Về đến nhà, ông Hải xộc thẳng vào trong buồng. Bà Hoài đang bế con bé Thanh, hai mẹ con đang đùa nhau cười khúc khích. Cánh cửa buồng mở mạnh ra khiến cho bà Hoài giật mình, ông Hải lừ lừ bước vào.
Chưa kịp để vợ nói câu nào ông Hải ngồi xuống ghế rồi nhìn thẳng mắt bà Hoài hỏi:
- Số tiền ngày trước bà có thật sự đã đem đi làm việc thiện để cứu người chứ..?
Bà Hoài sau câu hỏi đó mặt biến sắc, khẽ ôm con bà Hoài đánh trống lảng:
- Con gái mẹ hôm nay ngoan quá, ăn xong chẳng thấy khóc lóc gì.
Ông Hải đập mạnh tay xuống bàn quát lớn:
- Tôi hỏi lại, số tiền của thầy Lã bà có đem đi cứu giúp cho những người nghèo, những người khó khăn trong cái làng này hay không..? Trả lời mau..
Bà Hoài giật bắn người nhưng vẫn trả lời:
- Có...có…. tôi có đem đi cho người nghèo, rồi đem lên chùa làm công đức.
Ông Hải tiếp tục:
- Bà có nhớ bà đã cho những ai không..?
Bà Hoài đáp lại:
- Mấy năm trôi qua rồi giờ làm sao mà tôi nhớ được, ông này hay nhỉ…? Tự nhiên có thế mà cũng nổi điên nổi khùng lên.
Ông Hải đứng dậy tiến về cái tủ gỗ, lấy chìa khóa ông Hải mở tủ rồi lôi ra một chiếc hộp gỗ, bên trong đựng một số loại giấy tờ. Sau khi tìm kiếm, ông Hải cầm một tờ giấy được viết thành danh sách, đưa trước mặt bà Hoài ông Hải hỏi:
- Được, nếu như bà nói là có làm vậy tôi sẽ theo những danh sách này để đến tận nơi hỏi từng người một. Tôi cũng sẽ lên tận chùa để hỏi xem có đúng là bà đã làm theo như lời tôi nói hay không..?
Nhìn tờ danh sách được ghi trong giấy, bà Hoài đổ mồ hôi vì đó cũng chính là thứ mà mấy hôm nay bà Hoài tìm kiếm. Bản danh sách ghi những gia đình nghèo mà bà Hoài đem tiền đi giúp đỡ. Tuy nhiên đó chỉ là danh sách mà bà Hoài ghi khống để lừa dối chồng, còn thực chất số tiền 200 cây vàng đó bà Hoài đã đưa cho mẹ đem về quê.
Năm ấy công việc bận rộn, vốn dĩ cũng tin tưởng vợ nên ông Hải sau khi xem qua tờ giấy không hề mảy may nghi ngờ vợ dù chỉ là trong suy nghĩ. Chỉ cho đến gần đây, liên tiếp gặp phải những chuyện lạ lùng, cũng như hôm nay ma xui quỷ khiến, ông Hải đã đến đúng ngôi nhà của cô Chín 4 năm về trước. Nghe ông cụ đi cất vó kể lại sự tình, đột nhiên ông Hải thấy có điều gì đó không ổn.
Và đây, ngay trong tờ giấy của bà Hoài có ghi tên của cô Chín ngay dòng đầu tiên.
Ông Hải cay đắng nhận ra sự thật chết người rằng vợ mình không hề đem tiền đi làm việc thiện bởi ngay khi ông Hải định bước ra ngoài thì bà Hoài đã chạy theo quỳ xuống van xin:
- Mình ơi, mình ơi tôi biết lỗi rồi... Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi…. Số tiền đó tôi không đem đi giúp đỡ người nghèo. Tôi cắn rơm cắn cỏ, tôi quỳ xuống đây xin lỗi mình, mình tha cho tôi.
Ông Hải lắc đầu, ông nhìn vợ đầy cay đắng, đầy xót xa, ông Hải nghiến răng nói trong căm phẫn:
- Vậy số tiền đó… bà...đem đi...đâu…? Tại sao… tại sao bà dám làm như thế… bà có biết mình đã gây ra nghiệp gì không..?
Bà Hoài vẫn quỳ dưới đất van xin:
- Số tiền đó... tôi đem…. về quê...cho bố mẹ... xây nhà…. rồi cho anh chị em... mỗi người một ít làm ăn… Nhưng mình yên tâm, tôi vẫn nói với mọi người đó là tiền của mình cho. Nói sai câu nào tôi chết không nhắm mắt.
