04/06/2021 11:39 View: 2548

Truyện ma: Nghiệp chướng (Tập 35)

Hai ngày sau, ông Hải cho dán thông cáo phát gạo cho những người nghèo khổ, ăn xin, cơ nhỡ ở trong làng. Rất nhiều những bao tải gạo được xếp chồng chất lên nhau trước hiên nhà.

nghiep chuong tap 35, truyen ma nghiep chuong truong le

Cổng nhà cũng được mở rộng để bà con có thể đi vào trong sân để nhận gạo.

Ngày hôm đó ông Hải, cô Điệp, cái Tươi cùng một vài người thợ trong xưởng may cũng đến để phụ ông Hải phát gạo cho người nghèo. Trên hiên nhà vài người đang cân đo sau đó đổ gạo vào những chiếc túi tầm 3 cân rồi đóng lại.

Những túi gạo đó được chuyển ra ngoài sân để ông Hải phát lần lượt cho từng người. Đông lắm, mọi người làm việc cật lực không ngừng nghỉ mà cũng không thể nào phát kịp. Quần quần kẻ đóng gạo, người phát gạo, người kiểm soát số lượng người. Mất nguyên một ngày cho đến tận gần 6h tối mọi người mới được rảnh tay. Bà Hoài ở cữ nên chỉ dám ngo ngó qua cánh cửa chính nhìn ra ngoài sân, hoặc có thể sau khi nghe tiếng sét đánh kinh thiên động địa vào giữa đêm hôm qua thì nay bà Hoài không dám đi ra bên ngoài.

Gạo phát cũng đã gần hết, trời cũng bắt đầu nhá nhem tối. Ông Hải nói với cô Điệp cùng mọi người:

- Cảm ơn cô Điệp cùng mấy chị đã đến đây giúp nhà tôi hôm nay. Mải mê quá mà giớ mới nhận ra là trời đã tối, hay là thế này, mọi người đi ra sau nhà rửa tay chân mặt mũi rồi phụ cái Tươi nấu bữa cơm nhé.

Cô Điệp vừa lau mồ hôi vừa cười:

- Dạ thôi anh, cũng muộn muộn rồi cơm cháo nấu cũng bất tiện. Anh nghỉ ngơi đi, hôm nay cũng mệt mỏi nhiều, để em dẫn mấy chị ở xưởng qua quán cơm bình dân ăn tạm cái gì đó cho nhanh anh ạ.

Mấy người thợ cũng thấy cô Điệp nói hợp lý nên họ ủng hộ luôn. Ông Hải mỉm cười đáp:

- Vâng, vậy cảm ơn cô Điệp cùng mọi người nhé. Tuy mệt nhưng làm xong thấy rất thanh thản, nhẹ nhõm. Có thế mới biết nhiều người còn nghèo đói quá, lâu nay mọi chuyện từ thiện tôi đều giao cho vợ, đến hôm nay cầm túi gạo trao tận tay cho từng người quả thật xúc động.

Tươi nhìn ông chủ cười cười:

- Ông chủ đúng là người tốt nhất mà Tươi từng thấy.

Cô Điệp cũng nói:

- Vâng, anh Hải đúng là người nhân hậu. Luôn suy nghĩ cho người khác, à mà anh ơi, ba ngày trước mấy lái buôn Trung Quốc có gửi tặng anh ba xấp vải thượng hạng. Bận quá nên em chưa gửi cho chị Hoài được, mai có gì anh qua tiệm vải em đưa cho nhé.

Bà Hoài đứng ở gần mép cửa thấy chồng nói chuyện với cô Điệp có phần tình tứ nên bực mình lắm, hắng giọng bà Hoài nói đổng:

- Tươi, xong rồi thì lo dọn dẹp rồi còn cho hai con chó ăn nữa, sáng đến giờ chúng nó chưa được ăn gì đâu đấy.

Cô Điệp nghe thấy tiếng bà Hoài thì vội vã chào:

- Ơ chị Hoài, chị ra ngoài cẩn thận gió máy. Hôm nay bận quá em không có thời gian vào nói chuyện với chị. Chị phải giữ sức khỏe để còn buôn bán đấy chị nhé, mọi người hỏi chị suốt.

