04/06/2021 11:40 View: 4413

Tìm hiểu về quỷ thần qua bài giảng của hoà thượng Tịnh Không

Lúc trước, đầu tháng này tôi đã giảng hết sáu buổi ở Hương Cảng, chúc mừng một năm ngày Hương Cảng được trả về [Trung Quốc], chúng tôi giảng về đại ý kinh Vô Lượng Thọ. Trong nhóm thính chúng có một vị đồng tu, lúc trước làm trong giới phim kịch điện ảnh, ông kể cho tôi vài chuyện thật, người thật.

hoa thuong tinh khong, quy than

Vì lúc quay phim điện ảnh có khi phải quay vào ban đêm, quay cảnh ngoài trời ban đêm, ở những vùng hoang dã có các phần mộ, thật là có quỷ. Ông có một bạn đồng nghiệp quay phim ngoại cảnh vào ban đêm, ông này đầu óc không tỉnh táo, lái xe đi ngang một khu phố náo nhiệt.

Trong tâm ông nghĩ con đường này từ trước đến giờ ông chưa từng đi qua, tại sao ở chỗ này lại có một khu phố náo nhiệt như vậy? Do vì thấy đường phố rất náo nhiệt, rất nhiều người, nên ông xuống xe đi rảo vài vòng xem thử. Ông thấy có bán đồ ăn, lúc đó là hai giờ khuya, ông cũng hơi đói bụng nên vào một tiệm nhỏ ăn mì. Ăn xong cảm thấy buồn ngủ nên lái xe đi về.

Trên đường về cảm thấy thân thể chẳng khỏe, càng nghĩ càng cảm thấy khu phố này có cái gì rất mờ ám trong ấy. Đến ngày hôm sau lái xe đi ngược lại đoạn đường đi hồi hôm thì thấy đó là một nghĩa địa, mới biết tối hôm trước đã gặp quỷ, là đi ngang qua một đường phố của quỷ.

Những gì ông ăn hồi tối ọc hết ra, ọc ra toàn là những con giun đất, bùn, cỏ, các thứ như vậy; ông sanh bịnh nặng hầu như gần chết. Sau đó đầu óc bất bình thường, phải nghỉ việc hai, ba năm cũng không đi làm được. Thân người ốm như cây tre. Sau mấy năm thì ông cũng trở lại làm nghề này, chẳng bao lâu lại gặp một chuyện tương tợ như trên, sau đó chết mất, ông đó là người làm chung với người kể chuyện này. Những người làm trong ngành đóng phim ảnh này tin những câu chuyện như vậy vì họ đích thân từng trải qua.

Thế nên những chỗ này quỷ thần và con người chúng ta cùng nhau cư trú, trạng huống [sinh hoạt] của quỷ rất giống với con người chúng ta, quỷ cũng có đô thị, chúng ta chẳng nhìn thấy, xen kẽ với chúng ta, ở hai môi trường khác nhau, hai cõi có ba độ (cường độ của làn sóng) khác nhau, xen kẻ với nhau. Thế nên khi chúng ta nói nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai, làm sao có thể làm chủ được?

Đích thân bạn trải qua, phải đề cao cảnh giác, phải hiểu rõ. Khổng Lão Phu Tử dạy chúng ta ‘kính quỷ thần nhưng lánh xa’ [6], quỷ thần có thật không? Có, nhất định phải tôn trọng, phải tôn kính. Lánh xa nghĩa là sao? Nghĩa là đừng học theo họ, cùng một ý nghĩa như nguyện ‘Lễ kính chư Phật’ trong Phổ Hiền thập đại nguyện vương. Khổng Tử đối với quỷ thần, tà môn ngoại đạo, tâm cung kính chẳng giảm bớt, đúng là lễ kính chư Phật, Khổng Tử đã làm được. Chúng ta đối với họ phải cung kính, đối đãi với quỷ thần nhất định phải đúng như pháp.

Trong kinh đức Phật đã nói với chúng ta rất nhiều, chúng ta phải hiểu rõ. Chúng ta phải coi trọng tế lễ của nhà Nho, quỷ thần có thể yên ổn, đối với sự trị loạn trên thế gian chúng ta có liên quan mật thiết. Nếu làm cho những quỷ thần này không thể yên ổn, một khi họ làm loạn lên thì sẽ ảnh hưởng đến xã hội chúng ta, có rất nhiều tai biến vô duyên, vô cớ sẽ sanh khởi, chúng ta nói vô duyên, vô cớ [nhưng thật ra là do] quỷ thần làm loạn, không thể không hiểu đạo lý này.