Ông Hải đập đầu vào tường trong hoảng loạn, lôi vợ đứng dậy ông Hải quát tháo:
- Nhưng đó không phải là vấn đề, vấn đề ở đây chính là số tiền ấy chúng ta không được phép tiêu. Bà điên rồi, bà điên thật rồi, sao bà dám dùng số tiền đó để đem đi cho người thân… Quân khốn nạn, bà có biết những ai trong cái danh sách này đã phải chết vì đợi chờ bà không..?
Tất cả đều đã được ông trời sắp xếp, tại sao, tại sao bà lại dám làm như thế…. Trả lời đi.
Tiếng quát ầm ỹ trong nhà khiến cho kẻ ăn người ở cũng phải khiếp sợ, mẹ bà Hoài đang trông hai cháu trai nghe thấy hai vợ chồng con gái đang xảy ra mâu thuẫn thì vội vàng chạy đến, nhìn thấy con gái đang quỳ dưới đất, mẹ bà Hoài chua xót mếu máo nói với con rể:
- Con ơi, có gì đóng cửa bảo nhau. Con quát vợ con, bắt vợ con quỳ thế này người ta nhìn thấy không hay đâu con. Mẹ xin con, có gì cứ từ từ nói.
Ông Hải đóng cửa buồng lại, nhìn mẹ vợ ông Hải lắc đầu:
- Bà còn nói được câu đó nữa sao..? Tôi đối xử với gia đình các người không hề tệ, thậm chí tôi còn giao cả cơ ngơi của gia đình này cho các người quản lý, để rồi sao, tiền mất không nói làm gì, nhưng đến cả những tiệm vải cũng bị các người làm cho sập tiệm. Dù thế nhưng đã bao giờ tôi trách móc hay than phiền một câu nào với các người chưa. Vậy mà các người, các người lừa dối tôi suốt 4 năm qua. Gia đình các người thật là vô lương tâm.
Bà Hoài ngẩng mặt lên nhìn chồng nước mắt ngắn dài:
- Mình ơi, mẹ không biết gì cả…. Mẹ không hề biết số tiền đó là tiền của người khác, tôi chỉ nói đó là tiền của chúng ta thôi. Mẹ không biết gì nên đừng chửi mẹ tội nghiệp. Giờ thành ra thế này tôi cũng chỉ biết cầu xin mình tha thứ, tha lỗi cho tôi mình ơi. Mẹ ơi, số tiền mà con đưa mẹ thực ra là tiền của một người gửi lại để đem đi cứu giúp người nghèo trong làng, nhưng con nhìn tiền hoa mắt đã không làm như thế, con đã lừa dối mọi người.
Mẹ bà Hoài nghe xong choáng váng đến mức gần như ngã quỵ xuống đất nếu như bà không kịp bám vào bức tường. Khổ thân người mẹ già năm nay cũng đã lớn tuổi, trước giờ bà vẫn cứ nghĩ tiền đó là con gái làm ăn dành dụm được báo hiếu bố mẹ, giúp đỡ anh chị, họ hàng, nay mới vỡ lở ra chuyện động trời khiến cho bà thấy lương tâm mình cắn rứt.
Ông Hải một lần nữa định giơ tay đánh vợ, nhưng nhìn con bé Thanh đang nằm trên giường, đôi mắt đen nhánh, to tròn của nó vẫn hướng về phía những người lớn mang đầy tội lỗi một cách ngây thơ, thêm nữa trong bụng bà Hoài giờ đây vẫn đang mang thai tháng thứ 3, ông Hải không lỡ xuống tay Quá đau đớn, ông Hải nói với mẹ vợ:
- Mẹ về đi, chuyện này ai gây ra người đó phải chịu. Bây giờ con cũng không biết phải làm thế nào nữa. Nhưng có lẽ cái gia đình này đã đến hồi kết thật rồi.
Quay sang nhìn bà Hoài, ông Hải cũng quỳ xuống, mỉm cười một nụ cười chua chát, ông Hải khẽ nói:
- Tôi thấy sợ bà, tôi thấy ghê tởm bà khi mà những năm qua tôi vẫn có thể ngủ chung với một người độc ác, nhẫn tâm, thủ đoạn như bà. Đúng vậy, chuyện này cũng có lỗi của tôi bởi tôi là chồng của bà. Bà hãy cứ tiếp tục sống vì những đứa con, vì bản thân bà….. Tôi hi vọng, nếu thực sự có quả báo thì tất cả sẽ trút lên đầu tôi, bởi những đứa con của tôi được bà sinh ra, chúng không có tội tình gì cả.