Bà Hoài khẽ nhếch mép cười:

- Vâng, nhờ ơn của cô nên tôi vẫn khỏe lắm… Đợi cô con gái cứng cáp một chút tôi sẽ quay lại, chứ nếu không á, có mà loạn..

Ông Hải biết vợ đang bóng gió, ông nói:

- Vậy thôi mọi người đi ăn rồi về nhà nhé. Ngại quá, để lúc nào rảnh sẽ mời cơm mọi người sau. Tươi, tiễn các chị, các cô về rồi xem quét dọn đi nhé.

Tươi vâng dạ gật đầu, mọi người đi về hết, lúc này đồng hồ đã chỉ đúng 6h tối. Ông Hải lấy quần áo đi tắm, ông không muốn đôi co với vợ nên đi qua bà Hoài ông chỉ nói:

- Này, mình nói gì thì nói cũng nên suy nghĩ. Cô Điệp cô ấy có quan tâm mình thì cô ấy mới hỏi thăm. Hôm nay người ta đến đây giúp nhà mình, không cảm ơn lấy một câu thì cũng thôi, sao lại nói thế. Người ta cũng góp một phần không nhỏ trong cơ ngơi này của vợ chồng mình đấy. Đừng có mà ghen bóng ghen gió.

Bà Hoài tức lắm nhưng suốt thời gian qua vẫn chưa tìm được bằng chứng gì để buộc tội chồng cho nên mỗi khi ông Hải nói đến cô Điệp bà Hoài không dám cãi nhiều. Nhưng hôm nay thấy hai người cười nói vui vẻ trước tất cả, trước mặt bà Hoài thì bà lại càng tin ông Hải và cô Điệp có vấn đề. Ông Hải bỏ đi tắm, không biết trút cơn giận lên ai thì bà Hoài thấy Tươi đang quét sân, bà Hoài quát:

- Nhanh cái tay lên rồi còn vào tắm cho hai cậu.

Tươi gật đầu lia lịa, đang hất rác từ sân ra bên ngoài thì tươi thấy có một người phụ nữ tay bế một đứa trẻ con đứng giữa cổng, bà ta cứ nhìn vào trong nhà không chớp mắt. Tươi bèn hỏi:

- Chị ơi, chị đến xin gạo phải không ạ..?

Người phụ nữ kia không nói gì, mắt cô ta vẫn hướng vào bên trong nhà nơi phòng khách mà bà Hoài đang ngồi. Tươi hỏi lại:

- Để em lấy gạo cho chị nhé, nhà em hôm nay ông chủ phát gạo cứu tế đó.

Nhìn sang bên Tươi bằng đôi mắt u buồn, lạnh lẽo. Người phụ nữ chỉ tay vào trong nhà rồi lay lay người đứa trẻ cô ta đang bế trên tay:

- Là nhà này, có phải không..?

Bà Hoài ở bên trong nói lớn:

- Tươi, làm cái gì mà nói chuyện với ai ngoài đó thế hả, còn không nhanh cái tay lên.

Tươi sợ quá đáp lại:

- Dạ dạ, em xong rồi đây… Nhưng có một người lạ lắm bà chủ ơi.

Bà Hoài chép miệng đứng dậy, đứng trên hiên nhà bà Hoài thấy một người ăn mặc rách rưới, tay bế cái bọc vải bên trong chắc là một đứa bé, nhìn cô ta cứ như người ăn xin nên bà Hoài bảo Tươi:

- Lấy gạo cho cô ấy đi rồi nhanh nhanh đóng cổng lại.

Tươi quay lại lắc đầu:

- Nhưng mà chị ấy không lấy gạo, em hỏi rồi…. Chị ấy cứ chỉ tay vào bên trong nhà rồi hỏi có phải nhà này không..?

