng không ai biết. Sau mời cao tăng về lập đàn cầu siêu cho bà mới thoát kiếp quỷ đói, sanh thẳng lên trời. Sau đó có quay về cảm tạ, tuy nhiên chúng ta nên biết rằng sinh lên trời để hưởng phước đó, tuy là lâu dài nhưng cũng không phải là mãi mãi. Một khi hết phước rồi cũng sẽ bị rớt xuống lại, nghiệp đã tạo thì phải trả, không cách chi mất được. 

Thế nên trong kinh sách mới có câu:

" Dù trải trăm ngàn kiếp
‎ Nghiệp đã tạo không hề mất đi
‎ Nhân duyên hội ngộ rồi
‎ Quả báo tự mà nhận lấy ".

Dù là một ông thầy tu, hay bất kì người nào thì cũng như nhau, gieo cái gì thì gặt cái đó, quả báo không chừa riêng một ai cả. Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả, phải cẩn thận chớ tạo nghiệp !

GIƯỜNG CỦA NGƯỜI CHẾT

Giới thứ 7, trong thập giới, viết: "bất toạ cao quảng đại sàng", tức là không nằm ngồi giường cao rộng lớn.

Ở chùa, giường của tăng chúng gọi là cái đơn, cao khoảng 6 tấc, rộng 60 cm, chỉ vừa đủ một người nằm, và không được trạm trổ hay trang trí sang trọng. 

Ấy thế mà ở đây có một ngoại lệ: một cái giường bằng gỗ gõ đen kịt, trang trí theo kiểu cổ xưa, cao và rộng hơn luật cho phép, nhưng vẫn được quý thầy sử dụng. Bởi vì đây là giường của người chết !

Nếu là tín đồ của những câu chuyện ma, hẳn chúng ta không còn lạ gì về những câu chuyện, về những cái giường bí ẩn rải rác đâu đó trong các bệnh viện, nhưng lại không cho bệnh nhân nằm bao giờ. 

Bởi vì đó là cái giường mà có bệnh nhân cũ đã nằm trên đó qua đời, từ ấy họ chấp lấy giường là của tôi, là tài sản của tôi, và thay vì siêu thoát nhẹ nhàng, họ lại chọn cách quanh quẩn ở cạnh giường, quấy phá nhằm đuổi tất cả những ai dám nằm lên. 

Cái giường chạm trổ này là của một ông cụ, năm đó ông mất, nhà có lên chùa cầu siêu cho ông trong 7 tuần, 49 ngày. Tất cả vật dụng của người quá cố thường sẽ đốt theo bên mộ, duy chỉ có cái giường làm họ phân vân, vì nó cực kì đẹp và giá trị. 

Sau cùng gia đình đó quyết định lên thưa với Hoà Thượng, cúng cái giường cổ ấy cho chùa. Ban đầu nó là của ông sư huynh thị giả, sau nhượng lại cho em, và bao nhiêu năm trời em vẫn nằm trên cái giường ấy ngủ ngon lành mà chưa từng bị ai "đòi giường" cả.

------------------------------------

TRUYỆN MA TRONG CHÙA: NGƯỜI TU VÀ NGƯỜI TÙ

Về sau này, huyện xây dựng hệ thống trại giam sau lưng chùa, hầu hết những người phạm tội nặng nhẹ đều thuyên chuyển cả về đây, mỗi ngày đều có chuyến xe chở tù nhân về trại.

Bên phía chính quyền rất nể trọng Hoà Thượng, vẫn thường qua thưa hỏi đều đều.

Những người này ở bên ngoài phạm tội khác nhau, nhưng về đây thì cùng một công việc như nhau: trồng trọt, chăn nuôi, và hối lỗi đợi ngày hoàn lương. Ở chùa trồng cây to có, cây nhỏ có, và đủ thứ việc nặng nhọc khác, huynh đệ lại không nhiều, đôi khi trồng cây to, hoặc những việc nặng, đất núi khô cằn, đào rộp cả tay, những lúc đó Hoà Thượng lại chống gậy sang trại giam mượn người phụ giúp.

Tất nhiên phụ công quả cho chùa thì ai cũng hoan hỉ, hơn nữa phạm nhân lại được tụi em cho trái cây, mấy bác Phật tử cho thuốc hút, tuy là cấm tuyệt đối, nhưng nể trọng Hoà Thượng nên đồng chí quản trại du di cho phép phạm nhân hút thuốc trong phạm vi chùa, còn về trại là tuân thủ nghiêm ngặt.

