04/06/2021 11:40 View: 3739

Đức Phật có cứu khổ cứu nạn mọi chúng sinh?

Đa phần chúng ta được nghe lược kể về sự hiển linh cứu người trong cơn hoạn nạn của chư vị Bồ Tát, Thần, Tiên, Hộ Pháp, mà lại không nghe thấy sự cứu khổ, cứu nạn của các bậc toàn giác - Chư Phật???

duc phat khong cuu kho

Việc này là tại do đâu?

Có phải vì Phật không có lòng bi từ rộng lớn đối với chúng sanh bằng các vị Bồ Tát, La Hán, Hộ Pháp, Tiên, Thần hay chăng?! Nỗi hoài nghi này, hôm nay Tamlinh.org sẽ cùng tất thẩy mọi người bạch luận, tham cứu cho rõ lẽ.

Nói đến lòng Từ Bi của Đức Phật thì đó là một trong ba yếu tố cấu thành sự triệt ngộ toàn giác của Quý Ngài. Nếu lòng từ bi không đủ lớn thì vị ấy ất hẳn không thể toàn giác chánh đẳng cho được, vì vậy cho nên không có nghi ngờ gì về lòng từ vô hạn của Chư Phật dành cho tất thẩy chúng sanh trong ba cõi, sáu đường này!

Nếu nói chư vị Bồ Tát có lòng từ bi rộng lớn bằng trời biển, thì lòng từ bi của Chư Phật có thể ví như sự lớn rộng của vũ trụ, thiên hà, không có sự ví dụ nào có thể gồm thâu, khái quát cho hết được.

Vậy nếu lòng từ của Chư Phật bao la như thế, vì sao lại để chúng sanh ngụp lặn trong biển khổ này?!

  • Vì sao có người khổ kêu Phật, Phật không giúp cho hết khổ?
  • Vì sao có người sắp chết, gọi Phật, Phật không cứu người ta sống lại?
  • Và vì sao có người gặp nạn, cầu khẩn vái van mà Chư Phật chẳng thấy hiển linh?!

........

Cách nhìn của Đức Phật với nhân gian này

Để trả lời được điều nghi ngại này, quý vị nên liễu ngộ cho rõ cách nhìn của Đức Phật đối với (cái gọi là khổ, cái gọi là chết, và cái gọi là nạn) của nhân gian này!

Chúng sanh trong ba cõi, sáu đường, tất thẩy đều tồn tại Nạn, Bệnh, Khổ, Chết.

Đối với mỗi cõi giới có những cái Khổ khác nhau, thọ mạng khác nhau, nạn kiếp khác nhau, tật bệnh khác nhau và chết cũng khác nhau.
Lại đối với mỗi chúng sanh trong mỗi cõi giới thì cũng tồn tại hằng hà sa các nạn ách, khổ bệnh, chết chóc khác nhau.

Chung quy lại, không có nơi nào trong lục đạo là không có nạn kiếp, khổ não, và chết chóc cả.

Chỉ có một con đường DUY NHẤT ĐỂ THOÁT KHỔ, ĐÓ LÀ ĐOẠN DIỆT VÔ THƯỜNG, CHỨNG ĐẾN THÁNH QUẢ, KHÔNG CÒN LUÂN HỒI mà thôi!

Vậy nói rõ hơn thì đối với Chư Phật, vốn dĩ cái gọi là Khổ của thế gian là điều tất yếu, dù có giúp hết cái khổ này, thì cái khổ khác nó sẽ được sanh ra, cứ như thế mãi mãi xoay chuyển, không thể ngừng nghỉ, cho đến tận cuối đời, khi chuyển kiếp luân hồi thì lại chuyển sanh một quá trình mới tiếp tục.

Vì vậy, cho nên cách giải quyết vấn đề của Chư Phật đó chính là giải quyết ngồn gốc sanh ra cái khổ, chứ không phải đi diệt từng cái khổ.
Và con đường tu hành, giác ngộ là con đường diệt khổ ấy mà Chư Phật luôn ngày đêm khuyến tấn, hộ trì.

Đối với (kiếp nạn) cũng vậy không khác!

Kiếp nạn do đâu mà ra?!

Do Nhân- Quả mà ra!

Không có nhân, thì không có quả.

Không có nhân xấu, thì sẽ không có quả xấu, tức sẽ không có cái gọi là kiếp nạn!

Vì sao kiếp nạn xảy ra với người này, lại không xảy ra với người kia?!