Bà Hoài cả ngày đã chịu đủ bực mình, nay lại thêm một người đến đây nhìn như ăn mày nhưng lại kiêu không thèm lấy gạo thì càng điên tiết:

- Không lấy thì thôi, đóng cổng lại. Rõ là lắm chuyện

Vừa đúng lúc đó cậu con trai lớn đang nghịch quả bóng, quả bóng bị sút văng ra đến cổng rồi từ từ lăn lại ngay chân người phụ nữ kia, cậu bé chạy theo nhặt lại quả bóng thì người phụ nữ lạ mặt khẽ ôm cả con rồi cúi người xuống nhặt quả bóng đưa vào tay cậu con trai bà Hoài. Bà Hoài thấy thế quát lớn:

- Lợi, vào nhà ngay… Không được ra đấy, bẩn thỉu.

Cậu bé đỡ lấy quả bóng từ tay người phụ nữ rách rưới kia, khi mà cô ta cúi xuống nhặt quả bóng thì Lợi đã kịp nhìn mặt đứa trẻ mà cô ấy đang ẵm trong tay, Lợi gọi mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ ơi…. Em Thanh này. Ủa sao cô này lại bế em Thanh…

Bà Hoài nghe xong thì sợ xanh mặt, cũng đúng lúc đó người phụ nữ kia chẳng nói chẳng rằng gì, cô ta ẵm con đi khỏi. Bà Hoài ú ớ không biết thật giả ra sao, không biết nên chạy ra ngoài hay chạy vào trong phòng. Bà Hoài gọi Tươi:

- Tươi…. Giữ, giữ cô ta lai…

Nhưng từ buồng trong tiếng khóc của cô con gái mới chào đời đang vang lên, bà Hoài chạy vội vào trong buồng thì vẫn thấy con gái đang nằm trong nôi khẽ cựa mình tỉnh giấc. Về phần Tươi, rõ ràng ban nãy hãy còn thấy người phụ nữ kia bế con đi được một đoạn nhưng nay lúc ngó theo thì không thấy cô ta đâu nữa. Ông Hải tắm xong đi vào buồng hỏi vợ:

- Con lại khóc à..?

Bà Hoài trả lời chồng:

- Nó ngủ dậy nên đói khóc ấy mà, giờ cho nó bú đây. Mà khiếp cái thằng Lợi, nhìn đâu ra ban nãy có cái bà ăn mày bế con mà nó nhìn con bà ấy thành em gái mình. Nó nói bà kia đang bế cái Thanh mà tôi sợ đến điếng cả người. May sao con bé trong này khóc chứ không có khi tôi phải nhào ra cổng để xem có thật không đấy.

Ông Hải đáp:

- Trẻ con nó nhìn đứa nào chẳng giống đứa nào, mà bà không trông con cứ ra đó đứng gió máy lại kêu. Thế có cho người ta gạo không..?

Bà Hoài vừa cho con bú vừa nói:

- Có bảo cho đấy nhưng hình như là không lấy. Đang lo hết cả hồn đây.

Ông Hải đi ra đằng trước thì thấy sân nhà đã được quét dọn sạch sẽ, Tươi cũng đang tắm cho hai cậu con trai của ông. Nhìn số gạo đã được phát gần hết ông Hải thở phào nhẹ nhõm, bà Hoài ẵm con cho con bú nhưng không nhận ra rằng trên tay con bé đang nắm một sợi tóc rất dài, đó không phải là tóc của bà Hoài, càng không phải tóc của Tươi.

Người phụ nữ lạ mặt kia đi trên con đường nhá nhem tối lúc ẩn lúc hiện, vừa đi cô ta vừa nhìn vào bọc giẻ đang ẵm trên tay rồi khẽ hỏi:

“ Nhà này phải không..? Đúng là nhà này rồi…? Hi Hi Hi “

Nhưng bên trong bọc giẻ cuộn tròn ấy chẳng có đứa bé nào cả.

--------------------------------

Đọc tiếp phần 36: Cô Điệp bỏ đi

Đọc trọn bộ: NGHIỆP CHƯỚNG - TRƯỜNG LÊ

Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê

Ma