Ông Hải bước ra khỏi buồng trước những ánh nhìn đầy sợ sệt của người làm.
Hai mẹ con bà Hoài ở bên trong vẫn ôm nhau khóc, nhưng những giọt nước mắt ấy đã quá muộn màng. Ngày hôm sau, mẹ bà Hoài trở về quê, bà Hoài sai người đi chợ mua đồ về làm cơm cúng, chẳng phải ngày lễ, chẳng phải ngày rằm….Chỉ đơn giản khi con người ta có một nỗi lo không thể bấu víu vào đâu để làm điểm tựa thì họ sẽ tìm đến tâm linh, thần thánh, bởi họ nghĩ chỉ cần cúng vái, đốt vàng mã một thế lực siêu nhiên nào đó sẽ bảo vệ cho họ.
Trưa hôm ấy, gà vịt được mua về cả chục con để chuẩn bị làm lễ. Trong số 5 con vịt được cắt tiết để trong chậu đợi nước sôi dội vào làm lông thì đột nhiên mấy người làm nhảy dựng len bởi trong caí chậu cỡ lớn đặt xác 5 con vịt thì bỗng dưng có một con sống lại, nó đập cánh nhảy ra khỏi chậu đi lại một vòng quanh cái giếng cứ như chưa từng bị cắt tiết. Mặc dù mới đó cả năm con đều đã nằm im không còn cử động, mọi người cứ nghĩ do con vịt này cắt chưa hết tiết nên vẫn còn sống, không biết có thật hay không nhưng con vịt cứ đứng trên thành giếng rồi hướng cái mỏ vẫn còn dây máu về phía bà Hoài đang đứng chỉ đạo mọi người kêu lên những tiếng lạ lùng:
“ Quạc….Quạc….Quạc..”
“ Quạc….Quạc….Quạc..”
Máu từ cổ nó vẫn chảy ra thấm đẫm bộ lông trắng muốt, người ta cố bắt nó lại nhưng không được, mặc cho đã bị cắt tiết nhưng con vịt vẫn có thể chạy loăng quăng, nhưng dù chạy đến đâu sau khi đứng lại nó vẫn hướng mỏ về phía bà Hoài kêu quàng quạc, bà Hoài thấy vậy sợ quá hét toáng lên:
- Bắt nó lại, giết chết nó đi.
Sau câu nói của bà Hoài, con vịt tự dưng như nổi điên, nó chạy đến lao vào chỗ bà Hoài kèm theo những tiếng kêu quạc quạc. Một người làm nhanh tay vớ được con dao, anh ta chạy đến chém một nhát đứt phăng đầu con vịt, rõ ràng trước đó đã bị cắt tiết đến bất động, nhưng khi cái đầu vừa lìa khỏi cổ thì máu từ phần cổ vừa bị chém đứt lìa của con vịt cứ thế phun ra, máu bắn lên cả người bà Hoài.
Tất cả mọi người đều sợ hãi bỏ chạy bởi thứ máu vừa phun ra đó không giống với tiết vịt, nó có gì đó giống máu người hơn. Con vịt mất đầu nhưng vẫn chưa chịu dừng lại, nó vẫn ngến cái cổ không đầu ấy về phía trước, nó quay tròn khiến máu bắn tung tóe. Nhìn cảnh tượng ấy bà Hoài nổi da gà, hai tay run cầm cập. Một lúc sau con vịt ngã xuống đất, nhưng máu từ cổ nó vẫn chảy ra đen xì.
Không ai dám làm thịt con vịt đó nữa, bà Hoài sai người cho nó vào túi rồi đem vứt ra bãi rác. Chuyện con vịt khiến cho mọi người trong nhà cảm thấy có gì đó đáng sợ, không dám nói trước mặt nhưng người làm đồn nhau rằng bà Hoài có lẽ làm gì thất đức nên mới sợ hãi mà cúng kiếng bất ngờ, đến khi làm đồ cũng còn xảy ra chuyện kinh dị. Cũng bởi bà Hoài sống trước nay luôn quát tháo không được lòng kẻ ăn người, gần đây lại bị ông Hải mắng chửi ở nên họ càng tin bà Hoài đã làm gì đó sai trái.
Đem chân gà đi xem thì bà Hoài tá hỏa khi thầy nhìn vào hai cái chân gà rồi phán một câu lạnh gáy:
- Gia đình sắp có điềm hung, rất có thể sẽ có người phải chết.
