04/06/2021 11:35 View: 405

Truyền thuyết:

Đó là vào một ngày hạ chí, trời nóng như đổ lửa, giữa cái tiết khí oi ả đến vậy, tôi trốn mình về một vùng quê thuộc tỉnh Bắc Ninh, nơi ấy là Yên Phong. Nhận được cuộc điện thoại bất ngờ của tôi, anh bạn học cũ đã cố tình sắp xếp một trận chè chén đến say sưa. Đặc biệt, biết tôi vốn ham mê lịch sử, lại có dịp hội ngộ sau bao năm tha phương tứ xứ, anh bạn đã tặng cho tôi một món quà thật thi vị, thật ý nghĩa, đó là cuộc gặp gỡ với ông Bắc, thầy Lang nức tiếng thuộc vùng Yên phong vào những năm 2016, 2017.
Sau trận đánh chén linh đình, ba người chúng tôi chè thuốc hàn huyên đợi đến khi trời về chiều. Trong câu chuyện mà đáng lý ra tôi và anh bạn học phải là chủ thể thì vô tình ông Bắc đã cuốn chúng tôi vào thế giới của ông, cái thế giới mà ông vẽ ra bằng câu chữ nhưng thực đầy màu sắc mê hoặc. Số là vào cái thời khi ông Bắc còn thanh niên, trong một lần theo cha đi thuyền đêm qua đoạn thôn Đoài, ông Bắc có nằm mộng thấy một toán người thân mang giáp phục, ai nấy mặt mày dữ tợn hệt như âm binh quỷ tướng, toán người này đi thuyền trên sông, vừa đi vừa nổi trống hò reo thực là quái đản. Tỉnh mộng, ông Bắc đem chuyện này kể lại với thân phụ. Giữa cái đêm trời trường tận đến vô biên, cha con ông Bắc lênh đênh sóng nước cùng thi vị của khói thuốc lào đặc sệt. Lần ấy, chính ông Bắc đã được cha mình kể lại cho nghe về câu chuyện thủy thần họ Trương vô cùng linh dị trên đất Yên Phong.
Vào thời vua Lý Nam Đế, phương bắc cử hai tướng là Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân xâm lược nước ta. Lý Nam Đế đêm theo quân binh đến chặn giặc nhưng vì tương quan lực lượng có sự khác biệt quá lớn nên phải rút về vùng Tam Nông, Phú Thọ. Tại đây, Lý Nam Đế trao binh quyền cho Triệu Quang Phục và qua đời. Triệu Quang Phục sau khi nhận được ủy thác của chúa công thì đem quân về đầm Dạ Trạch vùng Hưng Yên mà kháng địch, đồng thời truyền hịch đi khắp cả nước để cầu người tài xuất thế an bang. Cùng thời điểm ấy, ở làng Vân Mẫu huyện Quế Dương, sau là phường Vân Dung, thành phố Bắc Ninh, có năm anh em là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và Trương Đạm Nương. Năm người này xuất thân lam lũ, sinh ra cùng lúc trong một bọc năm mang, từ nhỏ đã tinh thông binh lược lại có tài văn học. Nghe tin Triệu Quang Phục truyền hịch an bang, năm người này quyết chí ra hầu chúa công, dựng cờ lập trại ở phủ Đa Phúc, lộ Bắc Giang. Triệu Quang Phục hay tin ấy thì liền cho sứ lên phong Trương Hống làm tướng quân, Trương Hát làm phó tướng, hai tùy tướng theo sau là Trương Lừng và Trương Lẫy, còn Trương Đạm Nương sẽ được tùy cơ ứng biến trong việc quân lương.