Những người xuất gia trong nhà Phật trú ở trên núi muốn dựng một chòi tranh đương nhiên phải tìm vật liệu ở gần đó, phải đốn cây. Phật nói những cây cao bằng thân người hoặc cao hơn một thân người đều có thần cây (thọ thần) trú ở đó. Thần cây là gì? Quỷ thần nương nhờ, trú ở trên cây, họ chẳng có chỗ để trú, họ nhờ chỗ đó để che mưa đỡ nắng. Quỷ thần trú trên cây nên xưng họ là thần cây. Chúng ta muốn đốn cây này, nói cách khác tức là chiếm đoạt chỗ ở của họ, họ bằng lòng hay không? Nếu họ không bằng lòng, khởi lên ác niệm thì họ sẽ đến phá rối, báo thù, gây rắc rối cho bạn, bạn ở trong chòi tranh đó cũng không yên ổn.

Nếu phước báo của bạn lớn thì họ chẳng có biện pháp chi, không dám xâm phạm bạn, đợi đến lúc vận của bạn suy thoái thì họ sẽ đến gây rắc rối, họ rất nhẫn nại chờ đợi. Lúc vận may của bạn còn thì họ không dám phá bạn, phước báo của bạn lớn nên họ không phá, đợi tới lúc vận của bạn xuống dốc, họ sẽ đến phá.

Thế nên Phật dạy chúng ta muốn đốn cây thì ba ngày trước đó phải tế lễ, tụng kinh, nói với họ tôi bất đắc dĩ phải kiếm chỗ trú, nói với họ dọn nhà, khuyên họ dọn nhà. Không thể vừa tìm được cây nào vừa ý thì đốn cây ấy liền, ba ngày trước khi đốn phải cúng tế.

Ngay cả những chỗ này, những chi tiết nhỏ này cũng coi trọng. Hiện nay mọi người đều chẳng tin những chuyện ấy, lúc trước những khu đất làm phần mộ ở sườn núi, hiện nay nhiều người cứ tùy tiện dời những phần mộ ở đó, đoạt những khu đất ấy để xây nhà lầu, may là những người cư trú ở đó còn một chút phước báo có thể duy trì được vài năm.

Đến lúc phước báo hết rồi thì những quỷ thần này sẽ lại phá rối, làm cho thân tâm những người cư trú ở đó chẳng an, làm xã hội động loạn. Bạn làm cho họ không được yên ổn thì họ cũng biết báo thù, cũng sẽ làm cho bạn không được yên. Thiên tai nhân họa do đó mà xảy ra, thập pháp giới là một thể, không thể không biết. Thánh nhân thế gian và xuất thế gian đều dạy chúng ta ‘suy bụng ta ra bụng người [7]’, Phật pháp chẳng nói chỉ riêng người, Phật pháp nói đến ‘vật’, vật tức là thiên địa, quỷ thần đều bao gồm trong ấy.

Chúng ta muốn sinh sống hạnh phúc, mỹ mãn, bạn phải nghĩ quỷ thần cũng muốn sống mỹ mãn, súc sanh cũng hy vọng đời sống mỹ mãn, làm sao có thể ăn thịt chúng sanh được? Việc này trong kinh nói rất rõ ràng, ăn thịt chúng sanh, sát hại chúng sanh sẽ bị những quả báo gì. Chúng ta có chịu xẻ thịt cho người khác ăn không?

Cùng một đạo lý ấy, chúng ta không muốn người ta đến ăn thịt chúng ta, động vật cũng như vậy, nó đâu chịu cho người ta ăn thịt nó? Chúng ta giết, ăn thịt nó, nó hoan hỷ không? Người có cùng một tâm ấy, tâm có cùng lý ấy. Thế nên ăn thịt chúng sanh, những oán hận này, những oán hận của hết thảy chúng sanh sẽ không tiêu mất, khi gặp cơ hội thì chúng sẽ trả thù. Phật pháp nói: “Ăn nửa cân thịt của nó, thì phải trả tám lượng”, nhiều đời nhiều kiếp ăn nuốt lẫn nhau, dây dưa chẳng dứt.
------

Trích từ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký. Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không