Bà Hoài quay trở về với một nỗi lo đáng sợ, điều bà sợ nhất chính là cái chết sẽ đến với mình bởi những lỗi lầm đã gây ra trong quá khứ. Nhưng không phải vậy, một tuần sau bà Hoài nhận được tin bố mình ở dưới quê lên cơn đột quỵ đã qua đời. Nghe tin sét đánh bà Hoài gào khóc thảm thiết, trái ngược với bà Hoài, ông Hải lại tỏ ra dửng dưng, cứ như cái chết của bố vợ là một điều tất lẽ dĩ ngẫu sẽ diễn ra.
Đám ma của bố bà Hoài được diễn ra với sự khóc thương của mẹ bà Hoài, cùng những người thân trong gia đình bà Hoài, mọi người ai cũng nghĩ bố bà Hoài chết là do tuổi già sức yếu, nhưng có ba người không nghĩ như vậy, đó là mẹ bà Hoài, bà Hoài và ông Hải. Trong đó bà Hoài là người rõ hơn ai hết, chỉ có điều bà không ngờ người phải chết trong lời phán của ông thầy xem chân giò lại chính là bố của bà.
Sau cái chết của bố, bà Hoài gần như suy sụp, hoảng loạn…. Bà Hoài luôn phải sống trong tình trạng sợ hãi. Trong khi đó, ông Hải đi sớm về khuya, ông Hải đã không ngủ chung buồng với bà Hoài kể từ cái ngày phát hiện ra sự thật về điều tồi tệ mà bà Hoài đã làm trong quá khứ. Bà Hoài tìm đến ông Hải van xin, khẩn cầu sự cứu giúp:
- Mình ơi, tôi biết lỗi rồi…. Nhưng mình nghĩ đi, tôi đang mang thai đứa con của mình. Rồi còn ba đứa nay vẫn còn nhỏ, mình tìm cách cứu tôi với. Tôi sợ lắm, từ ngày hôm đó tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Mình ơi, mình xem tìm được thầy Lã ở đâu thỉnh thầy về đây cứu tôi với. Tôi thề từ nay sẽ không dám làm sai bất cứ một điều gì nữa.
Ông Hải lúc đó ngẩng mặt lên trần nhà cười lớn, nhưng giọng cười của ông xen lẫn sự thống khổ, bất lực:
- Ha ha ha, giờ mà bà vẫn còn muốn tìm thầy Lã về đây sao..? Tôi tưởng bà phải là người rõ nhất lý do vì sao mà thầy Lã không quay lại đây chứ..? Bà nghĩ xem, là do ai..? Do bà đấy…. Bà nghĩ tội ai làm người đó sẽ gánh chịu ư, không, không đâu…. nó sẽ vận vào những người xung quanh bà và bắt họ phải chịu thay bà, tôi nói rồi, tôi mong sao có thể gánh chịu những tội lỗi mà bà đã gây ra để cho con cái hoặc để cho bà được yên ổn. Nhưng xem ra vô ích, bà tưởng tôi vui lắm sao…? Tôi đang muốn chết mà không thể chết được đây…..
Muộn rồi, muộn mất rồi.
Định quay lưng bước đi, nhưng nhìn vợ bụng mang dạ chửa, khóc lóc một cách thảm hại. Ông Hải đặt cái túi trắng đựng viên ngọc tím cạnh tay bà Hoài rồi nói gần như nấc lên:
- Vì các con, bà hãy đeo cái này bên mình…. Tôi không chắc rằng nó có thể giúp bà thoát khỏi tội nghiệt mà mình đã gây ra hay không, nhưng đây là thứ duy nhất mà tôi có thể giúp được cho bà.
Nói xong ông Hải bước đi, bà Hoài ngẩng mặt nhìn chồng van xin:
- Ông không ở lại đây với tôi sao..?
Ông Hải trả lời một cách lạnh lùng:
- Nghĩ đến việc mấy năm nay nằm cạnh bà tôi thấy thật ghê tởm.
Bầu không khí ngột ngạt, u ám, tiêu điều cứ thế dần dần bao trùm lấy ngôi nhà rộng rãi, khang trang nhưng nay đã dần dần lụi bại. Mang thai anh Huấn đến tháng thứ 7 thì xưởng may của gia đình ông Hải bị cháy, toàn bộ hàng hóa, máy móc bị ngọn lửa thiêu rụi chỉ trong một đêm. Cháy sạch, mất sạch, lúc này tài sản duy nhất của gia đình ông Hải chỉ còn là một số tiền tiết kiệm, vài mảnh đất dự phòng và ngôi nhà đang ở. Mọi thứ xui xẻo đến với gia đình bà Hoài như một lẽ tất yếu, nó khiến cho ông Hải không còn động lực để vực dậy cái gia đình đã đến lúc mà theo ông đang phải trả giá.