Đúng đến kỳ hẹn, quân của Triệu Quang Phục ở Dạ Trạch tiến lên, nghĩa quân Hống – Hát từ lộ Bắc Giang kéo xuống, thế mạnh như vũ bão, trận chiến ấy với giặc Lương quả thực là trời long đất lở, người chết vô số. Tướng giặc là Trần Bá Tiên tử trận, đám tàn quân phải theo gót Dương Phiêu mà chạy về Bắc quốc. Dẹp xong loạn giặc, Triệu Quang Phục đăng cơ, lấy hiệu là Việt Vương, phong thưởng cho các tướng lĩnh có công trợ lực, trong đó anh em họ Trương được công đầu, phong làm thượng tướng. Sau này khi Lý Phật Tử nghe tin Quang Phục lên ngôi, vì không đành lòng nên bèn dùng mưu kế để hạ bệ. Triệu Quang Phục vì đó mà để ngai vàng lọt vào tay của Lý Phật Tử, người này đăng cơ rồi tự xưng là Hậu Lý Nam Đế. Bản thân lại từng nghe về hai vị Hống – Hát tài trí hơn người, oai phong lẫm liệt nên đích thân đã cho người về vời hai vị ra làm quan. Anh em họ Trương nhất lòng trung quân mà không theo Lý Phật Tử chỉ sai người bẩm báo lại rằng: “Tôi trung chẳng thờ hai vua, gái trinh chẳng đổi hai chồng, huống hồ ngươi là người bội nghĩa mà còn muốn khuất cái tiết bất di dịch này ư?”. Lý Phật Tử cho đó là lời ngông cuồng, sai người truy bắt anh em họ Trương khắp nơi. Biết không thể nào chốn chạy được mãi, anh em Hống Hát bàn nhau uống thuốc độc tự tử, thả mình theo dòng sông Cầu để giữ lòng tôi trung với Triệu Quang Phục. Quả là một bậc trung lương quân nghĩa.
Năm Tân Tị, niêm hiệu Thiên Phúc, triều Lê, Tống Thái Tông sai tướng là Nhân Bảo và Tôn Toàn đem binh xâm lược đất Nam. Vua Lê Đại Hành cùng tướng là Phạm Cự Lượng cho quân dựng lụy, đắp hào, cầm cự với giặc trên sông Đồ Lỗ, đoạn cửa sông Cầu ngày nay. Đêm ấy, canh ba, vua Lê nằm mộng thấy hai người y quan kỳ vĩ, thân mang giáp phục, tướng mạo hùng đồ hệt như thiên binh thần tướng. Hai người này xưng là Trương Hống và Trương Hát, xưa kia từng theo vua Triệu đánh đuổi giặc Lương, sau vì không muốn phản nghĩa nên đành gieo mình tự tử trên sông này. Nay thấy Lê Đại Hành ngự giá thân chinh, xin được đem âm binh quỷ tướng đến để phò trợ, dẹp yên giặc Tống, cứu vãn dân sinh. Vua Lê Đại Hành tỉnh dậy, lập tức sai người thắp hương khấn vái, xin được uy linh của hai vị thần trợ giúp. Quả nhiên, đêm ấy, trời đất tối đen, mưa to gió lớn bao trùm lên cả một vùng sông Như Nguyệt. Quân sĩ Nam Việt đóng ở bờ bên này nội trong vòng mười dặm ai nấy cũng đều thấy âm binh quỷ tướng vây kín trùng điệp quanh doanh trại của quân Tống. Thấy vậy, quân ta ở bên này bèn nổi trống khua chiêng, giặc tưởng bị phục kính nên tháo chạy tán loạn. Bấy giờ, vua Lê thấy thần nhân ẩn mình sau đám hắc vân mà ngâm thơ:
-Nam Quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng nhiên dĩ định tại thiên thư,
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm,
Hội kiến thịnh trần tận tảo trừ.
Quân Tống nghe thấy bài thơ này thì cho là quỷ mị, đánh giết lẫn nhau rồi mạnh ai người nấy chạy. Đại công cáo thành, vua Lê truy phong cho hai anh em Hống – Hát, lập đền thờ tự ở ven sông Như Nguyệt, tức sông Cầu ngày nay. Cho đến bây giờ, đền thờ tôn nghiêm, hương hỏa không dứt, phàm là ngư dân mà mộng thấy binh tướng trên sông thì đều phải vào đền thắp hương xin độ trì, tất thẩy đều được linh ứng, thiêng liêng đến khôn cùng.

--

Sử cũng chép, vào thời vua Nhân Tông nhà Lý, binh Tống nam xâm kéo đến biên ải, vua sai Thái uý Lý Thường Kiệt dựa vào bờ sông Như Nguyệt đóng cừ để cố thủ. Lúc Lý Thường Kiệt dẫn quân đi kiểm tra phòng tuyến quanh sông, khi đến Phương La, thấy có ngôi đền lớn tại ngã ba Xà, hỏi ra mới biết đây là đền Xà, thờ nhị vị Đại Vương Tôn Thần họ Trương – Đức Thánh Tam Giang Trương Hống, Trương Hát. Lý Thường Kiệt liền cho chuẩn bị lễ vào Đền thắp hương bái yết, cầu xin Thánh phù hộ.
Đêm ấy, nằm nghỉ ở đình Xà, đang lúc chập chờn nửa tỉnh, nửa mơ, Lý Thường Kiệt thấy hai vị Thần, mũ áo chói loà hiện ra. Lý Thường Kiệt vội đứng dậy bái chào. Hai vị Thần người cao lớn lẫm liệt khác thường. Một vị mặt đen, mắt xanh, áo bào trắng. Một vị mặt trắng, râu dài, mình khoác bào đỏ, bảo rằng: “Mới tới thăm nhau buổi sáng mà đã vội quên. Lũ giặc Tống kia, chỉ cần làm bạt hồn vía chúng, thì chúng sẽ tan. Anh em chúng tôi xin mang thần binh đến giúp ngài quét sạch lũ giặc”. Dứt lời, Thần liền ngâm bài thơ:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Bấy giờ Lý Thường Kiệt mới biết, đấy là hai vị thần thờ ở đền Xà. Tiếng ngâm vừa dứt, bỗng hai vị Thần hoá thành đôi rắn có mào, trườn về phía sông Cầu
Lý Thường Kiệt liền truyền quân đốt đèn, lấy bút nghiên và ông ngồi trầm ngâm chép lại bài thơ Thần theo trí nhớ. Lý Thường Kiệt đắc ý khẽ cất tiếng ngâm. Mấy tỳ tướng hầu cận nghe được, phấn chấn hẳn lên cũng lẩm nhẩm đọc theo. Lý Thường Kiệt sai quân chép bài thơ Thần làm nhiều bản, gửi tới tướng sĩ khắp chiến tuyến.
Hôm sau ông bí mật đưa đại quân vượt sông qua bờ Bắc, mở trận tập kích vào đồn giặc Tống ở Mai Thượng. Lý Thường Kiệt đứng trước cửa đền Xà, bỗng nghe từ trên không trung có tiếng hò reo, người ngựa rầm rập, tiếng khí giới loảng xoảng, tiếng chiêng, tiếng trống… Ông ngước mặt nhìn lên, thấy hai vị Thần họ Trương, áo mũ chỉnh tề, ngự trên mây trắng, quân sĩ đứng hai bên giáo mác uy nghi. Biết có thần binh trợ giúp, toàn quân sĩ nô nức muốn xông ngay vào đồn giặc. Bỗng từ trên cao trước cửa đền vọng xuống tiếng ngâm bài thơ thần “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư…” ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Càng về sau tiếng ngâm càng sang sảng. Nghe tiếng thơ rền vang, tinh thần quân ta phấn chấn ào ạt xông lên giết giặc. Quân Tống bị quân Lý Thường Kiệt tấn công bất ngờ như vũ bão lại nghe tiếng ngâm thơ trên không trung, hoảng sợ, bạt vía kinh hồn, dẫm đạp lên nhau bỏ chạy về nước không còn một mống. Xác giặc ngổn ngang trên cánh đồng Mai Thượng.

Câu chuyện của ông Bắc mang chúng tôi trở về triều đại lịch sử phong kiến vừa oai hùng, vừa tráng lệ, nhưng không kém phần linh thiêng của các bậc anh minh đất Việt. Sự thật bài thơ Nam Quốc Sơn Hà do thái úy Lý Thường Kiệt cho người đọc ở bên sông Như Nguyệt để hù dọa quân Tống hay do hai vị nhân thần họ Trương ngâm thơ thì thực chẳng ai có thể rõ. Chỉ biết, đây giống như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của lịch sử, khẳng định chủ quyền và tự cường của dân ta từ những thời kỳ phong kiến còn nhiều biến loạn.

Ngọc Quang Nguyễn

Ma