Những đôi bàn tay đó từng đi trộm cắp, giết người, đủ thứ việc lầm lỗi trên đời, giờ đây lại góp phần xây dựng phát triển khuôn viên chùa tươi đẹp, những việc xấu và tốt, đều do tự mình làm.

Nói riêng cảm giác của em thì bước vào cổng chùa, người phạm nhân nào cũng trở nên đẹp đẽ cả, trước mặt Hoà Thượng vẫn là những người con, người cháu một dạ hai thưa ngoan ngoãn, không còn sự ngang tàng ngổ ngáo như lúc phạm tội. Và ở đó, người tù, người tu, cả đồng chí quản trại bây giờ là một tập thể hoà đồng, không có khoảng cách, không phân biệt cao thấp sang hèn, không phân chia bên quý bên tiện, mọi người đều bình đẳng, khác màu áo nhưng chung một nụ cười.

Thỉnh thoảng cũng có vài người được ân xá hoặc mãn hạn tù, được một đồng chí chạy xe gắn máy chở xuống núi, ra bến xe thị trấn để đoàn viên gia đình, lúc chạy ngang chùa không quên xin phép dừng xe, chạy vội vào chùa lấy bó nhang, mà thắp tất cả bệ thờ, để rồi tất tả ra về để kịp chuyến xe chiều.

Trước đây có thể họ đã gặp Phật, có thể chưa, nhưng giờ đây rồi cũng đã biết đi chùa, biết lễ Phật. Trong kinh dạy một đứa bé ngồi chơi, viết chữ Phật lên cát, rồi sau này cũng sẽ thành Phật, huống chi là cúng dường cho Phật một cây nhang, cung kính Phật một lạy, đó thảy đều là duyên lành, hạt giống tốt trong tâm hồn.

Suy cho cùng, người tù mãn hạn rồi cũng sẽ được trở về hoà nhập với cuộc sống, còn người tu một khi đã đắp lên mình bộ y hậu chỉnh tề, thì con đường đó là vô tận, không bao giờ được dừng lại, trừ khi mình bỏ cuộc !

------------------------------------

Hỏi: Lúc lễ có cần khấn bài bản không ạ? 

TL:  Khấn làm chi. Một vị Phật có đủ trí tuệ thần thông để nhìn thấu rõ vô số kiếp quá khứ và tương lai của bạn như mình nhìn thấy quả cam nằm trong lòng bàn tay thì bạn cần khấn thêm gì nữa ?

Hỏi: Tâm ma tâm Phật là gì? 

TL: Tâm ma tâm Phật là do cách nói dân gian, chứ thực ra chỉ có một tâm, không thể nào một người có hai tâm ma và Phật được. Lấy ví dụ như sóng và nước, nếu sóng yên thì nước lặng, sóng cuộn thì nước động. Nước dụ cho bản tâm, nước yên là tâm Phật, nước trào sóng cuộn là tâm lăng xăng đi vào 3 cõi 6 đường. Nhưng dù yên lặng mặt hồ hay cuộn trào sóng dữ thì nước vẫn không thay đổi cái chất nước, lìa cả hai bên động và tịnh thì tâm vẫn là tâm. Có nhiều người hay than thở tâm của tôi bất tịnh, tôi muốn đi chùa để tịnh tâm, đó là còn cái thấy có hai tâm, thấy có 1 cái tâm nào đó thanh tịnh để cầu được, đó là cái thấy sai lầm. Chỉ cần ngừng những suy nghĩ lăng xăng trong đầu thì ngay đó là tâm thanh tịnh rồi, đâu cần đi chùa này Phật nọ cầu tịnh tâm? Nên Hoà Thượng có dạy " tức vọng là chơn ", nghĩa là ngừng cái tâm vọng động, thì ngay đó là chân tâm. Người đời không hiểu, cứ theo chữ nghĩa mà lí giải thì không thể nào hiểu được cái ý nghĩa thực ở đó. 

Đọc tiếp: (Tập 1)   (Tập 2)   (Tập 3)   (Tập 4)   (Tập 5)

Bản quyền thuộc về tác giả Châu Thanh Trung

Ma