Kẻ ăn người ở trong nhà cũng dần dần xa lánh bà Hoài, họ không chịu nổi cái tính cùn cáu, hay quát tháo, trút giận lên đầu họ những khi bà Hoài bực bội. Cậu con trai thứ ba và cũng là người con thứ 4 của bà Hoài ra đời, anh Huấn. Anh Huấn sinh ra đúng thời điểm mà gia đình anh đang đứng bên bờ vực sụp đổ.
Ngày đẻ ra anh ông Hải cũng không quan tâm anh như những anh chị trước đó. Có vẻ như vì căm ghét bà Hoài mà ông Hải cũng ghét lây sang cả anh Huấn. Ngay từ nhỏ anh Huấn đã phải nhìn những cảnh ông Hải đánh đập bà Hoài, điều này anh Huấn kể khiến tôi thấy khá ngạc nhiên. Bởi những thứ mà anh kể trước đây chưa lúc nào anh nói ông Hải đánh đập bà Hoài mặc dù trước đó đã xảy ra rất nhiều chuyện còn kinh khủng hơn. Tôi nhớ khi nhớ về tuổi thơ anh Huấn thường hay thở dài:
- Ông ấy đi uống rượu cả ngày lẫn đêm, cứ hễ về nhà nhìn thấy mẹ anh là ông ấy lại đánh. Ngày đó anh chỉ đâu chừng 8-9 tuổi, các anh chị thì lớn hơn một chút, nhưng chỉ có anh là bênh mẹ, còn lại chỉ đứng nhìn bố đánh mẹ mà không dám can ngăn.
Tôi hỏi:
- Vậy người làm khi ấy đâu hết hả anh..?
Anh Huấn khẽ cười:
- Anh nghe mẹ anh kể thì đẻ anh ra xong một thời gian thì đến đồ đạc trong nhà cũng còn phải bán dần đi để lấy tiền ăn thì mày nghĩ làm sao mà còn thuê được người làm. Anh lúc nhỏ là phải quét dọn, ăn uống kham khổ rồi, mà nghe mọi người kể thì trước đó nhà anh giàu lắm. Nói đâu xa, ngay như ông anh cả của anh, ông ấy dù sau này nhà chẳng có gì nhưng vẫn quen thói sống trong giàu sang, chắc có lẽ ngày trước anh ấy được sống sướng thật.
Có lẽ cũng bởi vì vậy mà tôi với anh Huấn dễ nói chuyện với nhau hơn, bởi nếu như theo lời anh Huấn kể thì ngày xưa chắc có lẽ cỡ nhà nghèo như ông bà, bố mẹ tôi làm sao mà quen được với nhà anh Huấn. Viết đến đây, quả thật trong lòng tôi cũng nhớ anh Huấn, một người anh, một người bạn thân thiết luôn tâm sự với tôi những chuyện vui buồn.
Mặc dù câu chuyện mà anh Huấn kể cho tôi cũng chỉ là do anh được nghe kể lại từ mẹ của mình, tôi chợt nghĩ có lẽ sau khi đẻ anh Huấn ra bà Hoài bị mọi người ghẻ lạnh, phải sống trong sự đày đọa từ phía người chồng, bà Hoài chỉ còn biết tâm sự, nói chuyện với người con trai nhỏ bé của mình, cũng là người luôn bênh bà mỗi khi bà bị ông Hải đánh. Những lúc như thế con người ta thường hay kể hết nỗi lòng, dù cho đó có là sai lầm, là tội ác họ gây ra trong quá khứ, điều đó phần nào giúp họ thanh thản. Bởi thế tôi tin câu chuyện của anh Huấn là thật.
Nhưng còn lý do vì sao mà ông Hải cùng ba người con trai phải chết, cũng như trong đám tang anh Huấn, bà Hoài ngửa mặt lên trời mắng chửi giữa màn mưa, giữa những trận sấm sét vang trời:
“ MÀY ĐÃ HÀI LÒNG CHƯA, CON QUỶ CÁI.”
