04/06/2021 11:47 View: 2621

Đạo Mẫu: Tại sao con đồng đã “hết cơ” lại bị cơ hành lại?

Nhiều người trước khi ra trình đồng mở phủ bị cơ hành, sau khi ra đồng thì “hết cơ", không bị vong ma ốp nhập, cuộc sống cũng cải thiện nhiều. Một thời gian sau họ lại bi “cơ lại”, người bảo do thầy, người bảo do Thánh… Căn nguyên của việc này là thế nào, hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu!

co hanh, dao mau, can so, can dong so linh

Trong đạo Mẫu, việc con đồng đã “hết cơ” lại bị cơ hành lại không phải là hiếm, thực ra đều có nguyên do. 

Nhãng tâm với việc đạo, tu tập theo kiểu đánh trống điểm danh

Nhiều trường hợp trước khi ra đồng bị cơ hành đủ kiểu, vong tà ám tá ốp nhập, mê man, bệnh âm bệnh dương, cuộc sống cơ cực, lắm oan trái, oan gia báo oán, vận hạn bủa vây… nói chung là khổ đủ đường. Đến khi biết mình có căn mà tìm về với Nhà Thánh, ra với cửa Thánh. Bước đầu được an yên bản mệnh, không còn vong ốp nhập, không còn mơ màng điên đảo, yên tâm tu chí làm ăn, cuộc sống hạnh phúc, mong gì được nấy, cầu sao được vậy…

Tưởng chừng như đã có tất cả, đã an yên hết. Nhưng dần dần vì “yên quá”  mà sinh nhãng tâm với đạo. 

Có những kẻ còn bị dẫn mê cho rằng nay đã yên không cần phải tu nữa, chả phải hầu hạ nữa, hay tu tập hầu hạ theo kiểu “đánh trống điểm danh”, cho có chứ không còn “nhất tâm tưởng, vạn tâm cầu”, có người còn có suy nghĩ ấu trĩ: “có khi mình chẳng có căn với nhà Thánh, có khi không theo đạo nữa cũng được…”. Tệ hại hơn là khi đã an yên có kẻ còn khắc bạc quên cả lễ giáo cơ bản, vong ơn bạc nghĩa quên cả thầy dẫn đạo.

Khi đã quên, đã nhãng tâm với việc đạo, thì nghiệp quả bản thân bao giờ mới nhớ đến mà trả, nghiệp của gia tiên cũng gác lại đó cho qua, còn oan gia chầu chực chờ đợi mỏi mòn nhưng họ không quên đâu. 

Oan gia mới chỉ "tạm tha", hay cho giãn nợ mà thôi.

Có thể năm xưa khi mở phủ được Chư Thánh đứng ra giảng hòa, dẫn lối, khuyên giải nên họ chấp thuận “cho phép” đồng nhân tạm thời yên ổn tu chí làm ăn, có sức khỏe, có hạnh phúc đấy… nhưng chỉ là họ đang “tạm tha”, hay cho giãn nợ mà thôi. Nếu người đồng nhân cứ mãi quẩn quanh cuộc sống, công danh, bình an kia mãi, quên đường đạo, quên có nợ phải trả… thì rồi có ngày oan gia cũng phải đòi, và lần này là đòi gấp, đòi ngay chứ không dễ dàng như lần trước. 

Còn gia tiên thì cũng bị oan gia nghiệp lực thúc ép không kém, buộc gia tiên phải trực tiếp thúc ép lại con đồng. Nhẹ thì nhắc nhở, mộng báo, nặng thì ốp nhập thậm chí để oan gia quấy phá, trắc trở, khó khăn trong cuộc sống trở lại, bị “cơ hành” lần nữa, cốt sao để con cháu biết phận mình có đồng phải có đạo mà quay về đường tu tập cho đúng. 

Còn có những oan gia ác nghiệt hơn, họ thấy con đồng đang vui vẻ với cuộc sống sau khi ra đồng, đang được ân duyên cho lộc nọ tài kia, những oan gia này còn tác động thêm để đồng nhân có thêm chút tài, có thêm chút lộc, thậm chí cho cả danh vọng, tình cảm…để đồng nhân ham mê vào những điều ấy, lâu dần nhãng đạo, xa thầy, xa bạn đạo, sợ quay lại tu đạo hay thấy tu đạo không cần thiết nữa. Khi những con đồng này vì nhãng tâm mà rời đạo, rời thầy đạo không ai che đỡ, dẫn lối, vết khắc thần hồn ngày càng lấm bẩn bởi những tục sự đời thường… chính là lúc oan gia được dịp đòi nợ. 

Bị cơ hành lại: Không phải do Thánh hành cơ hay do thầy giúp mình chưa triệt để

Vậy nên, không phải hiếm mà ta hay thấy những đồng nhân vừa ra đồng tốt tươi lên nhiều, sau một thời gian nếu cứ quấn tâm vào tục sự hay cầu an yên quá độ, sẽ đến ngày lại bị cơ lại, lại vận xuống, lại ốp nhập, lại mơ ảo, lại loạn tưởng… Lúc đó hãy nghĩ ngay đến việc đạo mình có gì sơ sót, lễ nghĩa của đạo, lễ nghĩa thầy trò có chu toàn chưa? Có nhãng tâm hay bỏ bê việc tu và học đạo chăng?

Và nên nhớ, những cơ hành, những oan gia đòi nợ, những mộng ảo tiếp tục đó, do chính bản thân mình, do gia tiên và oan gia của gia tiên dòng họ mình tác động gây ra. Đừng ngu dốt cho rằng do Thánh hành, Thánh cơ, hay do thầy giúp mình chưa triệt để…lại quay sang xa Thánh, xa thầy, bỏ đạo hay nghe theo ngoại đạo, ngoại dòng, ngoại bản hội xúi bẩy làm càn, nghĩ càn… Đó là đã sai còn không biết hối mà sửa, chỉ có ngã đạo mà thôi.

Vậy mới hiểu, tại sao người căn sâu dù có đạt được mục đích nhất thời, mong cầu nhất thời…. rồi cuối cùng vẫn tìm về với đạo.

Tìm về cầu đạo, tu đạo: Đó là PHÚC của những người tu đồng

Những người căn sâu quả nặng của đạo dù có lúc đạt được điều mong cầu đời thường như tài lộc, vàng bạc, danh vị, tình yêu đôi lứa… nhưng thực tế trong tâm vẫn không thể yên. Họ vẫn luôn tìm kiếm một điều gì đó sâu trong thần thức, tìm cầu về đạo. Nếu là tự thân biết hoặc được gia tiên âm phần thôi thúc mà tìm về cầu đạo tu đạo, đó là phúc của người tu đồng.

Còn để đến mức gia tiên thúc ép quá độ, oan gia đòi nợ quá gấp để tất cả những niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống kia đổ bể, để lại tay trắng về không, lại “cơ”… thì cũng nên biết quay về mà tu đạo cho chân thật. Lúc này đường tu sẽ vất vả nhiều hơn, oan gia cũng khó khăn hơn, nhưng chỉ cần vẫn còn lòng tín, quyết tâm cải sửa tu tập thì rồi dần dần căn mệnh lại trở về yên, những niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống sẽ dần dần lại có. 

Nhưng phải nhớ: Đạo - đời song hành. Vui đời phải song song với tu đạo. Sống cả đời, tu đạo cả đời. Có như vậy người tu mới đạt được sự an yên thật sự. 

Biên chép theo lời giảng của Đồng thầy Trần Thêm – Tự Tuệ Trần.