Đó chính là vì nhân tạo khác nhau!

Cứu một người thoát khỏi một kiếp nạn tức là trì hoãn cái quả của nó lại chứ không phải đã giải quyết được cái quả của nó!

Tỉ dụ: Hôm nay người này sẽ gặp nạn xe cộ mạng vong, vì kiếp xưa đã cố ý dùng xe cộ cán đụng người vô tội mạng vong. Người đời chỉ thấy tai nạn không thấy được nhân quả nên hờn trách ông Phật không thương. Nhưng nếu ông Phật có cứu thì cái quả ấy hoãn lại lần sau, chứ làm sao ngược dòng quá khứ để cho người này không phạm ác nhân như thế được?!

Vì vậy cách cứu khổ của chư Phật là KHUYÊN RĂN MỌI NGƯỜI ĐỪNG TẠO ÁC NHÂN, VÌ ÁC BÁO KHÔNG BAO GIỜ TRÁNH KHỎI.

Và như thế! Đối với cái chết, Phật thấy rõ rằng: Không có cái chết hiện hữu.

Mà chỉ có sự chuyển tiếp của một kiếp luân hồi mà thôi!

Ngăn chặn cái chết là ngăn chặng lại quy luật của Vô Thường.

Cứu người thoát khỏi cái chết cũng không giúp đươc họ vĩnh viễn không chết cho đặng.

Có sanh ất có diệt, chỉ có không sanh thì không diệt - đó chính là con đường tu hành để đoạn vô thường, liễu trừ sanh tử.

Và Chư Phật vẫn ngày đêm khuyến tấn, chỉ dạy không ngơi nghỉ dù một thời niệm!

Vậy nói như thế tại sao các vị Hộ Pháp, Thiện Thần, Bồ Tát lại đi cứu người?

  • Cứu Khổ?
  • Cứu Nạn?
  • Không lẽ là làm nghịch ý Chư Phật hay sao?!

Nói như vậy thì lại không phải!

Ứng với mỗi tầng giác ngộ khác nhau sẽ có cách giải quyết vấn đề khác nhau!

  • Một anh y sĩ mới ra trường khi thấy bệnh nhân đau đầu liền cho thuốc giảm đau.
  • Nhưng một ông giáo sư y khoa nhiều năm nghiên cứu, khi thấy đau đầu lại bắt chụp hình, siêu âm có khi lại cho thuốc ngủ.

Đây là hai cách tiếp cận của cùng một vấn đề với hai người có trình độ phân biệt thấp cao.

Tỉ dụ như thế trong hoàn cảnh này cũng không là khác: Chư vị Hộ Pháp, Thiện Thần, La Hán, Bồ Tát muốn GIEO DUYÊN với chúng sanh nên biến hiện cứu độ, chứ họ vẫn hiểu rõ rằng việc ấy là chưa GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ được vấn đề.

Vì khi GIEO DUYÊN như thế, có thể giúp người mê khởi niềm tin pháp, tin phật, tin thần mà không dám phạm thêm ác nghiệp, biết cải sửa nhân lỗi lầm, quay về con đường chánh đạo mà không gặp lại nạn kiếp lần sau!

Ngộ thay!!!
Ngộ thay!!!

Người đời mê chấp lại ấn định việc Gieo Duyên làm Giải Quyết!

Họ chỉ biết mong cầu, van lơn, xin xỏ, mà bản thân mình không ngộ được lầm mê.

Như người xin ăn để nuôi thân, lấy việc xin ăn làm nghề sanh sống.

Trong khi lẽ ra họ chỉ xin một ngày, một tháng trong lúc cùng bí, đói rét khi này, rồi tìm một công việc phù hợp để lao động nuôi thân.

Việc này giống như thế không mấy khác biệt!

Họ chỉ trông chờ sự Cứu Giúp chứ không nghĩ đến việc nên đoạn trừ để nó không thể xảy ra.

Và như đã nói bên trên:

Sự linh hiển chư vị ấy là để Gieo Duyên cho nhân chúng.

Một khi duyên đã gieo mà người không ngộ thì vĩnh viễn không thể có lần thứ hai trong muôn kiếp luân hồi!

Vậy cho nên với những ai đã từng cảm nhận được sự gia trì, hiển linh của Chư Phật thì nên tinh tấn tu trì, cẩn cẩn xét soi từng lời, từng hành động, để mình không còn phải gặp chướng nạn về sau!

Chúc tất cả tinh tấn. Liễu ngộ!

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!!!