Câu nói ám ảnh tôi suốt cả ngày hôm nay, dù đã viết hết tất cả những gì mà anh Huấn kể ra đây, xâu chuỗi nó thành một câu chuyện hoàn chỉnh theo những mốc thời gian nhất định nhưng tôi vẫn chưa thể có một lời lý giải hợp lý cho ba từ “ CON QUỶ CÁI “ mà bà Hoài đã nói.
“CON QUỶ CÁI “ đó là ai..? Điều mà tôi có thể giải thích khi viết đến những dòng này chính là người phụ nữ ăn xin hay còn được nhắc đến với cái tên cô Chín. Tuy mơ hồ nhưng chắc chắn đó không phải cô Điệp, bởi anh Huấn có nói, mỗi khi nhắc đến cái tên cô Điệp bà Hoài thường xoa đầu anh cười hiền hậu rồi nói:
“ Nếu mà cô Điệp còn sống chắc sẽ thương con lắm đấy. Cô Điệp là một người tốt.”
Vậy thì người mà bà Hoài chửi rủa chỉ còn cô Chín, anh Huấn cũng không kể cho tôi về việc vì sao mà bố anh cũng như hai người anh của anh phải chết. Có lẽ bà Hoài không kể cho anh nên anh không biết, có thể do anh chưa kịp kể thì đã biết trước cái chết đang đến gần mình hoặc có thể anh giấu.
Con người ai cũng có một bí mật riêng mà họ không thể chia sẻ cho ai dù đó có là người thân nhất của mình. Vậy nên tôi cũng chỉ dám đoán, người đã bắt tất cả đàn ông trong gia đình bà Hoài phải chết chính là cô Chín, cô Chín đã báo oán gia đình bà Hoài bởi chính bà Hoài đã không giữ đúng lời hứa giúp đỡ cho cô, khiến cô Chín cùng những đứa trẻ đi theo mình phải chết. Và rồi âm hồn không siêu thoát, cô Chín cùng những “đứa con” của mình đã quay về báo oán.
Chắc hẳn không chỉ riêng tôi, mà nếu là các bạn khi đọc đến dòng này cũng sẽ nghĩ như vậy.
“ Vù….ù…...ù…...ù…..”
“ Cạch...cạch….cạch…”
Tiếng gió bên ngoài thổi mạnh đập vào cửa sổ phòng khách, chính là phía cửa sổ nhìn sang sân sau nhà bà Hoài.
“ Cạch….cạch…”
“ Phần….phật….phần...phật..”
Hai cánh cửa bị gió thổi bung ra mặc dù khi nãy tôi đã cẩn thận chốt lại, tấm rèm cũng bị gió thổi tung lên phất phơ. Tôi ngước nhìn ra bên ngoài cửa sổ, khi mà tôi còn đang nhìn về phía cái sân tối om, có những cây bưởi đang khẽ rung rinh bởi ánh sáng từ bên nhà tôi hắt sang, quay lại tôi ngơ ngác bởi vì chỗ tôi đang ngồi không còn là trong nhà tôi nữa…..
Tôi đang đứng trong một ngôi nhà rộng thênh thang với những món đồ cổ nhìn rất đẹp, bên ngoài sân là hai con có Tây rất lớn đang nằm sưởi nắng, tôi nhận ra tôi đang ở trong nhà bà Hoài, quay lại nhìn vào bên trong tôi thấy bà Hoài đang ẵm trên tay một cậu bé, bà Hoài nựng con:
- Huấn của mẹ ngủ ngon nhé. Hôm nay là đầy tháng của con đấy, con trai.
Vậy đây chính là thời điểm mà anh Huấn vừa sinh ra được một tháng…..
Khung cảnh xung quanh tôi tiếp tục thay đổi, tôi cứ như người đang chìm trong một giấc mơ mà bản thân tôi muốn tỉnh lại cũng không thể nào tỉnh được, mọi thứ xoay chuyển, chúng hiển hiện ra trước mắt tôi cứ như muốn tôi được chứng kiến.
Màn đêm buông xuống, trước mắt tôi là bà Hoài cùng hai người phụ nữ, họ đang nói với nhau điều gì đó, tự mình bước lại gần, hình như chỉ có tôi là thấy được họ, còn họ không hề biết đến sự hiện diện của tôi lúc này. Tiến sát hơn thì tôi nghe thấy bà Hoài nói chuyện với một người phụ nữ .
--------------------------------
Đọc tiếp phần 44: Kim đồng hồ quay ngược
Đọc trọn bộ: NGHIỆP CHƯỚNG - TRƯỜNG LÊ
Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê